Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

THÔNG BÁO CỦA NHÓM "KIẾN NGHỊ 72"

    Ngày 18 tháng 2 năm 2013

THÔNG BÁO
của Nhóm soạn thảo và ký đầu tiên Kiến nghị 72về công văn trả lời của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 4-2-2013, một đoàn 15 người, đại diện cho 72 người đã ký ngày 19-1-2013 bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 (xin được gọi tắt là Kiến nghị 72) và cho hơn 2000 người đến thời điểm đó đã ký ủng hộ Kiến nghị 72, do Tiến Sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, đã gặp đại diện của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây gọi tắt là Ủy ban) và trao bản Kiến nghị 72 cùng với một Dự thảo Hiến pháp mới (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp 2013). Đoàn đã được Ủy Ban tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo trong đó có báo in đã đưa tin về cuộc gặp này.

Chúng tôi đã nhận được công văn trả lời số 227/UBDTSDHP, ngày 7-2-2013 của Ủy ban do ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập ký, gửi tới ông Nguyễn Đình Lộc. Chúng tôi cảm ơn Ủy ban đã sớm trả lời và xin trân trọng thông báo văn bản này (đính kèm) tới tất cả những người ký Kiến nghị 72 và đồng bào trong, ngoài nước.

Chúng tôi thấy cần nói rõ vài điểm sau đây:

1-Trong một nước mà tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì quyền lập hiến là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Kiến nghị 72 đã nhấn mạnh quan điểm đó và nêu cách làm cùng với thời gian cần thiết để bảo đảm thực quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội dựa vào Hiến pháp hiện hành quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Công văn trả lời của Ủy ban theo đúng Nghị quyết đó và yêu cầu người đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp phải “thực hiện đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Theo chúng tôi, quy định nêu trên của Hiến pháp hiện hành phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân; đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

2- Chúng tôi đề nghị Ủy ban tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận; đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam. Theo tinh thần đó, trang thông tin điện tử của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp và các báo in cần đăng Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các ý kiến khác về sửa đổi Hiến pháp.

3- Từ ngày được công bố (22-1-2013) đến ngày 16-2-2013, dù một số ngày bận vào Tết, bản Kiến nghị 72 đã có hơn 4 ngàn người ký ủng hộ, biểu thị ý thức chủ động tham gia vào công việc hệ trọng này đối với vận mệnh của đất nước. Chúng tôi tha thiết mong bản Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các kiến nghị khác về sửa đổi Hiến pháp tiếp tục được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân đọc, thảo luận và ký ủng hộ, vượt qua sự e ngại cũng như cách nghĩ thụ động cho rằng “dẫu có đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp hoặc ký vào kiến nghị 72 cũng chẳng có tác dụng gì”. Đó là một hành động tích cực nhằm thực thi quyền công dân của mình để đổi mới và phát triển đất nước. Chúng tôi mong đợi và tin tưởng rằng sự bày tỏ ý kiến của đông đảo nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh.
—–
2
3
1

1 nhận xét:

  1. Để ký tên vào Kiến Nghị 72, xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉ kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com,
    Đề nghị ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) và địa chỉ.
    ( trích từ bản Điểm tin của GS. Tương Lai)

    Trả lờiXóa