Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

HỒI ỨC VỀ NƯỚC BẠN LÀO (Bài 2)



Một phần tư thế kỷ trước .
Nguyễn Ngọc Hùng (K1)
Bài và ảnh tư liệu
"Ong cố vấn "
Hồi ấy, đât nước Lào hoang sơ bao nhiêu thì người dân Lào cũng đơn giản bấy nhiêu. Con người ta với nhau đúng là hiền hòa, dung dị. Bon chen, đố kị dường như chưa có chỗ đứng trong xã hội Lào khi ấy. Tiếp cận với con người ở xứ Lào suốt 2 năm, tôi cảm thấy có thể tin những câu chuyện được nghe thời chiến tranh chống Mỹ.
Ngày ấy, cuôc nội chiến giữa một bên là Pathet Lao với bên kia là quân đội hoàng gia thân Mỹ do tướng Bun Ùm cầm đầu đang diễn ra “ác liệt”. Nhưng người Lào đôi bên không đánh nhau mỗi dịp Bun- lễ hội. Ngày “bun”, đôi bên giữ nguyên chiến tuyến, nhưng không nổ súng. Binh sĩ đôi bên được “xả trại” để cùng vào các làng, bản vui hội với người dân. Họ cũng “giáp mặt” nhau mà không hề hấn gì. Không thiếu những trường hợp cùng “chén chú chén anh” nếu cùng quen một gia chủ nào đó. Hết “bun”, lại trở về trận địa bên mình và... đánh nhau tiếp!
Lăm Vông với PCT tỉnh Pak Se'
Không thiếu trường hợp chỉ huy đôi bên quen biết nhau, bắc loa “đàm phán” thỏa thuận đánh nhau theo giờ. Khi nào mệt thì thông báo để cùng “nghỉ giải lao”. Hết giờ giải lao, bắn nhau tiếp!!! Chuyện này giống như chuyện mà Trần Kháng Chiến thuật lại lời của bạn Chính nói người Lào đánh nhau “không ác liệt lắm”!
Xã hội Lào quả là nhiều bun- hội. Thoắng cái đã thấy nghỉ lễ. Tôi nghĩ, vậy cũng đúng với xã hội Lào khi ấy. Người dân thì sống tự túc là chính, đâu cần sản xuất nhiều năng xuất cao làm gì! Tỷ lệ người dân cần đến sự hiện diện của chính quyền cũng không bao nhiêu. Chả cần biết ngày làm việc khác với ngày nghỉ lễ thế nào! Hằng ngày, người dân Lào sống bình lặng lắm. Thật khó thấy tiếng cười to, nói lớn. Hầu như không gặp đôi co cãi vã bao giờ, kể cả nơi công cộng và trong làng bản. Người ta cứ lầm lũi, lặng lẽ thế. Vậy mà mỗi khi có bun- hội thì thật tưng bừng, cởi mở.
Bun hội nói chung đơn sơ lắm. Phần màu mè, hoành tráng, ăn nhậu không đáng là bao. Cái chính là người ta vui vẻ với nhau đến mức hoạt náo. Rượu là thứ không bao giờ thiếu. Khi bun hội, đàn bà con gái Lào uống rượu không thua gì đàn ông. Ông say thì tôi cũng... khướt. Tất cả đều “vô tư”! Tôi đã vài lần toát mồ hôi hột khi được mời uống rượu tại nhà bạn Lào, mà lúc quá chén, bốc lên, cô vợ cứ ôm mình mà hôn chùn chụt lên má, trước mặt tất cả mọi người, kể cả anh chồng! Nhưng đó không hề là tình ý gì đâu nhé. Hôm sau gặp lại cô ấy, cứ như chưa có chuyện gì xảy ra! Chẳng thẹn thò, mắc cỡ gì đâu. Đúng là chuyện hôm qua là hôm qua! Bun hội ấy mà!
Nhưng “vô tư” bun- hội hoàn toàn khác với bồ bịch yêu đương! Tôi chưa lần nào thấy cảnh ghen tuông giữa các đồng sự Lào với nhau. Có lẽ họ cũng không, hoặc rất ít chuyện bồ bịch khi đã lập gia đình. Xã hội yên bình thế. Nếp sống lễ giáo thế. Chắc đó cũng là cái nền đảm bảo miễn nhiễm nhiều thói hư tật xấu. Chuyện của một phần tư thế kỷ về trước, khi chưa có internet, chưa có “cuộc xâm lăng văn hóa đồi trụy” tràn đến nước Lào bình yên. Bây giờ chắc khác xa rồi?
Chuyện ẩm thực- “đặc sản dân tộc” của Lào cũng “phi xệt” (đặc biệt) lắm. Nếu chỉ du lịch, thăm thú qua loa không thể “thưởng thức” được đâu! Người Lào cũng khoái “cờ tây” như anh em ta. Nhưng phần chế biến thì đúng là phải gọi ngời Việt mình bằng... sư phụ! Tuy vậy, có một món người mình thường không làm, mà người Lào thường chế biến rất ngon. Đó là sườn nướng. Họ để cả mảng sườn, ướp gia vị, rồi nướng than. Mùa lạnh, gặm món sườn này với mấy chén cay thì chỉ có... ngất! Món dẫn dã dễ kiếm nhất là gà nướng- cơm lam (tiếng Lào là Khảu Lảm). Món này thường thấy nơi vỉa hè, nhất là khu vực quảng trường Thạt Luổng. Đêm. Ánh đèn đường mờ ảo. Gió lạnh thổi về. Ngồi xổm co ro chờ nướng gà và khảu lảm mà được “ướp” hương khói từ lò than củi phả lên, phê!!!
Trước giờ khai mạc Dại hội 4 đảng NDCM Lào
Nhưng thế chưa có gì là “đặc sản”. Xin kể ra đây vài món “độc chiêu” nhé. Một lần, tôi được một vị cao cấp Lào mời đến nhà nhân có dịp “thôi nôi” cháu nội ông ấy. Vừa bước lên cầu thang nhà sàn, đã thấy một mùi khó tả phả vào mũi. Đến nơi, trong khung cảnh mờ khói, mung lung ánh đèn điện vàng èo ợt, thấy một cái nồi “ba mươi” tổ chảng đang sùng sục trên bếp lửa bập bùng. Chết cha! Người ta luộc trứng mà rõ ràng lẫn trứng ung! Tôi nghĩ vậy, mà không thể tiện nói ra. Nhưng không! Đó là món trứng vịt lộn ung thật sự! Ung cố tình, ung cả nồi chứ không phải là lẫn lộn gì cả! Đặc sản đấy! Khách thật quý mới mời món này đấy! Không dễ tác nghiệp để có cả một nồi cỡ bự toàn trứng vịt lộn ung “đủ độ” như thế đâu! Chưa hết! Nước chấm mới “đặc biệt” không kém. Ông bạn Lào rất thân tình nói rõ với tôi về món nước chấm này. Đó là “cheo”: Chất liệu chủ yếu là chất dịch ở đoạn cuối của ruột non, giáp với ruột già của bò hoặc lợn. Nói các vị đừng vội bịt mũi. Đó đích thị là “cứt non”! Chất dịch nhầy nhầy, vàng nhợt ấy được trộn với muối, tiêu, ớt cay đến bỏng lưỡi. Vị đăng đắng. Mùi rất... nặng! Nhưng không dễ kiếm đâu nhé. Muốn được hưởng món “cheo” này, phải đúng dịp giết lợn hoặc mổ bò mới có đấy. Đúng tôi là “thượng  khách” mới được mời thưởng thức món “phi xệt xủng xút” (đặc biệt thượng hạng) này!!!
Thú thật, hai năm bên ấy, tình cảm Việt- Lào thật vô tư, trong sáng, thân mật. Khi ấy, tôi mới ngoài bốn mươi. Trẻ nhất trong số “xiều xan” (chuyên gia), mà lại bộ  dạng “tân thời” nữa; trong khi các vị chuyên gia VN nói chung đều thuộc diện “ông ké”, nghĩa là cao niên lắm. Hết nhiệm kỳ chuyên gia là về hưu mà! Không phải không có những ánh mắt đắm đuối nhìn mình. Không phải không có một “noọng xao” (cô em) nào đó khiến mình xốn xang khi đang sống cảnh “vợ thì xa mà gái thì gần”... Nhưng tuyệt nhiên không dám! Giữ “đạo đức cách mạng” cũng là một phần thấm trong máu... Quế Lâm thôi. Cái chính là.... sợ! Sợ gì chứ? Chuyện rằng, các cô gái Lào vô từ lắm. Từ thời chống Pháp, chống Mỹ đã có những trường hợp hễ cô nào được anh bộ đội Việt “yêu” là khoe khắp làng! Văn hóa Lào là thế mà. Con gái mà được người ta “yêu” thì có tội lỗi gì đâu! Chỉ tội anh bộ đội Việt sau đó bị đơn vị kiểm điểm, kỷ luật xuống làm anh nuôi cả tháng! (Chả thế mà có câu vè rằng: “Lạc hậu như thể nước Lào/ Người ta cũng không cấm thụt vào thụt ra”!...) Chính vì cái “truyền thuyết” này mà mình đành... nhịn sống nhịn chết thôi!!!
Chuyện ngày ấy vậy đấy. Nếu có dịp thăm thú xứ Lào, mong các cụ “kiểm chứng” xem 25 năm sau ra sao nhé?


Cùng cô gái Lào "Không quen biết" ở Thác Khôn

Chuyện giờ mới kể 
Một lần ở Khoon Phạ Pêênh ( Thác Khôn), tình cờ tôi gặp cô nữ sinh Lào. (Một anh bạn chụp vội bức ảnh này). Nói với nhau vài ba câu chuyện , rồi chia tay mà chưa kịp hỏi tên, ghi địa chỉ …Ra về, ngẫu hứng làm mấy câu thơ ghi lại sự kiên này :
Gặp em ở Khoon Phạ Pêênh
Bâng khuâng giữa cảnh trời nghiêng nước trào

Ơi em gái nhỏ xứ Lào
Bông hoa nở giữa rừng cao núi dầy
Bao giờ mới lại gặp đây
Hình chung mà đã một ngày nào quen !
Tp HCM, 26/9/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG



--------------------------------------
Mõ Calathau nghe chuyện, nhìn hình cũng ngẫu hứng như sau đây :
Gặp em cô gái Thác Khôn
Anh thành trai Dại , mất hồn ...về không !

7 nhận xét:

  1. Đọc những giòng này tôi thấy mục đích chuyến thăm Viên Chăn sắp tới của dân QL là rất có ý nghĩa.
    Hãy lấy hồi ức này so sánh với thực tại. Chắc chắn sự nhận biết mức thay đổi trong cuộc sống của người Lào hiện nay so với hồi ức của tác giả sẽ là chiêm nghiệm rất thú vỵ.

    Trả lờiXóa
  2. Em sợ LĐ mới bây giờ thực dụng hơn...nhất là sau khi họ quyết định xây đập thủy điện trên đầu nguồn sông Mêkong í...Không biết em có quá lo lắng không?

    Trả lờiXóa
  3. Nền kinh tế cả hai nước Việt, Lào đang tiến vào hội nhập với kinh tế thế giới với một quy mô rông,với tốc độ rất nhanh , Nhà nước Lào.Đảng Lào có trách nhiệm trước hết với số phận dân tộc mình,Các chính sách như mở cửa đón nhận đầu tư xây dựng đường sắt,khai khoáng,xây thủy điện ,du lịch... đều nhằm tới đưa kinh tế Lào vươt ra khỏi mức độ lạc hậu,đóng cửa , nâng cao đời sông nhân dân . Tôi nghĩ quan hệ Việt -Lào vốn rất tốt đẹp , để có một quan hệ tốt với Lào trong giai đoạn hiện nay, lảnh đạo Việt Nam cần có các quyết sách phù hợp .

    Trả lờiXóa
  4. Có biết bao câu chuyện suốt cả một chặng đường dài công tác CM, nếu không ghi lại, kể lại cho bạn bè, người thân nghe cũng phí hoài !
    Mong các cụ hãy bỏ chút thời gian nhàn rỗi để cùng nhau " Ngược dòng ký ức" ...Mõ xin trân trọng phục vụ quý cụ khi nhận được bản thảo qua Email . ( Mõ Làng Calathau Vũ .)

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Ngọc Hùng11:08 3/10/15

    Bức ảnh chụp với "em gái nhỏ xứ Lào" hoàn toàn là tình cờ thú vị. Nhưng hồi ấy, loại "chuyên gia tân thời" như mình mới dám "chớp" cơ hội này. Còn các "cụ chuyên gia" khác thì "hổng dám đâu"! Mà nói thật, hồi ấy hầu như không ông chuyên gia VN nào thường mang theo máy ảnh bên mình. Máy ảnh cá nhân còn hiếm lắm. Các vị chỉ toàn "ăn ké" máy ảnh công để có ảnh thôi. Mình thì đã ham chơi... ảnh từ thời ấy rồi, nên mới có cái để mà... kỷ niệm. Tiếc là máy ảnh hồi ấy không xịn lắm, nên không ghi được cảnh dòng sông thác sáng lóa đằng sau.
    Cám ơn Calathau đã có câu thơ vịnh ảnh rằng "...anh trai Dại... mất hồn, về không"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái vần "ồn"rất nguy hiểm . May sao vớ được anh chàng mất hồn nên mới không bị phê là tục !

      Xóa