Vì sao Trung Quốc muốn né vấn đề Biển Đông khi họp với ASEAN
Dự Hội
nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Malaysia, Trung Quốc muốn không bàn đến vấn
đề Biển Đông, có thể vì lo ngại "xấu mặt" trước quốc tế, nhưng Bắc Kinh
sẽ không được toại nguyện khi nước chủ nhà tỏ ra khá kiên quyết về vấn
đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự một hội nghị liên quan tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: Reuters
|
Ngay trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48, có sự tham gia của Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh đã lên tiếng cho rằng hội nghị không nên bàn về tranh chấp Biển Đông vì vấn đề này không phù hợp với diễn đàn.
Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Malaysia cho biết tranh
chấp Biển Đông được "thảo luận rộng rãi" trong hội nghị bắt đầu từ hôm
qua.
"Chúng tôi thảo luận về cách thức giải quyết vấn đề suy giảm lòng tin
giữa các bên với diễn biến gần đây ở Biển Đông, bao gồm cải việc tạo
đất, cũng như căng thẳng leo thang trên thực địa", Ngoại trưởng Malaysia
Anifah Aman nói.
Trung Quốc gần đây cam kết bắt đầu đàm phán thực chất về bộ quy tắc ứng
xử ở Biển Đông (COC), nhưng có khoảng cách giữa cam kết và tình hình
trên thực địa, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói.
Về hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Minh nói "chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hoạt động như vậy. Đó
là mối lo ngại của chúng tôi, làm suy giảm lòng tin giữa các bên và làm
phức tạp quá trình đàm phán để đạt được bộ quy tắc ứng xử. Tình hình
này khiến ASEAN và Trung Quốc càng nên sớm ký kết COC hơn".
Né dư luận
Trong khi Bắc Kinh nói rằng Biển Đông không phải là vấn đề phù
hợp để đề cập trong diễn đàn thì các nước khác lại không cho như vậy. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng "Đây là diễn đàn mà các vấn đề an ninh rất quan trọng cần phải được nêu lên và thảo luận".
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam khẳng định vấn đề Biển Đông
không thể bị bỏ qua, và nói thêm rằng Singapore không hài lòng với tuyên
bố về ứng xử các bên mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 tại
Campuchia. "Biển Đông là một vấn đề. Chúng ta không thể giả vờ rằng đó
không phải là một vấn đề", ông nói.
Theo giới quan sát, quan điểm này là hợp lý, vì Biển Đông là vùng biển
giàu tài nguyên và là tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới. Rõ
ràng Biển Đông là vấn đề rất quan trọng, cần được nêu ra ở diễn đàn an
ninh của khu vực. "ASEAN có thể và nên đóng vai trò quan trọng trong
việc thực hiện biện pháp hoà giải", Ngoại trưởng Aman nói với các đại
biểu.
Yêu sách chủ quyền và hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông
vấp phải sự phản đối quốc tế. Vì vậy, một trong những nguyên nhân khiến
Bắc Kinh muốn né vấn đề này là nước này không muốn bị vạch mặt chỉ tên
trên diễn đàn đa phương.
Theo cây bút chuyên về Trung Quốc của The Diplomat, Shannon
Tiezzi, Bắc Kinh ngày càng quan tâm đến hình ảnh quốc tế của mình.
Chuyên gia địa chính trị Greg Poling của Trung tâm Chiến lược và Nghiên
cứu Quốc tế cho rằng Trung Quốc có thể nhận ra nước này đang "tự gây tổn
hại đến hình ảnh của mình là một cường quốc đang lên có trách nhiệm".
Trung Quốc luôn khăng khăng nói rằng chỉ muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông song phương với từng nước. Giới ngoại giao và phân tích đánh giá Bắc Kinh giữ lập trường này nhằm ngăn ASEAN đưa ra một "mặt trận" thống nhất về vấn đề Biển Đông. Theo Prashanth Parameswaran, cây bút chuyên về Đông Nam Á của Diplomat, Bắc
Kinh sử dụng các dự án kinh tế để "tấn công quyến rũ" một số nước trong
khu vực. Nếu giải quyết song phương, quan điểm của các nước có thể bị
tác động bởi quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, khiến ASEAN khó đạt được đồng
thuận.
Nước chủ nhà
Một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc muốn né vấn đề Biển Đông tại hội nghị có thể là do nước chủ nhà, bên đóng
vai trò quan trọng trong việc đưa ra tuyên bố chung sau hội nghị, là
Malaysia, một bên đòi chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông. Malaysia được cho là ít khả năng nhượng bộ Trung Quốc.
"Đây không phải là Campuchia", AFP dẫn lời một nhà ngoại
giao tham dự hội nghị nói, ám chỉ cuộc họp ngoại trưởng năm 2012 được
chủ trì bởi Campuchia, nước nhận được nhiều viện trợ về kinh tế và quốc
phòng từ Trung Quốc.
Tại sự kiện này, Campuchia tuyên bố rằng các nước đã nhất trí không
"quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, tương tự như lập trường của Trung Quốc
là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ nên diễn ra
song phương, giữa các bên đòi chủ quyền. Tuy nhiên, Philippines bác bỏ
điều đó. Điều này khiến ASEAN không thể đạt được đồng thuận và lần đầu
tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong 45 năm.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng hai của Trung tâm An ninh Mỹ mới, Malaysia
vốn là nước chọn "giải pháp an toàn", luôn lặng lẽ tìm cách bảo đảm lợi
ích của mình ở Biển Đông mà không phá hoại mối quan hệ tổng thể với Bắc
Kinh.
Quan hệ Trung - Malaysia được đánh giá là khá nồng ấm từ sau Chiến tranh Lạnh. Trung
Quốc hiện là đối tác thương mại và thị trường khách du lịch lớn nhất
ngoài ASEAN của Malaysia. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh là trung tâm
trong mục tiêu Thủ tướng Najib đặt ra là đưa Malaysia trở thành nước
phát triển và có thu nhập cao đến năm 2020.
Tuy nhiên, theo Parameswaran, Malaysia
trong thời gian gần đây ngày càng trở nên cảnh giác và có vẻ như đã
điều chỉnh lại chính sách của mình. Malaysia có những lần trực tiếp phản
đối ngoại giao với Bắc Kinh, đồng thời định hình cuộc tranh luận về
Biển Đông trong nội bộ ASEAN. Nước này cũng gia tăng khả năng quân sự và
tăng cường quan hệ với các nước khác trong đó có Mỹ.
Quan điểm kiên quyết về Biển Đông của Malaysia được thể hiện ngay trong ngày khai mạc hội nghị, khi Ngoại trưởng Malaysia nhấn mạnh khối ASEAN phải "làm nhiều hơn" để giải quyết vấn đề này. Một dự thảo tuyên bố chung sẽ được công bố khi bế mạc hội nghị mà phóng viên hãng Reuters xem
được nói rằng, các lãnh đạo rất quan ngại về diễn biến gần đây, "bị cho
là có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định" tại Biển Đông.
Ông Najib cho thấy Bắc Kinh "không thể áp đặt chương trình nghị
sự của mình với ASEAN", chuyên gia an ninh Richard Javad Heydarian của
Đại học De La Salle, Manila nói.
Phương Vũ
-------------------------
Nguồn vnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét