Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Ngày 17 tháng 2 ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh


Chủ nhật, ngày 17/2 tại HN và Tp.HCM đã diễn ra lễ đặt vòng hoa tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ chống quân Trung Quốc xâm lược nhân kỷ niệm 34 năm ngày 17/2 do 1 số trí thức quen thuộc thực hiện. Anh Chu Hảo - cựu HS Trường TNVN Lư Sơn. Quế Lâm (1952-1957) và GS Tương Lai ( cậu ruột của bạn Nguyệt Ánh) cũng tham gia, trong khi nhóm trí thức HN có mặt anh Phạm Duy Hiển - phu quân chị Nguyễn Khoa Diệu Thu cùng Lớp 6 với anh Chu Hảo . Sau đây là tóm tắt thông tin từ Bản tin của GS Tương Lai .



Hà Nội , một đoàn các vị nhân sĩ trí thức và đồng bào, gồm các vị: Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên TW Đảng, lão thành Cách mạng; TS. Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ông Nguyễn Trung cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nhà thơ Việt Phương nguyên Thư ký của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ông Trần Đức Nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS. Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Quang A, Doanh nhân Nguyễn Hữu Vinh, TS Nguyễn Xuân Diện.... và nhiều thanh niên, trí thức Hà Nội đã mang vòng hoa: ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SỸ CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, tới viếng Đài Tưởng nhớ Liệt sỹ tại Hà Nội.


Lực lượng bảo vệ Đài Tưởng niệm đã gây cản trở và tìm đủ mọi cách để ngăn không cho đoàn nhân sĩ trí thức vào viếng, thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, đặc biệt là những người đã ngã xuống trong chiến tranh Biên giới tháng 2 năm 1979 chống giặc Tàu xâm lược.

Cuối cùng tất cả mọi người đành đứng sắp hàng bái vọng. TS Nguyễn Xuân Diện thay mặt mọi người chắp tay nói mấy lời: Hôm nay, kỷ niệm 34 năm cuộc chiến vệ quốc chống giặc Trung Quốc mùa xuân năm bảy chín, chúng tôi những công dân Việt Nam tới trước Đài tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước để bày tỏ tấm lòng tri ân và xin cầu nguyện anh linh các vị bất diệt với non sông tổ quốc. Các vị linh thiêng phù hộ cho quốc thái dân an, phù trợ cho nước nhà cường thịnh giữ gìn toàn vẹn đất - trời - biển - đảo của cha ông để lại.

Sau đó các vị lão thành lên xe ra về, còn các anh em trẻ tiếp tục đến tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ để đặt hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong mặt trận chống Tàu Cộng mùa xuân năm 79.

Dưới chân tượng đài Hoàng đế Quang Trung trên gò Đống Đa HN 


Anh Chu Hảo mặc áo nâu, người thứ tư hàng ngồi bìa phải.

Ở Tp Hồ Chí Minh, theo tường thuật của nhà thơ Hoàng Hưng " Tại Quán “Vườn Kiểng” bên sông là nơi tập kết cuối cùng. GS Tương Lai chống gậy bước vào cùng với GS Chu Hảo vừa từ Thái Lan về đêm qua. Rồi các cựu lãnh tụ sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu; luật sư Trần Quốc Thuận, nhà văn Phạm Đình Trọng, PGS TS Vũ Trọng Khải, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng Kha Lương Ngãi, TSKH Phạm Văn Đỉnh, kỹ sư Tô Lê Sơn, nhà văn Bùi Bình Triết, nhà nghiện cứu văn hóa Nguyễn Thị Khánh Trâm, nhà giáo Lê Khánh Đắc, PGS TS Hoàng Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Lưu Trọng Văn ( con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư), …
Dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo (Tp.HCM)


Đây rồi, anh Cao Lập và các anh các chị đem vào những vòng hoa và bắt đầu cài lên những bảng chữ được giấu kỹ trước đó: “Tưởng nhớ đồng bào chiến sĩ đã hy sinh chống Trung Quốc xâm lược”, “Đời đời nhớ ơn anh hùng liệt sĩ chiến tranh biên giới phía Bắc 1979”, đầy đủ nhất là “Tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam, tại Hoàng Sa, Trường Sa”.

Đúng 8 giờ 30, mọi người từ quán kéo ra, sang vườn hoa Đức Trần Hưng Đạo...

(Cũng như ở HN, các lực lượng chức năng mặc sắc phục và thường phục đã ra sức ngăn cản các vị trí thức bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược . Tuy nhiên cũng không phải không có những thái độ cảm thông . Tranh thủ thời cơ, GS Tương Lai đã vứt cây gậy ông đang chống để tiến lên phía trước...)

Hoàng Hưng kể tiếp : GS Tương Lai tiến lên trước, dõng dạc tuyên bố ngắn gọn lý do buổi tưởng niệm: “17.2.1979 là ngày quân xâm lược Trung Quốc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, trắng trợn trở mặt, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chúng đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng phụ trợ khác ước tính hơn nửa triệu quân với hơn 500 xe tăng, hơn 2000 khẩu pháo, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, sát hại dân lành, đốt phá nhà cửa, cầu, đường, cướp bóc tài sản. Quân và dân ta đã ngoan cường chiến đấu, chống trả quyết liệt, đánh những đòn quyết định buộc chúng phải tuyên bố rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược nhục nhã, hàng chục ngàn chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh…”. Và ông đề nghị mọi người để một phút cúi đầu tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống trong các trận chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc suốt từ 1979 đến cuối thập kỷ 1980.


Ngoài ra ở HN còn có nhóm thanh niênm trí thức cũng " vượt tường lửa", mang vòng hoa đặt dưới tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ( Bờ hồ Hoàn Kiếm ).

4 nhận xét:

  1. Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình,luôn momng muốn sống trong quan hệ láng giềng, hữu nghị, bình đẳng với nhân dân Trung Quốc. Song không vì thế mà chúng ta không nhớ đến ngày 17-2-1979,Trung Quốc đơn phương tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Viết Nam,bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc kéo dài hơn10 năm.Việc chính quyền gây khó dễ cho những người tham gia tưởng niệm các liệt sỹ,nhân dân hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc là việc làm thất đức,làm cho nhân dân xa rời ,chán, ghét ,những người cầm quyền luôn nói vì dân,vì nước.KC

    Trả lờiXóa
  2. Rất đồng tình với ý kiến chính xác , thẳng thắn của bạn KC. Chỉ xin nói thêm điều này . Nếu TQ không cấm người dân sử dụng mạng XH, thậm chí cả phương tiện thông tin công khai để tỏ thái độ sai trái đối với Đảng , NN và nhân dân VN thì tại sao lãnh đạo VN lại cấm không cho nói lại ? Chính quyền nhu nhược không dám đã đành, nhưng sao lại bịt miệng dân. Để đến nỗi thế giới hiểu sai bản chất TQ và hiều sai chính nghĩa của VN . Bài học nên rút ra là : phải coi tuyên truyền công khai nhằm tranh thủ dư luận thế giới là một mặt trận quan trọng không kém vũ khí súng đạn trên chiến trường. Mới mấy chục năm ,dân tộc ta đã phải gánh 4 cuộc chiến . Hai cuộc ( chống Pháp, chống Mỹ ) được thế giới ủng hộ. hai cuộc sau bị phản đối. Vì sao , Lỗi tại ai ?

    Trả lờiXóa
  3. Nhân sự kiện chính quyền gây khó dễ cho người dân trong việc tưởng nhớ những liệt sỹ,nhân dân hy sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc vào ngày 17-2-2013 vừa qua,cho chúng ta thấy sự kém cỏi của những người (tập thể) lãnh đạo cao nhất của Việt Nam hiện nay.Theo tôi Đảng cộng sản Việt Nam muốn đưa dân tộc Việt Nam theo con đường phát triển bền vững cần có một sự thay đổi cách mạng về tất cả các phương diện trong dó có việc mở rộng dân chủ,tư do cho toàn Đảng , cho nhân dân. Gây khó dễ cho người dân biểu thị lòng yêu nước đến mức độ nào đó sẽ tự dẫn đến sự đổ vỡ có tính xã hội giống như sự tan dã của Liên Bang Xô Viết .KC

    Trả lờiXóa
  4. Ngăn cản buổi Dâng hương Tưởng Tưởng niệm Đồng bào và chiến sỹ đã Hy sinh vào ngày 17-2-1979 trong cuộc chiến chống quân xâm lược TQ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, là một quyết định sai trái của Đảng và nhà nước. Lẽ ra nhà nước phải đứng ra làm việc này, nhưng trái lại họ đã công khai thừa nhận sự khiếp sợ của họ đối với TQ và quên đi hàng vạn đồng bào chiến sỹ đã hy sinh. Hình ảnh ông Trương Tấn Sang tỏ ra rất chân thành và xúc động nói về lòng yêu nước của ông trước toàn dân, trở thành trò cười, không còn ai tin được nữa. Mong rằng các nhà lãnh đạo hãy suy nghĩ lại, đừng để mất thêm lòng tin của người dân, đừng để mình đối lập với dân.

    Trả lờiXóa