( Trần Công Thanh)
.
Ảnh trên :Tác giả Trần Công Thanh bìa trái, cùng thầy Lý Trần Quý và các bạn K5
trong dịp tham dự Hội Lớp 12/2015 tại Quán Gió CV Thống Nhất Hà Nội
trong dịp tham dự Hội Lớp 12/2015 tại Quán Gió CV Thống Nhất Hà Nội
Cách đây gần 60 năm, khi ấy nước ta đang còn kháng chiến chống Pháp, Đoàn học sinh Khu bốn chúng tôi được Bác Hồ cho sang Trung Quốc học tập, đi bộ qua tỉnh Hoà Bình theo con đường quốc lộ số 6 vào một đêm trời mờ sao. Điều làm chúng tôi nhớ mãi cái đêm ấy chính là sự xuất hiện xác những chiếc xe tăng khổng lồ của giặc Pháp bị quân ta bắn cháy nằm ngổn ngang, trơ trọi hai bên con đường kháng chiến.
Đến địa điểm dừng chân gần chân núi Dốc Cun chúng tôi phải nghỉ lại chừng một tuần vì trời mưa tầm tả và máy bay địch chao đảo nhòm ngó suốt ngày. Sống giữa chốn “đất đỏ, sàn cao” chờ xe Molotova của Trung ương đến đón, chúng tôi làm quen với âm hưởng buồn buồn, thương thương của giai điệu núi rừng Hòa Bình, với những lời ca “Quế bù rinh ơi quế bù reo nhớ về chợ chiều”, “Bếp ai tàn có tay tập đoàn che đôi mái xiêu”; “có một chiều giặc lên Tây Bắc”, “chúng chẳng từ nhành khoai, bó thóc”; “chúng bắt vợ, chặt tay con”; “bao căm hờn dồn lên đầu súng”….Âm hưởng giai điệu lời ca núi rừng Hòa Bình khi đó cứ vang vọng mãi trong tâm trí tôi đi qua biết bao năm tháng, đi ra nước ngoài, về chốn thị thành đô hội, như tiếng cồng, tiếng chiêng rền vọng hoài niệm xa xôi.
Sáng nay, trở lại chốn núi rừng Hòa Bình xưa trên chiếc xe buýt đời mới kiểu “Boing” Hàn Quốc, tôi nhận thấy mọi thứ xung quanh đều đã thay đổi.
Con đường quốc lộ số 6 khi xưa hẹp, nay rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lỳ, xe bon bon 50-60 km/giờ. Các dãy quán nghèo ven đường khi xưa, nay đã thành phố đẹp. Thị trấn Chương Mỹ, Lương Sơn trở thành đô thị nhộn nhịp, đông vui. Cái con phố núi Hòa Bình lầm lũi năm xưa, nay đà lột xác, không còn cảnh “quán gió lều tranh” hắt hiu buồn tẻ; đã trở thành Thành phố tỉnh lỵ sầm uất đúng kiểu thị thành. Các đường phố mới đều có vỉa hè, cây xanh, giải phân cách, đèn đường chiếu sáng. Các dãy nhà mặt tiền cao thấp san sát hai bên đường phố, phô diễn dáng vẻ, thanh lịch, kiêu sa. Các ô cửa mở rộng nhìn trời, nhìn đời muôn hồng, ngàn tía. Các khu vực công sở, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, nhà văn hóa, trung tâm du lịch với những tòa nhà mới xây kiểu dáng kiến trúc bề thế, hiện đại đượm hương sắc núi rừng.
Thành phố Hòa Bình nay,. nằm trải hai bên bờ sông Đà được nối liền bởi cây cầu bê tông cốt thép trắng đục vắt ngang qua sông, tạo thành chiếc cổng trời án ngự Nhà máy thủy điện Hòa Bình, công trình năng lượng lớn nhất quốc gia, lớn nhất Đông Nam Á.
Đứng trên Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn toàn cảnh đập nước thủy điện Hòa Bình, nhìn thác nước trắng xóa khổng lồ đổ từ trên cao xuống, tạo nên những cuộn sóng hùng vĩ, những âm thanh trào lộng ngày đêm, làm ta liên tưởng đến câu chuyện tình bi tráng “Sơn tinh, Thủy tinh” cùng với sự tích “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” diễm lệ và thảm khốc trong cổ tích thần thoại dân gian.
Công trình thủy điện Hòa Bình nằm tại chỗ mà người ta cho rằng, chốn ấy là phát tích dân tộc, đem dòng điện mang vóc dáng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh thắp sáng cho cả vùng trời lịch sử nước Việt bốn ngàn năm.
Chiếc ca nô 130 mã lực đưa chúng tôi tham quan du lịch lòng hồ thủy điện Hòa Bình, như đưa chúng tôi vào cõi bồng lai tiên cảnh. Mặt nước hồ mênh mang xanh biếc, rừng núi bao quanh thăm thẳm sắc chàm, bầu trời thanh cao lộng gió, nắng vàng trải khắp thế gian. Nếu không thấy những bóng nhà sàn của bà con dân tộc lấp ló trên các triền núi xa xa, thì ai cũng cho rằng nơi đây là Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên nhân loại. Cảnh quan trên bờ dưới nước lòng hồ thật hùng vĩ, tráng lệ; nhưng, vẫn còn vẻ hoang sơ, tự nhiên. Nếu là ở một quốc gia có kinh tế phát triển thì chốn này chắc chắn là “cục vàng du lịch”. Người ta sẽ không tính toán tiền của để tạo dựng nên những công trình nghỉ ngơi kỳ thú ở khắp các triền núi ven hồ, trên các hoang đảo thấp thoáng giữa hồ. Người ta sẽ đầu tư xây dựng hiện đại các bến đỗ, đền miếu, chim muông, thú rừng thỏa lòng du khách bốn phương. Người ta sẽ tạo nên các làng du lịch dã ngoại, các khách sạn tiện nghi núi rừng, các nhà an dưỡng e ấp yên tịnh làm chỗ nghỉ ngơi, dưỡng sức cho người lao động, cho du khách bốn phương. Người ta sẽ lập nên những đội tàu du lịch, với những con tàu tiện nghi, lịch thiệp đón đưa khách tham quan rong ruổi khắp mặt hồ thơ mộng và dừng chân tại các bến đợi, bến chờ để tỏ lòng trắc ẩn, tri ân trời đất, tiên phật, vạn vật thiên nhiên. Nếu có thêm bàn tay vàng ngọc của những con người tâm huyết kiến tạo nên cái tiên cảnh ấy, thì lợi lộc đem về cho quê hương nhiều biết bao nhiêu, làm sao kễ xiết!
Và cũng chính nơi lòng hồ thơ mộng với 200 km2 này, trước đây vốn dĩ là vùng đất cư trú bao đời của nhiều dân tộc: Mường, Mán, Thái, Tày, Kinh… Mỗi dân tộc đều tạo dựng cho mình một nền văn hóa căn cơ với bản sắc riêng; có phong tục, tập quán phong phú, những áng văn chương truyền miệng bất hủ nói về lịch sử, triết lý cha ông, truyền tụng từ đời này qua đời khác; với những điệu múa uyển chuyển, tình tứ; những bài dân ca thâm thúy, trữ tình thể hiện tâm hồn, sức sống các dân tộc anh em, như bản trường ca “Đẻ đất, để nước”, “lễ hội cồng chiêng”, văn hóa ẩm thực “xôi týp, rượu cần” v.v…Nhân dân các dân tộc có cuộc sống gắn bó lâu đời với mảnh đất này, dường như không thể dứt ra được. Nhưng, vì ngày mai của dòng điện Tổ quốc, nhân dân các dân tộc sẵn sàng từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn, đến sinh sống ở nơi cheo leo triền núi cao, vùng hẻo lánh xa xôi, với biết bao khó khăn, thiếu thốn mà không hề đòi hỏi gì cả.
Tuy rằng, hiện nay chưa thật hiểu rõ cuộc sống các gia đình dân tộc di cư khó khăn tới mức nào, nhưng nhìn cảnh vật xung quanh lòng hồ, vẫn là những cánh rừng đại ngàn thâm u, thỉnh thoảng mới lấp ló những mảnh nương, mảnh rẫy khói bốc nghi ngút loang lổ trời chiều và dưới chân đôi ba triền núi, vẫn là cảnh tượng những đàn bò, đàn trâu đủng đỉnh theo bầy gặm cỏ, thì có thể hiểu được cuộc sống người dân đinh canh, định cư nơi đây vẫn còn gian khổ lắm.
Cần phải làm gì để xóa bỏ cảnh tương phản “văn minh, lạc hậu” ngay tại nơi bồng lai tiên cảnh này. Và cũng mong ước, một ngày không xa nữa, các bản làng di dân sẽ có điện, có đường, có trường, có trạm xá, có cửa hàng đầy ắp hàng hóa, có đời sống ấm no hạnh phúc chan hòa cuộc sống trù phú, mà bản giao hưởng lòng hồ thủy điện Hòa Bình đang hòa tấu, vẫy gọi.
Kỳ vọng chiêm ngưỡng khung cảnh hồ thủy điện Hòa Bình lung linh huyền ảo khi màn đêm buông xuống, với những vầng ánh sáng tỏa ra từ Nhả máy thủy điện, từ Thị xã, từ các con tàu du lịch chạy như đan trong đêm, từ các làng bản được thắp sáng bằng ánh điện quê hương vùng lòng hồ Hòa Bình. Đó là vòng hào quang nguyệt quế các dân tộc anh em quàng lên mảnh đất thần tích cha ông!
TRẦN CÔNG THANH (Đoàn 10 Lư Sơn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét