PV báo điện tử Một Thế Giới (MTG) đã có cuộc phỏng vấn ông Murray Hiebert- Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Đông Nam Á nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa 2 quốc gia.
Trong cuộc phỏng vấn này, chiến lược gia về Đông Nam Á, ông Murray Hiebert đã không ngần ngại nêu quan điểm cá nhân đối với nhiều vấn đề, từ công tác báo chí, đến những bất cập trong môi trường đầu tư ở VN đến triển vọng hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ giữa bối cảnh Mỹ muốn xoay trục về Châu Á trong lúc xung đột có nguy cơ leo thang tại Biển Đông.
MTG: -Chào ông, xin cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn. Theo như tôi biết, ông từng xuất bản 2 cuốn sách nói về VN trong những buổi đầu hội nhập sau những năm đóng cửa với thế giới bên ngoài. Vậy tại sao ông không tiếp tục viết sách về VN, cho dù có nhiều bài nghiên cứu về quan hệ Việt-Mỹ trong giai đoạn Mỹ muốn hiện thực hóa chính sách xoay trục về châu Á?
Chuyên gia Murray Hiebert: Chuyện viết sách về VN xảy ra đã lâu lắm rồi (1). Từ hồi tôi tác nghiệp tại VN trong vòng 4 năm. Sau đó, tòa soạn thuyên chuyển tôi qua Malaysia, và tiếp đến là Mỹ. Các biên tập viên của tôi cho rằng việc một phóng viên ở lại nước nào đó quá lâu cũng không tốt.
Tôi cũng nghĩ là nếu tôi đóng đô ở VN quá lâu, nhãn quan của tôi cũng chẳng có gì mới mẻ. Tuy không viết cuốn nào mới về VN nhưng với riêng cá nhân tôi, Đông Nam Á luôn là mối quan tâm lớn, và phải nói thật rằng Việt Nam luôn là điểm đến yêu thích của tôi.
MTG:-Cơ duyên nào khiến ông từ nghề báo chuyển qua lãnh vực nghiên cứu và hiện nắm giữ chức vụ Phó giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)?
Chuyên gia Murray Hiebert: CSIS là trung tâm nghiên cứu đầu não trong nhiều lĩnh vực của Mỹ, tôi nhận nhiệm vụ nghiên cứu về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Tôi là nhà nghiên cứu chứ không phải là người hoạt động chính trị.
MTG: Phải chăng nghề báo đang gặp khó khăn, thưa ông?
Chuyên gia Murray Hiebert: Sự thật là nghề báo ngày càng lâm vào khó khăn. Người ta càng ngày càng trả lương ít hơn cho các nhà báo.Tôi lấy ví dụ nhé, khi tôi tác nghiệp ở Malaysia, tại tòa soạn của tôi có 8 nhà báo người nước ngoài. Bây giờ, thì cả Dow Jones, hay Wall Street Journal cũng chẳng thuê nhà báo ngoại quốc nữa.
Khó khăn của báo chí hiện nay là lượng quảng cáo ngày càng giảm sút trong khi mọi chi phí lại tăng lên. Báo chí ở những quốc gia khác không có được thành công như ở VN hay Singapore. Nhìn về cục diện toàn cầu, chỉ những tờ báo lớn như New York Times, Wall Street Journal mới có đủ kinh phí để tuyển dụng phóng viên ở nước ngoài.
Theo tôi, báo chí có chức năng giáo dục xã hội, nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin về những mặt trái của xã hội như tham nhũng, sự yếu kém năng lực của các lãnh đạo, nhưng cũng phải mô tả những bước phát triển tích cực của xã hội.(2)
MTG: Ở VN nói riêng và trên thế giới nói chung, báo điện tử có xu thế thay thế báo in, vậy đâu là thách thức lớn nhất của báo điện tử thưa ông?
Chuyên gia Murray Hiebert: Theo tôi, thách thức của báo điện tử hiện nay là không có đủ tiền để đầu tư cho các mảng phóng sự điều tra vốn rất tốn kém.
Tôi không chống đối gì báo điện tử, trái lại, tôi đọc báo số mỗi ngày. Việc đọc báo số cũng rất thuận tiện, có thể đọc ở mọi lúc mọi nơi
Trong mấy ngày lưu tại VN tôi không bao giờ bỏ sót tin tức nào trên New York Times. Tôi cũng có thể cập nhật tin tức từ Washington, Thái Lan, hay bất cứ đâu.
Tuy nhiên, tôi e rằng sự bùng nổ của báo online sẽ khiến cho ngân sách chi cho các bài phân tích sâu ngày càng thêm teo tóp.
MTG: Nhưng mặt khác, nhờ có báo điện tử tôi mới có thể theo dõi những video ông phỏng vấn các chính khách trên khắp thế giới. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia Murray Hiebert: Tôi đồng ý. Đó là lợi ích của báo điện tử. Lấy ví dụ tôi phỏng vấn một ông bộ trưởng Indonesia, thì lập tức, cả thế giới sẽ có thể nhìn những biểu hiện của người được phỏng vấn và bình luận.
Nếu tôi chỉ viết báo, thì cùng lắm tôi cũng chỉ trích dẫn vài ba câu của ông ấy mà thôi. Và đó cũng chỉ là phân tích của riêng tôi về ngôn từ của ông ấy. Trong trường hợp báo điện tử, độc giả sẽ có thể tự họ quan sát và phân tích.
MTG: Ông khiến tôi nhớ đến nhận xét của nhà báo Mỹ Thomas Friedman " không có gì có thể thay thế được trải nghiệm mặt-đối-mặt trong tường thuật và nghiên cứu." Tuy nhiên, nhờ có các đoạn video phỏng vấn, người xem cũng có thể phân tích được 42 cơ mặt của nhân vật để suy đoán cảm xúc và suy nghĩ của họ phải không ông?
Chuyên gia Murray Hiebert:(Cười) Vâng, đúng thế! Nhờ các video clip mà độc giả có khả năng tự họ phân tích đối tượng quan sát chứ không chỉ dựa vào phân tích của tôi.
MTG: Trở lại với công việc nghiên cứu của ông trong vấn đề quan hệ Việt-Mỹ mà ông và những người cộng sự rất tâm huyết nghiên cứu trong thời gian qua, ông có thể cho tôi biết, VN đang đứng ở đâu trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực?
Chuyên gia Murray Hiebert: Cảm nhận của tôi là sự ngạc nhiên tột độ. Ít ai hình dung nổi cách đây 20 năm, quan hệ Việt-Mỹ có thể đạt những bước tiến lớn như hiện nay. Ít ai có thể tin được rằng Chủ tịch Sang có thể đến Mỹ và phát biểu ngay tại trung tâm CSIS của chúng tôi. Vào thời điểm năm 1995, điều này là khó tưởng tượng nổi.
Và cũng mấy ai có thể nghĩ rằng tàu khu trục của Mỹ có thể cập cảng Đà Nẵng trong một chuyến thăm hữu nghị. Ngay cả sự hiện diện của tướng Dempsey (3) tại VN cũng là điều khó ai có thể hình dung nổi cách đây 20 năm.
Thêm vào đó, VN cũng xuất khẩu sang Mỹ nhiều hàng hóa sản phẩm, cứ đi mua sắm ở Mỹ là bạn có thể bắt gặp nhiều thứ hàng hóa do VN sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, là vị tướng cao nhất của Hoa Kỳ thăm Việt Nam từ 1971.
Tôi có thể nói với bạn rằng chỗ đứng của VN trong chính sách đối ngoại của Mỹ càng ngày càng trở nên quan trọng khi so sánh với chính sách ngoại giao của Mỹ với các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc v.v.
Vị thế địa chính trị của VN rất quan trọng! VN nằm trong vùng Biển Đông giàu tài nguyên, đặc biệt là về trữ lượng dầu khí và tài nguyên đất hiếm phục vụ cho công nghệ sản xuất các linh kiện điện tử.
Đây cũng là khu vực mà tự do hàng hải cần được tôn trọng và bảo vệ trong bối cảnh có nhiều mối xung đột do những tuyên bố chồng lấn về lãnh thổ giữa các quốc gia trong khu vực
Tuy nhiên, khi Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực, trong đó có VN, khiến VN phải đối mặt với nguy cơ an ninh quốc phòng.
Tuy VN muốn duy trì hòa khí với TQ nhưng VN cũng không chịu để cho TQ muốn làm gì thì làm. Chính vì thế, chỗ đứng của VN ngày càng trở nên quan trọng, trong hợp tác kinh tế cũng như các hợp tác khác mang tính chiến lược của Mỹ.
Tôi cũng nói cho bạn biết, trong 4 ngày lưu lại Hà Nội vừa qua, tôi nhận thấy các quan chức VN mà tôi gặp ở HN đều mong muốn được đón tiếp Tổng Thống Obama sang thăm VN vào cuối năm nay. Tôi tin rằng đây là một ý tưởng rất hay.
MTG: Vâng, theo tôi nhớ là ông cũng chính là người đề xuất ý tưởng này trong một bài báo khoa học viết chung với một nghiên cứu viên VN, tên cô ấy là Phương Nguyễn?
Chuyên gia Murray Hiebert: (Cười) Vâng, bạn từng đọc những bài của tôi sao?!
MTG: Vì tôi tò mò muốn ông nghĩ gì về sự khác biệt giữa hai khái niệm đối tác toàn diện và đối tác chiến lược. Đối với người Mỹ các ông, chữ đối tác chiến lược nó có mang tính nhấn mạnh về hợp tác quốc phòng chăng, thưa ông?
Chuyên gia Murray Hiebert: Chính Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là người đề xuất thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với VN.
Nói một cách thẳng thắn, VN chưa sẵn sàng để thiết lập hợp tác chiến lược với Mỹ.
Hiện tại, các lãnh đạo VN muốn quan hệ với Mỹ ở mức độ hợp tác toàn diện.
Phần tôi, tôi không cho rằng việc gọi tên mối quan hệ giữa Mỹ và VN chẳng phải chuyện quan trọng.
MTG:Ý ông là đó chỉ là vấn đề thuật ngữ?
Chuyên gia Murray Hiebert: Đúng thế, chỉ là vấn đề thuật ngữ mà thôi. Cứ hình dung nó như là cái rổ, quan trọng là chúng ta bỏ gì vào cái rổ đó mà thôi.
Khi Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Trương Tấn Sang tuyên bố mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia trên 9 lĩnh vực, trong đó có liên quan đến các vấn đề về thương mại và đầu tư, vấn đề đối thoại nhân quyền, nâng cao năng lực quốc phòng.
Dù gọi quan hệ Việt-Mỹ bằng cái tên gì cũng không quan trọng bằng việc chúng ta làm gì với mối quan hệ đó!
Bằng chứng là dù VN có mối quan hệ chiến lược với TQ, nhưng TQ vẫn có những hành động gây hấn đó thôi!
MTG: Đề cập đến quan hệ kinh tế Mỹ-Việt, ông suy nghĩ gì khi Đại sứ Ted Osius (4) tuyên bố ông ấy muốn Mỹ là nhà đầu tư FDI số 1 tại VN ? Có phải đây là một thông điệp về làn sóng đầu tư mới mà Mỹ muốn phát động ở VN?
Chuyên gia Murray Hiebert: Ted Osius là bạn tôi. Thực tình, tôi không nghĩ ông ấy nói gì là quan trọng. Nếu ông ấy cứ hô hào chào mời các công ty hay vào thị trường VN mà các công ty không muốn đổ tiền vào đây thì cũng không có gì xảy ra đâu!
Các nhà đầu tư họ có tự do quyết định để đặt tiền của mình ở đâu là dựa vào việc đánh giá môi trường đầu tư. Thực ra, môi trường đầu tư tại VN cũng không quá tệ mà cũng chẳng quá tốt.
Theo tôi quan sát, Intel và Microsoft cũng đang tăng cường hoạt động tại VN.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công ty Mỹ than phiền rằng các quy định luật pháp của VN cứ thay đổi xoành xoạch và họ phải đối mặt với nhiều thứ nhiêu khê khác.
Đơn cử là điện thoại của tôi chẳng thể roam về Mỹ. Nhà mạng mà tôi sử dụng giải thích rằng họ phải đóng phí cho VNPT quá cao nên họ không có lãi. Rốt cuộc, công ty này đành loại VN khỏi danh sách cung cấp dịch vụ của họ.
Đó chỉ là một ví dụ để thấy có nhiều quy định rất ngớ ngẩn khiến nguồn lực của các doanh nghiệp bị bòn rút. Các công ty Mỹ thấy việc làm ăn với các cty VN rất mơ hồ, đối tác VN cứ tăng mức giá đến nỗi các công ty nước ngoài đành phải bỏ cuộc.
Một vấn đề lớn khác là VN thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Các bạn thiếu khả năng cung cấp các nhà quản lý.Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở VN lại yếu kém.
Tuy gần đây, chuyện giao thông có tiến bộ hơn trước với những dự án làm đường mới, nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng của VN còn gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
VN cần giải quyết rốt ráo những vấn đề trên nếu muốn chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Dù tôi biết Đại sứ Ted Osius có thiện chí muốn các công ty Mỹ chiếm vị trí số 1 ở VN nhưng việc hiện thực hóa mong muốn ấy cần thêm rất nhiều thời gian.
Nguyễn thị Quỳnh Như (Thực hiện)
---------------------------------------------------------------------------------Tiểu sử ông Murray Hiebert:
Ông Murray Hiebert là nhà nghiên cứu cao cấp, là Phó giám đốc chương trình Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Trung Tâm Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington D.C. (CSIS)
Trước khi gia nhập CSIS, ông Murray Hiebert là Phó Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương Mại Mỹ, nơi ông có nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Châu Á.
Ông làm việc cho Phòng Thương Mại Mỹ vào năm 2006, sau khi thôi việc ở tòa soạn tờ Wall Street Journal.
Lúc còn làm phóng viên cho tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall), ông là cây bút chuyên đưa tin tức liên quan thương mại, sở hữu trí tuệ và quá trình Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO.
Trước khi được cử đi công tác tại Bắc Kinh, ông Murray Hiebert từng làm việc cho tờ Wall Street Journal , ấn bản Châu Á, và tờ Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông) ở Washington, chuyên trách mảng quan hệ đối ngoại của Mỹ với các nước châu Á.
Từ năm 1995 đến 1999, ông Hiebert làm việc cho tờ tạp chí này ở Kuala Lumpur
Ông có nhiều bài viết xung quanh khủng hoảng tài chính châu Á và tường thuật về sự phát triển ở Singapore.
Trong những năm đầu của thập niên 1990, ông được ban biên tập tạp chí biệt phái đến Hà Nội để tường thuật về quá trình cải cách kinh tế của VN.
Ông gia nhập văn phòng của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông vào năm 1986, chuyên trách mảng thông tin về phát triển kinh tế-chính trị ở VN, Cam-pu-chia và Lào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét