Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

2 TẬP THƠ CỦA 2 TÁC GIẢ “NGƯỜI QUẾ LÂM”

Trung Hải
Thỉnh thoảng tôi vẫn được tác giả là bạn bè gửi tặng sách, thơ… mới xuất bản và mời đi dự những buổi “Ra mắt”, giới thiệu tác phẩm, có buổi “hoành tráng”, lại có buổi thân mật, giản dị.
 Mùa xuân này, tôi được tặng 2 tập thơ, có điều rất đặc biệt là cả 2 tác giả đều được “ươm trồng” từ một “cái nôi”: “KHX.Nam Ninh – Quế Lâm” với chúng ta.
Tôi xin được kể kỹ hơn.

1 -  Anh Phạm Đạo, một cựu học sinh ở KHX Nam Ninh- Quế Lâm (anh học trên K5 chúng ta một lớp),
anh là Phó G.S Tiến sỹ, Viện trưởng Học viện CNTT Bưu chính Viễn thông (trước khi nghỉ hưu).Hiện nay anh là Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ  văn thơ Bưu điện (Bộ TTTT), có chân trong BLL Cựu HS KHX.NN.
Anh là cán bộ KHKT, yêu văn thơ, làm thơ cho mình, cho bè bạn và đã xuất bản được gần 10 tập thơ văn. Dịp Tết anh gửi tặng, qua cô em gái tôi (là Phó Chủ nhiệm CLB văn thơ Bưu điện) tập thơ “Dòng sông và ánh lửa” và ngày 21 tháng 2 vừa qua, anh mời tôi đến dự buổi “Ra mắt tác phẩm” của anh, do nhà XB Văn học tổ chức. Nhà thơ Vũ Quần Phương giới thiệu và bình thơ. Có nghệ sỹ ngâm thơ minh hoạ…
Trong số anh em “họ hàng KHX Nam Ninh - Quế lâm” của anh, hôm nay tôi còn gặp các anh NS.Phạm Tuyên, Vũ Mão, V.D.Liêm. 
Buổi ra mắt đông vui, long trọng và đạt kết quả tốt đẹp.
Có dịp tôi sẽ giới thiệu một vài bài thơ của anh với Làng.


Tác giả Đỗ Long ký tên tặng tập thơ cho các bạn K5
2 -  Anh Đỗ Long (Lớp ta K5). Một người Bạn thân thiết, nên với Lớp ta không cần phải giới thiệu gì nhiều. nhưng cũng xin “trích ngang” để các bạn gần xa được biết.
Anh Đỗ Long quê Phú Thọ, học ở LSQL hết lớp 5 rồi đi học ở  “Học viện Nga ngữ Bắc Kinh”… Anh là Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học, trước khi về hưu là Viện Trưởng Viện Tâm Lý học. Anh viết nhiều sách về chuyên môn…  là người yêu thơ, sáng tác văn thơ và có nhiều bài hay được người đọc yêu thích.
Đỗ Long vừa ra tập thơ “Hạt nắng”, tuyển chọn các bài thơ đã viết. Tập thơ có 3 phần.
 Phần đầu có tiêu đề: “ Một góc đỏ cờ trên vai rực rỡ” với bài thơ “Lộc biếc sông Ly” đã in trong tập Kỷ yếu  “Lư Sơn –Quế lâm Một thời để nhớ”,  nhân dịp kỷ niệm 50 năm Trường Thiếu nhi VN (1953-2003). 
Phần II : “Tình ta ướp sẵn sắc hương tặng mình”, gồm 21 bài thơ.
Phần III: “Muôn hạt gom góp lại xuân gieo mầm yêu thương”, gồm 28 bài.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết lời bình và giới thiêu với bài “Đọc thơ Đỗ Long”. Ngắn gọn và súc tích, đăng  ở đầu tập thơ, sau bài thơ “Hạt nắng” (tên 1 baì thơ cũng là tên của tập thơ).

Hôm 8/3 Đỗ Long đã ưu tiên tặng “Hạt nắng” cho các bạn Nữ có mặt ở nhà Bang trưởng Lệ Thuỷ dự liên hoan gặp mặt, nhân sinh nhật Lệ Thuỷ và mừng cho 2 cụ Thuỷ +Thành mới có cháu đích tôn.
 Đỗ Long bảo các bạn Nam: Các cậu “hãy đợi đấy”.  Và chúng tôi đã không phải đợi lâu.
Đúng 2 ngày sau, vào hồi 11h00 ngày 10/03, các bạn Nam (Hội viên “nòng cốt” hội Cầu Ngà –Những người yêu thơ và “khoái” RTC) đã có mặt đông đủ theo lời mời của Đỗ Long đến Nhà hàng Chiếu Hoa bên dòng sông Tô (một địa chỉ thân quen của Hội). Tác giả “Hạt nắng” cũng chính là “người đăng cai Olimpic
Chiếu hoa” hôm nay.
 “Quan sát viên” gồm có : Bang phó Nữ Hiếu, Hồng Nhật K6 (có mặt từ rất sớm), Song Thu (Vắng mặt).
Tác giả Đỗ Long và mọi người “Rất lấy làm tiếc”, vì ST không đến được, có lẽ do còn bận “hội thảo” với dịch giả K tại nhà riêng về tình hình nước sôi lửa bỏng tại trời U ?. (Bài của K đã đăng trên Blog LSQL)
Bạn Đỗ Long ký tặng thơ cho mọi người và còn gửi phần cho Thu Giang (ST) , P.Phu và những người vắng mặt có lý do hơi …  chính đáng. (Lý do của cụ bà ST đã nói ở trên , còn cụ ông Phạm Phu nghe đâu phải ở nhà để chuận bị cho đoàn K5 đến xem chim. Theo kế hoạch Ban LL đã duyêt,thì Bang phó Nữ Hiếu dẫn đoàn  đi thăm trại nuôi chim trĩ  (do anh Lân Dũng giới thiệu) vào ngày 17/3.
Trang trại nuôi chim cò, vịt trời này lại ở ngay quê cụ P.Phu, nên với tính tình của cụ rất chu đáo, “kỹ  tính”, nên ngay từ hôm nay, cụ ở nhà lo việc chuẩn bị cho đoàn đến xem được mỹ mãn là rất đáng quý; chúng tôi không thể quên và phải mang phần về cho Cụ ấy. 

Trong khuôn khổ bài này,  tôi không thể đưa bài giới thiệu của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
 Xin chép lại bài thơ “Hạt nắng” để mời Làng thưởng thức.
   
     HẠT NẮNG
Cánh buồm vương hạt nắng
Ấm lòng thuyền tha hương
Hạt châu ngọc biển sáng
Lung linh mấy dặm trường
Đỉnh sóng nâng hạt muối
Thêm mặn mòi trùng dương….
             *
Muôn hạt gom góp lại
Xuân gieo mầm yêu thương. 


Nhân dịp này 3B được Cụ Tú Riềng, Thiếu Hiệu “uỷ nhiệm” thay mặt anh em, chân thành cảm ơn tác giả tập thơ “Hoa nắng” đã tạo “cơ hội” cho chúng tôi có cuộc gặp mặt ấm cúng, nhiều ý nghĩa và đúng là “vừa được ăn, được nói, được gói (tập thơ) mang về”.
Thân chúc Bạn Đỗ Long Sức khoẻ & Niềm vui. 
                                                                  (Hà Nội 11/3/2014) – 3B

7 nhận xét:

  1. Cám ơn anh ĐL và anh 3B. QL mình nhiều nhân tài quá ! Em khù khờ không nhìn thấy núi thái sơn! Cứ làm thơ vung vít tít mù! Hi,
    Khi nào thu xếp được em đến nhận quà anh nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc Em chưa nhận được quà của anh ĐL. Anh đã gửi anh KFi, Có lẽ anh ấy bận nên chưa chuyển được. Trong khi "chờ đợi", Em tạm đọc trước 1 bài trong tập "Hoa nắng" nhé!.
      NỤ XUÂN
      Nụ xuân hồng nở sớm
      Long lanh sương tinh khôi
      Giấu mình sau bóng núi
      Nấp mình cuối khe đồi.

      Chẳng kém gì sắc nước
      Chẳng thua đâu hương trời
      Một thời trôi oan uổng
      Để thương hoài trong tôi.

      Xóa
  2. Bên này người ta rất ngạc nhiên khi tôi nói (không ngoa lắm) là người VN chúng ta - CB, SV, HS, nhất là dân Cù Lờ, ai cũng biết “làm” thơ – tôi cũng biết “làm’ tuy là thơ “con cóc’ cơ mà. Nhưng là GS, TS, Nhà khoa học như hai bạn Phạm Đạo, Đỗ Long mà đã ấn hành được nhiều tập thơ, gần như là các nhà thơ chuyên nghiệp, thì chắc là hiếm. Thế mới biết dân QL đúng là xứng đáng với bốn chữ “Dục tài học hiệu”. Cảm ơn cụ 3B đã giới thiệu hai nhà thơ QL, bạn bè của chúng ta. Nhưng cụ “nói” thì nhiều, thơ thì ít (có mỗi một bài) nên hơi bị “hẫng” và còn thấy “thòm thèm”.
    Bài thơ của bạn Đỗ Long hay quá, đọc qua thì có vẻ hơi trừu tượng, nhưng trầm ngâm một chut thì thấy hiện lên rất rõ một cánh buồm đang chơi vơi giữa biển cả đầy nắng! Hai câu kết thì quá tuyệt, nhất là đói với chúng tôi bên này, khi mà mùa xuân mới bắt đầu – ôi những “hạt nắng” đầu tiên quý giá biết bao!. Cảm ơn tác giả bài thơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ VH ơi! Đúng là tôi chỉ muốn kể về 2 buổi "ra mắt" tác phầm của 2 Cụ "Quế Lâm ta" thôi; ở bài này chưa định trích thơ nên cụ "thòm thèm" là phải. Xin sửa chữa ngay.
      Mời cụ đọc thêm bài thơ ở "trả lời Com VST" và 2 bài thơ về nước Nga trong "Hoa nắng".

      BỐN MÙA NGA (có lẽ ở Ucraina cũng vậy)
      Tiếc thu Nga vàng nhanh thay sắc
      Mừng xuân Nga vụt biếc xanh non
      Đón đông Nga long lanh trắng tuyết
      Vui hè Nga nắng mỏng mê hồn.


      Trong mơ ta gặp thu vàng
      Rừng Nga vàng rực vắt ngang mây trời
      Xa ngoài, xa nữa vàng phơi
      Biển trời khoác áo vàng tươi sắc vàng.

      Mơ rồi ta vẫn xốn xang
      Chùng chình ai đó ngỡ ngàng trách ta
      Hay là mấy chục năm qua
      Không còn dịp đến thăm Nga một lần.

      Nắng vàng quê mẹ níu chân
      Vịn vin dáng mẹ vui xuân xứ này
      Rừng thu đấy, nắng xuân đây
      Hẹn giờ cùng sẻ, hẹn ngày cùng chia.

      Xóa
    2. Có thế chứ! Cảm ơn cụ 3B, bớt “thèm” rồi, vì cụ cho thưởng thức ngay một lúc mấy bài thơ của ĐL rất tuyệt về đặc điểm thiên nhiên vào các mùa, không đâu xa mà ngay ở bên này – cứ như là tôi được tặng “riêng’ vậy. Xin gửi lời cảm ơn tác giả Đỗ Long.

      Xóa
  3. Tôi cũng có mặt trong buổi Cụ Đỗ Long mopwif và dĩ nhiên cũng đã nhận món quà Cụ ấy trao , tôi đọc ngay và sau đó về còn đọc nữa, đọc xong quả thấy hổ thẹn khi lâu nay mình cứ " múa rìu qua mắt thợ " thơ thế mới là thơ, còn thơ mình đung là của một anh chang " ngọng ngịu đứng làm thơ", thôi thì an ủi là dù sao mình cũng nói lên được nỗi lòng mình , vậy là đủ. Rất cám ơn Cụ Đỗ Long, một giáo sư, nhà khoa học và một nhà thơ chính hiệu nữa đã cho tôi những cảm nhận về cuộc đời qua các vần thơ của Cụ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc những bài thơ hay của các anh Phạm Đạo, Đỗ Long, Quang Trung ... và Thu Giang mình rất vui và "hãnh diện" (như cụ VH và ST đã viết ở trên).
      Đọc thơ của những người bạn (dù là nghiệp dư,hay chưa phải là nhà thơ nổi tiếng) nhưng mình thấy dễ đồng cảm và cảm thấy thích thú đặc biệt như được thưởng thức vẻ đẹp,hương sắc của những bông hoa ở vườn nhà.

      Xóa