Kinh tế thị trường là thế nào, định hướng XHCN là thế nào, phải nói cụ thể, không chung chung nữa - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra.
Câu chuyện bắt đầu khi một ý kiến tại phiên họp cho rằng để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thì trong một số lĩnh vực như giáo dục hay y tế, nhà nước vẫn phải đầu tư là chính, nếu xã hội hóa quá mức, thì có thể dẫn tới nguy cơ “chệch hướng”.
Trên thực tế, mới cách đây vài ngày, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập - một hướng đi được kỳ vọng là sẽ giúp các đơn vị này, trong đó có các bệnh viện, nhà trường, phát triển mạnh mẽ. Cổ phần hóa là một hướng đi khác còn mạnh mẽ hơn. Sắp tới, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, theo hướng thực hiện ngay không làm thí điểm và phạm vi mở rộng thêm so với dự kiến trước đó…
Kinh tế thị trường định hướng XHCN rõ ràng là vấn đề rất lớn, có tầm quan trọng đặc biệt, thu hút sự chú ý của đông đảo các giới, nhưng ý kiến nói trên tại phiên họp Chính phủ cũng cho thấy vẫn còn những khác biệt trong quan điểm về vấn đề này. Nhiều ý kiến lo ngại rằng việc thực hiện “triệt để” kinh tế thị trường có thể dẫn tới nguy cơ “chệch hướng” xã hội chủ nghĩa.
Trả lời ý kiến nói trên tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Không phải tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế hay giáo dục hay theo cơ chế thị trường là không lo cho người nghèo. Rõ ràng, đã đến lúc phải thay đổi cách suy nghĩ như vậy.
Nhìn rộng hơn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả phải đi vào kinh tế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường. Và đã thị trường thì phải công khai, minh bạch, bình đẳng”.
Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, giá các dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ, còn người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm lo.
Nhưng để đạt được mục đích đó, chúng ta phải có một cách làm khác so với trước đây, mà cụ thể là bằng những giải pháp mà Chính phủ đã triển khai như xã hội hóa, cơ chế tự chủ hay cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó phát triển mạnh lĩnh vực y tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả mọi người, trong đó người nghèo vào bệnh viện cũng được chăm sóc tốt thông qua bảo hiểm y tế.
“Định hướng XHCN không phải là có bao nhiêu bệnh viện của nhà nước, không phải là quốc doanh chiếm bao nhiêu, mà là làm sao để tất cả mọi người dân được hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản”, Thủ tướng nói.
Nói cách khác, cần tách bạch rõ ràng vấn đề phúc lợi xã hội và quan điểm này đã được Thủ tướng, được Chính phủ thể hiện nhất quán. Chẳng hạn, một trong những định hướng lớn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là phải tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Cũng sẽ không có chuyện giữ giá, ví dụ giá điện, ở mức thấp với lý do bảo đảm an sinh xã hội nữa, Chính phủ kiên quyết xóa bao cấp và không bao cấp tràn lan về giá, những đối tượng nào thuộc diện chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp.
Trên thực tế, những nhận thức nói trên về kinh tế thị trường đã được người đứng đầu Chính phủ thể hiện qua nhiều chỉ đạo gần đây, mà nhiều ý kiến cho rằng là sự khởi động cho “làn sóng” đổi mới lần thứ hai. Có thể nhận thấy điều đó từ Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng, cho tới nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, những chỉ đạo về tái cơ cấu khối doanh nghiệp nhà nước hay định hướng xây dựng các luật Doanh nghiệp, Đầu tư…
“Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường” cũng là giải pháp lớn, bao trùm đầu tiên mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong dự thảo nghị quyết mới sắp được ban hành về cải thiện môi trường kinh doanh - vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá là nội dung có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Những nhận thức, quan điểm đó của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ chính là câu trả lời cho vấn đề được Thủ tướng đặt ra: “Kinh tế thị trường là thế nào, định hướng XHCN là thế nào, phải nói cụ thể, không chung chung nữa”.
Cũng cần nhắc lại rằng, mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN chính là 1 trong 8 mối quan hệ lớn mà Cương lĩnh xây dựng đất nước được thông qua tại Đại hội 11 yêu cầu “cần phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt”.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12 đã nêu ra định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mục tiêu, nhiệm vụ cho vấn đề này trong 5-10 năm tới.
Theo đó, nền kinh tế phải vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; Nhà nước đóng vai trò định hướng, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng khẳng định, động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh và “đây là lúc” chúng ta cần có thêm động lực. Quan điểm mới nói trên rất có thể sẽ là chìa khóa để giải quyết những vấn đề lớn lao đòi hỏi tư duy đột phá và tầm nhìn xa, để từ đó đưa đất nước tiến nhanh vào giai đoạn phát triển mới.
Theo VGP
Khi Thủ tướng đổi khái niệm
định hướngXHCN
Sau gần 30 năm cải các thể chế kinh tế, nền kinh tế Việt nam đã có dấu hiệu khởi sắc, tuy vậy những thành tựu đạt được còn quá khiêm tốn, sự lỗ lã và thất thoát quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước là nguyên nhân khiến cho kinh tế không phát huy được như khả năng có thể. Đây là điểm khiếm khuyết lớn nhất của cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đó chính là điều mà đến nay, Đảng CSVN tác giả khởi xướng của khái niệm này vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể và xác đáng. Tuy vậy khái niệm định hướng XHCN nếu nhìn dưới các góc độ khác nhau thì xuất hiện những ý tưởng mới lạ và rất đáng quan tâm. Như cách nhìn nhận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây về khái niệm định hướng XHCN, rằng: "Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo… ” là quan niệm rất đáng chú ý.
Quan niệm cũ: đảm bảo để không bị chệch hướng
Khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN chính thức xuất hiện ở Việt nam từ năm 1986, sau khi nhà nước Việt nam tiến hành đổi mới kinh tế chuyển từ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường kiểu tư bản. Cái đuôi định hướng XHCN, khi đó hoàn toàn chỉ nhằm mục đích biện minh cho sự vi phạm nguyên tắc kinh tế học của học thuyết của Chủ nghĩa Marx-Lenin của Đảng CSVN, đó là công hữu hóa toàn bộ về tư liệu sản xuất. Đồng thời nhằm để chứng tỏ rằng việc đổi mới kinh tế của Đảng CSVN hoàn toàn không bị chệch hướng hay xa rời lý tưởng cộng sản, mà vẫn kiên định với Chủ nghĩa Marx -Lenin.
Trên thực tế thì việc thay đổi quan điểm kinh tế lần này của Đảng CSVN đã thừa nhận kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư nhân. Đây là việc gián tiếp thừa nhận sự trở lại của chế độ người bóc lột người, đây là sự vi phạm nghiêm trọng học thuyết Chủ nghĩa Marx- Lenin của Đảng CSVN. Theo GS Nguyễn Đức Bình, một trong những nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân", vì theo Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghĩa Marx-Lenin: "Không bóc lột người. Đảng chống chế độ "người bóc lột người". Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên". Điều đó cho thấy rằng việc thay đổi đường lối kinh tế của Đảng CSVN lúc đó cũng chính là việc họ từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx - Lenin và lý tưởng Cộng sản.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN được áp dụng ở Việt nam tuy đã gần 30 năm, song một cái định nghĩa đúng, đủ và hoàn chỉnh cho khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN thì đến nay hoàn toàn chưa có. Gần đây nhất, ngày 28.2.2015 vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận TƯ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã cho biết Đảng sẽ ra định nghĩa mới về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều đó cho thấy trong vòng 29 năm qua nền kinh tế Việt nam thực sự là đã được Đảng CSVN dẫn dắt một cách mò mẫm và thiếu cơ sở lý luận khoa học.
Đó cũng là lý do giải thích cho thắc mắc của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi đã thổ lộ tâm tư cá nhân như vậy tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22.12.2014, đã nói rằng: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”. Điều đó cũng khá trùng hợp với suy nghĩ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cho rằng: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm" khi nói về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Một thời gian dài, quan niệm về Kinh tế của Đảng khác của Chính phủ.
Cho dù cho đến nay, chính Đảng CSVN vẫn thừa nhận rằng về lý luận vẫn chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vì theo họ, hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và đây là sự sáng tạo mang tính đặc thù của Đảng CSVN.
Khái niệm Kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng trong suốt một thời gian dài với chủ trương kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực chất chỉ có tác dụng nhằm khẳng định rằng Đảng CSVN vẫn kiên định và không đi chệch hướng. Điều đó trái với nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, đó là kinh tế tư nhân phải nắm vai trò chủ đạo, hay nói một cách khác "Nhà nước sẽ không làm những gì mà tư nhân có thể làm được", là nguyên nhân đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế Việt nam. Và hậu quả của sự sai lầm đó đã mang lại là sự lỗ lã không lồ với sự đổ vỡ của các "quả đấm thép" của kinh tế Nhà nước như Vinashin, Vinaline... Đến nay, nhìn lại sau gần 30 năm đổi mới, thì thấy rõ do sai lầm về chính sách kinh tế mà các nhà lãnh đạo Việt nam vẫn chưa tạo ra một động lực cần thiết để thúc đẩy cho nền kinh tế Việt nam có thể cất cánh thành Rồng, thành Hổ như các nước khác.
Chỉ có tiến hành một cơ chế kinh tế thị trường hoàn chỉnh với kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm, để dẫn dắt và vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Vì chỉ có nền kinh tế tư nhân mới có đủ những động lực để thúc đẩy nền kinh tế chung phát triển. Kinh tế Nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo trong một nền kinh tế được, nó chỉ giữ một vai trò có tính chất phù trợ nào đấy mà thôi. Đây chính là lý do vì sao mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng:“Chỉ có xây dựng khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng thì mới tạo ra triệu triệu công ăn việc làm cho đất nước và doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống, tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội và làm cho chúng ta bớt lệ thuộc hơn vào các nền kinh tế khác”.
Trái lại với quan điểm của Đảng về vấn đề kinh tế, người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trương cần phải xây dựng một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Ông Thủ tướng cho rằng: “Tất cả phải đi vào kinh thế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường. Và đã thị trường thì phải công khai, minh bạch, bình đẳng”. Và theo đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên chính phủ cần phải quán triệt vần đề cơ bản, đó là cần phải hiểu rõ và phân biệt “Kinh tế thị trường là thế nào, định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào, phải nói cụ thể, đã đến lúc không thể chung chung nữa”.
Quan niệm mới: định hướng XHCN một nhà nước phúc lợi xã hội
Vừa qua, khi đề cập đến những đường hướng lớn nhằm tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá là nội dung có ý nghĩa quyết định, đó là “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”. Còn nhớ trước đây chưa lâu, ngày 20.8.2014 tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 22/CT-TTg và số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng “Hơn ai hết, Bộ Công Thương phải xây dựng kế hoạch theo kinh tế thị trường, phù hợp quy luật kinh tế thị trường”.
Đáng chú ý, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2015 vừa diễn ra, khái niệm định hướng XHCN theo quan niệm của Thủ tướng được cho là "Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, giá các dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ, còn người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm lo.". Theo Thủ tướng thì cái gốc của vấn đề là ở chỗ. đó là “Định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là có bao nhiêu bệnh viện của nhà nước, không phải là quốc doanh chiếm bao nhiêu, mà là làm sao để tất cả mọi người dân được hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản”.
Hơn thế nữa, khi đề cập tới khái niệm định hướng XHCN trong kinh tế thị trường thì thủ tướng nhấn mạnh rằng: "Còn định hướng XHCN là Nhà nước sẽ dùng chính sách, dùng công cụ, dùng nguồn lực của mình để điều tiết, để phân phối, phân phối lại, bảo đảm cho tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo…” Điều đó dễ làm cho người ta liên tưởng đến vấn đề xã hội chủ nghĩa dân chủ, một mục tiêu của hệ tư tưởng Dân chủ xã hội. Và đây là một chế độ chính sách liên quan đến một nhà nước phúc lợi phổ cập và các đề án thỏa ước tập thể nằm trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, là cách thường được dùng để đề cập tới các mô hình xã hội và chính sách kinh tế nổi bật tại các quốc gia Bắc Âu mà chúng ta quen gọi là mô hình CNXH kiểu Bắc Âu.
Với quan niệm này đã cho thấy, người đứng đầu Chính phủ đã không còn quan tâm đến vấn đề chệch hướng và xa rời lý tưởng của Đảng CSVN, bởi về thực chất Đảng CSVN đã chệch hướng và xa rời lý tưởng Cộng sản từ đã lâu rồi. Sự chuyển đổi khái niệm từ Kinh tế thị trường định hướng XHCN trở thành Kinh tế thị trường được định hướng bởi một nhà nước phúc lợi xã hội của Thủ tướng cho thấy, chứng tỏ ông đã có một bộ tham mưu rất tốt để có thể tư vấn cho Thủ tướng trong rất nhiều các quyết sách quan trọng. Đồng thời nó còn cho thấy quyết tâm cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được phản ảnh trong thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng về cải cách thể chế và thực hiện quyền tự do dân chủ. Bởi vì đến nay, việc Đảng CSVN chỉ còn cái duy nhất cái danh xưng là cộng sản chứ còn tất cả đường lối, chủ trương hành động của họ thì tuyệt nhiên không còn chút gì là cộng sản theo chủ nghĩa Marx-Lenin nữa. Song họ cố duy trì và níu kéo không ngoài mục đích duy trì quyền lực chính trị độc tôn của một nhóm người có lợi ích và bổng lộc từ chế độ hiện tại.
Kết
Từ trước đến nay, những người làm công tác tư tưởng của Đảng CSVN luôn coi Diễn biến hòa bình (DBHB) là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện để chống phá và đi đến xoá bỏ Chủ nghĩa Xã hội. Và Đảng CSVN luôn lên án điều mà họ gọi là Diễn biến Hòa bình và coi đó là mối đe dọa hàng đầu đối với sự tồn tại của Đảng CSVN. Tuy vậy để tìm ra những bằng chứng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện để chống phá và đi đến xoá bỏ Chủ nghĩa Xã hội thì rất khó có thể tìm được. Song trên thực tế, chúng ta vẫn thấy vô vàn các hành động tự diễn biến của các lãnh đạo hàng đầu của Đảng CSVN, như quan niệm về kinh tế thị trường định hướng XHCN của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một ví dụ. Điều mà những người cho đến nay vẫn kiên dịnh với Chủ nghĩa Marx- Lenin cho rằng là chệch hướng hay xa rời lý tưởng.
Điều đó cho thấy, một khi quan niệm cũng như chủ trương, đường lối của Đảng CSVN từ trước đến nay hầu hết là sai lầm và đi ngược với quy luật phát triển khách quan của xã hội. Đến khi thời gian và thực tế đã chứng minh rõ sự sai lầm đó, thì những người thấy sai đã phải sửa lại cho đúng. Thiết nghĩ đây cũng chỉ là việc sai thì phải sửa, chứ chả có cái gì gọi là diễn biến hay tự diễn biến gì hết.
Ngày 12 tháng 03 năm 2015.
----------------------------------------------
Nguồn : Kami (Blog RFA)/TTHN
Thế mới biết thay đổi một nhận thức là khó và mất thời gian, nguồn lực biết bao nhiêu. Bây giờ, khi quá trình " tích lũy tư bản" vào tay các... "ổng" ...gần như đã hoàn thành...thì người ta sẽ sẵn sàng thay đổi. Và cũng là lúc phải thay đổi rồi!
Trả lờiXóaTheo em, quan niệm của Ô. NTD không có gì mới hẳn so với KTTT của các nước đã phát triển. Họ cũng có nhà nước phúc lợi...cũng điều tiết tốt...Vấn đề là làm sao nhà nước là của dân, nhà nước XHCN không bị các tập đoàn kinh tế tư nhân siêu lớn chi phối...đến mức chỉ làm theo lợi ích của họ như ở một số nước gọi là TƯ BẢN!
Hi hi...em nói leo!
Đọc bài này tôi thấy sự luẩn quẩn trong lý thuyết và điều hành thực tế của nền kinh tế VN trong mấy chục năm qua. Nhiều nhà lý luận cho rằng : " ... hệ thống kinh tế này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và đây là sự sáng tạo mang tính đặc thù ... " Tiếc rằng với " cái sáng tạo mang tính đặc thù ấy " thì chính những người sáng tạo ra nó sau 30 năm vẫn không giái thích được rõ ràng nó là cái gì. Quả thật là một đặc thù có tính hài hước.
Trả lờiXóaTôi thấy nhận định của em T G rất đúng .Khi mà các nhóm lợi ích đủ giầu ,họ sẽ dùng quyền lưc và của cải đưa VN về một xã hội tư bản như các nước Bắc Âu mà tài sản của họ được bảo đảm .
Trả lờiXóa