Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

LÊN ẢI BẮC - Ký sự của TS. XUÂN HOÀI ( Phần cuối)


Xứ Lạng một buổi trưa mùa xuân
                                                            Bài và ảnh:  Xuân Hoài


Ts.Xuân Hoài
Rời Khánh Khê , thắp được nén hương ở đài kỷ niệm, cũng thấy đỡ nặng lòng hơn ,để về Lạng Sơn. Tuy vậy , không tìm được nơi quy tập mộ các LS hy sinh ở đây , vẫn thấy  áy náy. Nhất là mấy đứa TSQ khu 4 , như Khoa Phi, Uy Liêm, Hồng Nhật và tôi , vì chúng tôi biết , trong số 635 liệt sĩ của Sư đoàn 337 ngã xuống nơi đây , có rất nhiều đồng hương của mình . Sư đoàn 337 là của quân khu 4, được điều gấp trong 5 ngày ra đây đánh trận này. Các anh ở lại nơi nào , có được về với quê cha nghèo mẹ khổ không !
Chúng tôi đến viếng nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn , nơi quy tập các liệt sĩ của địa phương suốt các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp, Mỹ và Trung quốc.
 Có một ngôi mộ hình tháp đặc biệt nằm riêng biệt. Đến gần đọc mới biết đây là nơi yên nghỉ của một người bạn Nhật , nhà báo Y SAO  TAKANO, báo Akahata, hy sinh tại thị xã Lạng sơn ngày 7/3/1979. Nguyệt Ánh kể cho biết khi làm cuốn phim nổi tiếng “ Thị xã trong tầm tay “đạo diễn Đặng nhật Minh , anh ruột của Nguyệt Ánh, vừa là đạo diễn đồng thời cũng thủ vai nhà báo này.
Chúng tôi chia nhau đi thắp hương trên mồ các Liệt sĩ , đặc biệt khu mộ các liệt sĩ hy sinh năm 1979 và về sau đều nằm ở phía ngoài , gần lối vào nên có lẽ chúng tôi thắp được gần hết. Hương hoa được Hà , Bích Ngân, Thu Giang cẩn thận chuẩn bị từ Hà Nội . Vào nhà Bia ghi tên các Liệt sĩ mới thấy hết sự mất mát ,hy sinh của dân tộc ta  lớn chừng nào. Chỉ một thị trấn, bây giờ là Thành Phố Lạng Sơn thôi mà có đến hàng ngàn liệt sĩ có tên tuổi, còn bao nhiêu người liệt sĩ vô danh  nữa nằm rải rác khắp đất nước. Không biết ai đó đã phát hiện thấy có một chuyện nhỏ nhưng không bình thường , đó là các liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh chông Pháp ,Mỹ thì ghi rõ ràng là Liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ . Còn liệt sĩ hy sinh năm 1979 và về sau thì chỉ ghi là liệt sĩ bảo vệ TQ. Mọi người tỏa ra xem, thì thấy tất cả bảng ghi tên liệt sĩ của các phường thuộc TP Lạng Sơn đều ghi như vậy , có vài bảng thì ghi rõ hơn là liệt sĩ bảo vệ tổ quốc chứ không viết tăt là TQ. 
Tôi bảo có thể là sơ suất của địa phương, nhưng Hồ Uy Liêm với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước , khẳng định rằng địa phương cấp Phường , thậm chí cấp Tỉnh cũng không dám tự tiện làm vậy đâu! Thôi thì biết vậy , không đáng để chuyện đó làm buồn lòng các Cụ đã lặn lội lên đây để thể hiện tấm lòng của Cựu Thiếu sinh LSQL đối với các liệt sĩ chống xâm lược Trung quốc, bảo vệ biên cương 35 năm trước. Phạm Phu, biệt hiệu “Chu Dung Cơ” cùng  mấy chị,em, đến phút cuối, còn cẩn thận đến trụ sở quản trang thông báo về chuyến viếng thăm của Đoàn và báo cho họ biết là số lễ vật như bánh kẹo, hoa quả của Đoàn để lại dâng hương cho các liệt sĩ. Cầu cho linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát ! Chúng tôi rời Nghĩa trang ngút khói hương. Lòng đã thanh thản vì thực hiện ước nguyện tâm linh , thắp một nén hương lòng để thêm chút hơi ấm cho những người đã mãi nằm lại vì bảo vệ mảnh đất biên cương , chống quân TQ. Nhưng cũng còn nặng trĩu những suy tư về quá khứ và tương lai. Không ai sửa hoặc làm lại được quá khứ , nhưng có thể xây dựng được tương lai tốt đẹp hơn nếu không che dấu hoặc xuyên tạc quá khứ. Chúng ta ghi nhớ tội ác của kẻ bắt ta 80 năm nô lệ, của kẻ làm 2 triệu người chết đói, của kẻ dội hàng trăm triệu tấn bom đạn xuống đầu dân ta, nhưng giờ chúng ta không thù hận, vì họ sẽ không bao giờ lặp lại và thực tế không dám lặp lại những chuyện đó nữa . Cả họ, Pháp ,Nhật, Mỹ và ta đã coi đó là quá khứ không làm lại được. Nhưng chúng ta và bọn họ sẽ ra sức xây dựng lại tương lai. Ai đó có thể nghĩ khác , nhưng bọn chúng ta, dù đã sống ở TQ nhiều năm tự thuở ấu thơ,  đủ tỉnh táo để hỏi lại , sau trận chiến xâm lược 2/79 , TQ có dừng lại không ? Có định và thực tế có dừng lại không ? Có muốn cho chúng ta xây dựng tương lai không ? Hay họ đang làm ngược lại và dân tộc chúng ta đang và vẫn sẽ chấp nhận là nạn nhân. 17/2/1979 không phải là quá khứ, đó là khởi đầu cho một chuỗi âm mưu và tội ác đang và sẽ được thực hiện đối với dân tộc Việt nam ta. Chắc chắn những kẻ lùn trí tuệ ở trên đầu dân tộc ta không vì lý do này mà chỉ thị không ghi trên bia những người hy sinh trong trận chiến chống xâm lược Trung quốc là liệt sĩ chống TQ , ( như chống Pháp, chống Mỹ , mà chúng ta khẳng định là chuyện của quá khứ) mà chỉ được ghi là Liệt sĩ bảo vệ TQ. Nhưng biết đâu, chính anh linh những người hy sinh đã nhắc nhở , Bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược Trung quốc từ phương Bắc là liên tục đã, đang và sẽ diễn ra . Đừng ai nghĩ rằng, cuộc chiến bắt đầu 17/2/1979 đã là quá khứ. Đó mới là bắt đầu một sự đảo điên , một cuộc xâm lược không thể che dấu đang và sẽ tiếp diễn.. Khốn khổ cho dân tộc Việt nam, nhưng ai ơi xin đừng quên ! Chúng ta là một dân tộc bao dung, không bao giờ và không được quyền gây hận thù dân tộc. Nhưng “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác “ (Julius Fučík (1903-1943), Viết dưới giá treo cổ)

Thay lời kết

Về đến trung tâm thành phố Lạng Sơn , lúc này đã quá trưa, nắng đẹp. Mọi người đều đói , nên một bữa tiệc thịnh soạn đặc sản Lạng Sơn đặt trước từ Hà Nội là rất hợp thời. Nhà hàng gì thì tôi quên rồi , khá lớn trên một phố chính của Lạng Sơn. Đặc sản gồm Vịt quay mắc Mật, Lợn sữa, Cải làn và nhiều thứ nữa rất hấp dẫn. Rượu thuốc ngâm linh chi của anh Hồng Nhật, офицер водка (khoe một tý :của PCT Viện Hàn Lâm Belarus mới tăng XH) đựng trong Bidon lính, dành cho bọn đàn ông , bia và nước ngọt dành cho các chị cũng phải kể là đặc sản của bữa trưa nay ! Hay nhất là nhà hàng chuẩn bị một tiệc cưới (nên chỉ có duy nhất Đoàn này là khách) với phông màn trang trí , Chúc mừng Hạnh phúc với cặp chữ lồng T-H sẵn sàng. Sau một hồi thảo thương thảo, Chính ủy Trung Hải, PV Khoa Phi cùng trưởng lão Bá Phiến và hai bên trai gái nhất trí tổ chức lễ thành hôn cho em Hà và anh Tuân. Chuyện này để Trung Hải kể tỷ mỉ , tôi chỉ làm phó nháy , chụp ảnh kỷ niệm cho đôi uyên ương.

Vui đáo để ! Mọi người nâng cốc chúc hạnh phúc của T&H, và thành công (của chuyến đi). Rượu vào lời ra , người nào người nấy quên mất tuổi đời, chuyện nổ vang trời , vui như ngày hội , nhiều chuyện không thể và không dám kể ra đây cho cả làng nghe được, phải dành cho cây bút hoạt kê 3B của làng ta tìm cách lan truyền thôi. Ba mươi phút cho mọi người vào chợ Đông Kinh. Lạ nhất là lúc ra xe, người nào người nấy đều xách đầy túi , tưởng gì cao siêu, xem ra thì chỉ toàn cải ngồng Lạng Sơn. Dân ta đã có câu tổng kết bốn thứ ngon nhất trên đời là : Cơm chín tới /Cải ngồng non/ Gái một con/Gà nhảy ổ đẻ. Chắc là các cụ tiếc không ai bán hoặc không còn có thể được thưởng thức món thứ ba nên mua thật nhiều món thứ hai-cải ngồng non xứ Lạng nổi tiếng, để bù. Xin nói thêm, XH là kẻ duy nhất ngồi chờ ,ngủ gật trên xe, không vào chợ nên nhận xét này là rất khách quan đấy nhé!
Xe qua Ải Chi Lăng, nhưng không phải ải Chi lăng cũ trên đường thiên lý Bắc Nam , nơi chém chết Liễu Thăng. Nơi đó ở bên đường cũ 1B, nay đường 1A cũng chạy qua dãy núi có ải Chi Lăng, cắt qua đoạn thành cũ ,nhưng cửa ải xưa thì cách đó khoảng cây số. Tuy vậy , mọi người cũng dừng xe , xuống xem đoạn thành xưa, chụp ảnh kỷ niệm , ăn mày chút dĩ vãng anh hùng của cha ông. Đặc biệt vùng này có cây Na đặc sản , trồng chen trong những hốc đá vôi, ngon lắm ,nhưng bây giờ không phải là mùa na. Điểm dừng cuối cùng của chuyến đi là thị trấn Mẹt  , huyện Hữu Lũng, Lạng sơn ,cách Hà nội 80 km.Cái tên nghe thật vui tai , nhưng đặc sản ở đây không phải chỉ có “chiếc mẹt tre đan” hay “thị Mẹt”để thương thầm mà là các loại “thớt nghiến” lừng danh , chẳng những người Hà nội nào qua đây cũng phải dừng lại mua ,mà nó còn không đủ bán cho thương lái TQ kìn kìn buôn lậu về bên kia biên giới. Thớt nghiến có lẽ là sản phẩm VN  tuyệt vời nhất cho bếp núc của thế giới. Tôi đã vào bếp đủ loại Tây ,Tàu, Nhật ,Mỹ..tự thấy không có cái thớt hiện đại , công nghệ cao nào sánh bằng thớt nghiến Việt Nam !. Nguyệt Ánh tay xách chiếc thớt nghiến nặng , hỏi tôi “sao XH không mua một cái thớt về nịnh vợ ?”. Bèn cười trả lời “À , mang cái “mặt..” của mình về thì cũng đủ  rồi !”. Có lẽ quá ấn tượng với món vịt quay mắc mật Lạng sơn , nên mấy chục con vịt quay nóng rực được đoàn ta vét sạch. Cụ Bá Phiến còn xách hai con, miệng cười hớn hở, sau khi đã phone cho ai đó ! Vịt quay này mà chặt trên thớt nghiến , cộng thêm ngồng cải xào mềm thì bà nhà có chờ đến nửa đêm  cũng chờ để hai cụ cùng thưởng thức (kỷ niệm món ngon thứ ba ngày nào !!) , phải không Trưởng Lão ?
Chỉ còn quây quần bên nhau hơn một tiếng đông hồ nữa thôi , nên ai cũng thấy xốn xang , vội vã chuyện trò. Đầu tiên là Phạm Phu , nick “Chu Dung Cơ” lên tiếng, cái biệt danh này là Nhật Lệ (bạn QL và Internat với PP)  đặt cho, thật chính xác, vừa hợp ngoại hình vừa đúng tác phong.  Phạm Phu  tổng kết ngắn gọn , xúc tích về chuyến đi , cảm ơn những người đã phục vụ, giống như ông thủ tướng “Tàu” khi họp quốc vụ viện, sau đó máu nghề nghiệp của một nhà Toán học nổi lên. “Chu Dung Cơ” hiện nguyên hình nhà khoa học, bàn về những tính toán giải mã lập trình của tạo hóa cho các cụ thất thập , mà XH vui chuyện trao đổi với cả đoàn hôm qua (chuyện này sẽ viết chi tiết cho các cụ sau, như đã hứa) . Cô em K3 Đỗ Minh Tính (tên như con trai) sau khi lớn lên ở Quế Lâm, lại quay lại tu nghiệp sáu bảy năm ở Vũ Hán , nên uyên thâm Hán học lắm. Minh Tính kể chuyện cổ học Trung Hoa, từ Hàn Phi cho đến Phạm Lãi ,Tây Thi , Việt Vương Câu Tiễn rất hấp dẫn. 
Chẳng mấy chốc đã đến Bắc Ninh , Thu Giang xin Micro để hát tặng bài giã bạn “ Người ơi người ở đừng về”, với giọng kim cao vút, làm anh Tiến , bạn già ngoài 70 tình nguyện đi cùng đoàn vì tâm đầu ý hợp, cũng cầm Micro đáp lễ với bài “Bên kia sông Đuống” phổ thơ Hoàng Cầm , đúng lúc xe qua Sông Đuống.
Với hội TSQ chúng ta , dù ở Việt bắc hay Nghệ Tĩnh đều thuộc lòng bài thơ của một TSQ, lứa đàn anh chúng ta, anh Nguyễn Bá Dậu viết năm 1950 , lúc 15 tuổi:
…Cháu là em bé phương xa
Theo anh Vệ quốc xa nhà từ lâu
Cháu qua Sông Đuống , Sông Cầu
Phủ Thông, đèo Khách, An Châu, Lũng vài
Qua bao đồng rộng ,sông dài
Giúp anh Vệ quốc giết loài thực dân…..

Thế là hai hôm nay , những em bé 9,10 tuổi hơn 60 năm về trước , trừ An Châu ra, đã đi lại hết các địa danh “Thiếu sinh quân” , và giờ qua lại địa danh đầu tiên:Sông Đuống. Sau khi hát xong, anh Tiến bình về bài thơ và kể về số phận ai oán của tác giả bài thơ , nhà thơ đất Kinh Bắc (Bùi) Hoàng Cầm . Tuy chức vụ trưởng đoàn của tôi đã được tự nguyện từ nhiệm từ khi qua sông Thương , nhưng nói đến Hoàng Cầm làm tôi cầm lòng không đặng , phải xin cầm micro nói đôi lời. Năm đó 1958 cả lớp 8A (đa số 5A cũ) mới về học Chu văn An được mấy tháng. Giờ chính trị , một nhà văn quân đội đến nói chuyện về “bọn Nhân văn Giai Phẩm”. Tôi ngồi cạnh Bùi Hoàng Kỳ. Hình ảnh khiến tôi không quên là bạn ấy mím chặt môi để ghìm tiếng khóc và nắm chặt lấy tay tôi. Diễn giả vẫn rất say sưa , kể tội Hoàng Cầm, có biết đâu đứa con đầu của nhà thơ Bùi Hoàng Cầm đang ngồi ở dưới. Với đầu óc non nớt của tuổi 16, 17 nhưng tôi cũng đủ để cảm nhận sao mà một nhà văn quân đội lại có thể diễn tả ác khẩu đến vậy với người bạn văn chương . Ông ta lôi cả đời tư nhà thơ ra , kể từ lúc đi học cho đến lúc lớn lên ( không biết bịa hay thật), để mà chửi…Quá tệ hại. Thương cho số phận nhà thơ lại càng cám cảnh thân phận Hoàng Kỳ sau này. Bạn ấy đã có một số phận bi thương hơn nhiều người trong chúng ta , khốn khổ cho đến khi từ giã cõi đời mấy năm trước. Sau này tôi mới biết , nhà văn chửi bới đó là Nguyễn Khải. Với ác cảm pha chút coi thường , từ đó tôi không bao giờ đọc Nguyễn Khải nữa, dù biết ông này đương thời cũng được ngợi ca và cuối đời thì sám hối nhiều . Nghe nói ông có viết quyển sám hối “Đi tìm cái tôi đã mất” và dặn là chỉ sau khi ông mất (2006) thì con ông mới được công bố (2008). Tôi không có lý do gì để ôm lấy  ác cảm tuổi trẻ mãi , nhưng dù sao cũng sẽ không bao giờ đọc quyển này .  Quá muộn để còn nhớ đến phẩm hạnh , tình người ! Nhân loại đều hiểu rằng “Mọi thứ đều sẽ qua đi, Chỉ còn tình người ở lại –Alles vergeht, Tugend besteht – everything passes, virtue consists  (Tục ngữ Đức) . Đừng để phải sám hối quá muộn màng , phải không các bạn.
Tình người, Tình bạn của chúng mình sẽ ở lại mãi !.

Chưa hết đâu:  Cảm ơn các bạn đã bỏ công đọc trọn bài ghi chép lan man này.
Cảm ơn Calathau và các bạn đã gìn giữ cho ngôi nhà của gia đình LSQL được bền lâu, giữ cho bếp lửa luôn cháy để sưởi ấm cho cả nhà.

7 nhận xét:

  1. Đoạn kết có hậu: "Lễ Thành hôn" T&H nối liền Bắc Nam vui vẻ. Rượu thuốc ngâm linh chi của Hồng Nhật và rượu ОФИЦЕР ВОДКА - từ Belarus, chai bidon, của X.Hoài tất cả đều hết veo ! Mọi người vui khoẻ. Chúc mừng chuyến đi thành công và thắng lợi! Về Hà Nội đêm đã xuống, chia tay nhau mong có một chuyến đi khác đậm đà tình người, tình bạn đầy ý nghĩa như cuộc hành hương lên biên giới phía bắc kết thúc tháng 2 - 2014 vừa qua. Cảm ơn TS X.Hoài.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14:05 15/3/14

    (Nhân đọc ký sự "Lên ải Bắc" của XH) KÝ GỬI
    Đầu tháng hai, có dịp về "Ải Nam" (đèo ngang), đi qua Kỳ anh tận mắt thấy khu công nghiệp Vũng áng được người tàu xây tường rào kín mít hàng chục cây số,Tôi có cảm giác: từ sau hàng rào đó, qua biển Đông cho tới đảo Hải Nam là vùng trời vùng biển của họ vậy! Về Hà nội, tham gia hành hương cùng các bạn LSQL lên Cao bằng Lạng Sơn quan sát chiến trường cầu Khánh khê năm 79,các bia ghi chiến tích của sư đoàn 337 bên bờ Sông Kỳ cùng bị phá bỏ, thay đó là Nhà bia chiến thắng. Văn bia có thay đổi, bia củ : " Nơi đây sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân quân bành trướng Trung quốc xâm lược" được thay bằng: "...sư đoàn 337 cùng quân dân tỉnh Lạng Sơn đã chặn đứng và đánh bại quân xâm lược, lập chiến công . ." và " LS bảo vệ TQ"! ( tôi vẫn muốn : ". . .Khôn thiêng xin chỉ mặt, gọi tên nó ra anh ..."
    ." Rồi đọc mấy bài của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về những toan tính của họ bành, sự quá phụ thuộc của các quan chức VN vào Trung quốc . Tôi chẳng biết những người có tầm nhìn 30 năm, 50 năm họ thấy viễn cảnh xa xôi đẹp đẽ thế nào, với tôi : nô lệ, phụ thuộc, mất nước . . . Những điều ấy gần lắm rồi, làm gì còn độc lập, còn tự do khi những kẻ bành trướng, đeo trước ngực 16 chữ vàng, đi khắp đất nước ta như đi ở đường làng của họ vậy.
    Báo chí lề phải, lề trái ở mức độ khác nhau đều có cảnh báo các nguy cơ, nhưng các Quan lớn đều "bình chân như vại", chắc đang lo giữ ghế cho nhiệm kỳ tới!
    .............
    Từ iPad - Nh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. lusonquelam10:39 16/3/14

      Comment của " Nặc danh" trên đây là của cụ Nguyễn Hồng Nhật K6 , nhân vật mà nhiều lần tác giả XH nhắc đến trong ký sự 3 kỳ " Lên Ải Bắc" của mình . Cụ Hồng Nhật có viết thư cho BĐH , kể là sau khi viết mấy dòng cảm nghĩ này cụ Nghĩ lại,đang quá bức xúc và "nóng đầu" suy nghĩ ,nói năng lộn xộn, nên tự hãm !Chúng tôi nghĩ khác, cụ đâu có LỘN XỘN ! Cụ rất tỉnh táo và bức xúc của cụ cũng chính là bức xúc của tất cả dân Làng LSQL: chúng ta. Mong cụ tiếp thục tham gia trò chuyện . Hay nhất là cụ dựng cho mình 1 cái nhà riêng ( Blog cá nhân) để mọi người đến thăm cụ , còn cụ thì THA HỒ XẢ BỨC XÚC, chả làm gì phải HÃM cụ ạ ! Thân chào !

      Xóa
  3. Chuyến DU XUÂN của các bạn QL phía Bắc đã để lại trong tôi hình ảnh và ý nghĩa rất đẹp.
    Cam ơn các BẠN !

    Trả lờiXóa
  4. Rất thích đọc chùm 3 bài viết của XH về chuyến Hành hương lên ải Bắc . Một lần nữa mình như được sống lại bao kỷ niệm thời KC 9 năm chống Pháp , thời đánh Tầu xâm lược biên giới. Cảm động biết bao khi tác giả nhắc đến những địa danh bi hùng quá đỗi thân thương. Chúc XH mạnh khỏe, ngày càng sáng suốt tinh tường để tiếp tục viết nên những áng văn hay và mang nhiều thông điệp như " LÊN ẢI BẮC "

    Trả lờiXóa
  5. Thật thú vị, tôi ở bên này, xa hàng chục ngàn cây số, mà suốt thời gian vừa qua đã được như từng giờ từng phút cùng các “bô lão” QL hành hương lên ẢI BẮC. Đấy là nhờ những phóng sự và những hình ảnh nóng hổi của đoàn hành hương gửi về, những bài viết của các cụ thành viên trong đoàn đầy những cảm xúc còn nguyên vẹn, và cuối cùng là nhờ chùm ba phóng sự tuyệt tác của cụ trưởng đoàn XH. Đối với tôi, người đã sống xa đất nước hàng mấy chục năm, rất bổ ích và quý giá những thông tin về lịch sử, về địa danh những nơi đoàn đi qua, kèm với những nhận xét tinh tế về phong cảnh, về con người của tác giả “Lên Ải Bắc”. Và thật cảm động được tác giả, và như thay mặt cho cả đoàn, truyền cho tôi những tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của bạn bè QL chúng ta đối với các chiến sĩ đã hy sinh để chấn giữ và bảo vệ mảnh đất nơi biên ải này của Tổ quóc. Xin cảm ơn bạn Xuân Hoài và tất cả các bạn thành viên trong Đoàn hành hương lên biên giới phía bắc nhân dịp 35 năm cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân ta chống quân xâm lược bành trướng TRUNG QUỐC.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét có tính khái quát và rất sâu sắc của XH " 17/2/1979 không phải là QUÁ KHỨ ....vâng ! nếu coi là một sự khởi đầu những âm mưu và tội ác đối dân tộc ta thì những người đang ở ngôi cao phải hành động khác chứ không phải như hiện nay. Đáng buồn ! thực tế không như vậy.
    Theo tôi đây là 1 bài viết thuộc đỉnh cao của "Nhân văn-trí tuệ -Hài hước " của Làng ta.

    Trả lờiXóa