Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

NHIỀU CƠ HỘI CHO BANG GIAO VIỆT-MỸ

John Kerry và sứ mệnh Việt Nam

Trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đặt chân đến Việt Nam và Philippines, hai quốc gia được coi là bị Trung Quốc ép nhiều nhất trong vấn đề xung đột chủ quyền trên biển Đông. “Cũng chính vì vậy, hai quốc gia này được coi là quan tâm nhất đến ý chí và khả năng can dự hay xoay trục, của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế của Đại học George Mason (Mỹ), nhận xét.

PTT kiêm Ngoại trưởng VN và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry























Hòa bình và ổn định ở biển Đông là ưu tiên hàng đầu
Tiếp tục khẳng định vai trò trung lập của Mỹ đối với tranh chấp chủ quyền của các bên trên biển Đông, Ngoại trưởng Kerry vẫn tái khẳng định Mỹ ủng hộ giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC).
“Hòa bình và ổn định trên biển Đông là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và các nước trong khu vực. Chúng tôi rất quan ngại và cực lực phản đối chính sách áp đặt và hiếu chiến để giải quyết yêu sách chủ quyền”, Ngoại trưởng Kerry nói với các phóng viên trong buổi họp báo.
Ngoại trưởng Kerry cũng đã hứa viện trợ cho khu vực Đông Nam Á 32,5 triệu USD, trong đó riêng Việt Nam nhận được 18 triệu USD, bao gồm khoản hỗ trợ mới để tăng cường khả năng cho các đơn vị tuần tra ven biển nhằm triển khai nhanh chóng việc tìm kiếm cứu hộ, ứng phó thảm họa và các hoạt động khác, bắt đầu bằng việc cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc cho cảnh sát biển Việt Nam cùng với quá trình đào tạo.
Thảo luận của ông Kerry với ông Phạm Bình Minh (Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) không chỉ dừng lại ở mục tiêu an ninh - quốc phòng, mà hai ngoại trưởng cũng dành nhiều thời gian cho kinh tế và nhân quyền. Ngoại trưởng Kerry đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và Việt Nam cùng 10 đối tác khác đang hy vọng sắp kết thúc đàm phán. Ông hy vọng rằng Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực, nhất là đối với việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước, để phù hợp với TPP.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã nói trong cuộc họp báo rằng hai bên có những nhận thức khác nhau về nhân quyền, nhưng vấn đề này có thể giải quyết thông qua đối thoại.

Cơ hội tốt cho Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: “Việc ông Kerry trở thành người lãnh đạo chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ vẫn là một cơ hội tốt cho Việt Nam”.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ điều này. Ông nói: “Tôi một lần nữa đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngài, trước đây với cương vị thượng nghị sĩ và ngày nay nay với cương vị ngoại trưởng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ”.
Ông Minh không nói ra, nhưng mọi người đều biết những đóng góp của ông Kerry, khi là thượng nghị sĩ. Từ việc cùng với thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận năm 1994, đến việc ngăn cản thượng viện cho ra luật nhân quyền cách đây chục năm. Hay đầu tháng 8.2012, trước các hành động ngày càng quả quyết, thậm chí là gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông, Thượng nghị sĩ Kerry cùng một số thượng nghị sĩ khác, đã giới thiệu lên Thượng viện nghị quyết mang số hiệu S.Res.524 về vấn đề biển Đông…
Còn khi Kerry lên làm ngoại trưởng từ tháng 2.2013 thì tháng 7.2013, Mỹ và Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Và chuyến đi Việt Nam này của ông cũng nhằm mục đích bàn thảo các hoạt động triển khai mối quan hệ này.
Nhưng có một điều ông Phạm Bình Minh không nhắc tới là ông Kerry đã là người bạn của Việt Nam trước khi tham gia chính trường. Sau khi tham chiến ở Việt Nam, với vai trò một trung úy hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở vùng Mekong, chiến trường đã dạy cho Kerry bài học đau thương không bao giờ quên. Giữa các trận chiến, John Kerry đã chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo ở Washington. Trở về Mỹ đầu năm 1970, John Kerry đã quyết định phản đối chiến tranh, bằng cách lập ra một tổ chức cựu binh ở Việt Nam phản chiến.
Năm 1971, ông ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để điều trần về quan điểm của mình về chiến tranh Việt Nam. Các cựu binh Mỹ và giới truyền thông đứng chật gian phòng điều trần. Bài phát biểu của John Kerry được coi là diễn văn nổi tiếng nhất suốt cuộc đời chính trị của ông cho đến nay, với câu chất vấn nổi tiếng: "Làm sao có thể yêu cầu một con người phải chết cho một sai lầm?", đã được trích dẫn nhiều nhất trong các bài viết về chân dung ông.
Thời này là thời của những nhà ngoại giao Việt Nam như Nguyễn Cơ Thạch.
Đến năm 1993, nhóm những nhà ngoại giao trẻ tuổi của Việt Nam, trong đó có Phạm Bình Minh, đang học thạc sĩ ở Fletcher Tuft theo học bổng Fulbright mà John Kerry là một trong những người có dấu ấn trong việc thành lập nó - đã mời Thượng nghị sĩ John Kerry và Trưởng Đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Văn Bàng đến trường nói chuyện về triển vọng bình thường hóa quan hệ.
Khi phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, ông Kerry đã nhắc lại kỷ niệm này, khi họ gặp lại nhau ở Washington và Phạm Bình Minh đã tặng Kerry một tấm ảnh. “Và tôi đã nhìn tấm ảnh và tôi thấy một thanh niên trẻ trung tóc nâu John Kerry và một thanh niên khác là bộ trưởng ngoại giao (Phạm Bình Minh) đứng cạnh nhau bên ngoài trường Fletcher (thuộc Tuft) về Luật và Ngoại giao”.
Với những kỷ niệm và trải nghiệm như vậy với Việt Nam, và với riêng ông Phạm Bình Minh, John Kerry được hy vọng sẽ là cầu nối thuận lợi giữa hai quốc gia Mỹ - Việt. Riêng Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã phát biểu sau khi hội đàm cùng ông Kerry: “Chúng tôi đã có một cuộc hội đàm thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và đầy hữu ích”.
Không chỉ có John Kerry. Việt Nam còn có những người bạn Mỹ khác như Chuck Hagel, một cựu binh Việt Nam và thượng nghị sĩ ủng hộ Việt Nam, và được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu năm nay. Và cả John McCain nữa…
Việt Nam chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ toàn diện với Mỹ như hiện nay…
Hoàng Ngọc

---------------------------------------------
Theo Một Thế Gươi`1 21/12/2013

2 nhận xét:

  1. Nặc danh14:26 21/12/13

    "Việt Nam chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ toàn diện với Mỹ như hiện nay". Thực ra Việt nam đã từng có rất nhiều cơ hội thuận lợi không những chỉ với Mỹ , mà còn rất nhiều cơ hội cho dân tộc Việt nam tiến lên ...nhưng đều bị bỏ lỡ.
    "Ma đưa lối , quỷ đưa đường
    Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi" (Nguyễn Du)

    Trả lờiXóa
  2. Thẩm mỹ cắt mí mắt là dịch vụ thẩm mỹ giúp tạo hình mí mắt thành 2 mí mà không cần phải phẫu thuật được ưa chuộng hiện nay.

    Trả lờiXóa