Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Xuân Hoài kể chuyện ( tiếp Phần 1)

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Phần Ib: CHUYẾN DU NGOẠN NGƯỢC VỀ THUỞ ẤU THƠ

Bài và ảnh : Xuân Hoài
Thị trấn Đô Lương

Sắp đến quốc lộ  số 7 lên Lào thì chúng tôi rẽ vào quốc lộ 15A, con đường kháng chiến chống Mỹ ngày trước để đến thị trấn Đô Lương, một địa danh nổi tiếng mà 62 năm trước đoàn trẻ con đã dừng chân chuẩn bị lương khô để hành quân đường dài. Thị trấn Đô Lương nằm trên giao lộ 15A với đường 7, ở thượng nguồn sông Lam. Cách Đô Lương khoảng 50 km về phía tây sát đường 7 và sông Lam là Thành Trà Long thuộc vùng Trà Lân (nay là huyện Con Cuông) nổi tiếng trong kháng chiến chống Minh năm 1424 : “ Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật. Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay-Bình Ngô Đại Cáo). 
Từ Đô Lương nếu theo đường 15A khoảng 15 km thì đến Truông Bồn, một địa danh có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, là huyết mạch trên tuyến đường Quốc lộ 15A để vận chuyển quân lương, đạn dược. Hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành Giao thông đã anh dũng hy sinh tại đây. Đường 15A mới có sau này. Khi chúng tôi hành quân 62 năm trước là theo dọc đê sông Lam, nay mở ra thành quốc lộ 46. Theo con đường này, giờ chỉ hơn 20 phút là đến Thị Trấn Thanh Chương, cách Đô Lương 18 km , ngày trước đi bộ một đêm. Qua thi trấn Dùng (tức Thanh Chương) một đoạn vài km, bỗng Nhật Lệ lên tiếng:
- Đã đến Chợ Rạng chưa nhỉ ?
- Sao Nhật Lệ biết Chợ Rạng ?
- Từ năm 49-50 gì đó, gia đình Lệ từ vùng tạm chiếm Quảng Bình tản cư ra ở đây. Cha Lệ làm việc ở UBKC Liên Khu 4 mà lại. (cha Nhật Lệ là chủ tịch LK4 lúc bấy giờ-chú thích của Khoa Phi). Từ đó năm 53 Lệ đến tập trung đoàn 10 ở chợ Rộ, chỗ Liên Khu Ủy Khu 4 đóng trụ sở.
- Chợ Rạng đây rồi, có nhớ chỗ nào không để dừng lại
- Không nhớ nữa, thôi đi tiếp đi !Đi dọc quốc lộ 46 dọc bên bờ Sông Lam, bãi sông rộng mênh mông. Mùa mưa đến thì nước sông Lam sẽ ngập sát mép đường. Đến cầu Chợ Rộ mặt trời đã xuống núi. Cảnh hoàng hôn trên sông Lam đẹp đến nao lòng. 
Hoàng hôn trên sông Lam, nhìn từ 
cầu Chợ Rộ bắc qua sông Lam
Khoai chợ Rộ bùi ngon nổi tiếng, đã vào thơ ca : Quê ta ngọt mía Nam Đàn/ Bùi khoai chợ Rộ ,thơm cam Xã Đoài. Chúng tôi dừng xe bên cầu Chợ Rộ lúc mặt trời đỏ rực xuống gần chân trời, soi bóng sông Lam mênh mông. Qua cầu Chợ Rộ là sang khu vực ngày xưa các cơ quan đầu não kháng chiến đóng. Nơi đây sát vùng rừng núi biên giới Việt Lào chỉ  chưa đến chục cây số. Các bạn tứ xứ đến, như Nhật Lệ từ chợ Rạng, Quang Thùy từ Nam Đàn, Hồng Nhật từ Đức Thọ Hà Tĩnh, Ngô Hà từ Can Lộc, Minh Hà từ Thạch Hà, Hồ Uy Liêm từ Đức Thọ…thì được người nhà đưa đến tập trung. Những người như Khoa Phi, Xuân Hoài..  đã gia nhập thiếu sinh khu tư từ mấy năm trước thì tự lực đến đây. 
Tất cả có mặt bên cầu Chợ Rộ, phía sau lưng xa xa ,dưới chân rặngnúi là nơi dân Đoàn thiếu sinh khu tư từ Binh Trị Thiên đến Nghệ Tĩnh tập kết tại đây 62 năm trước để đi bộ hơn 3 tháng sang Trung Quốc
(trái: Khoa Phi,Xuân Hoài, Hồng Nhật,Khắc Hân,Uy Liêm,Quang Thùy, Ngô Hà,Minh Hà,Hồ thị Nghĩa,Nhật Lệ,Tuấn Nga)
Tất cả đều phải đi qua đường mòn giữa ruộng khoai qua đò Chợ Rộ. 
Đường xuống bến đò chợ Rộ xưa nay đã lát beton. Bến đò đã thay bằng cầu rồi!


Nay đường xuống bến đò đã lát beton để dân đi trồng khoai, đò cũng đã thay bằng cầu rồi !
Tất cả đoàn đều tần ngần , không muốn rời xa nơi bắt đầu gặp nhau từ 62 năm trước và tình bạn đằm thắm , kỳ lạ, kéo mãi đến nay. Đã muộn rồi, còn hơn trăm rưỡi km mới đến đích hôm nay, tất cả lên xe, đi về phía tây lên lại đường Hồ Chí Minh, rồi hướng về phía nam , chạy dọc biên biên giới Việt Lào.
(Hết phần I, xin mời đọc tiếp phần II)

3 nhận xét:

  1. Nam Đàn, Đức Thọ, Chuông Bồn...
    Địa danh mà có cả hồn và thơ,
    Cố hương ngày ấy, bây giờ,
    Người xưa cảnh cũ giấc mơ ngày nào.


    Trả lờiXóa
  2. Thật là một chuyến đi kỳ thú.Phục những người có công thiết kế một chuyến đi để về gần như đầy đủ những vùng miền gắn liền những kỷ nệm đep của 62 nâm trứoc. của các cụ ! Các cụ là những người cực kỳ hanh phúc !

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh17:25 10/4/15

    Hoàng Thị Nhật Lệ02:30 Ngày 10 tháng 04 năm 2015
    "Ngược dòng thời gian" hay
    "Trở về tuổi thơ" hay
    "Tìm lại dấu chân xưa"...

    Hôm nay đã hơn 10 ngày trôi qua, kể từ ngày 1 sơ anh chị em Đ 10 trở về quê (Liên Khu 4), trở về điểm đầu tiên xuất phát hành quân (đi bộ 3 tháng trời) sang tận biên giới Việt - Trung năm 1953, mà lòng tôi vẫn bâng khuâng nặng chĩu với những kỷ niệm một thời khi lần đầu thoát ly gia đình.
    Thật kỳ lạ ! Thật vô lý, khi con người ta mong muốn và vui mừng nhìn thấy đất nước đổi thay,giàu có thì tôi, trong suốt con đường dài hành trình ấy cố quan sát, tìm kiếm những dấu vết của một thời hoang sơ nghèo khó.
    Tôi theo rõi bờ sông Lam, tìm kiếm cái bến sông mà tôi vẫn tắm và rửa rau.., tìm cái khu đất cát bồi bên sông mà người dân địa phương (chủ đất) đã cho mạ con tôi mươn để tăng gia bắp,lạc, vì biết ba tôi đi hoạt động thoát ly ,gia đình thiếu thốn,di tản từ Q Bình ra khu 4.
    Tôi cố tìm lại khu nhà ven đường ở Rạng, nơi gia đình tôi tiếp quản nhà cụ Giáp (cụ Giáp ra TƯ). Ngày tôi lên đường, Mạ tôi ngồi lỳ trong bếp, không chịu ra tiễn, vì sợ sẽ khóc òa, tôi sẽ không chịu đi.
    Tôi và chị Hoàng Minh Tuệ tự đi bộ đến địa điểm tập trung (giờ tôi cũng không còn nhớ địa điểm nằm ở đâu nữa).
    Đi dọc bờ sông Lam một quảng xa bỗng tôi nghe tiếng gọi :"Chị Lệ ơi !). Tôi quay lại thì thấy con em gái chạy theo (lú đó khoảng 7 tuổi ) mặc bộ quần áo cụt mầu nâu đuổi theo. Đến nơi nó đưa cho tôi cái quần đùi cũ màu nâu của ba tôi và nói:" Mạ nói chị mang theo thêm cái quần này để thay đổi (vì hồi đó thỉnh thoảng tôi cũng hay đái mế).. Cái hình ảnh đó cư đeo bám tôi suốt cuộc đời và cứ mỗi khi nhớ lại thì "cái giếng" nước mắt cứ trào dâng khôn nguôi.
    Cám ơn các anh Đ 10 HN, Cám ơn XH đã cho tôi trở lại chốn xưa khi thoát ly gia đình, nhưng tôi không hề lượm dduocj 1 dấu tích kỷ niệm nào. Bụi thời gian đã xóa hêt dấu vết những bàn chân nhỏ của "BON TRẺ" Đ 10.
    Thực ra thì cũng vui mừng vì đường sá thênh thang (bê tông hóa) đẹp đẽ, nhưng trong sâu thẳm lòng tôi một nỗi buồn, một sự thảng thốt mất mát khó tả.

    Cám ơn những người ANH EM Đ 10 ruột thịt !

    Trả lờiXóa