Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

CHIA SẺ VỚI NHAU NHÂN NGÀY 27/7 ( Bài của Nguyễn Ngọc Hùng)

TÂM TƯ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ
CCB Nguyễn Xuân Chinh và nụ cười của ông ngày xưa tại thành Quảng Trị trong ống kính PV.

Truyền hình mấy ngày nay có hàng chục chương trình trực tiếp rầm rộ, hoành tráng, diễn ra cùng lúc tại nhiều địa phương để kỷ niệm lần thứ 68 ngày thương binh liệt sĩ.

Cũng như mọi năm, những hình ảnh bị thương của những trận đánh khốc liệt, nồi da nấu thịt tại thành cổ Quảng Trị lại được tái hiện. Lại những câu chuyện về cuộc chiến và những tấm gương anh dũng hi sinh của hàng ngàn người lính trẻ trong cái nồi hầm thịt người ấy suốt 81 ngày đêm cách đây tròn 43 năm.
....
Những con người đã chiến đấu và hy sinh thời ấy thật là anh hùng, thật đáng ghi công, tri ân và trân trọng. Họ đều đã lao vào cuộc chiến đầy chết chóc ấy một cách vô tư. Và khi nhận ra sự khốc liệt, cái chết không tránh khỏi thì gồng mình chấp nhận. Không thiếu những người đã trở thành “anh hùng” một cách bất đắc dĩ!

Nhưng cuộc chiến ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 được giải thích thật thiếu thuyết phục. Mọi giải thích chính thức, công khai đều nói rằng cuộc chiến ấy, với những mất mát, hi sinh vô cùng to lớn, vô cùng đau đớn, là “để đem lại chiến thắng buộc Mỹ phải ngồi vào bàn hội nghị Paris, dẫn đến hiệp định hoà bình năm 1973”.
Nhưng lịch sử đã diễn ra là: Sau 81 ngày đêm chịu đựng bom đạn ở mức không thể tưởng tượng được, hàng vạn chiến sĩ thương vong, lực lượng ta vẫn phải rút khỏi thành cổ Quảng Trị, để cho quân đội Sài Gòn tái chiếm thành cổ này cùng cả thị xã Quảng Trị. Ý đồ chiếm thị xã Quảng Trị để biến thành “thủ đô” của chính phủ CHMNVN đã không thể đạt được!
Còn hiệp định Paris thì không phải là kết quả trực tiếp của xương máu tại Quảng Trị mùa hè 1972. Bởi nếu trận chiến thành cổ Quảng Trị có sứ mệnh lịch sử ấy, thì Hà Nội đã không phải chịu 18 ngày đêm tàn phá tháng 12 năm ấy. Không phải có thêm hàng trăm người chết bom tại Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Chương Dương... Và đã không phải có một “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời thủ đô. Gọi chiến thắng B52 trên bầu trời thủ đô năm 1972 là một “Điện Biên Phủ”, bởi chiến thắng ấy là cuộc đọ sức cuối cùng dẫn đến hiệp định Paris ngày 27/1/1973, hoàn thành sứ mạng “đánh cho Mỹ cút”.

Máu xương của hàng vạn thanh niên miền Bắc tại thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã đổ xuống vì sự nghiệp lớn “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Nhưng có đáng phải kiên quyết chốt giữ trong khu thành cổ nhỏ hẹp ấy trong suốt 81 ngày đêm? Có đáng phải đẩy hết đợt này đến đợt khác hàng ngàn chiến sĩ trẻ măng đầy nhiệt huyết vào cái lò thiêu người ấy khi những người chỉ huy chiến dịch biết chắc là họ hầu như không có cơ may thoát chết? Kẻ địch có tiềm lực phi pháo vô biên và quyết tâm rất cao tiêu diệt lực lượng ta tại thành cổ Quảng Trị. Trận địa vừa nhỏ hẹp về diện tích, vừa trống trơ về địa hình, làm sao có thể trụ được dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù! Vậy mà tại sao vẫn cứ đẩy tiếp hàng ngàn thanh niên vào đó để phải chết?

Tại sao không chỉ là 8 ngày, 18 ngày? Mà cứ phải 81 ngày đêm? Tại sao không thể quyết định dừng cuộc chiến sau khi vài trăm chiến sĩ đã hi sinh dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù? Cuối cùng vẫn phải rút, vẫn mất trận địa, mà hàng vạn thanh niên phải bỏ mạng một cách tàn khốc!

Rồi ngày nay, những người đang cầm quyền tổ chức hàng loạt lễ lạt rình rang, tốn kém như thế.
Hàng trăm cán bộ cao cấp các loại ngồi trên những hàng ghế danh dự của các cuộc lễ tại nhiều địa phương khác nhau. Các cán bộ ấy, đa phần chỉ là thế hệ “ăn theo” cha anh đã anh dũng hi sinh. Các cán bộ ấy đến dự các cuộc lễ lạt, chỉ riêng công tác phí của họ đã tốn nhiều tỉ đồng của ngân sách... Chướng mắt hơn nữa là những người cựu chiến binh từng đổ máu được mời đến dự các lễ lạt này lại phải ngồi phía sau, nhường hàng ghế danh dự cho các “đồng chí lãnh đạo” mà khi họ hi sinh, đổ máu thì đám này còn vắt mũi chưa sạch!

Đấy là chưa nói đến không ít trường hợp, những vị cán bộ cao cấp lên đọc diễn văn tại các cuộc lễ lạt, thực ra họ đã không còn xứng đáng với hi sinh, mất mát của cha anh. Không thiếu người đang kiếm tiền bất chính, đang gây ra nhiều oan ức, bức xúc cho các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh, các bà mẹ anh hùng...  vì những dự án thu hồi đất phục vụ “tư lợi nhóm” nhân danh “quốc kế dân sinh”.

Giá mà chỉ cần một cuộc mít tinh trọng thể cấp quốc gia tại Hà Nội. Rồi các địa phương tổ chức thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ. Còn lại bao nhiêu tiền- hàng trăm tỉ đồng chứ không ít đâu, thì cứ phong bao chia cho tất cả các thương binh, gia đình liệt sĩ, có phải là thiết thực hơn không?
Nguyễn Ngọc Hùng
27/7/2015

7 nhận xét:

  1. Thành tâm chia sẻ những trăn trở và đồng tình với những suy nghĩ của N Hùng. Cái bệnh hình thức, phô trương sáo rỗng đã ăn sâu vào tiềm thức và hành xử vô thức của lối quan chức lãnh đạo VN.
    Cái lỗi lãnh đạo VN hiện nay đã đánh mất niềm TỰ HÀO, lòng TRI ÂN và NIỀM TIN của dân chúng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng15:47 30/7/15

      Cám ơn chị Nhật Lệ

      Xóa
  2. Lễ lạt rình rang, tượng đài nhiều tỉ...Đó có phải là cái mà các gia đình thương binh liệt sĩ đang cần không?
    ST đồng tình với tác giả và chị NL!

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ là sự GỈA DỐI VÀ LỢI DỤNG để TRỤC LỢI (cả về tiền của và chính trị, ...) mà thôi!.

    Trả lờiXóa
  4. Rất đồng tình với những suy tư sâu sắc của bạn NNH- một người trong cuộc.. Thật ra trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào ,hầu hết những người chỉ huy đều phạm sai lầm ở mức độ khác nhau ,dẫn đến thiệt haị không đáng có. Hậu quả là binh sĩ, sĩ quan cấp thấp thiệt mạng một cách vô nghĩa.NHưng chiến dịch Quảng trị là một trường hợp đặc biêt. Xin không nhắc lại những điều tác giả đã nêu lên. Chỉ xin bổ sung chi tiết này. Nếu chiến dịch Mậu Thân,đa số người hy sinh là người lao động bình dân thì năm 72, đa số lại là sinh viên đang học hoặc sắp ra trường! NHững người chỉ huy hồi đó nói riêng, Ban lãnh đạo nói chung đã không có được phẩm chất như Bác Giáp: tiếc và cân nhắc từng giọt máu hy sinh của người lính.Họ chủ quan duy ý chí đến cùng ,kiêu ngạo đến cùng,luôn cho mình đúng đắn sáng suốt trong mọi lĩnh vực từ quân sự đến kinh tế, văn hóa, giáo dục...Giờ đây, ngoài một số ít còn chút lòng thành, hầu hết họ đều tận dụng mọi cơ hội .để "ăn mày quá khứ", lấy chiến công của cha anh để khỏa lấp những sai lầm khuyết điểm,thậm chí tội lỗi tham nhũng hiện nay.Xem TV những buổi lễ kỷ niệm hoành tráng, tốn kém,những sự kiện này nọ,những cờ quạt khẩu hiệu v.v. tôi luôn có cảm giác họ đang diễn để người dân ngộ nhận rằng: họ cũng rất xứng đáng với những anh hùng liệt sĩ thế hệ trước đã hy sinh vì Tổ Quốc. Có ngờ đâu ngay trong buổi lễ long trọng ,27/7 năm nay, họ đã nuôi khát vọng "đoàn tụ" với giặc ngoài... Đó mới chính là điều nhân dân cần nhận biết càng sớm cáng tốt.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đồng tình với suy nghĩ của bạn NNH, KVH và các bạn đã bày tỏ trong comments trên . Phải có độ lùi thời gian cần thiết chúng ta mới nhân chân được sự thật đau lòng ấy ! Chỉ có điều chúng ta bị bịt mắt bịt tai quá lâu nên phải chờ đến độ lùi quá xa mới tỉnh ngộ ! đúng như người ta nói :" Trong tất cả các cuộc chiến tranh, kẻ thất bại luôn luôn là ...nhân dân !" . Biết bao thanh niên ưu tú của đất nước đã nướng vào cuộc chiến tranh ấy ? Kẻ sống sót đỏ ngực thì ít mà tiếp tục trở về với mái tranh mảnh ruộng nghèo nàn thì nhiều . Rồi tàn tật, rồi phơi nhiễm chất độc da cam đến thế hệ thứ 3 v.v...Kẻ đỏ ngực thì " ăn mày dĩ vãng" vun vén cho bản thân và con cháu, thành tư bản đỏ bóc lột nhân dân, đục khoét gia tài tổ tiên để lại . Thâm chí có kẻ từng Anh hùng chống Mỹ nay ôm chân giặc ngoại xâm đánh đổi tất cả để giữ đảng, giữ ghế ! Buồn thay ! Trong đảng lại bắt đầu 1 cuộc " kiểm tra đảng viên" mới . Kiểm tra lập trường tư tưởng, kiểm tra tư cách đảng viên và 19 điều đảng viên ko được làm ! Mổi đảng viên kiểm điểm viết ra giấy nộp chi bộ rồi đưa lên tận đâu hay nằm trong sọt rác của Bí thư có mà Giời biết . Nhưng cứ phải thực hiện, dù 99,9% là nói dối đảng ! đảng có biết không ? Có ! đấy, cái xã hội đầy ắp các nghịch lý đang và sẽ tồn tại ...Không biết đến bao giờ !!!

    Trả lờiXóa
  6. Nguyễn Ngọc Hùng14:31 31/7/15

    calathau ơi, bây giờ tôi còn tự vấn mình: Đảng là ai nhỉ???
    Trong cách mạng giành chính quyền và chiến tranh giải phóng, Đảng là tồ chức tiên phong lãnh đạo.
    Nhưng trong "thời kỳ quá độ" nhá nhem lẫn lộn này, Đảng dường như chỉ là cái thứ để những kẻ trục lợi nhân danh cho có vẻ cao thượng, có vẻ "vững lập trường" để phục vụ cho những tư lợi ích kỷ của đám người ấy!...
    Tại rất nhiều cơ quan, đơn vị... tổ chức Đảng thực sự đã trở thành công cụ để người đứng đầu sử dụng vào những vụ lợi tư túi hoặc phe nhóm.
    Tôi cho rằng mình không sai khi nghĩ như vậy.

    Trả lờiXóa