Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

THEO CHÂN ĐOÀN CỰU TSQ.TCCT "VỀ MIỀN TRUNG" ( BÀI 3)

Hành hương :" Về Miền Trung"  
( Ngày thứ 2- Buổi chiều 
và trên đường trở về HN )

Chiều 26/3, sau khi tham quan Động Phong Nha và dùng bữa cơm trưa ngay trên bến thuyền,  Đoàn tiếp tục hành quân vào Quảng Trị. Đích đến sẽ là Nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị, những địa danh chỉ nghe tên thôi, không người Việt Nam nào lại không bồi hồi xúc động ....
Lịch sử chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc có biết bao tên đất tên sông ghi dấu ấn bi tráng, trở thành nốt trầm hùng trong bản trường ca dựng nước và giữ nước vĩ đại, nhưng có lẽ " nốt trầm" nhất phải là nơi đây :Nghĩa trang Quốc gia Liệt sĩ Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị. 
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách Tp Đông Hà khoảng 38km về phía Tây bắc, đây là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.
 Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. 
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: uống nước nhớ nguồn.
Với ý nghĩa linh thiêng cao cả như vậy Đoàn TSQ.TCCT đã đến đây với hương hoa và với tấm lòng của những người chịu ơn các anh hùng liệt sĩ ....
Rời Nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn , xe đưa đoàn TSQ đến Thành cổ Qnảng Trị ...
Thành cổ Quảng Trị nằm giữa thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn chừng 200m về phía Nam. Đứng soi mình xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hoà, Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc, sáng ngời biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị.
Một chút lịch sử :  Để trấn giữ phía bắc kinh đô
Phú Xuân, năm 1809 Gia Long thứ 8 quyết định dời Dinh từ phường Tiền Kiên, huyện Đăng Xương (Triệu Giang, Triệu Phong ngày nay) đến xây dựng trên một khu đất cao tại xã Thạch Hãn- Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị).  Thành lúc đầu, được đắp bằng đất, đến năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có 4 cửa nằm chính giữa 4 mặt thành: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây vòm cuốn, vòm làm bằng gổ lim.  Trong đó, Hành cung được xem là công trình nổi bật nhất, nơi đây thường để Vua ngự và thăng quan cho các quan cấp tỉnh ở Quảng Trị hay tổ chức các lễ tiết trong năm. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đặt chính quyền bảo hộ thì Thành cổ lại có thêm nhà lao, toà mật thám, trại lính khố xanh, cơ quan thuế đoạn... Từ năm 1929 đến năm 1972, nhà lao Quảng Trị là nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước và chính nơi đây đã trở thành trường học chính trị, để rèn luyện ý chí son sắt, đấu tranh trực diện với kẻ thù của những người yêu nước.

 Dưới thời tạm chiếm, Mỹ - ngụy biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Vì vậy, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh chống Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 và các trận chiến đấu oai hùng của quân và dân ta. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu ngoan cường đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành Cổ của Ngụy quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.  
Chiến công giữ vững Thành Cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bất tử, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như những trang hào hùng nhất.
Thành Cổ Quảng Trị được xếp hạng di tích Quốc gia từ ngày 12/12/1986, đến năm 1994, Thành Cổ Quảng Trị lại được xếp vào danh mục những Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng và đã được Nhà nước đầu tư nhiều hạng mục công trình tưởng niệm mang dấu ấn tâm linh và tính nghệ thuật nổi bật .
Mô hình trong Nhà trưng bày thành Cổ Quảng Trị
Cũng đã có nhiều bài thơ, bài hát nói về sự khốc liệt và mất mát của trận Thành cổ Quảng Trị, trong đó người ta thường nhắc tới bốn câu thơ trong bài Lời gọi bên sông của Lê Bá Đương, một cựu chiến binh QĐNDVN từng tham gia trận đánh này:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ. 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước 
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Ngoài ra khi chuẩn bị vào sâu trong mặt trận phía Nam ở Bắc Quảng Trị, Lê Bá Dương cũng có 2 câu thơ rất hay, được xem như là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ của quân giải phóng Bắc Quảng Trị :

Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc 
Một dấu chân in màu đất hai miền

 Trên đường trở ra Đoàn đã dừng xe 
cho mọi người đi bộ qua cầu Hiền Lương

Cả Đoàn chụp ảnh lưu niệm với cây cầu đã từng chia cắt đất nước 

" Nụ cười trong gió sớm, tôi đi tìm em ...giữa cầu Hiền Lương ..." ( Trích lời bài hát)

Từ bờ Nam sang bờ Bắc sống Bến Hải .

 Cột cờ nổi tiếng bên bờ Bắc cầu Hiền Lương đã được xây dựng lại hoành tráng !

4 cựu TSQ TCCT cũng là 4 cựu HS K5 Trường TNVN (53-58)  thành viên trong Đoàn.  Riêng cụ Hữu Hùng (kính râm) từng là sĩ quan quân giới tham gia trận chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị. 1972.
( Từ trái qua : Đinh Quang Giang, Hoàng Thế Long, Nguyễn Hữu Hùng, Phạm Phu )






Hồng Liên, Bá Tuân và Vương Anh Dũng hát trên xe
.Ngày 27/3, trên đường trở về thủ đô, cả Đoàn ai nấy đều nặng trữu cảm xúc tự hào xen lẫn thương tiếc và biết ơn vô hạn trước sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ cho Tổ quốc trường tồn . Chính lúc này mới có dịp nhắc lại bao kỷ niệm thời chinh chiến của bản thân hoặc bạn bè Quế Lâm gần gũi . Chuyện anh Trần Xuân Thạc (K6) một thời làm Chủ tịch Tp Đông Hà, " Thủ đô" của MTDTGPMNVN. Cựu Sĩ quan Quân giới Hữu Hùng kể chuyện tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Bình ( em trai Thế Hùng, Văn Dũng nhớ lại những ngày nằm chiến hào khi quân ta và quân địch "cài răng lược" ở chiến dịch Đường 9. Bá Tuân ( Người mặc áo trắng cầm Micro trong ảnh ghép ), cựu HS Lớp 4, rể Tây Ninh kể chuyện thời làm lính Bảo vệ TW Cục ở B2 và K . Anh Tuân có lời mời các bạn về thăm chiến trường xưa Nam Bộ , anh sẽ đón tiếp.Vương Anh Dũng ( Áo khoác ) hát rất hay bài hát " Ca ngợi 10 cô gái Đồng Lộc" do chính anh sáng tác.Nữ ca sĩ Hồng Liên, K3, trải lòng mình qua bản tình ca " Khi em nói yêu anh", làm khối cụ ông xao xuyến ...
Xe đến địa phận huyện Bố Trạch (Quảng Bình)  ...theo nguyện vọng của mọi người, trưởng đoàn Đại tá Đinh Bá Trụ "phát lệnh" cho xe đưa Đoàn rẽ ra hướng biển, vào Vũng Chùa, chào Võ Đại tướng và cũng là để được ngắm kỹ không gian kỳ vĩ nơi Đại tướng đã chọn nằm lại vĩnh hằng với non nước Việt  mà ông suốt đời phụng sự và yêu quý !

  
Nơi đây Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ ngàn thu

  
Quanh mộ vị tướng huyền thoại luôn luôn có vòng hoa tươi kính viếng.

Từ mộ Võ Đại tướng nhìn ra Vũng Chùa và Đảo Yến

Có thể nói chuyến Hành hương tâm linh " Về Miền Trung" của Đoàn đã đạt kết quả " Trên mức yêu cầu đặt ra". Ngoài sự tổ chức và lập trình chuyến đi hợp lý, sự cố gắng của mỗi thành viên hầu hết đã sang tuổi " Xưa nay hiếm" còn là sự quan tâm của Hội TSQ Toàn quốc ( hỗ trợ 1 chuyến xe đi về trị giá 20 triệu đồng).
Cụ Thế Long cho biết, Đoàn cựu TSQ đến Nghệ An và Quảng Bình, tỉnh ủy 2 tỉnh này đón tiếp, chiêu đãi ăn nghỉ trọng thị . Mặc dù Đoàn thuyết phục cho Đoàn thanh toán nhưng địa phương không chịu . Các đồng chí ở đây nói : được tiếp các bác là vinh dự cho địa phương lắm rồi ! Cũng vì thế cho nên khi đi qua Quảng Trị và Hà Tĩnh , Đoàn đã " lặng lẽ" tự giải quyết để không làm phiền hà đến địa phương !
Một thắng lợi nữa của Đoàn là Đoàn đã vượt kế hoạch về Chương trình, cụ thể :
-  Hai lần Viếng Võ Đại tướng ( 1 lần ban đêm, 1 lần ban ngày)
-  Thêm ( lãi) 3 điểm viếng thăm quan trọng : Ngã Ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị và Cầu Hiền Lương .
Chính vì bổ sung địa điểm tham quan thăm viếng mà thời gian không tăng nên hoạt động của Đoàn rất căng thẳng . Hàng ngày Đoàn khởi hành sớm, 8-9g tối mới ăn cơm chiều. Ngày cuối cùng (27/3), Đoàn về đến Hà Nội là lúc đã sang ngày mới ( 1g sáng 28/3) .Ai cũng thấm mệt, nhưng các cụ không ai " xổ mũi nhức đầu". Họ bắt tay nhau tạm biệt và kết thúc một chuyến hành hương để lại trong lòng mỗi người một kỷ niệm sâu sắc. Họ hẹn với nhau giữ lửa cho mình và nhân lên ngọn lửa nhiệt tình ấy cho các thế hệ con cháu !  
Thông tin và hình ảnh do Hoàng Thế Long cung cấp trên suốt hành trình .
Vũ Quang Trung ( Calathau) biên tập lại .

7 nhận xét:

  1. Đoàn đi vui và mang nhiều ý nghĩa .Đọc bài này tôi vui hơn vì thấy CHÀNG THẾ LONG nhà ta chấp bút tường trình 3 đoạn đường đi rồi gửi cho ban điều hành blog QL -LS .Lúc tôi chưa biết viết ,chỉ biết đọc trộm ,tôi thấy chàng này thuộc loại viết nhiều bài uyên bác chất lượng .Rồi tự nhiên chàng biến mất tăm .Lần này chàng xuất hiện ,mong thường xuyên hơn TL nhé !

    Trả lờiXóa
  2. Chuyến đi của các cựu TSQ TCCT thật là ý nghĩa và vui vẻ. Đoàn đến được nhiều đia danh lịch sử quá. Ảnh và bài của bạn Thế Long cùng với sự hỗ trợ của bạn Calathau thật là hết ý. Hoan hô các cụ.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh21:58 28/3/14

    Thế Long:
    Thưa các bạn, đây mới là những chữ đầu tiên tôi viết ở đây, còn 3 bài vừa rồi là của Quang Trung cả đấy. Tôi thường viét du kí như những chuyến phượt Yên Bái, Hà Giang... khi về đến nhà, còn nếu mang máy xách tay đi thì quả thật là không lúc nào mà làm được, chỗ ở thì toàn khách sạn "không sao" nên không có WIFI. Trước khi đi chuyến này QT giao nhiệm vụ cho tôi phải cung cấp đầy đủ thông tin bằng điện thoại: giờ giấc, địa điểm, hoạt động, không khí trong đoàn, cảm xúc... Vì vậy cứ có hoạt động gì mới là thông báo ngay, hình ảnh thì lúc gửi được ngay, lúc phải để chờ đến tối, khi đã về thành phố. Mấy hôm vừa rồi QT "theo chân đoàn" rất sát và cũng rất bận rộn để biên tập kịp thời, lại tra cứu để có thêm thông tin. Xin cảm ơn Quang Trung.
    Chuyến đi này đoàn đến được nhiều điểm, tăng thêm nội dung so với kế hoạch ban đầu 3 địa điểm, vì vậy ngày nào cũng dậy từ 5g, 5g30, vội vàng ăn sáng rồi ra đi, hoạt động suốt ngày, trên xe thì ôn lại kỷ niệm xưa khi ở TSQ TCCT, có mấy người kể chuyện thực tế chiến trường đường 9 Quảng Trị, người kể chuyện kỷ niệm chiến trường B2, K. Hát nữa, cả đơn ca và đồng ca... 3 bữa ăn tối thì hôm đầu vào 9 giơ, hai hôm sau vào 8 giờ tối. Đêm hôm qua mãi 1 giờ sáng mới về đến Hà Nội. Đối với tôi thì vẫn tiện nghi hơn phượt nhiều lần.
    Kết luận của Đoàn: chuyến đi để giữ lửa cho mình và khi về cố gắng nhóm lên ngọn lửa cho các thế hệ con cháu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước khi đoàn cựu TSQ xuất phát "Về Miền Trung ", cụ Phó Mõ 3B " chỉ đạo" : phải làm sao đưa tin, ảnh kịp thời về hành trình của Đoàn này lên đình Làng LSQL ngang tầm với Đoàn " Lên Biên giới phía Bắc" tháng trước . Tôi nghĩ ngay đến cụ Thế Long ( Nick Name Diachuoansai ) và chính sự sốt sắng của cụ mà thông tin được gửi ra kịp thời mỗi ngày , thậm chí có lúc mỗi giờ ! Nếu trong chuyến hành hương " Lên biên giới" , ít nhất Đoàn có 4-5 tay viết tay máy, thì Đoàn " Về Miền Trung" chỉ có 1 mình cụ Thế Long" đơn thương độc mã" làm lính xung kích tác nghiệp ngoài trận tiền ! Hai chúng tôi đã phối hợp rất ăn ý , tuy vậy có những khó khăn khách quan, chủ quan không khắc phục được, mong được các cụ thông cảm !

      Xóa
    2. Khi trao đổi với Cụ, "làm sao để có PS về chuyến đi này kịp thời ,đầy đủ và súc tích...". Tôi không nghi ngờ về "máy móc", kỹ thuật và nhiệt tình của Thế Long, cũng như rất tin tưởng " bút lực" của một PV gạo cội, rất phong độ và có tay nghê cạo như Cụ.
      Điều tôi lo duy nhất là "Bộ đàm"của cụ TL "chỉ thông tin một chiều", vì Cụ nói Cụ TL không nghe được?.(2 cụ mà cứ hở hở, hả hả mãi thì gay).
      Thật may, mọi việc đã trôi chảy.
      Xin Chúc mừng 2 Cụ đã "hợp đồng tác chiến" thành công.

      Xóa
  4. Cám ơn Hoàng Thế Long và Calathau đã đưa tịn nhanh và đầy đủ vể đoàn TSQ hành hương về cội nguồn. Chảo !

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đã đọc và xem các bài, ảnh mà Thế Long và Quang Trung đã đưa lên Blog một cách chăm chú và hết sức thú vị.
    Một chuyến đi "Lịch sử" (khó có thể lặp lại, vì Đoàn rất đông, toàn các cụ cựu TSQ thời "KC 9 năm", lại đã ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm",...).
    Xin chúc mừng Đoàn đã "hạ cánh" an toàn, khỏe mạnh và rất hưng phấn.
    Cảm ơn và cảm phục cặp đôi "Phóng viên hoàn hảo" Diachuoansai & Calathau đã "kẻ tung người hứng" rất ăn ý, phối hợp chặt chẽ giữa "tiền phương" và "hậu phương", để với tay máy, tay bút xuất sắc, cho ra lò những PS kịp thời, đầy đủ và hấp dẫn.

    Trả lờiXóa