Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH BÁC HỒ

Thơ của Trần Công Thanh ,
cựu HS K4 Trường TNVN


HỒ CHÍ MINH

( Tượng Bác vừa khánh thành tại Tp.HCM)

          Từ giã cõi đời
             Tình yêu của Người
             Vẫn thấm sâu
             Trong lòng Dân tộc !

             Bởi vì Người

            Ông Bụt của tuổi thơ
            Bác Hồ của  tuổi trẻ
            Ông Ké của tuổi già
            Cha già của bộ đội!

           Vị Thánh Hiền mở lối
           Đức Phật Ngọc khai tâm
           Phép Liêm Chính Kiệm Cần
           Phép Chí Công Giản dị!

           Bông sen vàng hữu nghị
          Dòng nước mát nghĩa tình
          Ngọn gió lành hiển linh
          Đời tự do bác ái!

          Bởi vì Người

          Nguyễn Tất Thành nhân ái
          Nguyễn Ái Quốc kiên trung
          Tống Văn Sơ anh hùng
          Hồ Chí Minh vĩ đại !


                                             (KTS Trần Công Thanh )

8 nhận xét:

  1. Bài thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây chưa phải là bài thơ xuất sắc, nhưng là tiếng nói chân thành của một người Việt Nam cùng thế hệ chúng ta - bạn Trần Công Thanh, cựu HS K4 Trường TNVN (53-57). Cùng với 1 số bài hồi ký, kể chuyện bác Hồ ...bài thơ là tiếng nói của dân Làng chúng ta tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu, người đã từng chỉ thị thành lập Trường TNVN ( trực thuộc Ban TC TWĐLĐVN) nuôi dậy con em các cán bộ KC,CM . Người cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho bác Đặng văn Cáp và cô Phương Hoa phụ trách Trường TNVN vào thời gian đầu thành lập. Chúng ta hẳn chưa quên, Bác đã có lần hẹn đến thăm Trường ta, nhưng vì học sinh trường đang bị dịch cúm nên cuộc thăm của Bác không thành. Bác có viết gửi chúng ta 2 câu thơ ai cũng nhớ, nguyên văn như sau :
    Bác mong các cháu rất ngoan
    Bác gửi các cháu một ngàn cái hôn

    Trả lờiXóa
  2. Em xin góp mấy câu của một bài hát từ thủa nhỏ mà em vẫn nhớ:

    Bác Hồ chí minh
    Giũa rừng cây xanh
    Chúng cháu nhớ Bác!
    Chúng cháu thèm gặp Bác
    Mong bác đến chơi
    Để thấy bác cười
    Để được bác ẵm...

    Trả lờiXóa
  3. Còn tôi, mỗi năm đến ngày SN Bác lại nhớ bài thơ của 1 TSQ Việt Bắc viết thư tay gửi lên Bác :

    Bác Hồ ơi !
    Cháu là em bé phương xa
    Theo anh vệ quốc xa nhà từ lâu
    Cháu qua sông Đuống sông Cầu
    Phủ Thông, đèo Khách, An Châu, Lũng Vài
    v.v...

    ( Chắc rất nhiều cựu TSQ còn nhớ bài thơ Mừng sinh nhật Bác này !)

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Ngọc Hùng07:45 18/5/15

    Xin hoan nghênh BĐH Blog của Làng Ta cho xuất bản nhiều bài nhân dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Tôi tin là những cựu học sinh LS- QL chúng ta luôn tôn kính Bác Hồ một cách chân tình và khách quan, cho dù hiện nay cũng xuất hiện một số nguồn "tài liệu đa chiều" mà trong số đó không thiếu gì ác ý, thậm chí bịa đặt.
    Tôi xin bày tỏ cảm nghĩ cá nhân về bức tượng mới được dụng lên phía trước trụ sở UBND Tp HCM: Tôi không thích bức tượng này bằng bức tượng cũ của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Bức tượng cũ là một Bác Hồ giản dị, phong sương mà hiền hoà bế một cháu nhỏ xinh sắn. Bức tượng ấy toát lên cái hồn của Bác Hồ vốn đã thấm sâu vào lòng người dân thế hệ trải qua 2 cuộc kháng chiến. Còn những bức tượng ngày nay quá nhiều về số lượng trên khắp đất nước, quá lớn về kích cỡ và tiền đầu tư "cho xứng tầm lãnh tụ vĩ đại", nhưng lại quá nghèo nàn về ý tưởng và kiểu dáng. Tất cả chỉ xừng xững uy nhiêm đến lạnh lùng. Tất cả chỉ theo khuôn mẫu "một ông già, có cái trán cao, có một chòm râu, mặc áo đại cán, giơ tay lên chào", thế là... Hồ Chí Minh!!!
    Tôi nghĩ bản chất Bác Hồ chẳng thích "xừng xững" như thế, "cao xa" như thế. Đấy là chưa kể nhiều bức tượng chẳng giống Bác Hồ cả về nét mặt và không hề mang "cái hồn" yêu nước thương dân của Bác.

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Ngọc Hùng07:56 18/5/15

    Có cụ nào nhớ bài hát này không: "Ngồi em nhớ Bác Hồ nơi xa vắng. Bác kính yêu, giờ bác sống ở đâu? Em ước mong mai ngày gặp bác. Hôn Bác Hồ và vuốt chòm râu!"
    Bài ca hết sức ngắn gọn và bình dị này thường được lũ nhóc chúng tôi hồi lớp 1, lớp 2 sử dụng để gỡ bí mỗi khi bị yêu cầu phải hát một bài gì đó trước lớp.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi rất nhất trí với ý kiến của ban Nguyễn Ngọc Hùng về tượng Bác vừa khánh thành.
    Ngay hôm xem truyền hình trực tiếp, tôi và H. Hùng (Tú Riềng) đều không thích tượng trên, dù có cao to,hoành tráng ,(lý do thì nhiều, bạn Ng.Ng.Hùng đã nói hộ một phần).
    Nhơ câu thơ sau của NT Tố Hữu: "Bác để tình thương cho chúng con / Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ MONG MANH ÁO VẢI HỒN MUÔN TRƯỢNG /HƠN TƯỢNG ĐỒNG PHƠI NHỮNG LỐI MÒN./ "

    Trả lờiXóa
  7. Ngay trong lúc Tp.HCM làm lễ rất hoành tráng khánh thành tượng ( Mới ) Hồ chủ tịch, tôi và cụ Đỗ Bảo ( Nguyên chức sắc cao cấp-ngoài đảng của ngành Mỹ thuật, mới nghỉ hưu ) , đã có cuộc trao đổi ngắn về bức tượng này ! Nay xin trao đổi thêm với các cụ ( trước hết là Ngọc Hùng, Trung Hải ...có ý kiến sớm nhất trên Blog Làng xung quanh chuyện này )
    1. So sánh 2 tượng Bác như bạn Ngọc Hùng có cái đúng là hàng chục năm qua ta đã quen với hình ảnh trước UBNDTp.HCM có nhóm tượng Bác Hồ với cháu bé bằng đồng đen khá thân thuộc và phần nào mang được tính cách của Bác. Tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng tượng này ...sai quy cách, sai tỷ lệ. Nếu quả đúng như vậy thi thay là phải . Thời ấy khởi thủy Tp đặt HS Diệp Minh Châu làm 1 tượng Bác bán thân rất lớn bằng đá mang từ Đà Nẵng vào. Tôi có đến xem các phác thảo ( bằng đất, nhỏ ) của ông đặt la liệt trong khuôn viên tòa nhà ông ở. Tôi cũng có xem ảnh chụp công trường tạc tượng Bác theo mẫu của ông. ấn tượng là cả khối đá cực lớn cứ bị gọt đẽo dần dần đến nỗi Bác chỉ còn lại từ ngục áo trở lên đặt giữa bãi đá rộng có cái chòi rất cao để che, đậy ! HS DMC tuổi đã cao, sức yếu là đương nhiên. Tuy nhiên ông còn kịp sáng tac bức tượng Bác Hồ và cháu bé thay thế . Tượng được đúc bằng đồng mầu đen đặt tại nơi sau này gọi là Vườn hoa tượng đài Bác .
    Mấy năm trước Tp có quyết định thay thế, làm bức tượng Bác khác to đẹp, hoành trang hơn. Một cuộc thi thiết kế tượng Bác được phát động rầm rộ. Một Ban đảng thành lập, ra đề tài và duyệt cẩn thận. Người ta cũng đã triển lãm lấy ý kiến các giới nhân dân về các mẫu gửi về BTC .Và qua nhiều lần "tập thể góp ý xây dựng" chúng ta có bức tượng đồng Bác như hiện hữu.
    Cụ Nguyễn Đỗ Bảo cực lực chê tương cũ ( Sai tỉ lê và ....chê luôn tượng mới. đúng như Ngọc Hùng và Trung Hải nhân xét: Tượng Bác rất mô-nô-tôn, có cảm giác gặp ở bất cứ nơi nào. Trông Bác đứng ở tư thế vừa cứng, vừa không vững . Cụ Hữu Hùng ( nhà bình loạn nổi tiếng Làng ta) thì đề nghị Thủ đô cử ngay mấy "quan ngành xây dựng HN" vào sửa tượng Bác cho thêm "đường cong mềm mại !". Tất nhiên là tếu, nhưng cũng có ...lý ! Nhà nghiên cứu mỹ thuật Đỗ Bảo rất chê tư thế 2 chân Bác và cánh tay Bác giơ lên. Và cụ chê cả chi tiết lần tổng thể . Tôi hỏi, vậy tất cả các tượng Bác cụ cho tượng nào ưng ý nhất? Cụ nói ngay , đó là tượng Bác ở đảo Cô Tô ! ( Bác mặc đại cán nhưng phanh áo rất gần gũi với quần chúng ). Làm tượng Bác mà không nêu được đặc điểm của Bác thì mất nhiều ý nghĩa ! Tôi chê cả ngành điêu khắc VN chưa có ai đủ tầm cỡ làm tượng đài Bác Hồ kể cả ông Diệp Minh Châu mà tôi đã có vinh dự vài lần tiếp xúc (để làm phim lúc ông còn sống ). GSTS đỗ Bảo đồng ý, nhưng ông nói thêm, Nghệ sĩ là sáng tạo tự do, mà các bố ra đề tài : Bác phải đứng, phải giơ tay, phải mặc đại cán nghiêm chỉnh , mắt phải thế này, miệng phải thế kia...thì có mà ..Tối chứ Sáng cái gì ! Khó thế đấy các cụ ạ. Thôi giờ ta cứ tạm chiêm ngưỡng Bác qua bức tượng này, biết đâu sau này sẽ có có một tượng Chủ tịch Hồ Chí Minhbkhác, đúng là anh Nguyễn Sinh Cung, là đồng chí Nguyễn ái Quốc - Chủ tịch HCM, là Bác Hồ , thỏa lòng mong ước của cả dân tộc thì sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng12:01 19/5/15

      Cám ơn những thông tin của Cụ Calathau. Tôi không có chuyên môn để nhận xét theo "học thuật" về một bức tượng. Tôi chỉ yêu cái mộc mạc, bình dị của tác phẩm của HS DMC. Bức tượng ấy là phóng tác chứ không phải là tượng chân dung, mang tính nghệ thuật hơn là tính chính trị. HCM của DMC là Bác Hồ chứ không phải là Chủ tịch HCM. Mầ Bác Hồ thì có lẽ thân thương nhất là hình ảnh phong sương, gầy guộc, mộc mạc thời ở chiến khu Việt Bắc mà tượng của DMC muốn mô phỏng.
      Rất may là khi nghe nói chủ trương thay tượng Bác, tôi đã cảm thấy cái mới chưa chắc hay bằng cái cũ, nên đã chụp được một sê ri ảnh bức tượng đã bị di dời về Nhà Văn hoá Thiếu nhi Thành phố. Khung hình mà tôi đã chụp được nay không còn nữa; đã trở thành "di sản" rồi!

      Xóa