Làm thế nào VN có 'những cú
thay đổi ngoạn mục'?
"Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp tiến làm gì tới nơi tới chốn" - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.>> Người Việt: Chỉ trích "lạnh xương" và "khen cho chết"
LTS:"Văn hóa âm tính", đặc tính "biến đổi từ từ" chi phối ra sao đến sáng tạo, đổi mới tại VN? Làm sao khắc phục điều này?... Đó là nội dung Phần 2 cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG-HCM.
Xem lại Phần 1: Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Ảnh: Phạm Thành Long/ Documentary.vn |
Mặt trái của sự ổn định kéo dài
Ở phần trước, GS đã bàn đến những tác động của tư duy "vừa phải"
đến tính cách cá nhân, cộng đồng, xã hội. Ở tầm vĩ mô hơn, tác động của
nó ra sao đến bộ máy, cơ chế vận hành đất nước?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Xuất phát từ tư duy "vừa phải", nền
văn hóa âm tính luôn hướng tới sự ổn định. Ổn định là đứng yên, mọi sự
thay đổi, phát triển đều bị chống lại, bị kìm hãm. Và cả một bộ máy, cả
cơ chế đều hướng tới sự ổn định, phục vụ và gìn giữ cho sự ổn định đó.
Cái mới xuất hiện thường bị dị ứng, bị xem là "có nguy cơ mất ổn định"
rất cao.
Muốn phát triển thì phải có đột phá, thay đổi hiện trạng, và phải có
người giỏi để làm việc này. Nhưng như tôi đã nói, văn hóa âm tính của ta
sẽ "kéo" người giỏi nào muốn nổi trội lên. Và toàn bộ người Việt chúng
ta đều thấm nhuần đức khiêm tốn, coi đó không chỉ là đạo đức mà còn là
cách sống.
Các nền văn hóa dương tính như phương Tây không như vậy. Họ được
giáo dục sự trung thực, nói về mình như mình thực có. Họ quan niệm tự
cao tuy có thể vấp ngã, nhưng sau vấp ngã sẽ học kinh nghiệm mà đi lên,
còn khiêm tốn thì không.
Ai cũng ngại thay đổi, xáo trộn. Vì vậy, khi chọn người chẳng hạn,
người ta sẵn sàng "bầu" cho người không có gì đặc sắc nhưng được cái là
lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi, hòa đồng với mọi người, ai nói gì cũng
gật.
Dường như đặc tính thích "ổn định" này cũng chi phối lớn đến quan niệm về tài năng và cách sử dụng người tài ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Cũng vì thích sự ổn định nên người VN
thường thích người dễ bảo, thích nghe lời. Trong gia đình thì thích "con
ngoan", biết vâng lời chứ không phải biết sáng tạo. Còn trong nhà
trường thì muốn "trò giỏi", nhưng "giỏi" ở đây phải hiểu là học thuộc
bài, làm văn cũng phải theo văn mẫu của thầy cô đưa ra.
Cho nên người VN với bản tính linh hoạt chỉ giỏi sáng tạo vặt, biến
báo, kiểu Trạng Quỳnh, thích ăn may kiểu Trạng Lợn, nói dóc kiểu Ba Phi,
còn sáng tạo kiểu làm máy bay, tầu ngầm, chế tạo xe tăng thì nhẹ sẽ bị
coi là "có vấn đề".
Với nền giáo dục như thế này thì làm sao đào tạo cho ra những những nhà phát minh, nhà bác học, nhà văn hóa lỗi lạc?
Trong quản lý xã hội, nhiều lãnh đạo ở các cấp đều thường chọn cấp
phó, người giúp việc thấp hơn mình từ một đến vài "cái đầu". Người ta
cho rằng làm như thế thì mới đảm bảo "ổn định", trước hết là "ổn định"
vị trí của mình.
Cách làm đó vô hình trung đã tạo nên một "cơ chế loại bỏ người tài"
ra khỏi bộ máy. Thậm chí trong xã hội cũng không có đất cho họ dụng võ
vì những ràng buộc đạo đức, pháp luật luôn chống lại nguy cơ làm "mất ổn
định".
Nghe ông nói tôi không khỏi liên hệ đến những câu chuyện "Đại tướng quân" hay phát minh, sáng chế "Hai lúa" được nhắc đến rất nhiều gần đây?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Phải, với những đặc điểm tôi đã phân
tích, không có gì ngạc nhiên khi thấy những sáng chế, phát minh hay sáng
kiến cải tiến khoa học kỹ thuật trong nước ít khi được quan tâm, ngược
lại có khi còn bị o ép.
Như chuyện ông Phan Bội Trân ở TP.HCM bỏ tiền của, trí tuệ công sức
ra chế tạo tàu ngầm mi-ni mà phải "lên bờ xuống ruộng" khi cho chạy thử
nghiệm...
Như chuyện ông Hải máy bay, có thể có vị Bộ trưởng sẽ trả lời rằng
việc này là do "cơ chế bên Campuchia thoáng hơn ở ta... Và ta không có
nhu cầu sửa chữa xe quân sự vì đã có đơn vị chuyên môn làm rồi". Điều
này có thể đúng. Nhưng nó cũng đồng thời cho thấy nền văn hóa âm tính
luôn kìm hãm sáng tạo, dị ứng với thay đổi đã chi phối mạnh mẽ đến mức
nghiệt ngã vào hệ thống quản lý xã hội.
Nguy cơ của nền văn hóa âm tính vô cùng lớn nếu không biết phát huy
mặt mạnh và khắc phục những mặt trái của nó, thoát ra khỏi "vũng lầy ổn
định" của nó.
Không thể "cứ từ từ" mãi
Theo GS, chắc phải có giải pháp nào cho "căn bệnh" âm tính, truyền thống biến động từ từ của chúng ta chứ?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Nghiên cứu lịch sử, tôi nhận thấysự
"biến động từ từ" như một quy luật ấy có thể thúc đẩy cho nhanh hơn lên
nếu có được sự kết hợp ở những mức độ khác nhau của ít nhất 3 trong số 4
điều kiện: (1) Cuộc sống của toàn dân chúng rơi vào (hoặc gần như rơi
vào) tình trạng đặc biệt khó khăn, bế tắc; (2) Có một vị minh quân, minh
chúa, tức một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, sáng suốt, tận tâm tận lực vì dân;
(3) Có một cú hích từ bên ngoài và (4) Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy
người khác khá hơn mình và bản thân mình có nhu cầu thay đổi hiện
trạng.
Trong đó, điều kiện 1 thuộc về văn hóa vật chất - mưu sinh; điều
kiện 2 thuộc về văn hóa chính trị; điều kiện 3 thuộc về ngoại lực;
điều kiện 4 thuộc về văn hóa tính cách, tinh thần.
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trường hợp đột biến nhờ hội
tụ ở mức rất cao ba điều kiện đầu: 1/ Cuộc sống của dân chúng dưới thời
thực dân, phát xít Nhật rơi vào bước đường cùng, hàng triệu người chết
đói. 2/ Cái tên "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" có sức mạnh như một lời
hiệu triệu thu hút quần chúng. 3/ Chiến tranh thế giới kết thúc, Nhật
đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.
Công cuộc Đổi mới năm 1986 là một trường hợp đột biến khác cũng hội
đủ cả ba điều kiện đầu, nhưng ở mức thấp hơn: 1/ Cuộc sống kinh tế của
cán bộ nhân dân ba miền ở mức rất khó khăn. 2/ Tổng bí thư Trường Chinh
là một nhà lãnh đạo có uy tín và tận tâm tận lực vì dân. 3/ Công cuộc
Cải tổ (Perestroika) của Liên Xô cũng vừa lúc bắt đầu.
Nếu nói về "cú hích từ bên ngoài" thì hiện nay VN đang có rất
nhiều đấy chứ, thưa GS? Chẳng hạn VN hiện đang là thành viên của nhiều
tổ chức lớn trên thế giới và khu vực như WTO, AFTA, NAFTA, v.v... tất cả
đều yêu cầu ràng buộc VN phải cải cách, cải tổ theo hướng chung của thế
giới?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Đúng là VN đang có những tác động bên
ngoài, nhưng chúng chưa đủ sức tạo nên những thay đổi mang tính đột
biến. Ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn từ sau Đại hội 6 năm 1986.
Những năm 1990 là thời mà chính sách Mở cửa đã bắt đầu phát huy tác
dụng, đời sống một bộ phận dân chúng khá lên đã kích thích toàn xã hội
hừng hực, hứng thú làm giàu. Giai đoạn này, ngoài 3 điều kiện đầu cho sự
phát triển đột biến của VN mà chúng tôi đã nói ở trên, điều kiện thứ 4
là "Mỗi người nhìn ra xung quanh thấy người khác khá hơn mình và bản
thân mình có nhu cầu đó" đã hiện hữu ở mức cao.
Tuy nhiên, bước sang những năm 2000, dễ quan sát thấy rằng xã hội
VN đã không còn sự phấn đấu hăng say như những năm 1990 nữa, dù VN đã
hội nhập nhiều hơn, sâu rộng hơn với thế giới. Một bộ phận đáng kể trong
cán bộ và dân chúng thấy rằng mình đã thoát khỏi tình trạng cùng cực và
đã chuyển sang được trạng thái "trông lên thì chửa bằng ai, nhưng trông
xuống thì chẳng ai bằng mình" nên đã hài lòng mà chững lại.
Một tướng lĩnh Campuchia bên chiếc xe thiết giáp do cha con ông Hải chế tạo hoàn chỉnh. Ảnh: LĐO
|
Cần một hệ giá trị mới
Vào thế kỷ 17, 18 tiếp xúc với văn minh phương Tây, chúng ta cũng
có cơ hội cải cách rất lớn giống như Nhật Bản. Tự Đức là vị vua thông
minh, có tài, có năng lực và tầm nhìn song vẫn thất bại, trong khi Nhật
hoàng lúc ấy là cậu bé 3 tuổi mà cuộc cải cách của Nhật lại thành công.
Chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm gì từ thất bại này?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Khu vực Đông Bắc Á vốn thuộc loại
hình trung gian chuyển tiếp. Văn hóa của Nhật có độ dương tính cao nhất
trong số các quốc gia ở đây nên người Nhật không làm thì thôi, còn khi
đã nhận thức ra thì họ làm tới nơi tới chốn. Trong lịch sử, họ thường có
cách làm là tiếp thu cái mới rồi đóng cửa lại thẩm thấu, sửa chữa, nâng
cấp rồi phát huy.
Trước kia, Nhật đã từng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa theo cách như
thế. Rồi khi người Nhật phát hiện họ thua châu Âu, họ bắt tay cải cách
ngay. Từ "thoát Á luận" cho đến "thoát Á, nhập Âu", người Nhật đã đề ra
mục tiêu nhận thức rất rõ ràng, thoát hẳn khỏi cái cũ, nhập hẳn vào cái
mới chứ không lơ lửng. Bên cạnh vua Minh Trị, cả dân tộc Nhật, cả nền
văn hóa đều cùng chung mục đích và quyết tâm nên họ tiếp thu và cải cách
thành công.
Còn chúng ta, do thuộc loại hình văn hóa âm tính cho nên trong khi
vua Tự Đức và vài nhân vật khác có tầm nhìn rộng và xa hơn nên thoát
được, nhưng lại bị số đông bảo thủ kiềm xuống, lôi kéo trở lại. Cả triều
đình không muốn thoát thì một mình vua cũng không làm được gì hơn.
Một nền văn hóa âm tính đậm đặc, với những con người lúc nào cũng
chỉ lo "ổn định" luôn có một lực lượng bảo thủ không cho phép phái cấp
tiến làm gì tới nơi tới chốn.
Bởi vậy mà VN rất khó có thoát ra được hoàn cảnh mà ta bị đặt vào, để
có được những cú thay đổi ngoạn mục như Nhật Bản hay Hàn Quốc là các
quốc gia Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian. Dù có bậc
minh quân như Tự Đức hay ai khác mà nếu chưa hội đủ cả 4 điều kiện như
tôi đã đề cập thì cũng rất khó.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông
tin, cả thế giới ngày nay trở thành một ngôi nhà chung. Ắt rằng, chúng
ta sẽ còn có nhiều "cú hích" tác động vào. Vậy theo GS, để tận dụng thời
cơ quốc tế hóa cao độ như hiện nay, chúng ta phải làm gì nhằm tạo được
sự thay đổi đột phá mạnh mẽ cho kịp với các nước?
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Từ những điều trình bày trên, có thể
thấy rất rõ nguyên nhân sự trì trệ sâu xa là nằm trong văn hóa và con
người. Chính bởi vậy mà Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI
đã đặt vấn đề "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp
ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Nhưng chỉ Nghị quyết không thôi thì chưa đủ. Để xây dựng và phát
triển văn hóa - con người thì cần phải thay đổi hệ giá trị. Thực ra,
hệ giá trị VN tự nó đang biến động rất mạnh. Vấn đề là cần sớm nhận
thức được xu hướng biến động, góp phần điều chỉnh và định hướng sự thay
đổi đó từ tự phát thành tự giác, theo hướng có lợi nhất, để tạo nên sự
phát triển đột biến một cách sớm nhất.
Trong một Chương trình KH & CN trọng điểm cấp Nhà nước mà tôi
đang làm chủ nhiệm, chúng tôi nghiên cứu và phân tích kỹ sự biến động
của hệ giá trị VN trong quá trình chuyển đổi từ văn hóa làng xã đến
văn hóa đô thị, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn
hóa khép kín đến văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hoá và hội nhập.
Một trong những trọng tâm là phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến biết bao
nhiêu thói hư tật xấu của con người VN hiện nay. Bởi lẽ muốn thay đổi
để đi lên, để phát triển thì phải xóa hết các nguyên nhân gây ra những
tật xấu đó.
Chẳng hạn, tính cộng đồng tự nó không xấu, nhưng cộng đồng kiểu làng
xã là gây ra sự cào bằng, bệnh sĩ diện, bệnh thành tích...; tính cộng
đồng tình cảm gây ra tật thiếu ý thức, không tuân thủ pháp luật...; sự
kết hợp của nhiều đặc trưng gây ra quốc nạn dối trá, tham nhũng... Vì
vậy phải thay đổi cộng đồng tình cảm bằng cộng đồng lý trí; thay cộng
đồng làng xã bằng cộng đồng xã hội, tức coi trọng quyền lợi xã hội chứ
không phải của một làng hay của một nhóm lợi ích, v.v... Trên cơ sở đó
đề xuất một hệ giá trị VN mới.
Tuy nhiên, đề xuất một hệ giá trị VN mới mới chỉ là bước khởi đầu.
Để đưa hệ giá trị đó vào cuộc sống, để tạo ra những con người VN mới
thì cần có quyết tâm rất cao của cấp lãnh đạo cao nhất và sự đồng lòng
của toàn dân. Được như vậy, VN mới có thể thoát ra khỏi căn bệnh trì trệ
của truyền thống văn hóa âm tính, tạo nên một bước phát triển đột
biến mới trong giai đoạn hiện đại.
Xin cảm ơn GS!
Duy Chiến (thực hiện)
Hay lắm ! Phải đọc đi đọc lại và suy ngẫm nghiêm túc. Tôi nghĩ Văn HÓA ĐỌC và suy ngẫm của các cấp lãnh đạo hình như quá YẾU, nên cứ loay hoay mãi trong cái khối bùng nhùng "ỔN ĐỊNH".
Trả lờiXóaEm mong có một vị lãnh đạo anh minh!
Trả lờiXóa