Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

LÊN ẢI BẮC - Ký sự của TS. XUÂN HOÀI . ( Phần II )

Dọc đường Biên cương
Ghi chép của XH

Tác giả : TS Trần Xuân Hoài
Mờ sáng 28/2/2014 , chúng tôi lên xe rời TP Cao Bằng. Trong ánh mờ sương ban mai , xe chạy dọc tường thành Cao Bằng. Thành khá cao và dài , một bên vốn là sông Bằng Giang, thế nhưng nay rẻo đất hẹp giữa tường thành và sông , nhà cửa lều quán chen gần hết, chỉ thỉnh thoảng có một khoảng trống , nhìn thấy dòng sông cạn khô , có ít nước đang chảy về phương Bắc. Cụ Ngô Trí Hưng (K4) suốt ngày hôm qua ngồi lặng lẽ và mất dạng trong buổi chiều hôm, bây giờ mới lên tiếng “giải trình”. Khi vừa đến KS, sở dĩ hai cựu chiến binh Ngô Trí Hưng và Nguyễn Bá Tuân vội chạy ra bờ sông Bằng Giang này, là sợ trời tối mất. Nguyên Ngô Trí Hưng , sau khi ở Quế Lâm về, học hết lớp 7 thì do hoàn cảnh gia đình phải thôi học, đi học nghề và gia nhập quân đội năm 1961 . Có lẽ đây là một trong những người lính đầu tiên trong hội LSQL ta, không biết Quang TrungHuy Châu nhập ngũ năm nào nhỉ , chắc là khoảng 1962-1964 gì đó. Những năm 63-64 , Trí Hưng là lính lái đại xa của TC Hậu Cần , đóng ở Cao bằng , bên bờ Bằng Giang này. Hưng rủ bạn là Bá Tuân (K4), cựu chiến binh và thương binh , nguyên là lính bảo vệ TƯ Cục Miền nam ở Tây Ninh , chạy ngay ra bờ Băng Giang để tìm lại chốn xưa.
Thật là cảm động, trên xe im phăng phắc, một ai đó lên tiếng “có tìm được không”.“Bến sông thì vẫn như xưa, tuy vẫn nhận ra , nhưng cảnh và người thì chẳng còn dấu tích, khác hẳn rồi.Xưa bờ sông rộng, xa xa chỉ vài ngôi nhà lá thôi, còn bây giờ thì..”.Lại im lặng..Tôi hỏi, sau những năm đó cậu làm gì? “ Thì lái xe đi khắp mọi con đường, chiến trường nam bắc. Đóng lại ở miền Nam và xuất ngũ không quân hàm cấp bậc vào năm 1981. Nhưng tính ra do tính cả độ nguy hiểm , độc hại ..vẫn đủ 25 để hưởng mấy đồng bạc còm trợ cấp hưu trí , lúc 42 tuổi. Các anh biết rồi đó, hưu trí của lính trơn từ những năm đó là bao !". Một ai đó lên tiếng , nhưng Hưng là giáo viên Toán nổi tiếng mà ? Đúng thế , cuộc mưu sinh đời thường khiến tôi trở thành một giáo viên luyện thi Toán cấp hai nổi tiếng Hà nội, nhiều khi phải từ chối học sinh. Cũng là do tự học và sự giúp đỡ của thầy Hàn Liên Hải ,dạy toán chúng ta hồi Quế Lâm.Và , điều ngạc nhiên nữa, Ngô Trí Hưng, với nhiều cảm xúc và nỗi thăng trầm của cuộc đời , đã kết đọng lại trên đầu ngọn bút và trở thành một nhà văn lúc nào không biết. Đến nay , Hưng đã có 5,6 đầu sách , tuyển tập đã xuất bản.Và cảm động hơn nữa, người động viên và đỡ đầu Hưng viết lách chính là nhà văn nổi tiếng  Nguyên Kiên, tức thầy Hưởng phụ trách thiếu nhi khăn đỏ của chúng  ta ngày xưa đó. “Xin tặng các bạn tuyển tập truyện ngắn gần đây  nhất của tôi, do nhà XB lao động ấn hành 2010”. Thế là cả hội LSQL ồ lên, nhận quà và Hưng phải ký tặng mỏi tay. Cuộc đời thật kỳ lạ , phải không ? Nguyễn Bá Tuân ngồi cạnh thì thầm, trợ cấp thương binh của tôi được 1 triệu, đủ cho tôi mỗi năm mua vé 3 lần ra Bắc. Khi nào có chuyến đi đâu, các anh nhớ gọi tôi. Vâng ,tất nhiên rồi , chúng ta là gia đình LSQL mà ! Thật là ý nghĩa khi đoàn hành hương  có hai cựu chiến binh cùng tham gia để thắp nén hương cho đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường chống Trung quốc xâm lược , 35 năm trước. Ai có thể quên, có thể giấu , nhưng chúng tôi, tất cả gia đình LSQL chúng tôi không bao giờ lãng quên !

Trời sáng rõ. Đường số 4a Cao Bằng Lạng Sơn chạy giữa khe núi dọc theo biên giới Việt Trung. Phía bắc là những rặng núi đá vôi cao sừng sững như bức trường thành. Cứ nghĩ , không hiểu làm sao mà quân TQ lại bất ngờ đưa được cả xe tăng vượt núi vào đây. Anh lái xe của đoàn, vốn là cựu chiến binh năm 79 kể cho cả đoàn nghe rằng có nơi quân TQ dùng tời thả xe tăng trên núi xuống. Giá mà hồi ấy iphone ,Ipad thịnh hành như bây giờ thì có khối ảnh minh chứng. Và cũng phải nói thêm rằng, đội quân thứ 5 của TQ rất thiện nghệ. Họ đã nằm vùng từ lâu, lòng sông ,khe suối, đường mòn nào cũng thuộc lòng , cho nên ngay giai đoạn đầu, từ ngày 17 dến ngày 28  hôm nay 35 năm trước quân Trung Quốc đã chiếm được các thị xã Lào Cai, Hà Giang ,Cao Bằng, và một số thị trấn như Đông Khê cách Cao Bằng 50 km trên đường 4a, nơi chỉ còn mấy phút nữa chúng tôi sẽ dừng chân.

Đông Khê thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.Tháng 8 năm 1950, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy trận đánh đồn Đông Khê, mở màn cho chiến thắng chiến dịch Biên giới thu - đông năm 1950. Chiến dịch đồn Đông Khê vang dội cùng những tấm gương dũng cảm đã vào sử sách như La Văn Cầu, Trần Cừ..mà chúng ta đã biết từ thuở ấu thơ. Nơi Bác Hồ ngồi cầm ống nhòm quan sát trận địa là núi Báo Đông tại Nà Lạn, xã Đức Long huyện Thạch An, cách thị xã Cao Bằng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4. Chúng tôi định rẽ vào thăm nhưng thấy phải leo 845 bậc đá mới đến nơi đó nên đành thôi (bác Hồ lúc đó cũng chỉ 60, kém trưởng lão T.B.Phiến bây giờ những 20 tuổi cơ mà !). Nghỉ lại phố núi Đông Khê ăn sáng với phở thập cẩm tự chọn: Lợn quay,Vịt quay,Lạp xưởng..lạ miệng và không kém phần hấp dẫn. Dạo một đoạn đường số 4 dọc phố Đông Khê , hai bên là dốc núi, chợt nghĩ , sao mà hơn một thế kỷ trước , kỹ sư Pháp quả là tài , đã nghĩ ra và vạch tuyến xây dựng một con đường biên giới len lỏi giữa núi rừng hiểm trở suốt từ Móng Cái đến tận Lai Châu. Hồ Uy Liêm phải thốt lên , tư duy của chúng ta giờ vẫn lạc hậu hơn người ta hàng thế kỷ, mà đấy là họ xây trên đất ta , chứ đâu phải trên xứ sở của họ ! Đường tốt, ít xe nên đi khá nhanh. Đúng là miền sơn cước, không có cánh đồng , không có làng xóm như dọc đường núi Tây Nguyên hay miền Trung. Lơ thơ mấy nếp nhà sàn chênh vênh, mái ngói ống màu đen như hàng trăm năm trước. Nhà sàn chìm giữa rừng sương/Bập bùng ánh lửa soi guồng tơ quay (Anh Thơ). Guồng tơ không biết có còn không , nhưng nhìn những đống củi chất trước nhà thì chắc lửa bập bùng suốt những ngày đông lạnh giá này như hàng ngàn năm vẫn vậy.
Vợ chồng GS.TS Hồ Uy Liêm-Cựu HS 5A trường TNVN/ LSQL
Thỉnh thoảng bên đường một vài đài tưởng niệm liệt sĩ địa phương đứng chơ vơ. Chúng tôi cũng dừng lại thắp mấy nén hương. Xe qua Thất Khê , đường còn dài lắm. Những người hôm qua còn lặng lẽ , hôm nay được mời lên tiếng. Hồ Uy Liêm thay mặt vợ đứng lên tự giới thiệu về mình và phu nhân, Ngô Thị Thu Thoa, vốn là PGS,BS Bênh Viên K, người mà mọi người khá quen biết trong các cuộc trả lời về bệnh Ung thư trên Truyền hình. Thoa tuy đã nghỉ hưu , nhưng vẫn tham gia chữa tri ung thư ở BVK, giúp đỡ nhiều BN nghèo. Và tất nhiên, nhân dịp này , hai vợ chồng Liêm cũng báo  các cụ biết để lúc cần hỗ trợ nhau. Con dâu LSQL mà !
Tôi thì biết rõ Liêm hơn vì chúng tôi là đồng hương, đoàn 10, K5, lại thường gặp nhau trong công tác , quan điểm gần giống nhau, Liêm đã ngầm bảo vệ  tôi suốt thời gian hàng mấy chục năm tôi bị bộ máy quyền lực và những cá nhân cơ hội nắm quyền đàn áp , chỉ vì cái tội “… không bao giờ ngại ngần và cũng chẳng bỏ lỡ một cơ hội nào để thẳng thắn nói lên niềm tin của mình, vì coi đó là nghĩa vụ phải làm” (Einstein).  Tôi đã tiết lộ cho mọi người biết, Liêm chính là một nhân vật chủ chốt trong đoàn 72 nhân sĩ trí thức đã soạn thảo và đệ trình “bản hiến pháp của nhân dân” nổi tiếng . Thế là theo yêu cầu của mọi người , Liêm bất đắc dĩ đã kể cho anh em gia đình LSQL nghe về câu chuyện tâm huyết của các nhân sĩ trí thức mà Liêm là một thành viên chủ chốt, đã bỏ bao tâm sức , suy nghĩ, soạn thảo ra một văn bản Hiến pháp để đời, công khai đối chất với lãnh đạo nhà nước đương thời, dù bây giờ chưa được chấp nhận, thậm chí còn bị ai đó cho là thoái hóa , biến chất, nhưng lịch sử sẽ đánh giá sòng phẳng. Liêm tâm sự “ Chúng tôi cũng biết những khó khăn , gian truân và hậu quả chứ. Nhưng không thể để con cháu sau này đánh giá rằng , cha ông chúng ngày xưa hèn nhát, câm lặng không dám nói lên những điều cấp thiết cho dân cho nước”
Đã đến đèo Bông Lau. Đó là tên bộ đội đặt vì trên đèo có nhiều lau, còn tên thật là Lũng Phầy, tiếng Tày nghĩa là ngọn lửa. Xe dừng để mọi người xuống thăm di tích chiến thắng lừng lẫy năm 1948. Tôi lững thững đi cùng hai cha con anh Tiến , người cha hơn 70 , nguyên là một nhà giá dục, đã tổ chức ra chương trình từ thiện “Xa mẹ” cho các trẻ mồ côi , lang thang từ đầu những năm 90 đã nuôi dạy thành người hơn 500 cháu. Lúc ban đầu, tổ chức từ thiện này thuộc Công đoàn giáo dục HN, nhưng từ năm 93 phải ra độc lập, tự làm lấy mà nuôi các cháu mồ côi, không còn trợ cấp nhà nước nữa. Anh con trai tên Tùng, Kỹ sư Điện tử Bách khoa , giờ bỏ nghề giúp cha điều hành Cty Du Lịch Hoa Phượng , thuộc chương trình “Xa mẹ” với mọi lợi nhuận dành cho trẻ mồ côi. Cty này đã phối hợp với bọn tôi tổ chức chương trình dành riêng cho LSQL. Anh Tùng khẽ tâm sự: “ Cháu đi với các bác hai ngày nay, thật ngưỡng mộ tình cảm và tấm lòng của các Bác quá. Cháu khâm phục sự dũng cảm và trách nhiệm dân tộc của các Bác. Như câu chuyện hôm nay Bác gì kể về hoạt động của 72  nhân sĩ , thật là tấm gương cho lớp trẻ chúng cháu”. Nghe cháu tâm sự, tôi rất đỗi tự hào và càng thấm thía tình và người LSQL. Tôi không thể kể hết cho cháu nghe bao nhiêu bạn LSQL của bác ,  như Nguyệt Ánh, Trương Trác , Minh Đức, Nhật Lệ …đã trực tiếp ký tên ủng hộ; những người bạn như Calathau, 3B, Công Lý, Huy Châu…còn trực tiếp đưa ra những chính kiến , những bài viết phản  biện để thức tỉnh lương tri cộng đồng , nhằm cứu nguy cho dân cho nước và bao nhiêu bạn khác âm thầm hay công khai không ngần ngại ủng hộ cái tốt của dân tộc , vạch ra khiếm khuyết của giới cầm quyền..Tôi nói với anh Tiến , người cựu chiến binh đồng tuế , từng trải và nhân hậu rằng “Ở tuổi chúng mình ai cũng biết chuyện Chu Văn An dâng Thất trảm sớ,  vua không nghe để chém bảy kẻ gian thần, Chu văn An treo mũ , áo về quê. Dù 7 kẻ gian thần đó là những kẻ quyền khuynh thế đảo một thời, nhưng lịch sử đã phỉ nhổ và quên lãng ,ai biết những kẻ đó là ai, nhưng tên tuổi Chu Văn An thì mãi ai cũng nhớ”. Vâng, tinh thần và chí khí LSQL 60 năm trước và bây giờ vẫn vậy , tôi tin là mãi mãi vẫn như thế !Tôi cùng hai cha con anh Tiến tìm cách đến gần để đọc những dòng chữ đã mờ . Chỉ một vài người khỏe mạnh trong đoàn ta mới  đến được gần được tấm bia di tích vì phải vượt qua một cái mương khá sâu, tấm bia dựng dưới một chân núi đá trắng thẳng đứng , cao vút , rễ cây trắng , dây leo cổ thụ to lừng lững ,găm đầy vào đá , giống như ở đền Ăngco, ai đã qua bên đó hay xem phim “Bí mật ngôi mộ cổ”do Angelica Joly thủ vai thì đều biết, nó đẹp kỳ diệu như thế nào.  

Diễn đàn lịch sử quân sự ghi lại thế này: Ngày 27 tháng 10, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp có điện chỉ đạo Mặt trận đường 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt. Ngày 29 tháng 10/1947 , Tiểu đoàn 374 Trung đoàn 11 tổ chức trận địa phục kích đoạn đường Bản Sao - đèo Bông Lau, chiều 30, vào lúc  5 giờ , đánh một trận xuất thần. Sau 10 phút nổ súng, 3 đại đội xung kích của tiểu đoàn từ ven rừng Khau Phía đồng loạt xung phong. Già nửa quân địch là lính âu Phi chống cự yếu ớt. Cả đoàn xe, có cả xe bọc thép hộ tống, với khoảng 250 binh lính bị diệt và bị bắt (một số ít lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu). Ta tiêu diệt đoàn xe địch 30 chiếc trên đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe, thu toàn bộ vũ khí, 600 chiếc dù và nhiều quân trang, quân dụng. Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt xe. Ta chỉ hy sinh một chiến sĩ, bị thương 5 người.
Người thì bảo Con Hùm xám đường số 4 là Đặng Văn Việt chỉ huy. Tiểu sử của Thượng tướng Nguyễn An lại ghi chiến công này là chiến công đầu tiên của ông. Còn Nguyên Hân lại kể với tôi , chính Cha của Đoàn Ngọc Bong , bạn LSQL chúng ta, là chỉ huy trận đánh này. Mà thôi , cũng chẳng quan trọng ai chi huy nữa, vì có thể chỉ huy Trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… đều là người chỉ huy cả thôi mà, quan trọng là chiến thắng này đã góp phần vào thắng lợi thu đông 1947 và bây giờ chúng tôi lớp hậu sinh đứng đây để tưởng nhớ những người đã lập nên chiến công này.
Đến  đèo Bố Củng-Lũng Vài , địa hình  ở đây vô cùng hiểm trở. Con Đường số 4 vốn hẹp, tới đây lại bị gấp khúc theo sườn núi, một bên vách đứng, một phía khe sâu. Nơi đây gi dấu ấn với chiến công lừng danh của trung đoàn 174 vốn là đơn vị chủ lực Cao-Băc-Lạng thời bấy giờ. Đại tướng Hoàng Văn Thái đã viết “Đồng chí Đặng Văn Việt ..là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, chủ lực của ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Đồng chí đã có mặt từ những ngày đầu cho đến những chiến thắng cuối cùng trên trục Đường số 4, đã chỉ huy và đánh thắng nhiều trận phục kích và công đồn nói trên. Bè bạn và cả kẻ địch thường mệnh danh đồng chí là “Đệ tứ quốc lộ đại vương”. Tôi biết cụ Đặng văn Việt người Nghệ An, là bạn vong niên với anh ruột tôi,  nay cụ đã hơn 95 tuổi vẫn còn đủ sức cùng đoàn ta hành hương biên giới nếu cần ! Thật đáng khâm phục.
Đến Na Sầm , rừng núi đỡ hoang vu hơn. Đã có nhiều mái nhà lợp tôn xanh đỏ và những cánh đồng ven chân núi khá rộng.
Từ đường 4a rẽ vào của khẩu Tân Thanh chỉ độ 5 phút xe chạy. Thật bất ngờ , Tân Thanh bây giờ khác xa 6,7 năm trước khi tôi đến đây. Lúc bấy giờ bên phía ta rộng rãi ,tấp nập , nhôn nhịp . Phía bên TQ chẳng có gì mấy, chỉ là một ngọn núi cao , vài dãy nhà thấp dưới chân núi , bám theo con đường quanh co. Giờ đây , vào Tân Thanh , chẳng nhìn thấy ngọn núi bên kia nữa mà phía TQ đã xây dựng một tòa nhà đồ sộ , sát ngay cửa khẩu, che hết cả ngọn núi cả chiều rộng và chiều cao. Từ rất xa, phía VN nhìn vào thì chẳng thấy Tân Thanh ngày xưa nữa , mà sừng sững là TQ, chữ Trung Quốc nhìn sang Việt Nam. Biết là vô lý và quá đa cảm, nhưng vẫn có một cảm giác tủi thân , thương cho thân phận chúng ta ! 
Định chụp một kiểu ảnh cho Trung Hải ở cửa khẩu , thì bị mấy ông VN áo xanh xua đuổi, cấm không cho chụp . Trung Hải nóng mặt, cự lại , làm gì có biến cấm mà các anh đuổi. Cãi thì cứ cãi, tôi đã chụp “trộm” được rồi, sợ họ đuổi theo lấy mất máy ảnh , vội chuồn nhanh lẹ làng.“Đất có thổ công , sông có Hà bá”, chẳng phải đầu cũng phải tai, họ đâu cần luật, thôi, ta đành theo gương làm anh hùng “núp” là tốt nhất lúc này, Trung Hải ơi !.  
Từ Tân Thanh đoàn chúng tôi về thẳng cầu Khánh Khê, là đích chính cũng là địa điểm thiêng liêng mà Đoàn Hành Hương Biên Giới của chúng tôi sẽ tưởng nhớ những người con Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến chống xâm lược Trung quốc 35 năm về trước.

Quân TQ tấn công ta từ 17.2.1979. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê . Hướng thứ hai do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn. Đây là cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Chúng tiến theo hướng từ Hữu Nghị quan về thị xã Lạng Sơn nhưng tới ngày 3.3.1979 địch mới tới được bờ bắc sông Kỳ Cùng với tốc độ tiến quân chưa đến 0,8 km/ngày..    
 Năm 1979, Sư đoàn 337 đang làm nhiệm vụ tại Quân khu 4 thì được điều động lên biên giới phía Bắc. Đến ngày 25.2.1979, cơ bản lực lượng của Sư đoàn đã vượt qua 500 km từ Nghệ An đến Lạng Sơn và ngay lập tức bước vào chiến đấu. Nhiệm vụ của sư đoàn lúc đó được trên giao là ngăn chặn thê đội 2 của địch tấn công theo hướng đường 1B với ý đồ vu hồi phía sau thị xã Lạng Sơn. Ghi lại dưới đây những ký ức của người trong cuộc. “Nếu chúng thực hiện được việc này Lạng Sơn sẽ hoàn toàn bị chia cắt, lúc đó sẽ rất khó đuổi chúng đi, hoặc nếu có đi cũng sẽ kèm theo những điều kiện rất ghê gớm”, đại tá Nguyễn Chấn nhớ lại.
Trong suốt cuộc chiến đấu 12 ngày đêm chống quân xâm lược tại tuyến phòng thủ này, những người lính của 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu ,quyết không để địch vượt qua được sông Kỳ Cùng. Từ 28.2 - 5.3.1979 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, địch lợi dụng lực lượng áp đảo đã mở nhiều cuộc tấn công sống chết nhằm vượt sông đều bị ta đánh bật trở lại. Sáng 28.2.1979, địch huy động hai quân đoàn và dân binh cùng hàng trăm khẩu pháo các loại nổ súng tấn công toàn tuyến phòng ngự của sư đoàn. “Cuộc chiến đấu tại điểm cao 649, điểm cao nhất trong hệ thống điểm cao tại quanh khu vực cầu Khánh Khê diễn ra cực kỳ ác liệt, ta bắn sang địch    được một viên đạn thì chúng đáp trả một trăm lần”, đại tá Hoàng Hoa Chiến, nguyên trưởng ban tác chiến sư đoàn 337 nhớ lại. Sau hai ngày chiến đấu phía ta đã thương vong nhiều, lương thực và đạn dược đều cạn trong khi lực lượng của địch vẫn liên tục áp đảo.Theo tài liệu tổng kết của 337, ước tính ta đã tiêu diệt hơn 2.000 tên địch, phá 8 xe tăng và thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch. Thế nhưng cũng đã có hơn 650 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã vĩnh viễn nằm xuống hai bên bờ sông Kỳ Cùng..May mắn là gần đây, các chiến sĩ của Đoàn Khánh Khê đã xây dựng trên một ngọn đồi cao, nhìn xuông sông Kỳ Cùng, một đài kỷ niệm chiến thắng , nhưng thực ra , kiến trúc và ý đồ là một đài tưởng niệm những người đã bỏ mình chặn quân xâm lược TQ ở tại mảnh đất này. Chúng tôi kéo nhau lên đài tưởng niệm , nằm ở khá cao. Nhìn những bạn già dìu nhau , bước chầm chậm lên dốc cao , cố để đến đài thắp một nén hương tri ân, chắc vong hồn các tử sĩ đã chứng giám, nên lúc đó trời đẹp, mây quang. Các anh nằm xuống đó, chúng tôi không quên. Mong các anh nhận được thêm chút hơi ấm của tình người.
Nối hai bờ sông Kỳ Cùng giờ đây đã có cây cầu Khánh Khê mới cách xa cầu cũ chừng 500m. Một công trình thủy điện nhỏ đang được thi công ngay gần đó. Sau khi công trình này hoàn thành, cây cầu Khánh Khê cũ sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Thế nhưng mươi năm trước vẫn còn đó tấm bia bê-tông được đúc hơn ba mươi năm về trước ghi lại chiến công của sư đoàn 337 cùng quân dân huyện Văn Quan chặn đứng quân xâm lược những ngày tháng 3.1979. Những người thợ thi công biết ở đây từng có bộ đội hy sinh nên đã đặt trên tấm bia một bát hương. Những dấu tích của thời gian và con người đã xóa mờ một vài chỗ trên tấm bia. Thế nhưng người ta vẫn có thể đọc được dòng chữ “... Sư đoàn 337 đã đánh bại và chặn đứng quân... xâm lược”. Tuy nhiên , khi chúng tôi đến thì tấm bia bị đục loang lỗ này cũng không còn. Mấy người chân cẳng còn khỏe như  Khoa Phi , Trung Hải và tôi đã lội qua cầu tràn  Khánh Khê (nay đã cạn) nơi chiến đấu ác liệt nhất để đến chỗ đầu cầu cũ , hy vọng tìm lại dấu tích tấm bia xưa. Nhưng không còn gì. Người dân nhặt những viên gạch cũ , dựng tạm một am nhỏ , hương khói quanh năm . Đặc biệt , Bích Ngân vốn rất im lặng suốt cả chuyến đi, tôi vẫn tưởng là yếu mệt, thì lúc này rất hăng hái , đi trước cả bọn tôi lội qua cầu tràn , đến từng tảng đá , bờ gạch , miếu thờ , lặng mình đứng yên mãi. Sau này tôi mới biết, một người em của Bích Ngân đã nằm lại nơi đây , trong trận chiến này ở đoạn sông này. Người ta kể lại rằng, khúc sông Kỳ Cùng ngày ấy đỏ ngầu máu của hàng trăm tử sĩ . Nước sông Kỳ Cùng mang máu đó chảy về đâu ?

Ngày xưa học Địa lý, đã thuộc lòng câu “Hầu hết  các con sông ở miền Bắc nước ta đều bắt nguồn ở TQ chảy từ Bắc xuống nam đổ vào biển đông, chỉ có Sông Bằng Giang và sông Kỳ Cùng chảy từ nam lên Bắc , sang TQ đổ vào sông Châu Giang , chảy qua Quảng châu ra biển Hoa đông”. Mấy năm trước tôi đã ở Khách sạn trên bờ Châu Giang, gần nơi Phạm Hồng Thái ,sau khi nổ bom, đã nhảy xuống sông tự tận. Tôi cũng đã đến thăm mộ người Liệt sĩ này ở Hoàng Hoa Cương, nơi chôn cất các anh hùng của Quảng Châu Công xã . Sau đó còn đến thăm khu bảo tàng Nam Việt xây bên khu mô táng Triệu Mô, cháu Triệu Đà , không biết có phải con Trọng Thủy không ? Phải nói thật, là trống đồng, chim lạc…ở đây không khác gì và có khi còn phong phú hơn ở Bảo Tàng Lịch sử Việt nam.  Có phải chăng ngày ấy Lẫy thần chàng đổi móng, /Lông ngỗng thiếp đưa đường. (Tản Đà). Những thiếu sinh Lư Sơn-Quế Lâm chúng mình ở vào một hoàn cảnh trớ trêu. Chúng ta được người dân TQ nhường cơm sẻ áo , nuôi dạy từ những ngày ấu thơ. Mà giờ đây phải là chứng nhân lịch sử bất đắc dĩ cho những đảo điên vô nghĩa này. Năm 1983 , khi cuộc chiến vẫn âm thầm tiếp diễn, tôi sang làm việc ở Stutgart (Tây Đức). Ngồi quây quần với bạn Đức và vài nước khác , trong đó có một nhà khoa học TQ chắc chỉ hơn tôi vài tuổi, tôi cầm cốc bia sủi bọt uống với anh bạn này và đùa vui “ Ở quê nhà , chăc là cậu nói chuyện với mình không phải bằng bia như thế này đâu nhỉ ?“ . Anh bạn uống cạn cốc bia, nói to lên “ Không, tôi không bao giờ. Chỉ có bọn điên rồ ở trên kia mới làm vậy . Tôi và cậu , dân TQ và dân VN không thể và không bao giờ muốn làm vậy. Nhưng chúng mình chỉ là những nhà Vật lý thôi!” Cả bọn, Đức, Việt ,TQ, Anh,…vỗ tay ào ào, bia Đức ngon nổi tiếng mà ! Vài tháng sau đó thì tôi sang Mỹ để trình bày một báo cáo khoa học ở San Francisco. Lúc đó , những nhóm người Việt tị nạn rất hung dữ, họ mới giết ông Nguyễn Văn Lũy , một người Mỹ lâu đời gốc Việt có cảm tình với Việt Nam ở ngay cạnh KS tôi trú ngụ. Một người VN từ miền Bắc sang Mỹ làm việc là một chuyện lạ và nguy hiểm. Khi vô tình vào một cộng đồng người Việt chưa biết rõ nào đó , để cảnh giác, đầu tiên tôi phải nói tiếng TQ , coi mình tạm như người Tàu. Thật là trớ trêu , nhưng đúng là sự liên quan nhằng nhịt giữa hai dân tộc về con người, về địa dư, là một điều không thể bỏ qua. Than ôi, tạo hóa đã lập trình tất cả rồi, không ai chọn lựa được. Từ xa xưa , kể từ thời hồng hoang đã vậy rồi.
Tôi kể người nghe chuyện Mị Châu
Trái tim lầm lỡ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu (Tố Hữu)

Có lúc nào đó tự hỏi mình, liệu chúng ta  có lầm lỡ gì không , các bạn?  
(Mời xem tiếp kỳ cuối)
Xuân Hoài 
--------------------------------------
Bài và ảnh : TS Trần Xuân Hoài , cựu HS 5A Quế Lâm dục tài học hiệu (1953-1958) 

10 nhận xét:

  1. Dấu ẩn phần ll của bài: Lên ải bắc
    - Những dấu tích bị giặc tàn phá. Bia tưởng niệm cũng bị hủy hoại.
    - Em trai Bích Ngân hy sinh tai chiến trường này.
    - Đối thoại giữa XH và người bạn người TQ trên đât Đức.
    Cám ơn XH đã bổ sung cho tôi thêm những hiểu biết về các trân chiến chống ngoại xâm của dân tộc .mình !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (Calathau ký gửi) : Nhật Lệ như 1 cô giáo dậy văn đang giảng bài văn của tác giả Xuân Hoài !

      Xóa
    2. Bố Thầu ơi bố Thầu, nói ra phát XẤU HỔ, con chỉ học sử ký VN đến hết lớp 5 (mà thời kỳ đó học hành thì ít, phá phách thì nhiều), nên bây giờ có nhớ và biết cái gì đâu. Thầu thông cảm cho con, nhiều lúc nói ba lăng nhăng,ngắn gọn cho đỡ mất thời gian đó mà !

      Xóa
  2. Đọc bài của bạn biết được thêm nhiều điều bổ ich. Rất cám ơn.

    Trả lờiXóa
  3. bài viết rất hấp dẫn người đọc,về cuối đời cụ nên chuyển một phần tài năng sang viết phóng sự hoặc but kí.chúc cụ khỏe và thỉnh thoáng cho xem một vài phóng sự!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết của XH không chỉ "gói gọn" trong câu chuyện diễn ra ở "dọc đường" (mặc dù ngay những gì diễn ra ở dọc đường cũng "lắm chuyện" khá hấp dẫn rồi). Cái khéo trong cách viết của Cụ, làm cho người đọc thú vị là cụ "mở rông", kể thêm những chuyện ở ngoài chuyến đi, nhưng lại rất ăn nhập với câu chuyện chính nên hấp dẫn.
    Chờ phần tiếp của XH.

    Trả lờiXóa
  5. Cụ X.Hoài đã khắc họa rõ nét tâm tư tình cảm của một số thành viên trong Đoàn: hai cụ Bá Tuân và Chí Hưng cựu chiến binh từng có thời đóng quân ở Cao Bằng, chuyến đi này cũng là dịp "tìm lại chốn xưa"; hai cụ ông&bà Hồ Uy Liêm & Ngô Thị Thu Thoa trước đây công việc quá cấp tập nay đã có phần thư dãn, tham gia chuyến đi, chia sẻ hiểu biết và tình cảm với bạn bè; với tấm lòng người thầy thuốc và tình bạn BS Thu Thoa sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến khi cần thiết; đặc biệt với cụ Bích Ngân thẫn thờ bên ngầm Khánh Khê nhặt các viên đá sỏi :người em đã hy sinh tại chiến trường biên giới nơi này! Và còn nữa cả anh Tiến- người cựu chiến binh & nhà giáo dục, cháu Tùng, con trai anh Tiến- kỹ sư điện tử; hai cha con bây giờ làm Cty Du Lịch mà sâu xa là chương trình từ thiện "XA MẸ" cho các trẻ mồ côi ... Không bàn đến văn viết của tác giả đã quá hấp dẫn nhưng việc hiểu sâu sát con người (trong Đoàn và các chuyện kể khác nữa của X. Hoài) thật sự nể phục cụ, cụ X. Hoài thật xứng đáng TRƯỞNG ĐOÀN HOÀN HẢO. Với tôi hễ có chuyến đi nào nữa mà cụ X.Hoài khởi xướng chắc rằng tôi xin đăng ký ngay để được tham gia.
    Tôi cũng xin tác giả cho được tự in (vi tính) thành tác phẩm ghi nhớ kỷ niệm. Xin chờ tập cuối.

    Trả lờiXóa
  6. Chưa có điều kiện" tổng kết rút kinh nghiệm" về chuyến Hành hương lên ải Bắc" của đoàn các cụ do cụ Xuân Hoài chỉ huy, nhưng qua các bài viết post trên Blog đã có thể khẳng định, đây là chuyến Hành hương rất thành công. Có thể nói thành công hoàn hảo ! Ở đây xin không nói về "ý nghĩa" của chuyến đi, Calathu tôi chỉ xin đề cập đến vấn để thông tin trên Blog của Làng. Có thể nói cũng rất thành công. Các cụ đã phân công người phát ngôn, đưa tin nóng hổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ (cụ Khoa Phi phụ trách).Do đó người đọc ở nhà từng giờ có thể theo dõi hành trình của Đoàn. Về tính thời sự phải kể công đầu thuộc về cụ Khoa Phi. Cụ đã tác nghiệp như 1 "P/V Chiến trường" ! Những bức ảnh cụ gừi về cho Blog LSQL chưa hẳn đã "đẹp" về bố cục, ánh sáng, nhưng rất giá trị về " tính thời sự" tính " chân thực" của thể loại TIN báo chí ! Tiếp sau đó là các ghi chép ( kèm ảnh) của Nguyệt Ánh, của cụ Bá FIOHN, của cụ Biinql ...và sau cùng ( cho đến nay), là của Xuân Hoài , càng về sau càng sâu sắc càng chi tiết hơn. Đọc 2 phần ký sự Lên ải Bắc của Xuân Hoài thấy rõ bút lực của cụ rất thâm hậu. Nhiều người khen cụ có trí nhớ và kiến thứ sâu, rộng, cách viết thì hấp dẫn v.v...Tất cả đều đúng. Nhưng tôi nghĩ, ngay trong Đoàn tài năng viết ( tất nhiên chẳng phải lách ai), còn rất nhiều.Thí dụ cây viết ký hoạt kê của Làng 3B Trung Hải, kho tư liệu sống Biinql Bích Ngân, nữ sĩ Song Thu ...Cặp đôi nhà khoa học - BS : Uy Liêm-Thu Thoa chắc chắn là 1 tài năng văn học tiềm ẩn. Và đặc biệt có cả nhà văn thứ thiệt Ngô Trí Hưng (K4) ! Những con người vốn đa cảm và tinh tế trong cảm nhận cộng óc quan sát , công với kiến thức và trải nghiệm , thì nhất định sẽ có thể viết ra được những ký sự, tùy bút vượt khỏi lũy tre làng Culờ này ! Tôi hy vọng mỗi chuyến đi của các cụ trong Nam,. ngoài Bắc hay vượt khỏi biên giới nước mình đều để lại những ghi chép hay như thế này . Với tư cách Mõ Làng, xin chân thành cảm ơn các cụ thành viên trong đoàn Hành hương đả làm cho Làng ta suốt nửa tháng nay sôi động đầy sức sống. Cảm ơn cha con anh Tiến- Gđ Cty Du lịch " Hoa Phượng" với chương trình có tên " Xa Mẹ", đã tổ chức thành công chuyến đi này.Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp được gặp lại anh Tiến trong 1 chuyến Hành hương mới !

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh11:11 13/3/14

    [img]http://3.bp.blogspot.com/-9aQLnGamPcE/UyEsut5HYKI/AAAAAAAAANw/VaNX8TEvdKI/s1600/CAM00097.jpg[/img]
    Cụ Tuân cứ chén tì tì
    Không biết " chúng nó" làm gì ở bên.
    Biinql


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh13:26 13/3/14

      Khen cho người đẹp Bích Ngân
      "Đáo để, ghê gớm" mười phân vẹn mười !
      (Bích Ngân là tên tiếng Việt của Biinql)

      Xóa