Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Xuân Hoài kể chuyện chuyến du ngoạn của Đoàn 10

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Phần I: CHUYẾN DU NGOẠN NGƯỢC VỀ THUỞ ẤU THƠ
Bài và ảnh : Xuân Hoài

Tôi đã đọc khá nhiều sách, nhưng câu nói của Tác giả tiểu thuyết về chàng Hiệp sỹ đánh cối xay gió Don Kihote:’ Cái gì đã học được ở tuổi thơ thì sẽ còn mãi” thì tôi nhớ nhất và luôn nhắc lại mỗi khi có dịp. Còn giờ đây lại có dịp nhắc lại bằng xương bằng thịt.
Nào ! Lên xe, chúng ta du ngoạn ngược về tuổi thơ-(từ trái sang,
 đằng sau lên: Khoa Phi, Ngô Hà, Nhật Lệ, Hồ thị Nghĩa,
Ng.thị Quang Thùy, Lê Khắc Hân)
Sáu mươi hai năm trước, vào dịp đầu hè 1953 Đoàn thiếu sinh khu tư hơn ba mươi đứa trẻ từ 9 đến 15 tuổi bắt đầu cuộc hành quân ngày đi đêm nghỉ  hơn ba tháng đi bộ từ nơi tập kết Chợ Rộ , huyện Thanh Chương , vốn là thủ đô Vùng Tự Do miền Trung để sang đến Bằng Tường, Trung Hoa. Là Đoàn cuối cùng, thứ 10, đến được Lư Sơn, nên quen gọi là đoàn 10. Có người chỉ khi tập trung ở Chợ Rộ mới xa nhà, đến tập trung còn mếu máo. Nhưng nhiều bạn khác thì đã xa nhà từ 1,2 năm trước nên đã là “ma cũ” dày dạn kinh nghiệm hành quân.
Sáu mươi hai năm sau, cuối xuân đầu hè, ngày 30/3/3 chúng tôi ngược trở lại một đoạn đầu của con đường đi bộ năm xưa.
9 giờ sáng , sau bữa điểm tâm gọi là đặc sản miến lươn Ninh Bình, xe bỏ đường quốc lộ trơn tru, ở ranh giơi giữa khu ba và khu 4 xưa, rẽ vào phía tây men theo “đường làng” mấp mô đến địa danh đầu tiên mà chúng tôi năm xưa đã dừng chân nghỉ ngơi trước khi rời khu Tư an toàn để sang khu ba còn tạm chiếm. Địa danh này là Phố Cát , Thanh hóa. Nghỉ lại Nho Qu Từ đây đến thị trấn Rịa là 15 km , từ Rịa đến Nho Quan (bìa rừng Cúc Phương) cũng chỉ 10km, quãng đường dài nhất một đêm mà bọn trẻ đi được.  Nghỉ lại Nho Qu
 Nơi đây trong kháng chiến là vùng đệm giữa vùng tạm chiếm với vùng tự do. Vẫn còn nghe vang vọng tiếng đại bác. Đoàn khu tư nhập với đoàn khu 3 từ vùng địch lên (10 người) tại Nho Quan. Một bạn khu ba vừa hy sinh vì đạn địch, bạn Hoàng Kim Giao (K2) bị thương lúc bấy giờ. Sau này Kim Giao là người đầu tiên tháo được ngòi nổ bom từ trường cho quân đội ta nghiên cứu phá bom. Lần phá bom sau ở Nghệ An, Kim Giao bị bom nổ tan thành khói bui. Sau khi nhóm phá bom từ trường được giải thưởng Hồ Chí Minh, người ta quên mất  bạn Hoàng Kim Giao của chúng ta. Về sau Giao được truy tăng Anh Hùng , là niềm tự hào của Viện KTQS nơi Nguyệt Ánh chắc biết rõ. Giơi Vật Lý chúng tôi cũng rất vui vì chuyện này (tôi dạy Vật Lý có dạy vài giờ lớp của Giao, tốt nghiêp Giao nhập ngũ ngay)
Thị Trấn Phố Cát, Thanh Hóa, nơi 62 năm trước đoàn đã dừng nghỉ
để chuẩn bị rời vùng tự do Thanh Nghệ ra khu 3 địch còn tạm chiếm.
Rịa là ranh giới giữa Thanh Hóa-Ninh bình. Đoàn đi từ Phố Cát qua Rịa
đến Nho Quan, nơi còn nghe tiếng đại bác.
Lúc bấy giờ gặp nhau ở Nho Quan, sáng dậy thấy các bạn khu ba xuống suối đánh răng, nhổ bọt trắng xóa, bọn trẻ khu tư như tôi lạ lắm, liền hè nhau nhảy xuống suối bốc bọt lên nếm thử cho biết đánh răng là thế nào ! Ôi , một thời thơ ấu, hồn nhiên, gian khó , làm sao mà quên được !.
Từ Phố Cát (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) theo con đường mòn ngày xưa đi bộ , nay là quốc lộ 45 đến Cẩm Thủy . Gọi là quốc lộ nhưng đường vô cùng xấu, xe chở mía cho nhà máy đường Lam Sơn, lặc lè quá tải,  cày nát con đường. Chắc quân của ông La # không dám động đến cánh lái xe dữ dằn “ăn rau má, phá đường tàu “ ở đây! Ngày trước chúng tôi đi bộ từ thị xã Thanh Hóa qua Đồi Thông lên đây. Nhưng giờ thì chúng tôi bỏ đoạn này để đến Lam Sơn. Nhưng đường quá xấu, Tuấn Nga đã chịu không nổi rồi, chúng tôi đành bỏ kế hoạch đến Lam Kinh mà nhảy ngay lên đường Hồ Chí Minh ở Ngọc Lặc cho êm thuận, dù xa hơn.  Đã hơn 60 năm , ở nhà Tây ăn cơm Tàu ,U80 cả rồi , đâu còn như thuở thiếu sinh quân gian khó thuở lên 10 !
Đường hàng tỉnh xấu lắm. Mệt quá rồi !
Đường mòn HCM chạy trong núi rừng đẹp như mơ, ai nấy phấn chấn , hát hò “quê Bù Linh hay quê Bù Leo…” vang rừng núi. Không dừng lại Lam Sơn, cố chạy 110km cho đến tx Thái Hòa ,Nghĩa Đàn Nghệ an để nghỉ trưa. Đây chính là con đường thượng đạo ngày xưa Lê Lợi năm 1424 theo mưu Nguyễn Chích bỏ Lam Sơn vào Nghệ An xây căn cứ , nhờ đó mới đánh thắng được quân Minh. Thế nhưng đi được nửa đường, đói quá , dừng chân lại  quán núi ở Yên Cát , Như Xuân ,Thanh Hóa. Gọi là quán miền núi, nhưng là một khu nhà sàn hoành tráng, thật ra đây là chốn ăn chơi của các đại gia. Mấy chị Quang Thùy, Nhật Lệ…trong lúc chờ cơm, leo lên tầng 2, đãchoáng ngợp với cảnh ăn chơi VIP, với chục phòng A-Z bí hiểm, phập phùng tiếng nhạc dậm dật. Ngó trộm qua khe cửa hẹp thấp thoáng bóng hồng sơn nữ với các đấng mày râu. Nhà sàn xây gỗ quý, khó ai tưởng tượng nổi. Các quý ông hết thời oanh..chỉ có cách đi ngắm những cột, sàn gỗ quý hiếm…khó có nơi nào ở Sài Thành, Hà nội có được. Khá khen cho Đại gia nào có mắt tinh đời xây nên nơi này, chỉ một giờ chạy xe từ TP Thanh Hóa, hay 2 giờ từ Nghi Sơn là đến được ăn chơi thâm sơn cùng cốc này. Bữa trưa quán núi hôm nay mới được chứng kiến Nữ tướng Ngô Hoàng Hà , quả danh bất hư truyền. Các anh Khắc Hân, Hồng Nhật, Uy Liêm, Khoa Phi hý hửng khoe tài với chai Johny Walker đầy ắp mà cũng không địch nổi Ngô Hoàng Hà . Anh cả Lê Khắc Hân đành phải    ngậm ngùi than thở, bốn anh em ta chỉ bằng một nửa “thằng” Ngô thị Hoàng Hà này thôi. Từ nay nó ngồi bàn với chúng ta, còn Xuân Hoài thì từ nay phải sang ngồi bàn với chị em
Tiệc rượu trưa ở quán núi Yên Cát, Như Xuân (rượu tự mang đi)
Thật  là xứng với câu ca “ Gái Công trường như hoa Thiên Lý. Trai Địa chất như khỉ leo cây”. Số phận đã đưa một cô gái K3 xinh đẹp trở thành một chỉ huy công trường từ năm 1962 , lúc đó đa số chúng ta còn trên ghế giảng đường đại học. Lăn lội khắp mọi công trường xây dựng từ nam ra Băc, Ngô Hoàng Hà đã góp sức xây dựng nên bao công trình cho đất nước và xây cho mình một khu resort  lớn ở Bảo Lộc mà anh em ta đã và sẽ có dịp đến thăm.
Chuyện Phi Nghĩa: mới buổi sáng vào rừng. Hôm sau đã ...ọe !
Đường HCM chạy phía tây Thanh Nghệ, đẹp như tranh vẽ. Sau một chầu rượu hết cỡ , tưởng là mọi người lim dim, nhưng càng đi càng hăng say hát hò , thay nhau kể chuyện sáu mươi năm trước. Ai đó lên tiếng hỏi chuyện thằng nào ngày xưa đi đường dấu anh em để mút trộm sữa nhỉ ? Uy Liêm tuy đạo mạo , nhưng cũng thừa nhận , số là lúc bấy giờ Liêm có một hộp sữa “Con Chim” hàng của vùng địch mang ra. Nhưng Liêm không biết cách nào hút ra được. May nhờ có thằng ……bày cho cách đục hai cái lỗ, thế là hai thằng từ đó dấu cả đoàn thi nhau hút sạch hộp sữa đặc. Nay xin thành khẩn nhận khuyết điểm !
Rừng núi đẹp quá, lại bia rượu đầy bụng, chưa đến được Đô Lương mà đã hò nhau dừng xe giữa rừng để …ngắm rừng cận cảnh. Thế mà cũng có chuyện Phi Nghĩa xẩy ra đấy, xin mời ngắm ảnh và chú thích kèm theo (phó nháy và bình luận của Hồng Nhật)

Chọn mua cam Vinh trái mùa, thực ra là cam Nghĩa đàn
trên đường Hồ Chí Minh. Cam càng xấu càng ngon !
 Một vùng rừng núi Nghĩa Đàn ngày xưa, vùng đất đỏ quý hiếm của miền Trung  nay là bát ngát những cánh đồng. Trước đây là nông trường trồng cam làm đặc sản xuất khẩu sang Liên Xô. Liên Xô sụp đổ, cam tàn và thoái hóa. Dân nghèo xác xơ. Mãi rồi cũng kiếm lối thoát. Giờ thì ngoài cam còn có Cao su và  Bò sữa. Hàng chục cây số xanh ngát màu cỏ Voi, Ngô lai . Đây là trang trại bò sữa hàng vạn con sống như bà hoàng của Cty True Milk , sữa TH đấy mà, vốn là tên gọi tắt của bà  Thái Hương, chủ Ngân Hàng Bắc Á (theo tin đồn là sân sau của một trong tứ trụ người Nghệ !).
Cam Nghĩa Đàn (tức cam Vinh) vẫn có, tuy không đúng mùa. Lạ nhất là cam càng bé, càng héo thì lại càng đắt, càng ngon, cô bán hàng khuyên thế. Các chị có kinh nghiệm như Minh Hà, Quang Thùy chọn ăn thử ngay cam này rồi mới mua, còn các cô Nghĩa , Lệ chuộng to đẹp thì ôm ngay lấy đống cam to tướng, vàng óng trả tiền liền …và ăn rồi mới biết. Dân miền núi xứ Nghệ bầy choa không có “nói xạo” đâu.

3 nhận xét:

  1. Cuộc du ngoan về nguôn của các "ông bà lão " tim lai tưổi thơ thật tuyệt vời ! Nhiều người trong "các cụ "
    đã hơn 60 năm mới gập lại để "quay về tuổi thơ " được anh Xuân Hoài-một người có trí nhớ "siêu" ' kể lại rất ấn tượng".Chúc mừng các cụ đã có những ngày sống vui,hạnh phúc bên nhau !

    Trả lờiXóa
  2. Kỷ niệm tuổi thơ thật êm đẹp
    Đã nâng những bước chân đời ta
    Hôm nay cùng nhau hâm nóng lại,
    Vàng son tô thắm thêm tuổi già.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết giàu cảm xúc của TXH làm mình bồi hồi nhớ lại chuyến đi từ quê Nghi lộc- Nghệ an tới ATK Việt Bắc. Cũng vẫn là con đường rừng KC từ miền Trung ra Bắc. Đêm đi ngày nghỉ. Từ Thanh hóa mình đi ca nô đến Kim tân hay Cẩm thủy gì đó rồi qua dốc Cun sang Hòa bình. Còn nhớ một chiều đi qua đồn giặc Tu vũ nhìn sang bên kia sông là núi Ba vì. Những địa danh đã quen qua sách báo kháng chiến. Rồi đi đò từ Hòa bình lên Phú thọ, rồi Tuyên quang sang Thái nguyên....Những năm tháng ấy đã xa rất xa rồi mà ấn tượng đọng lại vẫn rất sâu đậm.....C/ơn XH.

    Trả lờiXóa