Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

THẾ GIỚI TIẾP TỤC KHEN NGỢI VN TRONG VỤ TÌM KIẾM MÁY BAY MALAYSIA MẤT TÍCH



Người dân Trung Quốc: "Xin cảm ơn, Việt Nam vất vả rồi!"


BĐH- Việt Nam đã làm rất xuất sắc vai trò là người bạn láng giềng tốt của Malaysia trong vụ tìm kiếm máy bay MH370 của họ mất tích. Mong sao với ngư dân nhà mình làm ăn ở Biển Đông cũng được Nhà nước quan tâm như thế những khi gặp phải thiên tai hay địch họa ! 
( Bài sau đây đăng trên InfoNet thuộc Bộ TT.TT ngày 18/3)

Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức thông báo dừng tìm kiếm máy bay bị mất tích sau khi nhận thông tin chính thức từ chính phủ Malaysia. Tuy vậy, những hành động đẹp của Việt Nam vẫn còn đó trong lòng bạn bè quốc tế.
Ngay từ ngày tìm kiếm đầu tiên, những nỗ lực của Việt Nam đã được báo chí quốc tế ghi nhận.
Trang CNN.com đã đưa tin: “Ngày 8/2/2014, Việt Nam đã cử đi một tàu Cảnh sát biển từ Đảo Cầu, Vũng Tàu, một chiếc AN26 cất cánh từ Tân Sơn Nhất và một thuyền cứu hộ SAR 413 để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích.
Ngoài ra, 7 máy bay khác, trong đó có 1 chiếc AN-26 và 6 máy bay trực thăng Mi-171 cũng được Việt  Nam huy động để sẵn sàng làm nhiệm vụ”.
Cũng ngay trong ngày đầu tiên, Việt Nam trở thành một trong các đầu cầu trực tuyến đưa tin về hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc liên tục đón các phóng viên của nhiều hãng thông tấn lớn như AP, CNN, Reuters, CCTV, Wall Street Journal... đến tác nghiệp.
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện máy bay Malaysia Airlines bị mất tích chuẩn bị lên máy bay đi tìm kiếm (Ảnh: Tuổi Trẻ)



Thông tin và những hình ảnh trong hoạt động tìm kiếm của Việt Nam liên tục được các phóng viên quốc tế cập nhật lên các bản tin nổi bật nhất của AP, AFP, BBC, WSJ, Reuters... Thái độ tích cực tìm kiếm và trách nhiệm, tinh thần quốc tế của người Việt đã được truyền thông thế giới ghi nhận.
Trên BBC, những ngày qua, “truyền thông Việt Nam đã trở thành nguồn chính cho các báo quốc tế”. Số lượng nhà báo tác nghiệp ở Việt Nam tăng lên bao nhiêu đồng nghĩa với việc “tiếng nói của các quan chức Việt Nam lan tỏa ra thế giới” nhanh và rộng lên bấy nhiêu.
"Chưa bao giờ tiếng nói của giới chức Việt Nam có sức lan tỏa ra thế giới nhanh đến vậy" (Ảnh AP)

Thậm chí, bài viết còn cho rằng “các phóng viên từ Bắc Kinh, Hong Kong, Singapore, Kuala Lumpur trao đổi hàng ngày qua mạng nội bộ của BBC cũng như các đồng nghiệp ở Mỹ đều đồng ý với nhau rằng trước khi nghe quan chức Malaysia phát biểu, hãy xem nguồn từ Việt Nam nói gì”. Vì trên thực tế, phía Malaysia đã phải “chờ tin tức từ Việt Nam để công bố cho các gia đình nạn nhân và báo giới.”
Cùng với đó, bài viết này cũng khẳng định, sau sự kiện lần này, Việt Nam “đã chứng tỏ mình nước chủ nhà ở một vùng biển quan trọng” và tinh thần hòa hảo quốc tế khi đồng ý cho các tàu thuyền và máy bay các nước, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật... tham gia tìm kiếm trong vùng biển và không phận của mình.

Máy bay tìm kiếm của Việt Nam trên trang VOA News

Ngoài BBC, ngày 12/3, trang tin VOA News (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) đã xuất bản một bài viết đề cao vai trò của Việt Nam trong đợt tìm kiếm vừa qua. Một đoạn trong bản tin đã viết:
“Ngay khi chiếc máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines bị mất tích, Việt Nam đã lập tức vào cuộc. Xét về phương diện quốc gia, những nỗ lực ấy là một điều đáng tự hào. Việt Nam không phải chịu trách nhiệm gì về vụ mất tích nhưng họ đã tự nguyện đóng góp đáng kể trong công tác tìm kiếm cứu nạn”.
“Người Việt Nam cũng bày tỏ sự cảm thông đến người Trung Quốc và các hành khách khác trên chuyến bay MH370 bằng những bình luận trên các bản tin và mạng xã hội. “Tôi luôn theo dõi Twitter và các trang tin để xem tin cập nhật”, một người Việt Nam viết. “Trái tim tôi hướng về toàn thể các gia đình. Cầu nguyện cho MH370”, bài báo trên VOA viết thêm.
Không chỉ báo chí phương Tây, truyền thông Trung Quốc cũng dành nhiều lời tốt đẹp, biểu dương những nỗ lực của Việt Nam khi tham gia vào sự kiện kể trên. 

Các chiến sĩ không quân Việt Nam làm nhiệm vụ
Trang Tân Hoa Xã , một tờ báo lớn của Trung Quốc, cũng đăng tải nhiều tin bài trích dẫn ý kiến của các quan chức Việt Nam về công tác tìm kiếm trên biển Đông. Tân Hoa Xã cũng bày tỏ thái độ trọng thị và đề cao tinh thần quốc tế của Việt Nam vì đã “đồng ý cho tàu của Trung Quốc, Singapore, Mỹ và các nước khác cùng tham gia dò tìm máy bay bị mất tích” trong vùng biển của nước mình.
“Cho đến giờ, Việt Nam vẫn chưa nhận được lời đề nghị chính thức nào từ Malaysia nhưng họ vẫn hành động”, trang Tân Hoa Xã bình luận, đồng thời trích đăng lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam rằng người Việt sẽ “sẵn sàng tham gia thực thi nhiệm vụ tìm kiếm bất cứ khi nào có đề nghị từ nước bạn”.
Tinh thần hòa hảo, thái độ hết mình vì bè bạn quốc tế đã khiến nhiều nhà báo Trung Quốc khi tác nghiệp tại Việt Nam xúc động. 

Phóng viên Hồ Tuệ Dực của đài CCTV - Trung Quốc (Ảnh Xuân Hải)

Nhà báo Hồ Tuệ Dực của CCTV khi trả lời phỏng vấn Infonet đã nói: “Tôi rất ấn tượng về công tác tìm kiếm của phía Việt Nam, họ đã dốc toàn lực để tìm kiếm máy bay MH 370. Sự việc này không liên quan trực tiếp đến Việt Nam nhưng các bạn đã làm hết sức mình trong công việc tìm kiếm, đưa tin để giúp đỡ nước ngoài”.
Những ngày qua, thông qua các nhà báo, hình ảnh của Việt Nam đã chạm đến nhiều trái tim  độc giả và các cư dân mạng. Trên mạng xã hội Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những chia sẻ cảm ơn Việt Nam vì nghĩa cử trong suốt 8 ngày tìm kiếm vất vả và tốn kém.

"Cám ơn Việt Nam" (Nguồn: FB Trangchiem)
Chưa bao giờ, cờ Việt Nam cùng những lời tốt đẹp như “Hôm nay chúng ta là người Việt Nam”, “Việt Nam thật kiên cường và tốt bụng” hay những hastag (#) “Cám ơn Việt Nam”, “dành cho Việt Nam 1 like”... được cư dân mạng Trung Quốc chuyền tay nhau nhiều đến thế.
Cờ đỏ sao vàng được chia sẻ trên trang Weibo (Nguồn FB Trangchiem)
Có nguồn tin không chính thức cho rằng, mỗi ngày tìm kiếm Việt Nam bỏ ra xấp xỉ 20 tỷ đồng cùng công sức và những nguy cơ rủi ro khôn lường. Nhưng, ngoài những ý nghĩa cao đẹp về tình hữu nghị quốc tế, các lý do bảo vệ chủ quyền sâu xa, chắc chắn sau sự kiện lần này, hình ảnh  và vị thế của Việt Nam sẽ được nâng tầm trong mắt bạn bè thế giới. Đó là những giá trị không dễ đo đếm bằng tiền.
                                                                                                       Lê Hương

7 nhận xét:

  1. Đọc trên Lề trái thấy có bài châm chọc VN cho rằng chúng ta " nhanh nhẩu đoảng" , thực chất là " đốt tiền của dân" để làm cái việc " Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng " ...mà lộn tiết ! Cái gì cũng phải tỉnh táo và có giới hạn. Nói gọn là là phải xuất phát từ cái tâm trong sáng. Nếu cứ nhăm nhăm tìm sơ hở để bới móc, bôi nhọ Chính quyền mọi lúc mọi nơi, chỉ thấy xấu không thấy tốt thì rõ ra anh THONG MANH rồi ! Vụ cô giáo và HS ở bản Sam Lang ( tỉnh Điện Biên ) phải qua suối lũ bằng cách chui vào bao nilon ( có Video Clip hẳn hoi), rồi ông Bộ trưởng Thăng đang ở Nhật xem được liên chỉ thị ngay về nhà cho Thứ trưởng xem xet quyết định xây gấp 1 chiếc cầu treo cho dân, cũng bị cho là " đóng diễn" để làm PR cho ai đó ! Mình nghĩ, giả thử ( giả thử thôi nhé)có đóng diễn mà chỉ sau đó 2 tháng dân ( chứ không phải cá nhân nào đó) có được cái cầu qua suối mùa lũ cũng thật đáng khen cho "đạo diễn và diễn viên" lắm chứ ! Viết đến đây mình lại nhớ câu hát của Trịnh Công Sơn "
    "Những con mắt tình nhân
    Nuôi ta biết nồng nàn
    Những con mắt thù hận
    Cho ta đời lạnh câm

    Những mắt biếc cỏ non
    Xanh cây lá địa đàng
    Những con mắt bạc tình
    Cháy tan ngày thần tiên ..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy, tôi rất tán thành ý kiến của bạn, Calathau.

      Xóa
  2. Tôi nhất trí với cách suy nghĩ cùa anh Vũ Quang Trung về vấn đế này.Trần Kháng Chiến

    Trả lờiXóa
  3. Thật hay là người dân TQ đã hiểu chúng ta hơn...Còn người VN thì... tại sao không?

    Trả lờiXóa
  4. Người Việt nam ta vẫn vậy, nhân nghĩa va thân thiện , việc gì ta làm được làm tốt thì phải công nhận chứ, chỉ có điều sức mình có hạn với lại phải luôn cảnh giác với chúng, những kẻ lợi dụng vụ việc để thực hiện ý đồ lấn chiếm ở biển đông.

    Trả lờiXóa
  5. Phải thật công bằng và khách quan, Cái gì nhà nước làm chưa tốt thì ta phê bình, cái gì tốt thì phải ủng hộ. Theo tôi hành động tích cực của VN tham gia tìm kiếm máy bay Malaisia mất tích là rất nên làm và qua việc này chúng ta cũng học hỏi được nhiều điều.còn nếu chúng ta cứ lờ đi thì thật đáng ngượng với thế giới.

    Trả lờiXóa