Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Trần Xuân Hoài : Đầu xuân bàn về số mệnh theo quan điểm khoa học


NÓI CHUYỆN SỐ MỆNH DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC
Trần xuân Hoài
(BÀI ĐÃ ĐĂNG RÚT GỌN TRÊN "Tia Sáng" , số xuân Ất Mùi ra ngày 5/2/2015 ,trang 45-49)
Xuân Hoài ( ảnh Quang Trung )
Lại mở đầu một năm mới, cũng là lúc thử luận bàn về khoa học và sự huyền bí tâm linh.
Trời đất vận chuyển tuần hoàn vĩnh viễn không sinh không diệt, chỉ có cuộc sống hữu hạn của muôn loài là trôi theo một chiều từ sinh đến diệt mà thôi. Phía trước luôn là bí ẩn và ai cũng muốn biết trước điều sẽ xẩy ra. Do đó dù thuộc chủng tộc nào, thuộc nhóm đức tin nào, dù thuộc tầng lớp nào, dù trình độ hiểu biết ra sao, muốn hay không, thì với con người việc tìm cách tiên tri hay tiên đoán mà dân gian gọi là bói toán, là hoạt động đã tồn tại hàng ngàn năm qua cho mãi đến nay, và có lẽ là một trong những môn cổ nhất lịch sử văn minh nhân loại[1]
CÓ CHĂNG KHOA HỌC HUYỀN BÍ ?
 Khi khoa học phát triển và có uy tín không thể bàn cãi, người ta cũng gán cho bói toán cái danh khoa học, gọi là thuộc về khoa học huyền bí.
Bất cứ ngành khoa học nào cũng phải bắt đầu bằng những tiên đề (Axiom) . Đó là những chân lý tự thân đúng, không cần và không thể chứng minh. Ví dụ ngành Vật lý thì thừa nhận Vật chất và năng lượng là bảo toàn, không tự nhiên mất đi và không tự nhiên sinh ra. Mỗi học thuyết (hay lý thuyết) cụ thể trong một ngành khoa học cũng phải xây dựng trên những tiên đề riêng (còn gọi là định đề- postulate) là những chân lý không thể chứng minh bằng chính lý thuyết đó[2]. Ví dụ, thuyết tương đối của Einstein trong vật lý coi tốc độ ánh sáng trong chân không là cực đại và bất biến theo mọi hướng. Định đề này được rút ra bằng thực nghiệm, còn lý thuyết của Einstein thì không thể chứng minh được tại sao.
Vây nên, nếu muốn coi bói toán  là một khoa học, ít nhất là Khoa học huyền bí, thì  Tiên đề đầu tiên của bói toán, là phải thừa nhận có một sự sắp đặt trước nào đó của tạo hóa khi một con người sinh ra. Nói theo ngôn ngữ khoa học, đó là tạo hóa đã lập trình cho mỗi sinh linh khi ra đời và việc bói toán là việc cố giải mã  lập trình của tạo hóa. Trong cái gọi là Khoa học Huyền bí về bói toán tồn tại nhiều thuyết huyền bí, mỗi thuyết đều phải dưa trên một hay nhiều định đề cơ sở. Ví dụ bói vân tay thì coi vết chỉ tay là dấu hiệu của cuộc đời. Bói mai rùa (Trung Hoa), bói chân gà (Việt nam), bói lòng lợn (Châu Phi) cũng tượng tự. Bói Kiều thì coi 3254 câu Kiều là chỉ dấu của đời người…Nói chung là rất tùy tiện, không có bài bản gì để bàn luận. Tuy nhiên, nền minh triết đông tây hiện nay tồn tại ba học thuyết tiên tri tương đối có bài bản đó là Chiêm tinh học (Astrology), Kinh Dịch, Tử Vi.
Ba ngàn năm trước Công nguyên, người Lưỡng Hà (Vùng Irac-Syria ngày nay) bắt đầu mày mò nhìn đoán sao trên trời-Chiêm tinh (Astrology) .  Họ đã quan sát bầu trời và phát hiện ra chuyển động biểu kiến của  mặt trời tương ứng với vị trí các chòm sao nhất định , có tính chu kỳ hàng năm. Và sau đó người Babylon tạo ra 12 ký hiệu Hoàng đạo. Người Ai Cập cải tiến nó và đến lượt người Hy Lạp thì hệ Hoàng đạo (Zodiac)  đã hoàn chỉnh. Họ đã chia một chu kỳ mặt trời ra được 12 cung (độ dài khoảng 30 ngày) định vị với các chòm sao tương ứng trong một năm. Ngày sinh của một cá thể người là chỉ dấu gắn chặt với cung hoàng đạo, nên đó là cung chiếu mệnh của cá thể đó. Định đề này có thể chấp nhận được. Hơn nữa, thuyết này đã có một cơ sở khoa học khá sớm , đó là thừa nhận mặt trời là một tác nhân chủ yếu đến sự hình thành và phát triển con người. Nhưng khi đi xa hơn, mỗi cung Hoàng đạo lại được gắn cho những thuộc tính nhân tạo, cùng với những tương tác của các cung Hoàng đạo với nhau thì thật là đáng ngờ. Ví dụ , lấy gì để nói rằng Capricornus – Ma Kết (22/12 – 19/1) , Virgo – Xử Nữ (23/8 – 22/9), Taurus – Kim Ngưu ( 20/4 – 20/5) là nhóm Đất,. Những người sinh ra trong nhóm Đất rất chung thủy, cần cù, ôn hòa và khoan thai ! Và khi lấy đó làm một định đề cơ sở để tiên đoán thời mệnh của con người thì đó là việc hoàn toàn tùy tiện, không thể lý giải. Nhưng đó lại chính là mảnh đất làm ăn của các nhà Chiêm tinh học cổ đại và hiện đại. Dù biết là vô lý như vậy nhưng loài người ngày nay , nhất là giới trẻ vẫn gửi niềm tin vô vọng vào đó.
Ở Phương Đông thì cũng thịnh hành một kiểu gần giống thuật chiêm tinh nói trên, gọi là Tử Vi. Khởi nguồn muộn hơn, có thể là thế kỷ 10 sau CN, và được quy cho Trần Đoàn , hiệu là Hi Di , đời Tống sáng tạo ra. Cũng giống như thuật Chiêm tinh Tây phương, Tử vi cũng coi số mệnh con người được an bài từ lúc chào đời. Lấy ngôi sao ứng với thời điểm chào đời làm sao chiếu mệnh. Thời điểm chào đời tính theo lịch Mặt trăng , mà tên gọi của năm là tổ hợp của 10 can và 12 chi –tức 12 con giáp. Việc thừa nhận ảnh hưởng của vũ trụ và đặc biệt là chu kỳ mặt trăng đến con người là có tính khoa học. Từ các thông số đó và giới tính , theo một quy trình do con người không dựa trên bất kỳ cơ sở nào để xếp các sao thành một lá số . Đó là điều thứ nhất mang tính áp đặt buộc phải thừa nhận mà không lý giải được vì sao. Cái thứ hai không thể lý giải được là hệ thống sao của Tử Vi đã không theo một quan sát thiên văn nào cả mà hoàn toàn do con người tự đặt ra (Ban đầu theo Hi Di thì có 93 sao, hậu thế thì lại an đến 118 sao). Điều vô lý thứ ba, Tử Vi cũng gán cho mỗi sao mỗi thuộc tính và quy luật tương tác không dựa trên một cơ sở nào cả. Điều này cũng hoàn toàn giống như điều phi lý của Chiêm tinh học khi quy cho mỗi cung Hoàng đạo một thuộc tính. Khi được hỏi cơ sở nào để thừa nhận thì được trả lời: theo người xưa truyền lại. Nói khác đi, tiên đề cho học thuyết Tử vi là: Người xưa bảo thế! Vô lý chưa, vậy nhưng tin thì cứ tin , và sự thực thì bói Tử vi vẫn tồn tại mãi mãi . Con người mà !
   Phương Đông từ rất sớm , quan niệm vạn vật từ vũ trụ đến con người là sự kết hợp của âm dương và từ hơn năm ngàn năm trước CN đã xây dựng được một hệ thống biểu diễn toán học cuả quan niệm tổng quát đó bằng các quẻ của Kinh Dịch. Cổ nhân dùng một nét gạch liền gọi là Dương và một nét đứt đoạn gọi là Âm. Đó chính là Lưỡng nghi , theo toán học ngày nay đó là cơ số 2. Khi chồng hai gạch đó lên nhau, thì thu được 4 tổ hợp, gọi là Tứ tượng , tương ứng 22.Chồng thêm một gạch (liền hoặc đứt) nữa thi thu được tám tổ hợp , gọi là bát quái , tương ứng 23. Chồng hai tổ hợp của bát quái lên nhau, thu được tất cả 64 tổ hợp , gọi là Trùng quái, tương ứng 26.. Cho đến đoạn này thì các quan niệm âm dương, xây dưng nên hệ cơ số hai là hoàn toàn khoa học. Đáng tiếc là cổ nhân phương Đông (Trung Hoa hay Việt gì đó) hơn 4000 năm trước chỉ dừng lại ở 64 quẻ Dịch , không thể đi xa hơn để xây dựng nên Đại Số Học Nhị Phân, cơ sở cho máy tính hiên nay ! Trái lại cổ nhân lại coi chúng như biểu trưng cho sự bí ẩn huyền diệu . Các bậc thánh hiền hậu sinh , mỗi người mỗi cách gửi gắm minh triết của mình vào mỗi quẻ Dịch một bài thuyết giảng, bắt đầu từ Chu Văn Vương viết lời Soán, con là Chu Công viết Hào từ , rồi Khổng tử giải nghĩa thêm gọi là Thập Dực, thế là bộ Kinh Dịch huyền bí hoàn thành, người đời sau cứ thế mà suy luận thoải mái, gọi là giải Dịch. Vì dựa trên hệ nhị phân, giống như đồng tiền có hai mặt quy ước Âm-Dương, nên khi gán một quẻ Dịch cho đối tượng nào thì làm thủ thuật xin quẻ, đơn giản nhất là tung đồng tiền sấp ngữa (Âm hoặc Dương), hoặc rút hay xóc thẻ làm bằng các lóng tre có đốt hay không có đốt. Sau một số lần gieo nhất đinh thì thu được một quẻ Dịch cho đối tượng đó. Thế là các nhà bói dịch dựa vào các lời thánh hiền viết cho mỗi quẻ mà giải thuyết, không khác gì dân Việt ta bói Kiều, đối tượng tin tuyệt đối ! Nội dung của Chu Dich gồm phần Kinh Dịch là phần về bói toán. Phần thứ hai là Truyên Dịch là giải thích Kinh Dịch đậm chất triết học, nhưng mơ hồ huyền bí lắm. Chỉ có thể bàn về phần bói dịch, rằng việc gán cho mỗi quẻ dịch mang một phần triết thuyết nào đó là không có cơ sở và việc giải đoán nó lại càng mơ hồ. Sau nữa , thủ thuật  xin quẻ cho đối tượng dưa trên sự xin quẻ ngẫu nhiên, rõ ràng là thua xa việc dựa trên thời điểm sinh nhật của đối tượng như thủ thuật Chiêm tinh học hoặc Tử Vi sử dụng. Cái duy nhất khả dĩ chấp nhận được trong bói Dịch là quan niệm mọi thực thể vũ trụ, kể cả con người,  là chịu ảnh hưởng của vũ trụ và là sự kết hợp âm dương mà phát triển lên[3].
Tóm lại, cả ba thuyết phổ biến về tiên tri bói toán này đều xuất phát từ những quan niệm (hay định đề-Postulate) tương đối khoa học nhưng khi diễn dịch ra để áp dụng làm công cụ bói toán-tiên tri thì hoàn toàn khiên cưỡng, tùy tiện, phi khoa học và phi logic.
LIỆU CÓ THỂ BIẾT TRƯƠC SỐ PHẬN ĐƯỢC CHĂNG ?
Khoa học hiện nay chưa thể lý giải mọi hiện tượng. Vì vậy có lúc cũng phải viện dẫn đến niềm tin để làm cơ sở. Chẳng hạn, có linh hồn hay không ? Khoa học không thể phủ định cũng không thể khẳng định. Đa số tin rằng con người bao gồm phần thực thể (Physical) và phần tinh thần (spirit). Phần tinh thần quá cao siêu, không dám bàn về số phận tinh thần. Vậy chúng ta chỉ bàn về số phận cho phần thực thể mà thôi. Nếu loại bỏ những điều phi khoa học, không logic và mang màu huyền bí thì những luận cứ của Chiêm tinh, Tử vi, Kinh dịch khả dĩ chấp nhận dưới góc nhìn khoa học có thể tóm tắt thành các Định Đề (Postulate) dưới đây:
 1- Con người sinh ra đã được tạo hóa định mã lập trình (có thể hiểu là số phận).
 2- Con người là một thực thể của vũ trụ, do âm dương kết hợp mà thành, chịu ảnh hưởng của vũ trụ trong quá trình hình thành. Mà ảnh hưởng quyết định nhất là mặt trời và mặt trăng.
3- Sự phát triển của đời người dựa trên cơ sở lập trình lúc hình thành và biến chuyển liên tục dưới tác động của vũ trụ.
4- Dấu ấn của vũ trụ và mã lập trình được xác định trong khoảng thời gian hình thành lấy thời điểm ra đời (ví dụ lấy ngày sinh) làm mốc.
Sử dụng định đề số 2, ta coi tác động của vũ trụ gói gọn lại gồm trái đất mặt trời và mặt trăng. Mặt trời là có ảnh hưởng lớn nhất, vì vậy đơn vị tính thời gian là lấy năm mặt trời, tức một vòng quay biểu kiến của quả đất quanh mặt trời. Mặt trăng tuy nhỏ hơn nhiều sao khác nhưng gần trái đất nhất, nên quỹ đạo mặt trăng (tháng mặt trăng) cũng là thông số chính yếu.
Diễn giải định đề số 4 ,chúng ta coi 9 tháng trong bụng mẹ và ba tháng sau ngày sinh là năm mà tạo hóa tạo nên hoàn chỉnh bộ mã lập trình, đánh dấu là tuổi số 0, là tuổi tiên thiên trời định.
Mấu chốt để giải mã là diễn giải định đề số 3. Theo tuổi tăng lên con người sẽ thay đổi. Những tuổi mà ở đó trạng thái của vũ trụ lặp lại trạng thái ở  tuổi tiên thiên, thì dù có tạo nên sự biến dịch, cũng vẫn là đồng dạng với mẫu hình như hóa đã ban tặng. Nói đơn giản đó là tuổi những thay đổi đã theo một khuôn mẫu như khi tạo hóa sinh ra , không biến đổi đột xuất.Ta gọi là tuổi Bình yên. Còn nếu ở tuổi mà trạng thái vũ trụ thay đổi so với trạng thái ở tuổi lúc sinh ra, thì con người cũng thay đổi không theo như ban sơ, ta gọi là tuổi Biến dịch.
 (lưu ý: Định đề này là mấu chốt để phát triển các tính toán tiếp sau đây. Nếu không thừa nhận nó thì các phần dưới đây vô giá trị)
Trạng thái  vũ trụ của một thời điểm, ví dụ tại điểm bắt đầu của năm hình thành nên con người (tuổi số1) được xác định bởi 3 điểm: Tâm mặt trời (S) , Tâm Trái đất trên Hòang đạo (E) và Tâm Mặt trăng trên quỹ đạo tháng (L) . Hết một năm mặt trời, Trái đất trở về điểm E còn  mặt trăng trở lại điểm nào đó , L’ chẳng hạn (Xem hình 1).
Hình 1
Có hai khả năng xẩy ra:
  1. Điểm L’ khác L. Trang thái vũ trụ của năm tiếp đó dĩ nhiên là khác với trạng thái năm đầu tiên, tất sẽ có những biến đổi và dịch chuyển mới , khác so với khi tạo hóa ban tặng cho ta lúc ra đời, cho nên  gọi là tuổi Biến dịch.
  1.  Cũng có thể sau một (hay nhiều năm) điểm L’ trùng hoặc gần trùng với L, năm tiếp đó có trạng thái lặp lại của năm số không. Con người phát triển là đồng dạng, tức cùng một khuôn mẫu với năm đầu tiên, như là tạo hóa đã ban cho, ta gọi là năm tuổi Bình yên

CÁC CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ VẬT LÝ THIÊN VĂN VÀ Y SINH HỌC
A- Xác định trạng thái Mặt trời- Trái đất-Mặt trăng.
Mặc dù con người có thể đo đạc và tính toán chính xác đến từng giây, từng mét từng radian tọa độ vũ trụ của của Mặt trời, Mặt trăng , nhưng ở đây ta chỉ cần dùng đến các quy luật thiên văn chính xác đến ngày mặt trời (Solar day) hoặc ngày thiên văn (sidereal day) là đủ . Vị trí của trái đất so với mặt trời được đặc trưng bởi quỹ đạo trái đất quanh mặt trời, là năm mặt trời. Một năm mặt trời có 365,2425 ngày. Con số về ngày tháng Dương Lịch (ngày tây) là chỉ thị gần đúng vị trí của trái đất trên quỹ đạo . Vị trí của trái đất và mặt trăng quay quanh  trái đất so với mặt trời được xác định bởi quỹ đạo của mặt trăng quanh trái đất (có tính đến sự dịch chuyển của trái đất quanh mặt trời) , tức là tháng mặt trăng. Một tháng mặt trăng có 29,53059 ngày. Vị trí của mặt trăng trên quỹ đạo chính là ngày tháng lịch mặt trăng (như lịch của đạo Hồi). Lịch ta là âm dương lịch, cho nên ngày ta thì không chính xác hoàn toàn vì lịch ta đã hiệu chỉnh theo lịch mặt trời bằng cách tính năm nhuận.
Quan sát bầu trời, đo đạc ngày tháng, các nhà thiên văn đã khám phá ra:
a)     Chu kỳ 19 :  19 năm mặt trời =235 tháng mặt trăng, sai số chỉ 0.003. Nói một cách gần đúng dễ hiểu là trạng thái của bộ ba Mặt trăng-Trái Đất-Mặt trời cứ 19 năm lặp lại như cũ. Chu kỳ này khá chính xác , hơn 4 trăm năm mới lệch một ngày, cho nên trong cõi trăm năm người đời có thể coi là trùng lặp tuyệt đối. ( Vì lý do này mà trong lịch pháp , cứ 19 năm dương lịch thì trong 19 năm âm lịch tương ứng phải có 7 năm gồm 13 tháng , tức là 7 năm nhuận). Chu kỳ này có tên là Chu kỳ Meton , đặt theo tên người Hy lạp đã khám phá ra (Meton of Athen ,năm 440 trước CN). Chu kỳ Meton  là do  hai tiểu chu kỳ (chu kỳ con) gần đúng cộng lại:
b)     Tiểu Chu kỳ 8 (octaeteris) :  8 năm mặt trời = 99 tháng mặt trăng , sai số 1,5 ngày, có nghĩa là cứ 5 năm thì lệch 1 ngày. Tiểu Chu kỳ này ta đặt tên là chu kỳ ÂM.
c)     Tiểu chu kỳ 11:  11 năm mặt trời =136 tháng mặt trăng, sai số 1,5 ngày, tức là cứ 7,3 năm lêch 1 ngày. Ta đặt tên tiểu chu kỳ này là Chu kỳ DƯƠNG.
(Lý do gọi là DƯƠNG hay ÂM xin xem đoạn sau)
Để cho dễ hiểu, nói một cách gần đúng thô sơ, trạng thái của vũ trụ được xác định bời ba con số: Năm Dương Lich, Ngày Dương Lịch (ngày Tây) và Ngày Âm Dương Lịch (ngày  Ta). Ví dụ ngày tết nguyên đán Ất Mùi (1/1) năm nay là  19/2/2015 , 19 năm sau tết Giáp dần cũng là ngày 19/2/2034, còn tết Bính tí 19 năm trước cũng là ngày 19/2/1996. Có nghĩa là trạng thái vũ trụ các năm này lặp lại nhau. Nhưng mà 19/2/2014 chỉ chệch một năm so với 2015 thì lại là ngày 20/1 Giáp Ngọ. Trạng thái vũ trụ không lặp lại. (Các chu kỳ 8 và 11 thì con số không hoàn toàn trùng như vậy vì năm nhuận chỉ hiệu chỉnh theo chu kỳ 19). Rất thú vị là liên hệ của ba chu kỳ 19=8+11
B- Số phận của con người do Mặt trời định sẵn?[4]
Trong một nghiên cứu chưa từng có, các nhà khoa học Na Uy phát hiện, những người sinh vào các thời điểm Mặt trời bình lặng có thể sống thọ hơn khoảng 5 năm so với những người chào đời lúc Mặt trời hoạt động mạnh mẽ.
Kết luận trên được rút ra khi nhóm nghiên cứu xem xét các dữ liệu nhân khẩu học của những người Na Uy sinh ra trong khoảng 1676 - 1878 cùng với các kết quả ghi nhận quan sát về hoạt động của Mặt trời.
Các chuyên gia nhận thấy, tuổi thọ của những người sinh ra trong các giai đoạn hoạt động tối đa của Mặt trời (đặc trưng bằng các trận phun trào dữ dội) tính trung bình thấp hơn 5,2 năm so với những người chào đời vào thời điểm hoạt động của Mặt trời giảm tới mức tối thiểu.
Theo báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, hoạt động của Mặt trời lúc chào đời làm giảm khả năng sống sót tới khi trưởng thành của con người.

Hình 2: Hoạt động của Mặt trời theo ghi nhận của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA)trong giai đoạn từ năm 1850 - 2014. có chu kỳ 11 năm. Trên đồ thị là số liệu 100 năm .Ảnh: NASA

Mặt trời có các chu kỳ hoạt động kéo dài xấp xỉ 11 năm, bắt đầu từ một thời điểm hoạt động cực điểm này tới thời điểm hoạt động cực điểm tiếp theo (Hình 2).
Thống kê còn cho thấy, 11 tuổi là tuổi mà các trẻ nam hết thời kỳ trẻ con (baby), chuyển sang phát triển giới tính nam
Vì vậy chu kỳ 11 năm được gọi là chu kỳ Dương, biểu hiện cho giới tính Nam.
C-Ảnh hưởng của mặt trăng
Mặt trăng tuy nhỏ hơn mặt trời nhưng gần trái đất hơn nên ảnh hưởng của mặt trăng tới trái đất mạnh hơn mặt trời. Ảnh hưởng của mặt trăng tới trái đất có tác động không nhỏ tới hoạt động sống của con người. Điều ai cũng biết là chu kỳ mặt trăng xác định chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Hinh3: 8 pha của mặt trăng
Sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời lên mặt trăng cũng thay đổi theo từng thời kỳ,gọi là các Pha của mặt trăng. ( Hình 3) . Tất cả những thay đổi ấy đều được phản ánh trong cơ thể sinh vật và con người. Não phản ứng rất nhạy bén trước những biến đổi đó, gây hàng loạt biểu hiện về tinh thần. Các nhà khoa học khẳng định rằng những ngày trăng non tác động khác với những ngày  trăng tròn. Các nhà y học cổ Tây Tạng còn cho rằng: Các bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, bại liệt, động kinh, nhồi máu cơ tim, tâm thần kích phát thường xảy ra vào các ngày 4, 8, 11, 15, 22, 29 tháng âm lịch. Dù chưa khẳng định đúng sai, nhưng ảnh hưởng của trăng là rất lớn và đặc biệt là phụ thuộc vào 8 pha của chu kỳ mặt trăng.
Một thống kê đã được khẳng định là năm thứ 8, các em gái bắt đầu phát triển giới tính nữ. Vì vậy chu kỳ 8 năm là dành cho mặt trăng, cho nên gọi là Chu Kỳ Âm, biểu hiện cho giới tính  Nữ.

THỬ GIẢI MÃ SỰ LẬP TRÌNH CỦA TẠO HÓA CHO BẠN.
Vậy là con người sinh ra (năm số1) tiếp theo tám năm biến dịch thì đến tuổi (hầu như)bình yên đầu tiên, 8 tuổi, cũng là hết một chu kỳ Âm. Hai năm Biến dịch nữa (9,10) sang năm 11 tuổi lại (hầu như) Bình yên, hết một chu kỳ Dương. Năm 19 tuổi là hoàn thành chu kỳ Meton = ÂM+DƯƠNG, là tuổi (tuyệt đối) Bình yên, âm dương hài hòa. Có thể  xác định Tuổi Bình yên (tính chất  chung cho các tuổi  “hầu như” hoặc “tuyệt đối” Bình yên) của đời người theo công thức :
         TUỔI BÌNH YÊN= A x 8 + D x 11 , trong đó A và D là những số nguyên dương.
Những tuổi còn lại, không thể khai triển được như trên  là Tuổi Biến dich .
1- Khi nào thì bước vào tuổi già tự nhiên?
Trong trăm năm đời người thì có đến 66 năm là  Bình yên , đó là các tuổi:
8,11,16,19, 22, 24, 27, 30, 32, 33, 35, 38, 40, 41, 43, 44, 46, 48, 49, 51, 52, 54, 55, 56, 57, 59, 60
62, 63, 64, 65, 66, 67, 68
70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100.
Trong 66 năm bình yên này có thể chia làm ba đoạn:
8-60 có 27 năm khá rời rạc, là đoạn tuổi trẻ và trung niên
62-68 có 7 năm liên tục, là đoạn cao niên
70 -100 có 32 năm (và tiếp nữa) liên tục là đoạn tuổi già
Tuổi 69 là tuổi đặc biệt, vì đó là năm biến dịch cuối cùng. Sau đó là mãi mãi bình yên ,già dần.
Vậy khi 70 tuổi là bước vào Tuổi già trời định . Từ 69 về trước là tuổi trẻ. trung niên và cao niên, gọi chung là tuổi Tráng Niên (tuổi còn khỏe mạnh)
2- Những năm tháng đẹp của tuổi Tráng niên
Nói chung , những năm bình yên trong tuổi hoa niên là những tuổi ít nhiều đều đẹp, ít phải lo lắng.
Tuổi Bình yên phân thành Tuổi Âm thịnh , Tuổi Dương thịnh và Tuổi Hài hòa
D-A >0: Tuổi Dương thịnh;     D-A < 0: Tuổi ÂM thịnh ; D-A=0 : Tuổi Hài hòa
Đối với cả hai giới những tuổi hài hòa đều thuận lợi: 19, 38, 57
Đối với Nữ giới các tuổi âm thịnh là thuận lợi: 8, 16, (19), 24, 27, 32, 35, (38), 40, 43, 46, 48, 51, 54, 56, (57), 59, 62, 64, 65, 67.
Tuổi Đẹp nhất cho Nữ  là các tuổi thuần âm: 8,16, 24, 32, 40, 48, 56, 64
Với Nam giới các tuổi dương thịnh là có ưu thế hơn: 11, (19), 22, 30, 33, (38), 41, 44, 52, 55, (57) 63, 66, 68
Tuổi Nam nhi rực rỡ nhất là các năm thuần Dương: 11, 22, 33, 44, 55, 66
3- Tuổi nào thì cần phải cẩn thận
Các tuổi biến dịch không phải là hoàn toàn xấu, vì không có các sự biến dịch bổ sung thêm vào sự sắp xếp của tạo hóa thì con người không phát triển đa dạng được. Tác động của môi trường, ngoại cảnh, nội lực, ý chí…cũng không thể có. Tuy nhiên có sự biến đổi mạnh thì cũng phải cẩn thận hơn.
Trong các Tuổi biến dịch cũng có thể định lượng được sự Biến dịch bằng một số đo gọi là mức biến dị, . Theo quy luật Vật lý , với cùng một mức độ thay đổi , nếu chuỗi biến dịch liên tục càng dài thì thì độ biến dị càng thấp. Vì nếu có xẩy ra ở một điểm thì sự biến dịch liền sau có thể  sửa chữa lại.Vậy độ dài của chuỗi tuổi biến dịch liền nhau đặc trưng cho mức biến dị. Chuỗi càng ngắn thì tác động của mức biên dị càng lớn. Còn những tuổi biến dị  đơn độc nói chung là dễ có những đột xuất đáng ngại của đời người, vì một khi có biến dị xẩy ra thì không có chu trình biến dị liền kề để điều chỉnh mà phải chờ đến năm biến dịch gần nhất mới có cơ hội điều chỉnh.
Những năm đáng ngại đó là: 23, 31, 34, 39, 42, 45, 47, 50, 53, 58, 61, 69
Rõ ràng là mức độ đáng ngại của năm đơn độc càng tăng lên khi mà khoảng cách tính đến năm biến dị gần nhất (gọi là khoảng cô đơn) càng dài. Theo cách đó thì:
Năm Hạn: 53, 61, 69 . Do mức biến dị lớn nên 53 là năm Hạn nặng vì là năm bắt đầu có thay đổi đột biến mạnh nhất ở tuổi trung niên. Tuổi 61 và  đặc biệt 69 là nguy hiểm cho người cao niên, vì là tuổi cuối cùng của đời người có đột biến.
Năm có nguy cơ: 31, 39, 42, 47, 50, 58
Năm lưu ý: 23, 34, 45
Ngoài ra, có thể xác định đoạn tuổi nguy cơ, đó là khoảng mà hai năm có nguy cơ cách nhau gần nhất (chỉ có hai năm).
Đoạn tuổi nguy cơ: 39-42 và 47-50
4- Các cột mốc của tuổi già
Từ sau tuổi 69 là chuổi tuổi bình yên liên tục , mọi thứ mà tạo hóa đã ban tặng sẽ suy giảm (già đi) đều đều theo khuôn mẫu trời định lúc chào đời  mà không đột biến. Tuy vậy cũng có những cột mốc đáng lưu ý.
Đối với cả  cụ Ông và Cụ Bà:
Mốc người già trở thành như con trẻ, 88 tuổi là đạt điểm đặc biệt, đó là điểm đồng thời thuần ÂM (tổ hợp 11 chu kỳ Âm) hoặc thuần Dương (tổ hợp 8 chu kỳ Dương) , không phân biệt, giống như khi mầm sống nẩy sinh. Người già cũng có thể đổi tính lại như con trẻ: hờn dỗi, đòi hỏi thất thường...
Các mốc Âm-Dương hài hòa 76 và 95 cũng đáng chú ý.
Ở ba mốc dị thường này có thể rất tốt cũng có thể rất xấu.
Đối với cụ Ông
Mốc đáng ngại đầu tiên là 72 vì là hậu quả của năm nguy hiểm 61. Tiếp sau là mốc hài hòa 76, thuần Dương 77. Mốc 80 là nguy hiểm ,vì đó là hệ lụy một chu kỳ dương của tuổi nguy hiểm 69. Nếu vượt qua được các mốc dị thường  88, 95 thì hy vọng đạt 99 thuần Dương, vượt qua được thì trường thọ trên trăm tuổi.
Đối với cụ Bà
Mốc 77 là nguy hiểm vì là hệ lụy của tuổi nguy hiểm 69. Nhưng 76 và 77 cũng là hai mốc dị thường , có xấu có tốt, nên 77 có thể là rất nguy hiểm cũng có thể không. Tiếp sau đó chỉ còn là các mốc dị thường. Vì chỉ cụ bà chỉ có một mốc nguy hiểm, còn cụ ông thì có 2, cho nên nói chung cụ Bà sẽ sống thọ hơn cụ Ông cũng là trời định !
5- Chu kỳ Tâm-Sinh lý
Một lẽ hiển nhiên là Tâm-Sinh lý cũng phát triển theo các chu kỳ phát triển của con người. Tâm sinh lý ở chu kỳ một là trung tính (baby). Giới tính hình thành và phát triển hoàn thiện ở chu kỳ 2, tức 8-16 tuổi ở Nữ và 11-22 tuổi ở Nam. Ở giữa chu kỳ thứ hai này, nữ thập tam (13), nam thập lục (16) đều dậy thì. Muốn có hòa hợp Tâm-Sinh Lý thì tốt nhất là Nam-Nữ cùng chu kỳ phát triển. Ví dụ lấy nhau ở chu kỳ 3, nữ trong khoảng 17-24 mà kết hôn với nam trong khoảng 22-33 là hợp lẽ trời nhất. Theo nguyên lý đó thì :
Nữ 25-32 hợp với Nam 34-44
Nữ 33-40……….. Nam 45-55
Nữ 41-48………   Nam 56-66
Nữ 49-56………   Nam  67-77
Nữ 57-64………   Nam  78-88
Cũng có vẻ buồn cười nhưng đúng là thống kê y học chứng minh rằng, ở tuổi Nữ 64 và Nam 88, tức chu kỳ 8 của đời người, thì hoạt động sinh dục mới dừng hẳn.
THAY LỜI KẾT
Luận thuyết trình bày trên đây là dựa trên cơ sở tính toán khoa học, không mang chút nào tâm linh, huyền bí gì cả. Một luận thuyết khoa học có đúng không , cần phải qua kiểm chứng độc lâp. Ít nhất nó cũng phải giải đoán được những điều đã biết và tiên đoán được những điều chưa biết để tiếp tục kiểm chứng.
Dân gian có câu: 49 chưa qua 53 đã tới, hay Nữ thập tam Nam thập luc. Luận thuyết nêu trên đây lý giải được tuổi cả hai khá tốt. Còn tuổi 49 dân gian cũng cho là hạn, thì tạm lý giải trong khoảng 47-50. Mà thực sự thì tuổi hạn 49 cũng du di trên thực tế.
Trong khoảng 53, 61,69 (có tính đến sai số)  thì người ta nhận thấy có nhiều người từ trần ốm đau, bệnh tật nhất.
Ví dụ như biểu đồ NGHIÊN CỨU TỬ VONG DO UNG THƯ VÚ TẠI CÁC TỈNH BẮC NINH, LÂM ĐỒNG, BẾN TRE NĂM 2008[5]. Ta thấy rõ tỷ lệ tử vong rất cao ở độ tuổi 50-60 là tuổi có biến dị lớn nhất
Các tiên đoán ở các tuổi Biến dị , Cô đơn, hoăc Bình yên khác có lẽ cần được kiểm chứng bằng các số liệu thống kê khoa học, xem có đúng không. Đây chỉ là những kết quả ở cấp  gần đúng thấp nhất. Khi nâng cao cấp gần đúng và độ phân giải , lưu ý cả không thời gian sinh ra của từng người, ta có thể dự đoán đến chi tiết hàng tháng , hàng ngày.. của từng cá thể riêng biệt. Nhiều điều bất ngờ dự đoán quy luật tương lai từng người trên cơ sở khoa học đang được chờ đợi.
Có rất nhiều dữ kiện đã được tiên đoán, hy vọng mọi người có thể tự kiểm chứng đúng sai và phản biện lại.
Nhân dịp đầu xuân, góp chuyện cho vui, ai tin thì tin, không tin thì thôi, xin đừng bận tâm !
 BÀI ĐÃ ĐĂNG RÚT GỌN TRÊN "Tia Sáng" , số xuân Ất Mùi ra ngày 5/2/2015 ,trang 45-49
BẢN WEB NÀY LÀ BẢN ĐẦY ĐỦ




[2] Theo cách hiểu kinh điển: Tiên đề (Axiom) là nguyên lí xuất phát của ngành khoa học, Định đề (Postulate) là nguyên lí xuất phát của một lí thuyết cụ thể.
[3] “Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định Cát hung, Cát hung sinh Đại nghiệp.”

20 nhận xét:

  1. Một nghiên cứu rất thú vị. Rất nên đọc trong những ngày nhàn tản vui/buồn đầu Xuân con Dê ! ( Mõ Calathau Vu trân trọng giới thiệu)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh21:05 23/2/15

    Chào các bạn! Trước hết xin cảm ơn Mõ làng đã ưu ái lôi bài này về dán lên đình làng để các Cụ dễ đọc. Sau nữa xin tạ tội là mỗ viết có hơi dài, các Cụ đọc mỏi mắt. Mong các Cụ chịu khó vậy. Thật ra, nếu Cụ nào không quá quan tâm đến các vấn đề khoa học quá sâu thì xin mời các Cụ đọc phần cuối " Thử giải mã ...cho bạn". Ở đoạn này là các dự đoán cụ thể cho các Cụ...kỳ lạ lắm, chính mỗ cũng không ngờ. Các Cụ cố đọc và nghiệm xem có đúng không ? Sai đúng và bổ sung thế nào , xin các Cụ chỉ giáo. Mỗ tôii xin đa tạ ,tiếp thu để chỉnh sửa lại.
    Xin chúc một năm mới An khang, Thịnh vượng

    Trả lờiXóa
  3. Không phải chỉ mới đọc lần đầu và lại đang dịp Tết nhưng đọc cũng "mệt " lắm, tuy nhiên tôi vẫn cố đọc thêm. Đọc để có thể nhìn chút đỉnh đến tuổi Đẹp, Bình yên, hay đáng Cẩn trọng cho con cháu hay người quen nào đó vui vui muốn biết, còn phần mình đã qua ngưỡng 80 các năm đẹp hay xấu đáng kể đều "đã qua" nào có bận tâm gì mấy ? Còn trời còn nước còn non / Còn vui blog thì còn xem chơi ! Cảm ơn hai cụ Tran Xh (tác giả bài viết) và Calathau (LSQL) đưa lên Đình Làng. Chúc mọi người khỏe vui thanh thản đầu năm mới.

    Trả lờiXóa
  4. Một bài viết rất công phu mang tính khoa học cao và rất thiết thực với chúng ta. Cảm ơn cụ Xuân Hoài.
    Các bạn lớp 5 LSQL chúng ta tuyệt đại đa số là sinh vào năm 1940 - 42, hiện đang ở tuổi 73-75, các cụ ông đã vượt qua mốc đáng ngại tuổi 72, hãy thanh thản vì mốc đáng ngại tiếp sau ở tuổi 80 cũng còn khá lâu. Các cụ bà đã vượt qua tuổi 69, nay càng bình an ví tiếp theo tuổi 77 có thể là nguy hiểm cũng có thể không và các cụ bà thường thọ hơn các cụ ông.
    Và nói tóm lại, trời đã cho chúng ta sống qua tuổi thọ bình quân đó là niềm hạnh phúc và đáng mừng lắm rồi nói về tuổi tác chúng ta đang là tầng lớp thượng lưu trong xã hội.
    Nói về chuyện đời, các cụ bà đã qua tuổi 64 cũng đã trút được một gánh nặng của lòng ham muốn, ngược lại các cụ ông thì cuộc đời vẫn đẹp sao cho đến tận 88 cơ mà.
    Xin chúc mừng năm mới 2015, vì với lớp 5 LSQL chúng ta cả nam và nữ là năm BÌNH AN.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn và hoan hô TS Xuân Hoài! Trước hết để đóng góp (chứng minh) cho tính toán khoa học của cụ tôi phải tự thú là các năm tuổi HÀI HOÀ (A=D = 1,2,3,4 tức khi tôi 19 (1959), 38 (1978), 57 (1997) đều là những năm BÌNH YÊN và “thịnh vượng” đối với tôi, vì vậy tôi rất hy vọng vào năm hài hoà 2016 sắp tới! Còn đối với tôi năm 72 tuổi (2012) đúng đã là năm hạn! Bài nghiên cứu và phân tích này của cụ đúng là “Một bài viết rất công phu mang tính khoa học cao và rất thiết thực với chúng ta.”, theo như nhận xét của cụ Công Kỳ. Tôi chỉ thắc mắc một điều: sao nhiều năm BINH YÊN thế, nhất là sau tuổi 70 – chả nhẽ bộ ba Mặt trời-Trái dất-Mặt trăng (chủ yếu là mặt trăng) lại NỂ người già chúng ta đến nỗi NĂM NÀO điểm L(phẩy) cũng về trùng (hoắc gần trùng) với điểm L của năm tuổi số 0 (tức là trạng thái vũ trụ -đúng hơn là chỉ trạng thái bộ ba này- lại lặp lại để năm sau có được BÌNH YÊN? Mà ngay với bọn trẻ cũng gần thế - trung bình cứ cách hai ba năm, nhiều là năm sáu năm đã có năm Bình yên. Có lẽ vì trong công thức xác định tuổi bình yên A và D là những số nguyên dương bất kỳ, tức là ở đây có tính chất ngẫu nhiên (chủ quan) tuy có bị hạn chế bới số 8 và 11, song hai số này cũng chỉ là ĐƯỢC CHON nên cũng có tính chất tương đôi!? Nát óc nghĩ chưa ra, mong cụ phân giải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh18:31 24/2/15

      Cụ Việt Hùng đã nghiền ngẫm rất sâu vào cốt lõi của vấn đề. Bái phục Cụ. Vấn đề Cụ hỏi xin trả lời như sau: Mấu chốt là ở chỗ Chu kỳ 8 và chu kỳ 11 chỉ là gần đúng. Chu kỳ 8 thì 5 năm sai 1 ngày, Chu kỳ 11 thì 7,3 năm sai 1 ngày theo chiều ngược lại với chu kỳ 8. Do đó hai chu kỳ liên tiếp cộng lại sẽ cho chu kỳ 19 đúng tuyệt đối, L trùng với L'. Cho nên năm hài hòa là tuyệt đối Bình yên. Các năm khác là "hầu như Bình Yên" thôi. Ta gộp chung lại gọi là năm Bình yên (có thay đổi nhưng không đột biến). Vì các chu kỳ con 8 và 11 chỉ gần đúng nên càng nhiều tuổi thì số gần đúng này càng nhiều, mỗi chu kỳ dịch đi một ngày, 9 chu kỳ 8 là 72 tuổi thì đã lệch đi hơn 10 ngày rồi còn gì nữa.Chỉ có nó dịch dần dần, chu kỳ sau chỉ dịch 1 ngày so với chu kỳ trước nên dù có biến đổi nhưng không đột biến, hầu như bình yên. Cho nên càng nhiều tuổi số tuổi hầu như bình yên càng nhiều và lấp kín tháng mặt trăng rồi (nhưng không đột ngột) . Còn tuổi trẻ thì có nhiều năm biến dịch (lớn lên, thay đổi nhiều) là tất nhiên còn càng già thì không đột biến nữa, sau 70 là lấp kín rồi, chỉ còn suy giảm nữa mà thôi (Răng rụng không mọc lại, toc bạc không xanh lại, trên bảo dưỡi cãi phải dùng Viagra mà bịt lại....). Tuổi trẻ tuy nhiều năm biến dịch, nhưng cũng có lúc bình yên chứ, không thì chịu sao nổi. Tạo hóa đã lập trình thế rồi mà !

      Xóa
    2. Xin chấp nhận giải thích của cụ, với tinh thần (tôi hoàn toàn nghiêm chỉnh) là tương đối, biến đổi nhưng không đột biến, dần dần rồi đi đến “lấp kín”…Tất nhiên trong thiên nhiên thì trạng thái tổ tam giao MTrời-TĐ-MTrăng cứ 19 năm mới trùng lặp một lần, còn trước và sau thời diểm này là GẦN trùng lặp, còn cần “gần” (sai số) bao nhiêu thì phụ thuộc vào việc dùng quan niệm này để làm gì – “bói toán” hay trong khoa học chính xác. Rất thú vị là “Chu kỳ 8 thì 5 năm sai 1 ngày, Chu kỳ 11 thì 7,3 năm sai 1 ngày THEO CHIỀU NGƯỢC LẠI với chu kỳ 8. Do đó hai chu kỳ liên tiếp cộng lại sẽ cho chu kỳ 19 đúng tuyệt đối, L trùng với L'. “ Bàn tay Tạo hoá quả thật là TÀI, phải không cụ?.

      Xóa
  6. Tôi xin kể về “xuất xứ” của tấm ảnh 6 Cụ Cu Lờ cầm “sách đỏ” vừa được “gắn bổ xung” vào bài viết của cụ TX.Hoài ở trên như sau:
    Sáng nay, đã mồng 6 Tết. Về “nguyên tắc” là hết Tết. Thế mà "bỗng dưng" cụ KFi, X.Hoai, Tú Riềng… lại “ngẫu hứng” điện khẩn cấp cho một số bạn Cu Lờ chúng tôi (H.Nhật, 3 B, H.U. Liêm, Ng.Hân, Ng.Ánh, H.Châu, Nữ Hiếu....) đến ngay tư gia cụ TXH để “tụ tập” (Không nói lý do vụ “tụ tập đông người” này).
    Nhiều Cụ khi nhận điện thoại, đã ngồi vào mâm cơm gia đình, cũng “khẩn khoản xin bà Xã cho Visa" rồi nhảy Taxi đến gấp. Rất tiếc, một số cụ “ngọc thể bất an” không đến được. Cuối cùng chỉ có mặt 7 .
    Hóa ra, lý do là các cụ cảm thấy ... “mót gặp nhau” (sau Tết) và đặc biệt là Cụ TS TX.Hoài vừa xuất bản tác phẩm “Huyền thoại KIM THIẾP VŨ MÔN” với bút danh “Thâm Giang TRẦN GIA NINH” tại NXB Văn học. Theo TG đây là tiểu thuyết (văn học chứ không phải khoa học).
    Cụ X.Hoài rất trân trọng và thân tình nói vài lời về “đứa con tinh thần” của mình, ký tặng sách các Bạn , Sau đó, chúng tôi tiếp tục chuyện trò và ... vui Tết (nâng lên đặt xuống …).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên trang bìa 4 của tác phẩm KTVM tác giả chọn in tấm hình chàng tóc bạc ngồi thuyền lướt nhẹ trên dòng nước trong veo in bóng trời xanh và núi non hùng vĩ . Thật vô cùng ý nghĩa. Bức ảnh ấy Xuân Hoài goi điện nhắc tôi : Ảnh của cậu chụp tớ hôm chúng mình du lịch Bái Đính- Tam Cốc-Bích Động . Tôi và XH đều tâm đắc bức hình này . Sách do NXB Văn học ấn hành. Trình bày bìa đẹp. Dầy trên 400 trang mà giá bán cũng chưa tới trăm ngàn ( Tương đương giá hai tô phở nhà hàng máy lạnh !!!).Nghĩ mà buồn cho nhà văn VN mình !

      Xóa
    2. Cụ 3B ơi! Cụ ôm cái chai to như thế kia thì “nâng lên đặt xuống” chắc phải Tết sang năm mới hết. Chúc mừng cuộc gặp mặt đầu năm của các cụ, trông các cụ vẫn trai trẻ hoành tráng lắm – cụ XH dự đoán khả năng của các cụ ở cái tuổi 88 chắc sẽ đúng 100%! Cũng xin chúc mừng TS KH Xuân Hoài đã cho ra lò tác phẩm VĂN HỌC “Kim Thiếp Vũ Mon” (tuy ở quá xa các cụ nên tôi chưa hiểu tên quyển sách (tiểu thuyết) này, hy vọng có ngày được đọc để hiểu và thưởng thức). Chào Năm Mới!

      Xóa
  7. Đêm qua Xuân Hoài và Mõ còn trao đổi "meo" cho nhau. Tác giả "Kim Thiếp vũ môn" Thâm Giang Trần Gia Ninh khẩn khoản đề nghị Mõ "giữ thật kín" tên thật của mình và nếu có ai hỏi chỉ nói "tay Trần Gia Ninh là bạn bạn văn của tôi". Mõ định kêu GIỜI ƠI ! một tiếng, nhưng nín lại ừ hữ cho qua chuyện. Giời ạ, làm sao mà " không khai chính ủy trong đống rơm" giữa cái Làng Quế Lư này ! Quả đúng, hôm nay đã thấy cụ 3B ( vốn kín đáo nhất Hội) thành khẩn khai báo và chỉ ngay “đồng chí chính ủy Xuân Hoài nằm trong đống rơm” kia rồi ! Lại cũng xin nói thêm. Giáp tết Ất Mùi Mõ cũng có vinh hạnh được tác giả gửi tặng 1 cuốn KTVM không trao tận tay mà qua “cô bé lý lắc Đoàn 10”(thập niên 50 TK trước). Rồi tết nhất lu bu, Mõ để ra giêng mới giở ra đọc. Thọat đầu , nghĩ, nhà khoa học tự nhiên viết tiểu thuyết chương hồi, chắc toàn công thức Toán Lý Hóa , thôi trân trọng bạn ta cứ vận nội công mà đọc. Nhưng ngay từ trang tự bạch đầu tiên đã thấy như bị …ma ám ! Mõ đọc 1 mạch trên trăm trang, mất đứt buổi ngủ trưa của người già .Và sau đó là sự ám ảnh của các nhân vật, các sự kiện …qua lối viết rất lôi cuốn của tác giả. Hóa ra anh bạn đồng môn K5 Trần Xuân Hoài của chúng ta đã phân thân ra làm 2, một : TS Khoa học Trần Xuân Hoài, Hai : Nhà văn Thâm Giang Trần Gia Ninh. Làm Khoa học tự nhiên, TS Trần Xuân Hoài thuộc hàng “ đỉnh”, trên văn đàn, vừa xuất hiện Thâm Giang Trần Gia Ninh cũng sẽ gây được tiếng vang. Mõ tin như vậy. Và xin cho mõ được chắp tay bái phục ! Bái phục ! ( Xin ghi cảm tưởng sau, khi đọc hết trọn tác phẩm )

    Trả lờiXóa
  8. Xin báo ngay TIN VUI với các cụ: VH tôi ở tận xứ U xa xôi hơn chục ngàn cây số cũng vừa nhận được và tận mắt được xem bìa sách “Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn”, vừa được đọc MỘT MẠCH “ Mấy lời Cẩn Bạch “, “Dẫn nhập” và 5 trang đầu của Chương Một (Hồi 1), do chính Tác giả gửi qua khoảng không gian ngàn trùng này. Thật thú vị và cảm động! Cảm ơn tác giả Xuân Hoài = Trần Gia Ninh, cảm ơn Tình bạn Quế Lâm của chúng ta!

    Trả lờiXóa
  9. Mình cũng đã nhận tin báo có quà của bạn T X Hoài trong dịp tết ,do lười và do điện thoại truc trặc nên chưa đến lấy được ,hôm nay nghe tin XH có tiểu thuyết ,hi vọng quà của XH là cuốn sách các bạn nhắc ,cám ơn XH nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh13:35 26/2/15

      Cụ Duy Khắc kính ! Cụ đọc tạm tờ tạp chí đã. Sách sẽ đến tiếp.Trước tết, NXB chỉ cho mấy cuốn, sau tết mới lấy được nhiều ,gửi các Cụ nhã giám. Mỗ xin cám ơn Cụ đã quan tâm. Chúc K&H năm mới mọi điều tốt lành

      Xóa
  10. kyvinhhung22:46 26/2/15

    Về cuốn sách gây choáng của tác giả Trần Gia Ninh,xin được hầu chuyện các cụ bằng một entry hẳn hoi,không thể chỉ vài ba câu còm mà chia sẻ hết được. Ở đây chỉ xin có vài lời về bài viết có chủ đề số mệnh dưới góc nhìn khoa học của ông TS TrXH!.Theo ngu ý thì ngay cả ý định dùng khoa học để chứng minh sự tồn tại của số mệnh con người cũng đã là một hành động vô cùng dũng cảm. Bởi lẽ nếu mỗ không nhầm thì hầu như từ hàng ngàn năm nay,các nhà tiên tri, Chu Dịch, Tử vi,Chiêm tinh v.v.chỉ nêu hiện tượng và luận đoán,chưa có nhiều người cất công đi tìm nguồn côi sâu xa của số mệnh con người nói chung,mỗi cá thể nói riêng. Vậy mà bằng phương pháp thống kê xác suất sự chuyển động của Mặt trời-mặt trăng- trái đất,tác giả đã tìm ra qui luật tác động đến đời sống con người ở từng giai đoạn khác nhau, với những thời kỳ thuận lợi và khó khăn khác nhau. Mỗ cho rằng đó là một đóng góp rất có giá trị trên con đường tiệm cận đến chân lý khách quan về một trong những nan đề khó khăn nhất : giải nghĩa số phận con người.Theo lý thuyết của tác giả,con người có thể chủ động biết trước những năm tháng nào sẽ thuận lợi hoặc gặp khó khăn để chủ động thích nghi,tận dụng thời cơ để thành công, thấy trước trở ngại để né tránh ,khắc phục v.v.Điều đó tạo nên ý nghĩa thực tiễn của công trình nghiên cứu...
    Tuy vậy, mỗ cho rằng,còn rất nhiều hiện tượng liên quan đến số phận con người mà khoa học thiên văn, vật lý, toán học v.v.chưa thể giải thích được một cách thấu đáo, triệt để. Vốn dốt nát chậm hiểu,mỗ xin nêu lên vài thắc mắc để mong được giải đáp.
    1. Hình như mọi diễn giải của tác giả đểu xuất phát từ một tiên đề cơ bản nhất : " Tạo hóa lập trình số phận mỗi con người chúng ta"? Vậy tạo hóa là gì, là ai, ở đâu, bằng cách nào để có thể tác động đến chúng ta?quyết định những chu kỳ thuận hay không thuận của một đời người? Nếu không thừa nhận tạo hóa thì mọi tính toán đều không thể vì tất cả đều ngẫu nhiên,lộn xộn, hỗn độn, nằm ngoài mọi qui luật khách quan của khoa học.
    2. Con người luôn nuôi khát vọng biết trước những sự kiện quan trọng sẽ xảy rs trong cuộc đời mình cả về sức khỏe, tuổi thọ, năng lực, thành công thất bại trong sự nghiệp, tình yêu v.v. càng cụ thể kịp thời càng tốt, không chỉ là những luận đoán khái quát chung của từng giai đoạn. Chính vì vậy nhiều khoa bói toán,tướng số v.v.đã ra đời; và lạ thay, nhiều dự đoán rất cụ thể cho từng người từng trường hợp đã đạt độ chính xác khá cao. Giải thích thế nào về điều đó? Thậm chí đã và đang hiện hữu những cá thể người đặc biệt gọi là nhà tiên tri, nhà ngoại cảm ( Không tính những kẻ bịp bợm lấy tiền ).
    3. Nếu nhiều người cùng bị tác động của 3 yếu tố vũ trụ nêu trên thì làm thế nào giải thích sự khác biệt về số phận của mỗi cá thể con người ,ngay cả trong một gia đình, có cùng ADN và hoàn cảnh sống.?
    Có lẽ các nhà khoa học thực chứng trong đó có Cụ TS họ Trần làng ta đang và sẽ tiếp tục tìm tòi nghiên cứu để giúp chúng ta sáng tỏ thêm chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mõ đồng ý với nhận xét của cụ Kyvinhhung .

      Xóa
    2. VH tôi không đồng ý với câu này của cụ Kyvinhhung “Nếu không thừa nhận tạo hóa thì mọi tính toán đều không thể vì tất cả đều ngẫu nhiên,lộn xộn, hỗn độn, nằm ngoài mọi qui luật khách quan của khoa học” – ngược lại chính nhờ các qui luật khách quan của THIÊN NHIÊN (chứ không phải của khoa học) mà mọi thứ trong vũ trụ không những không “lôn xôn, hỗn độn” mà rất “trật tự” - tồn tại, chuyển động, tiến hoá v.v..theo những quy luật đó (Tdụ đơn giản và dễ hiểu nhât là Luật hấp dẫn, nhờ có nó mà các thiên thể tồn tại và quay chung quanh nhau rất “trật tự” v.v…). Xin lỗi nếu tôi không hiểu đúng ý nghĩa câu này của cụ. Còn bây giờ có cái mode nói về TẠO HOÁ, nhưng đối với tôi (tạm thời) Tạo hoá chính là những qui luật của thiên nhiên mà con người dần dần PHẢI KHÁM PHÁ RA.

      Xóa
    3. Nặc danh11:17 27/2/15

      Ý kiến số 1 của Cụ Huy Châu về tạo hóa (creator) là câu hỏi muôn thuở của nhân loại. Thuở ban sơ và ngay đến bây giờ thì 3/4 nhân loại đơn giản nhất là quy về cho Chúa Trời (god), nguồn cội của tôn giáo Đơn thần (Do thái, Thiên Chúa, Đạo Hồi). Các ông Jesu, Mohamet là người được Chúa Trời "chon" mang thông điệp của chúa Trời đến loài người. Thâm chí Đạo hồi khẳng định Mohamet là sứ giả cuối cùng, chúa trời không cử ai tiếp nữa. Các đạo sau đó đều là "ngoại đạo". Mời Các Cụ xem phần này ở bài cũ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=7174&CategoryID=2.
      Đã nói là Chúa tạo ra rồi thì không cãi được nữa. Tuy nhiên Đạo Hindu, Đạo Phật, Đạo Khổng,...và khoa học thì không chịu nghe như vậy. Cho nên họ chỉ dùng từ Tạo Hóa trừu tượng. Chữ Tạo Hóa gôc từ chữ Create (Tạo thành) theo tôi là hợp lý nhất. Tạo thành như thế nào thì Kinh Dịch nói là khá lọt tai:“Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định Cát hung, Cát hung sinh Đại nghiệp.” Tại sao "khỉ chỉ sinh ra khỉ, người thì sinh ra người?" Chẳng phải là tạo hóa đã lập trình rồi sao ! Đó là Tiền đề, tự thân đúng, không thể và không cần chứng minh. Ai không tin , xin nhảy sang nhóm tin rằng chúa trời đã định như vậy. " Trốn trời không khỏi nắng đâu, cụ Huy Châu ơi !"
      Các ý thứ 2 và thứ 3 của Cụ cũng trả lời được, nhưng dài quá rồi, viết com sau vậy.

      Xóa
  11. kyvinhhung15:12 1/3/15

    Cuộc đàm đạo trở nên rất thú vị,sôi động,đó chẳng phải là ..zdui zdẻ sao? Ấy là nhờ bài viết của Cụ TS họ Trần đụng đến một lĩnh vực cực kỳ nhậy cảm, không chỉ của thời nay mà còn của cả quá khứ và tương lai nữa. Nói cách khác, cuộc thảo luận,tìm kiếm chân lý tồn tại khách quan liên quan đến số phận con người sẽ còn kéo dài,chưa thể ngay một lúc kết thúc bởi vài ba công trình khoa học,dẫu của những người nổi tiếng nhất. Chẳng hạn trong triết học, người ta vẫn không thể chứng minh được "quả trứng có trước hay con gà có trước" . Mỗ tôi cũng công nhận đã có sự lập trình sẵn về mọi điều liên quan đến vũ trụ, trái đất,con người v.v.nhưng ai lập trình thì chưa ai trả lời được một cách thuyết phục,phải không các cụ? Một bên cho là tạo hóa- khái niệm cơ bản được mặc định sẵn,không được phép tìm hiểu,tranh luận, ;(Cụ VH thì cho đó chính là những qui luật vốn có của thiên nhiên). Một bên cho rằng có những quyền lực siêu nhiên đặc biệt nào đó tồn tại ở thế giới khác, với những qui luật khác đã quyết định mọi điều.Niềm tin ấy thể hiện trong giáo lý các tôn giáo.khác nhau từ nhiều nghìn năm nay.
    Hơn nữa,nói tới số phận con người, mối liên quan đến sự chuyển động của vũ trụ mà không đề cập đến "linh hồn ",sự tồn tại hay không tồn tại của cuộc sống sau cái chết v.v. thì e cũng khó đi đến cùng của vấn đề. Thực ra mỗ tôi cũng rất chi là hoang mang,ú ớ, không thể khẳng định rõ ràng lập trường của mình..Chẳng hạn, có lần đàm đạo với vài bậc cao niên khả kính, họ hỏi một câu khiến tôi giật mình : nếu anh không tin có sự tồn tại của linh hồn thì thờ cúng tổ tiên, dỗ chạp, khấn vái làm gì? tốt nhất dẹp đi! Cuối cùng mọi lý lẽ đều mơ hồ, không thể giải thích và khẳng định như 2+2=4; nên hãy cứ làm theo tâm thức của mỗi người, vậy thôi...vài điều chia sẻ thô lậu, mong được lượng thứ.

    Trả lờiXóa
  12. Hôm qua 4/5/2015 bạn XH đã tặng sách Kim Thiếp Vũ Môn cho Đồng Huyền tại nhà riêng nhân liên hoan đoàn 10 họp mặt tại Sài gòn. Hôm nay mới đọc đọc bài viết này. Vợ chồng mình cảm ơn XH rất nhiều và luôn tự hào vì có người bạn tài ba như bạn! Chỉ có điều lần sau có tái bản cuốn sách , xin hãy làm lại cái bìa cho đúng với giá trị cuốn sách và uy tín của một tác giả như Xuân Hoài !!!

    Trả lờiXóa