Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Nga, Ấn bất ngờ ủng hộ Trung Quốc về Biển Đông, thông điệp nào cho Việt Nam?

(Dân Việt) “Nga và Ấn Độ lên tiếng vì lợi ích, họ cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Hành động này mang tính chiến thuật bảo đảm lợi ích quốc gia chứ không phải là chiến lược”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định về việc Nga và Ấn Độ bất ngờ ủng hộ Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. 

Các ngoại trưởng Trung-Nga-Ấn

    N

Truyền thông Trung Quốc tận dụng tối đa sự lôi kéo và thể hiện với dư luận khi đồng loạt đưa tin, Nga và Ấn Độ đã thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ với Trung Quốc” trong tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ba bên, tổ chức tại Moscow ngày 19.4.
 “…Chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”
Bình luận về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) nhận định, có một nguyên lý bất di bất dịch, đó là mọi quốc gia đều đặt lợi ích của mình lên tối trọng. Vì vậy, theo tướng Cương, phản đối, ủng hộ, hay im lặng đều phụ thuộc vào lợi ích của từng quốc gia.

Tướng Cương cho rằng, lịch sử quốc tế đã chứng minh, có những vấn đề dù đúng, nhưng đụng đến lợi ích, các nước cũng không ủng hộ. Ngược lại, có những vấn đề dù sai, nhưng đảm bảo quyền lợi của họ, họ vẫn ủng hộ.
Theo tướng Cương, có lúc quan điểm, suy nghĩ của Ấn Độ và Nga về vấn đề Biển Đông cũng như Việt Nam. Moscow và New Delhi biết rõ những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn sai trái. “Moscow và New Delhi không hề nhầm lẫn. Họ lên tiếng vì lợi ích, họ cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Hành động này mang tính chiến thuật bảo đảm lợi ích quốc gia chứ không phải là chiến lược”.
Tướng Cương cũng cho rằng, mối quan hệ Trung- Ấn luôn có những cơn sóng ngầm nguy hiểm. Với Ấn Độ, Trung Quốc không chỉ là đối thủ trước mắt, mà là đối thủ lâu dài. Ấn Độ đang toan tính ủng hộ Trung Quốc để đổi lại Bắc Kinh sẽ không gây sự về vấn đề biên giới với Ấn Độ và các vấn đề liên quan đến Ấn Độ Dương.
“Vì những lý do đó, những hành động ủng hộ của Ấn Độ và Nga dành cho Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Biển Đông chỉ mang tính chiến thuật tình huống, việc làm này không phản ánh bản chất của Ấn Độ và Nga”, tướng Cương bình luận.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, Việt Nam cần phải thúc đẩy quan hệ ngoại giao rộng rãi hơn với các nước, tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ ngoại giao hơn nữa.
Chiến thuật lôi kéo của Trung Quốc
Một thông cáo sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 19.4 cho biết, tất cả các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua thương lượng và thoả thuận giữa các bên có liên quan.
Tờ The Diplomat số ra ngày 21.4.2016 tiết lộ, trong bản thông cáo chung cuộc họp ngày 19.4.2016, ở điều khoản 21, ngoại trưởng Ấn Độ, Nga và Trung Quốc lưu ý: “Tất cả những tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường đối thoại giữa các bên liên quan. Thể theo tinh thần này, bộ trưởng ba nước kêu gọi tôn trọng đầy đủ các điều khoản của Công Ước Liên Hợp Quốc về luật Biển - UNCLOS, cũng như Tuyên Bố Chung về Cách Ứng Xử - DOC liên quan đến khu vực Biển Đông, và nguyên tắc thực thi DOC”.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói với người đồng cấp Sergey Lavrov rằng, hai nước cần chung tay phản đối việc "quốc tế hoá" tranh chấp Biển Đông.
Ông Vương Nghị nói rằng: "Cả Trung Quốc và Nga cần phải cảnh giác trước sự lạm dụng của trọng tài bắt buộc".
Các nhà phân tích cho rằng những phát biểu của ông Vương Nghị là cách của Trung Quốc cấp tập chuẩn bị cho phán quyết của toà, dự kiến được đưa ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Truyền thông Trung Quốc cũng tận dụng tối đa sự lôi kéo và thể hiện với dư luận khi đồng loạt đưa tin, Nga và Ấn Độ đã thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ với Trung Quốc” trong tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng ba bên, tổ chức tại Moscow ngày 19.4.
Đồng thời, báo chí nước này nhấn mạnh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng Moscow “phản đối quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ các bên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trực tiếp”.
Đây là lần đầu tiên, cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ba nước công bố thông cáo chung. Các bên trực tiếp đề cập đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà cả Ấn Độ và Nga đều không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Nếu là Việt Nam kiện, Nga, Ấn sẽ không ủng hộ Trung Quốc”
Trang quân sự Eastday của Trung Quốc ngày 21.4 dẫn bài phân tích của nhà bình luận quân sự Phùng Thiện Trí cho rằng, tuyên bố chung ba nước ngày 19.4 không đồng nghĩa Nga và Ấn Độ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong mọi vấn đề về Biển Đông, mà chỉ là vụ kiện ở Tòa trọng tài thường trực The Hague mà Philippines là nguyên đơn chống lại Trung Quốc.
“Nga, Ấn Độ cùng Philippines không có quan hệ về lợi ích nên hai nước này ủng hộ Trung Quốc cũng không có gì lạ. Nhưng nếu đổi lại là Việt Nam thì Moscow và New Delhi chắc chắn không đứng về phía Trung Quốc,” ông Phùng Thiện Trí nhận định.
 nga, an bat ngo ung ho trung quoc ve bien dong, thong diep nao cho viet nam? hinh anh 3
Trung Quốc đang cải tạo phi pháp trên Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo The Diplomat, tại cuộc họp hồi năm 2015, New Delhi, Bắc Kinh và Moscow đã hoàn toàn im lặng về các tranh chấp chủ quyền, cho dù Trung Quốc tới tấp xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền.
Vẫn theo tờ báo này, trong khóa họp lần này giữa ngoại trưởng ba nước, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga, các bên lên tiếng về Biển Đông vào lúc Tòa án Trọng tài thường trực La Haye chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông.
Giới quan sát không ngạc nhiên trước việc Bắc Kinh đã thuyết phục được Moscow đứng về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông nhưng thái độ của New Delhi đang gây nhiều nghi vấn.
Cho tới nay, Ấn Độ vẫn nghiêng về phía lập trường các đối tác như Mỹ, Việt Nam, Philippines, Úc và Nhật Bản, các nước này vốn ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải. Thậm chí, tuần trước, trong tuyên bố chung giữa bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ, New Delhi đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề “an ninh và quyền tự do lưu thông hàng hải, trong đó có Biển Đông”.

2 nhận xét:

  1. Thứ nhất , Tướng Cương nói đúng: Quyền lợi, lợi ích quốc gia là tối thượng .Đó là nguyên lý bất di bất dịch. Nhưng VN ta thì bị vòng kim cô ý thức hệ quàng lên cổ nên đã rất nhiều năm sống như người mộng du ! Bệnh này hiện cũng chữa chưa khỏi !
    Thứ 2. Chính vì kiên trì nguyên lý này nên Nga đã từng " bán đứng" chúng ta khi Tầu cộng thảm sát các chiến sĩ công binh ta trên vùng biển Trường Sa có chủ quyền và chiếm Gạc Ma cùng một số mỏm đá, dải san hô mà nay chúng đã biến thành căn cứ quân sự án ngữ đường VN tiến ra cửa ngõ Biển Đông !

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Ngọc Hùng10:07 27/4/16

    Theo tôi:
    1- Vào thời điểm này, "ý thức hệ" không còn là thực chất tư tưởng của lãnh đạo VN sau ĐH 12. Bản chất của "vòng kim cô" lúc này là bám vào "sự trung thành" với ý thức hệ để duy trì "trật tự Đảng độc quyền lãnh đạo", với biện luận rằng nhằm tránh "sụp đổ và hỗn loan". Như vậy, "ý thức hệ" trở thành công cụ để duy trì lãnh đạo, không còn là mục tiêu của cách mạng như thời kỳ trước.
    2- Nga ủng hộ lập trường của TQ trong tranh chấp Biển Đông bởi Putin đang phụ thuộc vào TQ để duy trì sự tồn tại của Nga trước áp lực của phương Tây sau vụ Nga sáp nhập Cmime của Ucraina. Hơn nữa, với việc sáp nhập Crime, Nga cũng đồng hạng xâm lược với TQ.
    Ấn Độ không giống Nga trong quan hệ với TQ. TQ muốn "đàm phán song phương" trong tranh chấp Biển Đông. Nhưng tuyên bố của hội nghị 3 ngoại trưởng này không hề có cụm từ "song phương", mà là "giữa các bên liên quan". Như vậy, TQ không đạt được câu chữ mà họ mong muốn. Cho nên, nói Nga và Ấn Độ "ủng hộ TQ" trong tranh chap Biển Đông cũng không chính xác.

    Trả lờiXóa