Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

17/2 NĂM NAY CÓ GÌ MỚI ?

Báo NHÂN DÂN 17/2

Báo QĐND 17/2

Bài viết của TS Vũ Cao Phan
( cựu HS LSQL) trên trang 3 báo Thanh Niên , nhan đề :

Mười bảy tháng hai

Tháng 8.1978, nửa năm trước khi diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) đã được đón Tổng bí thư Lê Duẩn xuống thăm và làm việc. Bài nói chuyện của Tổng bí thư giàu cảm xúc, với nhiều nội dung đã làm sáng tỏ một điều: Cuộc “gặp gỡ” của súng đạn trên biên giới phía bắc sẽ là điều không thể tránh khỏi.

 
Bộ đội hành quân chi viện cho tiền phương - Ảnh: Trần Mạnh Thường
Trên thực tế, những hoạt động xâm nhập, bắt cóc, nổ súng… từ phía “bên kia” đã ngày càng dày thêm. Và cũng trên thực tế, “bên này” đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng rồi, Mười bảy tháng hai vẫn nổ ra như một bất ngờ.
 
Hoàng Thị Thu Hiền (sinh năm 1976) được chiến sĩ Sư đoàn 346 cứu khỏi vùng chiến sự Hòa An, Cao Bằng, vào ngày 23.2.1979 - Ảnh: Trần Mạnh Thường
Khó ngờ rằng Trung Quốc lại mở cuộc tiến công quy mô, tàn khốc trên diện rộng hàng trăm ki lô mét toàn tuyến biên giới như vậy, với lực lượng hùng hậu 60 vạn quân thay cho dự báo có thể là các cuộc xung đột cấp chiến thuật trong một không gian hạn chế. Lý thuyết chưa được kiểm chứng cho đến lúc ấy là: không thể có chiến tranh xâm lược từ phía người anh em cùng giai cấp, cùng lý tưởng! Huống hồ đây lại là giữa hai quốc gia là phên dậu của nhau, từng sát cánh trong cuộc chiến tranh trường kỳ và khốc liệt vì độc lập, tự do của dân tộc Việt. Tất cả đã đổ vỡ một sớm một chiều.
**
Nguyên nhân thật của việc gây ra cuộc chiến Mười bảy tháng hai chưa từng được công khai. Hãy để cho lịch sử phán xét, dù phải thêm năm, mười hay vài mươi năm nữa. Điều này đâu quan trọng, thực tế ai cũng rõ cả rồi. Vì sự tôn trọng Trung Quốc, và vì quan hệ lâu dài giữa hai nước, người viết bài này từng không chỉ một lần kiến nghị về việc nên chăng có các cuộc luận đàm chính thức và thiện chí về vấn đề này nhằm tạo nên đồng thuận chính trị, coi sự kiện Mười bảy tháng hai như một tai biến lịch sử chấp nhận được cho cả đôi bên như để khép dần quá khứ.

Trong các quyển sách Chính nghĩa đích hoàn kích (Cuộc đánh trả chính nghĩa) của NXB Chiến Sĩ, Tuyển tập hình ảnh tác chiến đánh trả tự vệ trước Việt Nam do Ban Chính trị hậu cần quân khu Côn Minh ấn hành năm 1984, Hùng sư chấn nam cương của NXB Mỹ thuật Hà Bắc (in lần thứ nhất vào tháng 7.1989)... là những bài viết, hình ảnh xuyên tạc sự thật lịch sử về cuộc chiến Mười bảy tháng hai; vu khống, xúc phạm Việt Nam. Còn theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, trong những dịp cao điểm, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tung ra hàng trăm tin, bài với những nội dung xảo ngôn, kích động tương tự.

Trần Ka

Nhưng hình như có những người, có những luận điểm truyền thông ở nước bạn không muốn thế. Năm 2009, 30 năm sau Mười bảy tháng hai, đầy ắp trên các trang mạng - và cả báo viết - của Trung Quốc là những bài phấn khích cực đoan về cuộc “phản kích tự vệ”. Người ta đánh thức cuộc chiến ấy với đầu rơi máu chảy được mô tả, hả hê chuyện tống bom, tống bộc phá giật sập một chiếc hang giết chết hàng trăm người dân Việt Nam vô tội vào đấy lánh nạn. Rồi sau đó, trên các phương tiện truyền thông, lúc ngấm ngầm khi bột phát, người ta nhắc về Mười bảy tháng hai bằng giọng điệu kích động, gây hấn và thậm chí có tờ báo còn “thiết kế” ra cả kịch bản chiến tranh trên bộ và trên biển Đông trong tương lai gần. Ngay cả mối quan hệ một thời “môi hở răng lạnh” (chữ của phía Trung Quốc) với nước láng giềng Việt Nam cũng bị các luận điệu ấy kích bác một cách giễu cợt, ác ý…
May thay, những điều đó, dù có thể được “bật đèn xanh" lúc này hay lúc khác, cũng không phải là đại diện của dư luận và lương tri Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao kể rằng ông ở Bắc Kinh thời kỳ Mười bảy tháng hai. Có lần đi sửa kính, người thợ già khi biết ông là người Việt liền bảo: “Tôi không hiểu những gì đang xảy ra ở biên giới, nhưng đem con em Trung Quốc đi đánh Việt Nam là không thể được…”, rồi dứt khoát không lấy tiền công. Còn câu chuyện dưới đây được kể từ Quý Châu, tỉnh vùng cao Trung Quốc. Một đoàn khảo sát thủy điện đến đấy, ghé vào quán ăn hẻo lánh. Khi biết trong đoàn có một số chuyên gia Việt Nam, chủ quán liền bốc điện thoại gọi đi đâu đó. Rồi giải thích: Ở vùng này hầu như không thấy người Việt, ông trưởng thôn của chúng tôi vẫn mong có dịp gặp họ. Trưởng thôn đến ngay tắp lự (dù ông đi lại không dễ dàng), trong quân phục Giải phóng quân chỉ có chiếc mũ với quân hiệu là mới (chắc lâu không có dịp đặt lên đầu), tay trái chống nạng, tay phải cầm một chai rượu, hỏi: “Xin lỗi, ở đây có ai từng là quân nhân không?”. Bạn tôi, người kể lại câu chuyện này đứng lên. Anh chưa kịp cất lời thì trưởng thôn đã lập tức quăng nạng qua một bên, dằn chai rượu lên bàn, hai chân - một giả, một thật - dập mạnh vào nhau, tay phải hắt một đường thẳng lên vành mũ: “Tôi đã từng tham gia chiến tranh “phản kích tự vệ”, xin nhận ở đây lời xin lỗi của tôi”. Ông kể mình mất một chân vì vấp phải mìn, và thôn nhỏ này cũng có sáu, bảy quân nhân tử trận trong cuộc “phản kích tự vệ” ấy. Ở Quảng Tây, tôi có một nhóm bạn là những chiến sĩ công binh Trung Quốc từng sang giúp chúng ta trong kháng chiến. Từ lần đầu tiếp xúc, họ vẫn gọi là “bạn chiến đấu”, đón tiếp chân tình. Ám chỉ đến cuộc chiến Mười bảy tháng hai, có người trong số họ bảo: “Cái gì xấu vứt ở ngoài kia, không cho ngồi vào đây”.
Những quan điểm tương tự cũng có ở các học giả, chuyên gia và ngay cả giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Có vị từng đánh giá cuộc chiến tranh Mười bảy tháng hai là một sai lầm. Có vị gần đây còn nhìn nhận “công lao xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng mấy chục năm qua của chúng ta chừng đã đổ hết xuống sông xuống biển”.
**
Quy chiếu từ tuyên bố “Dạy cho Việt Nam một bài học”, có thể khẳng định rằng: Nhìn từ 35 năm sau, cuộc chiến Mười bảy tháng hai thật sự là một sai lầm nghiêm trọng của những người gây ra nó. Còn lý do để có nó - cái gọi là cuộc “phản kích tự vệ” - chắc chắn là một ngụy lý. Người ta lu loa rằng, phải “phản kích tự vệ” vì đã có hàng ngàn cuộc nổ súng, xâm lấn từ phía Việt Nam, điều không hề có thật. Khi ấy, vừa giành được độc lập tự do, đang nỗ lực xây dựng đất nước trước muôn vàn khó khăn thì làm sao mà Việt Nam có thể dư lực mà khiêu khích, gây chiến với một nước mạnh là Trung Quốc. Hơn nữa, đấy là quốc gia từng ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc chiến chống ngoại xâm thế kỷ 20. Nếu vin vào việc “vì yếu tố Campuchia” thì lịch sử đã cho thấy rõ rồi. Sau khi hỗ trợ lực lượng giải phóng Campuchia xóa tan nạn diệt chủng (cũng chính là mối nguy ở biên giới Tây Nam), Việt Nam đã tôn trọng quyền quản lý đất nước của người Campuchia để đất nước này nay cũng là “người bạn đáng tin cậy của nhân dân Trung Quốc”, như người ta hoan hỉ. Có thể không bắt bẻ những chuyện này làm gì, nhưng đáng quan tâm là: đến nay, bên kia biên giới, đây đó vẫn tồn tại luận điệu “gắp lửa bỏ tay người”, dựng nên những câu chuyện sai sự thật để vừa kích động, vừa gây áp lực.
 
Xe tăng Trung Quốc bị Tiểu đoàn 50 (Trung đoàn 567 - Bộ Chỉ huy quân sự Cao Bằng) tiêu diệt tại Nà Tòng, thị xã Cao Bằng - Ảnh: Trần Mạnh Thường
Chính sách gây áp lực tuyệt đối không thể giúp được gì vào việc xây dựng một quan hệ tốt đẹp theo mong muốn của cả hai bên. Người Á Đông vốn chủ trương thuyết “tiểu nhân - quân tử”; thái độ quân tử ở góc nhìn của thời đại nên là một trong các tiêu chí để xử sự, truyền thông về sự thật lịch sử và cả với những bất đồng.
Kiên quyết bảo vệ lợi ích của đất nước, của dân tộc, các thế hệ Việt Nam có lúc thể hiện sự thận trọng nhún nhường vì đại cục; nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc để người nghĩ mình ươn sợ. Có câu: “Đành để người ghét, chớ để người khinh”. Huống hồ chúng ta có chính nghĩa ngàn năm lịch sử sau lưng và trăm triệu Lạc Hồng trước mặt chứ, đồng bào.
TS Vũ Cao Phan
(Viện Chính trị và Quan hệ quốc tế, Đại học Bình Dương)
>> Tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ biên giới phía bắc
>> Cầu siêu liệt sĩ bảo vệ biên giới phía bắc

--------------------------------------------------------------

 Báo TUỔI TRẺ  ngày 16/2 có bài của PGS Lê Mậu Hãn, nhan đề :

Không thể bỏ qua một giai đoạn đau thương

16/02/2014 10:03 (GMT + 7)
TT - Cuối những năm 1990, PGS.NGND Lê Mậu Hãn với tư cách chủ biên đã đưa vào bộ Đại cương lịch sử Việt Nam dữ kiện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn hạ ở bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng lúc 8g sáng 17-2 - Ảnh: Mạnh Thường
Dù mới đề cập khái quát nhưng đây là một trong những tư liệu ít ỏi cho sinh viên biết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc năm 1979.
Sáng 17-2-1979, vừa đến Cao Bằng công tác, lúc đó khoảng 7g30-8g bỗng tôi nghe nhiều tiếng súng vang lên liên tục, gây nên những âm thanh chát chúa, kinh động, tôi liền bật dậy, vác máy ảnh chạy ra. Lúc này, trong khói lửa mịt mù, tôi thấy nhiều xe tăng của Trung Quốc bị bắn, trong đó có một chiếc xe tăng của lính Trung Quốc đang chúi đầu xuống tại con suối gần Bệnh viện Hòa An, Cao Bằng vì bị quân ta bắn hạ, tôi liền chụp ngay. Đây là một hình ảnh thật ấn tượng về sự thất bại của đối phương mà tôi đã chụp được trong thời khắc đó.
MẠNH ThƯỜNG
Trải lòng cùng Tuổi Trẻ nhân 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, PGS Lê Mậu Hãn chia sẻ:
- Năm 1998, khi đưa thông tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới vào tài liệu học tập là do tôi viết sử bằng trách nhiệm, lương tâm của một nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử.
Bộ sách Đại cương lịch sử Việt Nam được tái bản liên tục hơn 15 năm qua. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ bổ sung từng bước những dữ liệu lịch sử quan trọng cho bộ sách này để mọi người dân Việt Nam cũng như những sinh viên, học viên theo học chuyên ngành lịch sử có được cái nhìn chân thật, đầy đủ về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
* Từ những chứng cứ và tài liệu đã có, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần được nhìn nhận thế nào từ góc nhìn lịch sử, thưa ông?
- Đây là cuộc chiến đấu ác liệt. Trong báo cáo của Hội đồng Chính phủ về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn dân và toàn quân ta trước tình hình mới do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó - trình bày tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa VI, tháng 5-1979, đã khẳng định mức độ tàn khốc của nó với những dẫn chứng rất cụ thể.
Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy khi đó Trung Quốc đã dày công chuẩn bị để tấn công vào Việt Nam, còn phía ta thì nhân dân vừa ra khỏi 30 năm chiến tranh quyết liệt, đang gặp khó khăn về mọi mặt.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới chỉ diễn ra chừng một tháng, nhưng những căng thẳng sau đó còn kéo dài cả chục năm trời.
"Cuộc đấu tranh chính nghĩa nào cũng xuất hiện những con người quả cảm, những hành động yêu nước đáng tự hào, học tập. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Có những con người, sự việc đã được biết tên nhưng cũng có những anh hùng khuyết danh, những hành động đáng quý âm thầm lẫn vào trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước thời đó"
PGS Lê Mậu Hãn(nguyên chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)
* Lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sau 35 năm vẫn còn nhiều vấn đề chưa được hiểu thấu đáo, rõ ràng. Theo ông, việc này có phải do nguồn tư liệu lịch sử chính thống quá ít ỏi?
- Vấn đề này khá nhạy cảm. Bởi việc đưa vào chính sử cần phải chuẩn xác, nhưng cũng phải làm sao để không khiến cho tình hình thực tế trở nên căng thẳng. Mục tiêu mà nhân dân Việt Nam trước đây và hiện thời hướng tới vẫn là hòa bình.
Việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng giải pháp hòa bình không phải đổ máu vẫn là điều chúng ta mong muốn nhất.
Tuy vậy, không có nghĩa là chúng ta phải quên đi, bỏ qua một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng vô cùng tự hào.
Tôi nghĩ, với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, 35 năm cũng là một khoảng lùi lịch sử đủ để đánh giá, nhìn nhận lại. Giá trị của lịch sử phải là sự chân thực của sự kiện được tôn trọng và ghi nhận.
Với mục đích “dân ta phải biết sử ta”, trách nhiệm của những nhà sử học bây giờ phải đánh giá, thẩm định lại những tư liệu lịch sử của giai đoạn này để bổ sung vào chính sử. Cá nhân tôi cũng có nguyện vọng bổ sung thêm vào phần lịch sử chiến đấu bảo vệ biên giới mà chúng tôi đã từng đưa vào Đại cương lịch sử Việt Nam.
* Theo ông, lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có nên đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh phổ thông không? Nếu việc này được thực hiện, liệu có những khó khăn gì?
- Tôi cho rằng rất nên đưa lịch sử giai đoạn này vào chương trình giáo dục phổ thông, như lịch sử đấu tranh kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Các thế hệ người Việt Nam cần hiểu bản chất của các cuộc chiến tranh, mục đích đứng lên đấu tranh của quân và dân ta và sự quyết liệt, anh dũng đáng tự hào của những con người Việt Nam trong tư thế bảo vệ chủ quyền, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.
* Việc đưa giai đoạn lịch sử này vào giáo trình và sách giáo khoa lịch sử cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa giáo dục thế nào đối với thế hệ trẻ?
Hai chị em cháu bé cùng bà con sơ tán khỏi thị xã Cao Bằng khi quân Trung Quốc tấn công vào đây sáng 17-2-1979 - Ảnh: Mạnh Thường
- Việc mô tả các giai đoạn lịch sử nói chung và lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nói riêng phải tùy vào đối tượng.
Với giới học thuật, nghiên cứu sử học, sinh viên chuyên ngành lịch sử thì cần mô tả đầy đủ sự kiện lịch sử. Nhưng với học sinh phổ thông thì cần chọn lọc. Không nên nặng về mô tả con số, sự thương vong, tổn thất, cũng không cần nặng nề việc nêu bài học thành công, thất bại mà nên đưa vào sách giáo khoa những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử để khơi gợi niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước của thế hệ trẻ.
Việc đề cập tới lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cần để thế hệ trẻ hiểu rằng quân và dân ta thời kỳ đó đã buộc phải đấu tranh để bảo vệ đất nước, điều đó cũng là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập tự do như tinh thần Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ đã đọc trong ngày Quốc khánh. Việc tái hiện lịch sử một cách chân thực, khách quan chính là cách giáo dục thế hệ trẻ hiệu quả nhất.
* So với thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những tấm gương, những nhân vật lịch sử của thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới chưa được biết đến nhiều. Một số nhà nghiên cứu chia sẻ chính bản thân họ cũng chưa có điều kiện để tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin, tài liệu...
- Cuộc đấu tranh chính nghĩa nào cũng xuất hiện những con người quả cảm, những hành động yêu nước đáng tự hào, học tập. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cũng vậy. Có những con người, sự việc đã được biết tên nhưng cũng có những anh hùng khuyết danh, những hành động đáng quý âm thầm lẫn vào trong những thế hệ người Việt Nam yêu nước thời đó.
Khoa lịch sử của trường tôi đã có những sinh viên đã viết đơn bằng máu để xin được cầm súng nơi biên cương phía Bắc. Khi đó, với tư cách là chủ nhiệm khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp, tôi là người trực tiếp nhận bức huyết thư của sinh viên.
Bức huyết thư xin đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của cựu sinh viên khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1979 đang được lưu giữ tại phòng truyền thống Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Phạm Cường
Một trong hai bức huyết thư đó hiện đang được lưu giữ trong phòng truyền thống nhà trường. Kể lại chuyện này để thấy rằng ở thời nào toàn thể người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, luôn sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc.
Những tấm gương anh dũng hi sinh, những hành động của người Việt Nam yêu nước phải được nhắc đến, tôn vinh đầy đủ, xứng đáng. Nếu điều đó chưa làm, hoặc chưa làm tốt thì trách nhiệm của những người viết sử, nghiên cứu lịch sử cần phải tiếp tục tìm kiếm, thẩm định tư liệu lịch sử để công bố.
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ thực hiện
“Chúng tôi không thể chết”
... “Trong pháo đài lúc này ngoài chúng tôi còn có độ 50 đồng bào. Hầu hết là đàn bà, trẻ em từ dưới thị trấn Đồng Đăng chạy lên tránh đạn pháo từ sớm ngày 17-2. Vì đông người nên thức ăn thức uống dự trữ của chúng tôi đã sắp hết. Chỉ còn dăm cân mì sống và mấy lít nước cạn dưới đáy phi. Trong pháo đài tối om và ngột ngạt vì hơi người, ầm ĩ tiếng trẻ con khóc lặng đi vì khát nước, khát sữa. Mệt quá, khát quá tôi ngồi dựa lưng vào góc tường, đầu choáng, người ớn lạnh và buồn nôn vô cùng. Bỗng “ầm!... ầm!” hai tiếng nổ khủng khiếp nối nhau. Pháo đài rung chuyển. Tiếp đó hàng chục, hàng trăm tiếng nổ chói tai rung óc. Hơi khói cay sè, đen đặc cuồn cuộn ùa vào từng căn phòng trong pháo đài. Tiếng kêu nhốn nháo:
- Địch giật bộc phá lấp đường hầm rồi!
- Địch thả lựu đạn cay các đồng chí ơi! Ai có khăn ướt thì đậy ngay lên mặt đi.
Một giọt nước uống còn không có, đào đâu ra khăn ướt. Tiếng trẻ con sặc sụa rồi lặng đi. Mấy đồng chí thương binh kêu rú lên, nấc nấc hai ba cái rồi lịm. Tôi bò sờ soạng lần về lỗ thông hơi để thở nhưng từ ngoài địch nhét lựu đạn cay vào nổ choang choác, rồi ngất lịm. Tỉnh dậy tôi thấy tức thở quá. Tiếng nổ vẫn ầm ầm...”.
(Đắc Trung ghi theo lời kể của Nông Thanh Phiao,
dân tộc Nùng, chiến sĩ công an vũ trang đồn C5, Lạng Sơn)
Trung Quốc đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu
Cuốn Đại cương lịch sử Việt Nam tập 3 ghi: Từ sáng 17-2, Trung Quốc cho quân đội với lực lượng 32 sư đoàn (tương đương 60 vạn quân), 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tiến công nước ta dọc theo biên giới phía Bắc - từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) dài hơn ngàn cây số.
Báo cáo của Hội đồng Chính phủ năm 1979 khẳng định cuộc chiến này được đối phương tiến hành theo một kế hoạch đã chuẩn bị từ lâu. Theo đó, dựa vào số quân rất đông, quân đội Trung Quốc đã cùng một lúc tiến công trên nhiều hướng, lấy ba hướng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn làm trọng điểm. Các hướng đều tập trung lực lượng rất lớn, kết hợp bộ binh, pháo binh với xe tăng, tiến công ồ ạt đánh liên tiếp hết đợt này đến đợt khác, không kể thương vong. Họ muốn mau chóng phá vỡ các trận địa phòng thủ, đập tan sự kháng cự của lực lượng vũ trang ta, nhanh chóng chiếm lấy các mục tiêu đã định, đặc biệt là chiếm lấy các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai trong vòng một, hai ngày. Đến ngày 5-3-1979, đối phương đã buộc phải tuyên bố rút quân về nước.
 

7 nhận xét:

  1. Tất nhiên là ở TQ từ thấp đến cao vẫn có nhiều người hiểu đúng về chiến tranh biên giới năm 1979. Nhưng sự xuyên tạc về cuộc chiến ấy mạnh hơn nhiều vì nó được nhà cầm quyền TQ bật đèn xanh cho báo chí truyền thông cho nên thế hệ trẻ của họ sẽ không hiểu nổi sự thật, họ sẽ hung hăng chống lại VN. Trong khi đó ta lại không dám công khai bảo vệ sự thật lịch sử này thì thật là nguy hại, chứ chưa nói là hèn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại sao TA chưa nói TA là HÈN nhỉ ? Chừng nào ta mới dám tụ ta thấy ta HÈN ?
      Ứng xử của LĐ VN không phải theo lối MỀM MỎNG như cha ông chúng ta dạy, mà là sự SỢ HÃI, HÈN NHÁT, đánh mất TỰ TÔN, TỰ TRỌNG, mất KHÍ PHÁCH DÂN TỘC VN.

      Xóa
    2. Thời ta đánh Mỹ, nhớ mãi bài thơ của Tố Hữu có tựa đề " Thù muôn đời muôn kiếp không tan " ( Về vụ thảm sát của Mỹ-Ngụy ở nhà từ Phú Lợi ). Sau câu này trở thành như một khẩu hiệu, một mệnh lệnh khi đối đầu với đế quốc Mỹ ! Bây giờ " tư duy" khác rồi. VN đã bỏ qua tội ác của kẻ đã gây ra nạn đói 1945 khiến 2 triệu đồng bào ta chết đói...thì cũng chả nên khoét sâu mãi tội ác của giặc Tầu gây ra cho đồng bào ta tháng 2/1979. Thế nhưng cứ "giả vờ quên", cứ " giả vờ hữu hảo" thì không thể không để người ta nghĩ đến chữ " HÈN" ! Ta càng NÍN họ càng TO MỒM. Điều vu khống, không có thật sẽ trở thành sự thật thì nguy hiểm quá !

      Xóa
  2. Nhận xét trên tôi viết khi Trưởng Làng mới đưa được phần đầu - bài của TS NGuyễn Cao Phan chưa có phần sau của báo Tuổi trẻ. Nhưng tôi không viết lại nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, quả là cụ quá bức xúc nên đã phản ứng rất nhanh . Bây giờ cụ có thể đọc cả trang Blog này, tuy hơi dài nhưng nó phần nào phản ánh suy nghĩ của chúng ta trong những ngày này . Rất cảm ơn !

      Xóa
  3. Nặc danh11:06 17/2/14

    Cám ơn blohg luson.quelam đang bài này từ báo Thanh Niên ,Theo rõi trong mấy ngày lại đây đây là bài thứ hai của báo Thanh Niên nói về cuôc chiến tranh bảo vệ Biên Giới,(Báo chí Việt Nam hầu như không đả động đến việc kỷ niệm 35 năm cuôc chiến tranh hào hùng này của dân tộc Việt Nam).
    Nhân ngày 17-2 này chúng ta cùng tiến sỹ Vũ Cao Phan tường nhớ các liệt sỷ ,những người dân đả hy sinh trong cuôc chiến tranh bảo vệ Biên giới từ 17-2-1979 đến 1991.
    Theo tôi muốn vững độc lập dân tộc,chúng ta ,từng cá nhân bằng mọi cách có thể , góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc, chỉ có như vậy chúng ta mới bảo vệ được hòa bình để phát triển.
    Tiến sỹ Vũ Cao Phan nguyên là cựu học sinh lớp 2 của Trường thiếu nhi Việt Nam (cùng lớp với Đoàn Mạnh Giao , Nguyển Hoài Niệm, Trần Đình Ngân, Nông Quốc Khánh, Nông Mạnh Luân...), Vũ Cao Phan nguyên là Phó chủ tịch Hội Việt-Trung hữu nghị , trong 5 năm lại đây có nhiền bài việt rất đáng chú ý về quan hệ Việt-Trung,
    Trần Kháng Chiến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn TKC đã bổ sung thông tin về tác giả bài viết - Anh Vũ Cao Phan, "bạn nối khố" của chúng ta từ thời " Tử đệ học hiệu " .

      Xóa