Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

NỖI LO TỪ MIỀN TRUNG

Nguyễn Ngoc Hùng

Mấy ngày nay, VTV và các báo hằng ngày liên tiếp đưa tin về những sự vi phạm của du lịch Trung Quốc ở một số tỉnh miền Trung. Theo các thông tin này, số du lịch TQ vào VN tăng đột biến trong vài tháng qua, lên đến hơn 1 triệu người, mà tập trung nhất là ở địa bàn các tỉnh ven biển miền Trung. Trong số những vi phạm, nổi bật là đội ngũ hướng dẫn viên “chui” người TQ hành nghề trái phép ở VN. Số này tự giới thiệu cho du khách TQ về VN, trong đó có nhiều nội dung sai trái về lịch sử, về lãnh thổ biển đảo… những vấn đề mà TQ đang cố tình đổi trắng thay đen, biện bạch cho tham vọng độc chiếm các quần đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của VN.
2015 khách du lịch TQ đến Đà Nẵng tăng đột biến 

Thế là lại thêm một sự tăng đột biến nữa sự hiện diện của yếu tố TQ ở miền Trung. Nói là “thêm”, bởi TQ đã có “căn cứ địa” Formosa ở Hà Tĩnh, đã có những khu đất “vàng” ở Đà Nẵng, thậm chí đất bao quanh sân bay quân sự Nước Mặn… Nay TQ đổ cả triệu người vào du lịch ở miền Trung; trong đó có bao nhiêu người được “các cơ quan chức năng” của TQ cài vào?
Tôi còn nhớ khi cùng một số bạn hữu làm chuyến du lịch “Trở lại trường xưa” năm 2008, đã có dịp tiếp cận với cách quản lý của TQ đối với ngành du lịch của họ. Khi ấy, anh bạn TQ làm hướng dẫn viên tiếng Việt công nhận rằng anh ta phải báo cáo với an ninh TQ về hoạt động của các đoàn VN mà anh ta hướng dẫn. Tôi thấy có một sự lạ: Tất cả những người làm việc ở các khách sạn mà chúng tôi đến tạm trú đều không nói tiếng Anh, kể cả giám đốc khách sạn “Lư Sơn Đại lầu” (trước đây là nhà nam của Trường thiếu nhi VN năm 1953). Anh bạn hướng dẫn đoàn sau đó thú thực là có quy định không để khách du lịch giao tiếp với nhân viện khách sạn, trừ tại khách sạn “5 sao”. Mọi sự giao tiếp như vậy đều phải thông qua hướng dẫn viên của đoàn khách, để quản lý chặt chẽ đối với khách du lịch. Và rồi hướng dẫn viên phải báo lại với cơ quan an ninh. Như vậy, có thể nói an ninh- tình báo TQ quản lý ngành du lịch của họ rất chặt chẽ, vừa quản lý du khách, vừa phát hiện nếu du khách có hoạt động gì mà họ coi là bất lợi cho TQ. Từ hiện tượng này, có thể suy ra rằng hoạt động du lich TQ đến VN, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, không thể thoát ra ngoài những mưu đồ “hán gian” của phía TQ.


 Cả triệu ngư dân phải lên bờ, bỏ ngỏ biển khác nào bỏ ngỏ cổng cho kẻ cướp vào nhà !

VTV hôm qua lại đưa tin “Đảng và Nhà nước” đang ưu tiên sắp xếp cho hàng triệu ngư dân miền Trung chuyển đổi nghề nghiệp, trong đó có ưu tiên đưa họ đi xuất khẩu lao động… Thế là quá lo lắng cho đồng bào mình đang gặp cảnh mất môi trường biển để sinh nhai sau thảm họa do Formosa gây ra. Nhưng lại nghĩ: Ta đã coi mỗi con tàu đánh cá là một cột mốc di động và mỗi ngư dân là một người lĩnh thường trực để khẳng định chủ quyền trên vùng biển của tổ quốc. Nay những con tàu buộc phải nằm bờ, hàng triệu ngư dân “được” đẩy đi lao động ở nước ngoài! Thế là Formosa đã làm được một việc mang tính chiến lược cực kỳ to lớn là dọn sạch cả rừng cột mốc di động và vô hiệu hóa cả triệu người lính ngư dân của VN, để vùng biển miền Trung trống trơn cho các mưu đồ đen tối của TQ. Trả 500 triệu USD quả là cái giá quá bèo cho một “phi vụ” lấn chiếm ngoạn mục như thế!
Nhưng vì sao lại cứ nhắm miền Trung?
Nhìn lên bản đồ thì thấy ngay đoạn giữa miền Trung, từ Hà Tĩnh trở vào đến Nha Trang “phơi bụng” ra Biển Đông. Từ đó đến Hoàng Sa và các bãi cạn thuộc Trường Sa mà TQ đã chiếm đóng, biến thành các căn cứ quân sự của họ, là một khoảng cách ngắn nhất so với các điểm khác ở bờ biển VN. TQ đã có các căn cứ quân sự kiên cố và thường trực tại các đảo ngoài khơi. TQ đã thử nghiệm việc “cắm” căn cứ nổi như Giàn khoan HD 981 hồi năm 2014 ở vùng phía tây Hoàng Sa- Trường Sa, gần kề với đoạn giữa miền Trung. TQ đã có các “căn cứ” trá hình là nhiều dự án do TQ đầu tư quy mô lớn ở các tỉnh đoạn giữa miền Trung. Và nay, TQ đổ hàng triệu lượt người theo đường du lịch thay nhau tràn ngập khu vực này của miền Trung nữa…
Nếu có biến cố tranh chấp quân sự nổ ra, thì sẽ thế nào nhỉ? Chẳng phải là một chiến lược gia quân sự, tôi trộm nghĩ ra một kịch bản thế này: TQ tập trung lực lượng quân đội lớn áp sát biên giới phía bắc, kéo lực lượng QĐ VN lên đề phòng. Rồi đưa lực lượng hải quân đông đảo, cùng các đoàn tàu đánh cá quân sự hóa tràn từ ngoài khơi Hoàng Sa- Trường sa lao vào đoạn giữa miền Trung. Cùng lúc, lực lượng ém trước của TQ có sẵn tại Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Nha Trang… tiếp ứng. Thế là không mấy khó khăn cắt đứt “khúc ruột miền Trung” để ngăn VN thành 2 miền, mà phía bắc, từ miền Trung trở ra hoàn toàn nằm gọn trong vòng vây ba bề bốn bên của TQ…. Nuốt chửng!
Không dám nghĩ thêm nữa!!!
05/7/2016
NGUYỄN NGỌC HÙNG

1 nhận xét:

  1. Đây là một bài viết hay, rất cần phổ biến rộng rãi cho nhiều người đọc, trong đó có cả các vị "lờ đờ " của nước ta!
    Tôi xin thêm ý này. Qua phản ánh của báo chí,hình như chúng ta chưa có qui định ,qui chế quản lý khách du lịch nước ngoài ,đặc biệt là khách TQ , nên họ vào VN mà như "về nhà ", muốn làm gì thì làm,nói gì thì nói, tiêu tiền của họ như trên đất họ, thậm chí còn dám đốt tiền Việt và đánh cả hướng viên DL VN. Và dường như có ai đó bảo kê cho khách TQ nên mấy cháu này rất sợ, không dám nói sự thật. Thế là sao nhỉ? Bây giờ mới đặt v/đ thành lập lực lượng "Công an du lịch "thì bao giờ mới giải quyết được vấn nạn du lịch kiêm tình bào Tàu? Tại sao ngành CA, an ninh nói chung hiện nay lại không ra tay? Tại sao dân ta vừa tỏ thái độ yêu nước, xuống đường thì bị túm ngay, còn người TQ thì tự do hoành hành. Nghĩ mà tức anh ách! Theo tôi tình hình đã nghiêm trọng lắm chứ không thể chủ quan được. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng TQ sẽ đánh TS của VN trong thời gian tới, sau khi có kết luận của PCA . Kịch bản có thể là : cho tầu cá- biển người xâm phạm khu vực miền TRung ( khi đã không còn ngư dân); gây hấn khiêu khích, buộc VN phải xua đuổi, thậm chí bắt giữ , bắn cảnh cáo v.v.Dựa vào đó TQ sẽ lu loa vu cáo VN " bắn tàu cá giết ngư dân TQ " nên phải trừng phạt. Một mặt cho quân áp sát biền Miền TRung, một mặt tiến đánh TS- đó mới là mục tiêu chiến lược của TQ. Liệu các vị trên cao đã lường hết các tình huống để đối phó theo phương châm " không để bị bất ngờ" hay sẽ lại bị bất ngờ lần nữa như hồi 1979 vì tin tưởng vào "tình đ/c" Máclê Mao?

    Trả lờiXóa