Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

"TUỔI TRẺ" PHỎNG VẤN TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH

Không ai quên lợi ích quốc gia, dân tộc

BĐH- Đây là bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ nhân ngày đầu năm 2013 của tướng Nguyễn Chí Vịnh. Những ý kiến của tướng Vịnh đã gây ra 2 luồng tư tưởng trái chiều . Nhiều người khen, không ít người phê phán , thậm chí phê phán gay gắt. Còn Làng ta "bình loạn" ra sao ? . Xin nhường đất để các cụ đàm đạo .

 
TT - “Ước mong của tôi có lẽ cũng nằm trong ước mong chung của mọi người Việt Nam, đó là sang năm 2013 đất nước ta tiếp tục ổn định, nền kinh tế ấm hơn và hòa bình ở biển Đông”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tâm sự như trên trong cuộc trò chuyện trước thềm năm mới với Tuổi Trẻ.

Một trật tự đa cực đang dần rõ nét
* Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây vừa tròn một năm, khi nhận định về an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và đặc biệt là Đông Nam Á, ông nói rằng nguy cơ lớn nhất chính là một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược “ngoại giao pháo hạm” mới của các nước lớn khi triển khai sự can dự của họ. Trong năm qua đã có những diễn biến gì mới xung quanh vấn đề này?
Chưa thấy  đế quốc Mỹ đâu đã thấy  các đ/c Tầu  cùng lý tưởng xây trụ sở "Tp Tam Sa" trên đào Hoàng Sa của VN !
- Chúng ta đã và đang chứng kiến sự can dự một cách mạnh mẽ, khẩn trương và hết sức quyết liệt của các nước lớn vào khu vực, làm cho tình hình khu vực thay đổi rất nhanh chóng, không loại trừ sẽ có những thay đổi về chất so với trước đây.
Trước hết là việc Mỹ tuyên bố tái cân bằng chiến lược, quay lại châu Á – Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố từ nay đến năm 2020, lực lượng quân sự Mỹ sẽ chuyển dịch cán cân ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành 60-40 thay vì 50-50 hiện tại.
Dù sự chuyển dịch đó chỉ là 10% nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt biểu tượng. Hoa Kỳ vẫn tự xem mình là một quốc gia Thái Bình Dương, và sự can dự của Mỹ vào đây là rất ồn ào, chúng ta hãy nhớ câu nói của Ngoại trưởng Hillary Clinton: “Trong thế kỷ 21 này, điều quan trọng là chúng ta phải khẳng định rất rõ chúng ta có mặt tại đây để ở lại đây”.
Bên cạnh đó, đã xuất hiện cách tiếp cận mới của Trung Quốc. Trong diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào tuyên bố “xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc về biển”. Bối cảnh nêu trên không khỏi khiến các nước trong khu vực cảm nhận thấy có hai thế lực nổi lên trong khu vực và mỗi thế lực có hướng đi riêng. Có thể là những câu chuyện như đối đầu, xung đột, “hai phe” đang ở đâu đó rất xa xăm phía chân trời, nhưng về mặt chiến lược thì sự cọ xát của các thế lực này cũng đã tạo ra năng lượng làm cho khu vực nóng lên.
* Một số học giả quốc tế cho rằng cùng với vị trí siêu cường của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc, quan hệ giữa hai nước này có “cơm lành canh ngọt” hay không sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Những nước trong khu vực, nhất là các nước đang có “vấn đề” với những cường quốc này, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Đúng thế, trên bình diện quốc tế hiện nay, chiến lược của hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc cũng như mối quan hệ giữa hai quốc gia này đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh ở phạm vi toàn cầu, từng khu vực và đối với từng quốc gia.
Đặc trưng của mối quan hệ giữa hai cường quốc này là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, hay nói nôm na là nước nào cũng muốn vượt nhau nhưng lại cần nhau, dù cạnh tranh gay gắt nhưng buộc phải hợp tác chặt chẽ, chia sẻ lợi ích với nhau để cùng tồn tại và vươn lên. Ví  dụ như trong lĩnh vực kinh tế, dù muốn hay không Trung Quốc cũng buộc phải hợp tác với nền kinh tế cùng tiềm năng khoa học công nghệ hàng đầu thế giới là Mỹ, ngược lại, Mỹ cũng không thể bỏ qua một thị trường hơn 1,3 tỉ người với nguồn vốn dồi dào của Trung Quốc…
Nếu mối quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác này được tăng cường, đem lại lợi ích cho Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đem lại lợi ích chung cho tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình ổn định thì chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Tuy nhiên nếu mối quan hệ này phát triển theo hướng thỏa hiệp và nhằm can dự, xâm phạm, làm tổn hại đến lợi ích các quốc gia khác, gây mất ổn định cho khu vực thì các nước xung quanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn không thể hoan nghênh cách hành xử như vậy của các cường quốc.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, với một trật tự đa cực đang dần rõ nét cùng quá trình hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ, mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc buộc phải mang tính chất hợp tác theo hướng mở. Họ không thể chỉ tập trung vào lợi ích cục bộ của mình hoặc một nhóm nhỏ vài đồng minh thân cận mà bỏ qua lợi ích của “phần còn lại”, lôi kéo các nước vào phe này hay phe kia, tạo nên tranh chấp, xung đột gây thiệt hại cho tất cả các bên.
Quay lại với khu vực, rõ ràng tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, chịu ảnh hưởng từ chính sách của hai cường quốc này cũng như mối quan hệ của họ với nhau. Tuy nhiên, dù là nước nhỏ nhưng không thể chỉ ngồi chờ các tác động tích cực của mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc để hưởng lợi, cũng không thể mặc nhiên chấp nhận các tác động tiêu cực từ mối quan hệ này mà không có phản ứng gì. Có hai yếu tố mà chúng ta cần kiên định để phản ứng một cách chủ động, tích cực – đó là đường lối độc lập tự chủ trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; tăng cường mối quan hệ liên kết với các quốc gia trong khu vực hoặc ở phạm vi toàn cầu có cùng nhu cầu ổn định và phát triển, cùng phải ứng phó với các thách thức giống nhau. Nếu các nước nhỏ tạo nên được tiếng nói chung, thống nhất thì các cường quốc có lớn mạnh đến đâu chăng nữa cũng không thể tự tung tự tác, không thể muốn làm gì thì làm mà phải tính tới hai yếu tố này.
* Với góc độ là một nhà nghiên cứu chiến lược, theo ông, sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào khu vực sẽ tác động ra sao đối với các thành viên trong khu vực?
- Sự can dự này sẽ có lợi cho các nước trong khu vực nếu nó được khống chế bởi ba yếu tố: thứ nhất, đó phải là sự can dự đem lại hòa bình, ổn định và phát triển; thứ hai, phải tuân thủ luật pháp quốc tế; thứ ba – rất quan trọng – là những can dự đó phải được sự đồng thuận của những nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, một nước lớn nào đó có thể can dự vào chỗ này, chỗ kia bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh. Thời đại hiện nay khó có thể diễn ra khả năng đó. Lịch sử đã chứng minh cách can dự theo kiểu đó không sớm thì muộn đều chuốc lấy thất bại.
Mà can dự không chiến tranh nghĩa là phải bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, phải có sự đồng thuận của người ta. Từ cách tiếp cận như vậy, chúng ta thấy rằng chính sự can dự của các nước lớn sẽ trở thành một xung lực làm cho khu vực này có giá trị hơn. Nói một cách nôm na là như một miếng đất đẹp, nhiều người dòm ngó thì đương nhiên sẽ có giá trị cao hơn. Một vấn đề nữa là khi không dùng vũ lực để can dự thì sẽ tạo ra sự bình đẳng tương đối giữa nước lớn với nước nhỏ. Tiếng nói của nước nhỏ sẽ được quan tâm, vì khi tham gia vào công việc quốc tế thì nước lớn hay nước nhỏ cũng là một lá phiếu, tại các diễn đàn quốc tế cũng là một tiếng nói.
Chúng ta đừng quên rằng các nước lớn can dự vào đây không phải bằng chính sách ngoại giao chung chung. Bao giờ cũng vậy, lợi ích kinh tế là động lực đầu tiên và cũng là mục đích sau cùng. Khi anh vào đây vì lợi ích của mình mà lại muốn có sự đồng thuận thì nhất định phải chia sẻ lợi ích với các nước trong khu vực. Qua đó, các nước trong khu vực nếu tận dụng được cơ hội thì sẽ có thêm nguồn lực để phát triển.
* Thế còn những mặt bất lợi, nếu có?
- Dù mục đích như nhau nhưng cách thức can dự của mỗi thế lực bên ngoài khu vực vào đây có những điểm khác nhau. Có nước chọn cách vào khu vực bằng “cửa trước”, có nước lại chọn đi “cửa sau”, bằng các biện pháp kinh tế, chính trị… và cả những biện pháp “phi truyền thống” mà bây giờ mới thấy. Bao giờ cũng vậy, một sân chơi chung khi bị ngoại lực tác động mà có thành viên nào đó chạy theo lợi ích cục bộ, ngắn hạn sẽ dẫn đến chia rẽ.
Trong thực tế, dù chỉ trong một thời gian rất ngắn, vài năm gần đây đã có những tham vọng được bộc lộ, những tuyên bố và cả những hành động trên thực tế khiến các nước trong khu vực cảm thấy lo lắng. Có nước lo xa, có nước lo rất gần.
Đơn cử như việc một số nước tuyên bố về chủ quyền, không hiểu họ dựa vào đâu, cơ sở pháp lý nào? Nay đưa ra bản đồ này đã rất tham vọng rồi, mai lại đưa ra bản đồ khác tham vọng hơn nữa thì sao?
Một vấn đề rất cụ thể là chủ quyền trên biển Đông không chỉ có những nước liên quan trực tiếp, mà cả cộng đồng thế giới đều không thể chấp nhận việc bất kỳ một quốc gia nào đó muốn độc chiếm biển Đông, muốn biến đường vận tải quốc tế thành ao nhà của mình.
Trung Quốc cũng vậy, Mỹ cũng vậy, và bất kỳ nước nào khác với bất kỳ lý do gì cũng đều không thể chấp nhận. Chỉ trong vài năm qua, Hoa Kỳ bày tỏ tham vọng và trên thực tế họ đã can dự, đã hiện diện rất ồ ạt vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương (có thể thấy rõ nhất qua một số hiệp ước mà Mỹ đã ký với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines… gần đây). Như vậy ở đây ai là người đã cho Mỹ có một lý do để can dự vào khu vực? Và họ vào dễ dàng như thế, ít gặp phải sự phản đối hay quan ngại như thế? Chắc rằng mỗi chúng ta đều tự có câu trả lời.
Cách can dự của Mỹ, như họ tuyên bố là ủng hộ các giải pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, làm cho một số nước đồng tình mà có thể không lưu tâm đúng mức đến mặt trái của nó. Tôi đã có lần nói với một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ: “Nếu như các ông làm đúng những gì đã nói thì tôi hoan nghênh, còn nếu không các ông sẽ buộc phải rời khỏi khu vực như năm 1975 rời khỏi Việt Nam”.
Điều đáng lo ngại nhất là sự can dự và cạnh tranh của các cường quốc vào khu vực sẽ tạo nên xung đột buộc các nước bị cuốn vào hoặc bị ảnh hưởng. Nếu chưa đến mức xung đột thì cũng đáng lo ngại không kém khi sự can dự đó khiến các thành viên trong khu vực bị buộc phải lựa chọn theo thế lực này hoặc thế lực kia, buộc phải lựa chọn “bên này hay bên kia”.
Chúng ta nhất thiết phải chống lại các xu hướng đó, nhưng còn các nước khác thì sao? Một vấn đề nữa là chúng ta hãy nhìn Bắc Phi và Trung Đông, sự biến động ở mỗi nước trước hết do những nguyên nhân bên trong, nhưng nguyên nhân sâu xa là sự can dự của các nước lớn.
* Trước sự can dự của các cường quốc vào khu vực, để thụ hưởng được những lợi ích và ngăn chặn mặt trái thì phải làm gì?
- Trước hết mỗi nước phải có được tinh thần độc lập, tự chủ không riêng trong vấn đề giữ chủ quyền mà còn về đường lối chính trị, về kinh tế, văn hóa… thì mới làm chủ được vận mệnh và con đường phát triển của đất nước mình.
Thứ hai là mỗi quốc gia cần có đủ sức mạnh để đứng vững trước sự nghiêng ngả của tình hình – trước hết là sức mạnh về chính trị, về sự ổn định nội bộ, phát triển về kinh tế, văn hóa và có một nền quốc phòng vừa đủ mạnh để bảo vệ đất nước.
Thứ ba là phải có một nền đối ngoại minh bạch, rộng mở, có trách nhiệm, trên tinh thần thêm bạn bớt thù, đi đến chỉ có bạn, có đối tác mà không có thù. Bên cạnh đó là những diễn đàn đa phương ngày càng trở nên quan trọng. Đẩy mạnh hợp tác đa phương trên tất cả các lĩnh vực sẽ tạo ra “khung” để “giằng” với nhau, không cho anh nào một thân một mình muốn làm gì thì làm. Hay nói nôm na chỉ có một cơ thể mạnh khỏe, trong một môi trường tương đối sạch sẽ, lành mạnh thì mới thụ hưởng được làn gió mát, chống đỡ được gió độc khi mở rộng cửa ra bên ngoài.
* Nếu ví ASEAN như bó đũa thì thực tế thời gian qua cho thấy có chiếc đũa chịu ảnh hưởng của nước lớn ngoài khu vực đã làm suy yếu bó đũa?
- Bất cứ đất nước nào, dân tộc nào cũng phải lo cho lợi ích của mình. Người phương Đông có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. ASEAN có lợi ích chung, quan tâm chung trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh – an toàn hàng hải. Như vậy trong cách vận hành cũng như những vấn đề mà ASEAN đặt ra phải chứng minh được thật sự là tổ chức có đóng góp tích cực về hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển khu vực. Mỗi quốc gia thành viên phải có trách nhiệm với ASEAN và ASEAN phải có trách nhiệm với từng thành viên trên cơ sở đoàn kết. Nếu “tan đàn xẻ nghé” thì cái lợi chung không còn và cái lợi riêng cũng nhất định sẽ bị ảnh hưởng.
Việc một tuần sau khi hội nghị các bộ trưởng ngoại giao không ra được tuyên bố chung chỉ vì những bất đồng trong cách đề cập vấn đề biển Đông, các nguyên thủ ASEAN đã lại đồng lòng ra bản “Tuyên bố sáu điểm về biển Đông” đã chứng minh sự đồng thuận vì mục đích chung, lợi ích toàn cục vẫn là mục đích cao nhất mà các quốc gia ASEAN hướng đến.


“Tất cả đều bày tỏ sự lo ngại”
* Qua tiếp xúc với quan chức quốc phòng các nước trong ASEAN, ông thấy phản ứng của họ đối với những diễn biến gần đây xung quanh vấn đề biển Đông như thế nào?

9
Chiến sĩ HQNDVN canh giữ biển đảo Trường Sa
Trước hết là trước những tuyên bố rất khó hiểu của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông, chẳng ai có thể chứng minh nổi nó từ đâu ra, trên cơ sở pháp lý nào, được quản lý và sử dụng ra sao trong suốt bề dày lịch sử?… Và liệu còn “đường…” nào nữa không mà họ sẽ đưa ra trong tương lai? Và không dừng lại ở đó, mà vấn đề quan trọng hơn là Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế không, có tuân thủ các điều ước và các quy tắc ứng xử của thế giới hiện đại hay không?
Bên cạnh đó sự hiện diện, can dự ồ ạt của Mỹ – theo đúng kiểu Mỹ – đem lại sự hứng khởi ban đầu cho một số nước, nhưng cũng làm xuất hiện những quan ngại. Mỹ nói là can dự vì hòa bình, ổn định và phát triển, nhưng sao chưa thấy gì về kinh tế, văn hóa mà chỉ thấy đông tàu chiến, máy bay quá? Ngay đối với cả những nước đồng minh thân cận của Mỹ, họ cũng tự hỏi (và có những nước đã hỏi ra miệng): Liệu các ông đến, rồi đến lúc nào đó các ông lại đi không? Và đôi khi những bài học trong lịch sử được nhắc lại: Liệu các “ông lớn” đến lúc nào đó lại thỏa hiệp trên lưng mình không?…
Trong nội khối, các nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là Đông Nam Á, cũng gợn lên những lăn tăn về sự đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN liệu có đứng vững được không khi thì cái gậy, khi thì củ cà rốt của các ông lớn đua nhau xòe ra trước mặt từng nước, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm… (mà thời đại này họ sử dụng các công cụ ấy khéo lắm, thành nghệ thuật cả rồi)…
Không nước nào trong khu vực lại không muốn vấn đề biển Đông được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, DOC, tiến tới COC. Không một nước nào không muốn sự can dự của các nước lớn mang lại hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vì vậy nước nào cũng quan tâm, cũng lo ngại, nhưng mức độ phát ngôn, phản ứng của mỗi nước khác nhau do nhu cầu của họ trong quan hệ quốc tế rất đa dạng, khi phát ngôn thì họ phải tính đến lợi ích của nước họ vào mỗi thời điểm nhất định.
Vấn đề của các nước trong khu vực là cần phải tìm được một tiếng nói chung, không áp đặt, không phương hại đến lợi ích của bất kỳ nước nào nhưng giữ cho được nguyên tắc của ASEAN về những vấn đề chung, đó là: Đồng thuận, đoàn kết, hợp tác. Vì hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch, tôn trọng lẫn nhau.
* Một số nhân sĩ trí thức cho rằng bảo vệ chủ quyền là công việc không phải của riêng Đảng và Nhà nước, người dân cũng phải chung tay. Ông suy nghĩ gì về cuộc biểu tình phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
- Trước đây tôi đã nói về vấn đề này và bây giờ vẫn nói rằng những cuộc biểu tình đó là không nên. Để đối phó với tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay, chúng ta cần một sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và Nhà nước cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Có thể người dân chưa thật hài lòng và yên tâm vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng tôi chỉ muốn nói với những người biểu tình nói riêng và tất cả người dân rằng những người có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội không một ai chịu để mất chủ quyền lãnh thổ cả. Người dân phải tin vào điều đó.
Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân tộc, quên đi chủ quyền lãnh thổ. Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Chúng ta trân trọng tình cảm, ý chí của những người thật sự biểu tình vì yêu nước. Nhưng cũng phải thấy rằng với những ai có dã tâm độc chiếm biển Đông thì họ sẽ viện cớ biểu tình để xuyên tạc thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam. Vậy thì ai đang chờ biểu tình và biểu tình có lợi cho ai?
Nhìn lại thời gian qua, có một vấn đề nổi lên là những thông tin không chính thống, không đầy đủ và không chính xác trên mạng Internet về tình hình đất nước, về nội bộ Đảng và Nhà nước.
Những loại thông tin này rất nguy hiểm, nhất là với những người dân chưa quen với chiến tranh mạng, chưa quen với cuộc sống thế giới phẳng. Chính vì vậy, cần phải làm sao để tất cả người dân Việt Nam có được nhận thức chung về những vấn đề có tính sống còn của đất nước, để từ đó tạo ra sức mạnh đồng thuận đưa đất nước đi lên.
Thế mạnh và công cụ đấu tranh quan trọng nhất của chúng ta lúc này là chính nghĩa, là tuân thủ luật pháp quốc tế, là quyết tâm rất rõ ràng giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Chỉ duy nhất một điều chúng ta không nhân nhượng đó là chủ quyền lãnh thổ. Có thế mạnh đó, chúng ta sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chúng ta cũng sẽ dần dần làm cho Trung Quốc hiểu những điều kiện không nhân nhượng mà Việt Nam đưa ra là hoàn toàn chính đáng.
Mục đích của chúng ta là bảo vệ chủ quyền một cách chính đáng theo luật pháp quốc tế quy định mà không để xảy ra xung đột đáng tiếc.
* Vậy yếu tố “ý thức hệ” có liên quan như thế nào trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề tranh chấp trên biển?
- Rõ ràng di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc có được chính là sự tương đồng ý thức hệ. Điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa ta và Trung Quốc, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng khi đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế “ngài” và “tôi”. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại rằng về mục tiêu của đối ngoại, lần đầu tiên mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu rõ trong cương lĩnh và báo cáo chính trị tại đại hội Ðảng. Cùng với lợi ích quốc gia dân tộc, Ðại hội XI cũng đặt mục tiêu đối ngoại là “vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh’”. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau.

Dự báo thêm nhiều nước can dự
* Nhìn lại hoạt động đối ngoại trong năm vừa qua, ông ấn tượng điều gì?
- Năm 2012 là năm có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng và cũng là năm có nhiều lễ kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Một trong những sự kiện được xem mở đầu cho một năm kỷ niệm ngoại giao đầy thành công của chúng ta mà tôi tham dự là lễ khánh thành khu di tích Đoàn 125 Campuchia tại Long Giao, Đồng Nai ngày 2-1-2012.
Tôi đã từng chiến đấu, công tác gắn bó với Campuchia, nhưng lúc đó quả thật tôi chưa hiểu hết, chưa nhận thức hết được tầm vóc vĩ đại của cuộc chiến tranh mà chúng ta không mong muốn, cuộc chiến tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ nhân dân ta, và sau đó là cuộc chiến tranh để cứu cả một dân tộc khỏi họa diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra.
Qua lễ kỷ niệm này, được nghe tâm sự của những người bạn Campuchia tôi hiểu rõ hơn, tự hào hơn về đất nước ta, về khả năng tự bảo vệ mình đồng thời sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, láng giềng khi gặp nguy hiểm, bất chấp những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt.
Chính từ tinh thần quốc tế trong sáng này, từ những hi sinh xương máu này chúng ta mới có được vị thế quốc tế, có được hòa bình ổn định và quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng như hiện nay.
Điều này càng thể hiện rõ trong những ngày này khi chúng ta sống trong không khí kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Mỗi người cảm nhận chiến thắng oanh liệt này một cách khác nhau, riêng tôi có cảm nhận là một quốc gia dù nhỏ, dù còn nghèo, còn khó khăn nhưng khi người dân có quyết tâm, có được lòng tin vào khả năng bảo vệ Tổ quốc, có khát vọng chiến thắng để giành lấy hòa bình thì họ sẽ đánh bại mọi kẻ thù xâm lược dù mạnh đến đâu.
* Ông dự liệu như thế nào về tình hình khu vực trong năm 2013, nhất là vấn đề biển Đông?
- Tình hình khu vực sẽ tiếp tục sôi động theo những can dự của các nước lớn vào khu vực. Ngoài những gương mặt quen thuộc, dự báo năm nay sẽ có những quốc gia khác bước chân vào rõ ràng hơn như Ấn Độ, Nga, các nước lớn khác như Anh, Pháp, Đức, Canada…
Họ sẽ đến đây, mong muốn can dự vào vì họ thấy rằng trong “thế giới phẳng” thì lợi ích không phải nằm sau phạm vi biên giới, mà lợi ích nằm ở toàn cầu nếu biết cách ứng xử. Theo đó, xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển của khu vực sẽ có chiều hướng sôi động hơn, tốt hơn. Vị thế của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục được nâng cao.
Vấn đề biển Đông vẫn sẽ luôn được quan tâm trên các diễn đàn song phương và đa phương không chỉ của các nước châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ của các nước có biển Đông. Việc tranh chấp lãnh thổ, như nhiều lần đã nói, nếu là tranh chấp hai bên thì hai bên giải quyết, tranh chấp nhiều bên thì nhiều bên giải quyết, nhưng cần nằm trong mục tiêu chung là hòa bình, ổn định không xung đột và cần có sự hợp tác giữa các nước.
* Thưa ông, ông muốn nói gì với ngư dân, nhất là ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa?
- Ngư dân Việt Nam có quyền hoạt động trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, và có quyền đánh bắt ở khu vực biển quốc tế theo đúng luật quốc tế quy định. Đây là những quyền không ai có thể bác bỏ.
Có một điều quan trọng hơn, ngư trường của ngư dân là đất nước mình, ngoài chuyện đánh bắt cá, họ là những người trực tiếp đóng góp vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, những người ở trong bờ mang ơn họ về điều đó. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của ngư dân đánh bắt cá ở những vùng như vậy. Tuy nhiên, ngư dân không được làm những điều gì sai luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.

* Ông có ước vọng gì cho năm mới 2013?
- Không có gì khác ngoài ước vọng chung của mọi người Việt Nam là đất nước ta tiếp tục ổn định, nền kinh tế ấm lên, đời sống khá hơn. Tôi mong đất nước ta tiếp tục mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, vị thế quốc tế của đất nước ta ngày càng được nâng cao, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có bước phát triển tốt đẹp hơn, thúc đẩy hợp tác về kinh tế trên cơ sở hợp tác tốt về chính trị, từng bước giải quyết vấn đề biển Đông.
--------------------------------------------
ĐÀ TRANG – VÕ VĂN THÀNH thực hiện

9 nhận xét:

  1. "Thế mạnh và công cụ đấu tranh quan trọng nhất của chúng ta lúc này là chính nghĩa, là tuân thủ luật pháp quốc tế, là quyết tâm rất rõ ràng giải quyết bằng biện pháp hòa bình."
    Em thích nhất câu đó nhưng băn khoăn là liệu có đủ trong tình hình hiện nay? để:"Chỉ duy nhất một điều chúng ta không nhân nhượng đó là chủ quyền lãnh thổ."
    Thực tế là ta đã chịu mất nhiều...

    Trả lờiXóa
  2. Thật khó phát biểu về bài này chỉ với một cái Com ngắn . Tuy nhiên, tôi xin cố gắng nêu lên hai điểm nhấn quan trọng . Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, tôi chọn phương pháp bám sát nguyên văn lời tác giả để phân tích
    1. " Trước đây, một nước lớn nào đó có thể can dự vào chỗ này chỗ kia bằng cách tiến hành một cuộc chiến tranh.Thời đại hiện nay khó có thể diễn ra khả năng đó ". Đây là một nhận định không chuẩn cả về lý luận cũng như thực tế. Khái niệm "can dự" khá mơ hồ, không nói lên bản chất của tình hình BĐ. Cần chỉ rõ bản chất sự việc : TQ không chỉ can dự một cách chung chung mà là bành trướng, mở rộng lãnh thổ nhằm đảm bảo vai trò siêu cường toàn cầu trong thế kỷ 21.HK cũng không chỉ can dự mà là quay trở lại khu vực có ý nghĩa chiến lược để làm đối trọng với TQ. Hơn nữa, nhận định như vậy dễ gây ra chủ quan mất cảnh giác. Nếu như thế thì cần gì phải mua sắm vũ khí, sẵn sàng chiến đấu ? Tôi luôn cho rằng TQ sẽ bằng mọi cách đánh chiếm TS của VN , thực tế đã , đang và sẽ diễn ra theo chiều hướng đó.Nhiệm vụ đối ngoại của LLVT là tìm cách ngăn chặn nguy cơ đó, chứ không phải che dấu hoặc phủ nhận nó.
    2. " Di sản quí báu mà VN và TQ có được là sự tương đồng ý thức hệ
    ...nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của 2 nước "
    Nếu đây là 1 cách tung hỏa mù để đối phương mắc bẫy thì quá sâu sắc, nhưng nếu thực lòng tin tưởng vào nhận thức đó thì nguy hiểm khôn lường. Nhiều người đã phê phán nhận định này, tôi không nhắc lại. Chỉ mong Ô tướng đọc thêm bài mới nhăt của nhà ngh/cứu Vũ Cao Phan. Tôi cho rằng xét về bản chất ngay từ khi mới hình thành ĐCS, hầu hết lãnh đạo của họ chưa bao giờ là CS chân chính, đúng theo nghĩa của từ đó. Mọi việc họ làm chủ yếu xuất phát từ lợi ích của chính dân tộc và bản thân họ. Sự biết ơn của chúng ta hãy hướng về nhân dân TQ anh em. Vì vậy đã đến đừng mơ hồ nữa, có thể cứ lằng nhằng , dối trá , lừa mị, lợi dụng lẫn nhau nhờ có cái gọi là ý thức hệ, nhưng bên trong, không bao giờ gửi gắm lòng tin vào họ . Tin họ với bất kỳ di sản nào đều dẫn đến nguy cơ ..tử vong !
    Chẳng lẽ một ông có quyền chi phối công tác đối ngoại QĐ ta lại vẫn giữ vững lòng tin ấy ?

    Trả lờiXóa
  3. Từ bữa đọc bài của vị này theo tam đoạn luận: muốn giữ được độc lập thì phải giữ được xhcn mà xhcn xịn nhất tg nay là anh hai Tàu suy tiếp chỉ có ông bạn vàng 4 tốt mới giữ được độc lập cho Vn ta. Cái luận điệu quái gở này mà dám đưa lên báo chí lề phải thì ta miễn bàn thêm. Hôm nay ông này tung bài mới láu cá hơn nên khiến nhiều vị tưởng như từng trải lí luận hơn người cũng bùi tai ca tụng tới số mà không thấy cái cốt lõi là dậy mọi người phải tin ở trên lo hộ rồi cấm biểu tình vì sẽ mất lòng ông chủ không chơi với Mỹ chỉ tin ông xénh xáng tàu được thôi. Đúng là nguy hiểm khôn lường!

    Trả lờiXóa
  4. Cụ KỳGai có lẽ muốn mang đến cho dân Làng ta "cái chảo than hồng" ( như hồi ở QL chúng ta từng dùng khi mùa đông về )để đón năm mới, nên đã "trích"đăng lại bài của tướng Vịnh trả lời PV báo Tuổi Trẻ" xung quanh quan hệ Việt-Trung và vấn để biển Đông . Chỉ tiếc, cụ KỳGai không biết cố ý hay vô tình , đã "bỏ sót" 1 đoạn cực kỳ quan yếu trong cả chuỗi quan điểm rất nguy hiểm của Tướng Vịnh .
    Mấu chốt là ở chồ khi PV gợi ý, hỏi : " Yếu tố “ý thức hệ” có liên quan như thế nào trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề tranh chấp trên biển? ", Tướng Vịnh đã bộc lộ quan điểm của ông và cũng là của Lãnh đạo VN như sau :
    "Rõ ràng di sản quý báu hàng đầu mà Việt Nam và Trung Quốc có được chính là sự tương đồng ý thức hệ. Điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa ta và Trung Quốc, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
    Nền tảng di sản đó chi phối cách ứng xử của hai nước. Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.
    Tôi nghĩ rằng khi đã là người cộng sản với nhau, để giải quyết bất cứ vấn đề nào đó mà gọi nhau là đồng chí, còn hơn là quay lưng không nhìn nhau hoặc đập bàn đập ghế “ngài” và “tôi”. Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại rằng về mục tiêu của đối ngoại, lần đầu tiên mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu rõ trong cương lĩnh và báo cáo chính trị tại đại hội Ðảng. Cùng với lợi ích quốc gia dân tộc, Ðại hội XI cũng đặt mục tiêu đối ngoại là “vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh’”. Hai mục tiêu này thống nhất với nhau ".(Hết)

    Vậy là đã quá rõ ! Ta vừa phải vì quyền lợi Quốc gia-Dân tộc, lại còn phải "vì" cái thứ 2 là "một nước VN XHCN !". Cái này hơi bị lạ, vì từ trước chỉ nghe lãnh đạo dậy : Không có cái thứ Tổ quốc chung chung , mà Tồ quốc phải gắn liền với CNXH . Anh nói anh yêu Tổi quốc, mặc nhiên anh phải yêu CNXH ! Nay hóa ra, theo ông Vịnh nó là 2 mảnh ghép lại! Ông lại nói, hễ gọi nhau là "đồng chí" ắt phải chí cốt uống máu ăn thề hơn gọi nhau là " Ngài-Tôi" ! Tướng Vịnh, ông quên đồng chí Tầu đã từng "dậy cho VN bài học" năm 1988 rồi sao ? Ông cũng hỏi các đảng viên CSVN xem còn mấy người cảm thấy vinh dự khi được người khác gọi mình là ĐỒNG CHÍ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Calathau xin đính chính. Chiến tranh Biên giới Việt-Trung xảy ra năm 1979 do đích thân "đ/c" Đặng Tiểu Bình phát động để "dậy cho VN một bài học" . Còn năm 1988 là năm Trung Quốc đưa tầu hải quân ra đánh chiếm 1 số đảo của ta ở Trường Sa. Xin cáo lỗi cùng quý cụ !

      Xóa
  5. Tôi không có năng lực phân tích về lý luận, chỉ xin nêu một vài nhận xét như sau:
    1. Cuối năm 2012, đầu năm 2013 có hai bài phát biểu gây xôn xao dư luận đó là bài của đại tá Thanh và bài của thượng tướng Vịnh.
    2. Tuy phát biểu với các đối tượng khác nhau và trình bày ở mức độ sâu nông khác nhau nhưng
    hai bài có nhiều quan điểm giống nhau.
    3. Nhìn lại mấy năm gần đây thấy rằng cách xử sự của nhà nước đặc biệt là các cơ quan ngoại giao và của lực lượng chuyên chính là theo những quan điểm này.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi không hiểu vì sao gần đây cấp trên lại cho phép 3 vị tướng tá liên tiếp đăng đàn dạy bảo nhân dân về quan hệ Việt Trung và BĐ , đôi ngoại nói chung ? Họ tưởng rằng cứ có nhiều sao vạch trên vai lên tiếng thì thiên hạ phải nghe răm rắp hay sao? Sâu chuỗi cả mấy bài ấy , tôi thấy thêm điều này
    - Sự lúng tùng, tự mâu thuẫn, thậm chí sai lầm trong nhận thức và hành động của họ phản ánh tình trạng mù mờ, mò mẫm, manh mún trong tư duy lý luận cũng như thực tiễn của cả hệ thống chúng ta, từ trên bậc cao nhất xuống dưới. Bản thân ông Tổng cũng tự mâu cơ mà ? Vậy cấp dưới dù có là bố giáo sư, tiến sĩ đúp hoặc nguyên soái cũng vậy thôi.
    Ta hãy học Ô Mao, đi từ phân tích mâu thuẫn. Hiện dân tộc ta đang đối đầu với hàng loạt mâu thuẫn mang tính thời đại mà nếu không thoát ra được sẽ chưa thể ổn định lâu dài để phát triển
    + Mâu thuẫn giữa hệ tư tưởng chính thống đã cũ với đòi hỏi đổi mới nhận thức lý luận trong giai đoạn LS mới ;giữa quan điểm giai cấp triệt để với lợi ích dân tộc mang tính thực dụng, ; giữa nền kinh tế thị trường mang bản chất TBCN với lý tưởng CSCN muốn tiêu diệt nó,giữa sự lựa chọn đồng minh truyền thống cùng ý thức hệ với những bạn bè mới không XHCN, giữa kẻ thù nguy hiểm ở gần với đồng minh anh em xa, giữa những người CS chân chính với " số không nhỏ " thoái hóa biến chất trong Đảng, và trên hết là xung đột lợi ích của Tổ quốc, nhân dân với lợi ích của nhóm và liên nhóm đang cầm quyền ( kiểu còn đảng còn mình ). Có cách nào sớm giải quyết được mọi mâu thuẫn trên đây không ?

    Trả lờiXóa
  7. Nghe đoạn nói về Biểu Tình chống TQ và Sự Tương đồng về ý thức hệ với TQ mà thấy tức điện. Sự bất đồng, sự không thể thống nhất trên dưới một lòng giữa Dân với Đảng chính là việc các ông coi TQ là Bạn, là bạn chí cốt và tôn vinh 16 chữ vàng. Các ông là những kẻ phản bội, vong ân, các ông đã không nhớ lời dậy của ông cha để lại.
    “Các người chớ quên ,chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họạ lâu đời của ta là họạ Trung Hoa…”(Di chúc của Trần Nhân tông).
    Đây là lời dậy của vua Trần Nhân Tông, và biết bao lời khuyên của các lãnh tụ của chúng ta trong 2 cuộc KC vừa qua nữa. Vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm. Các ông chấp nhận bất đồng với Dan và một lòng theo TQ. Xin Tướng Vịnh hãy đừng giả bộ nói những lời tâm huyết, chúng tôi không ai tin và nghĩ rằng mọi việc đã có các ông lo !!!

    Trả lờiXóa
  8. Cứ cố tình coi cái chủ nghĩa Đại Hán là chủ nghĩa Cộng sản thì chẳng khác gì bị matúy đầu độc !!!

    Trả lờiXóa