Tường thuật cuộc gặp gỡ
Bình luận của Huy Đức: Bộ
trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (1992-2002) hiểu rõ lịch sử sao chép (từ
phe xã hội chủ nghĩa) của Hiến pháp 1959, 1980, ông là Trưởng ban Biên
tập Hiến pháp 1992, Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Dân sự… Việc ông làm
Trưởng đoàn đại biểu trí thức trình bản kiến nghị 7 điểm sửa đổi Hiến
pháp 1992 là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về
dân chủ của những đảng viên cao cấp và đặc biệt cho thấy, những ai có
trách nhiệm với đất nước sẽ không thể ngồi yên để những tư duy đã chết
chi phối tiến trình hình thành nền tảng pháp lý cho tương lai của Việt
Nam.
Hồi 10h sáng thứ Hai 4-2-2013,
một đoàn đại biểu gồm 16 nhân sĩ trí thức, đại diện cho 72 người đầu
tiên trực tiếp ký tên và hàng ngàn đồng bào đã tham gia ký tên vào bản
“Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, đã đến Địa điểm tiếp nhận ý kiến
đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng Vương, Hà Nội, để trao bản Kiến nghị
cho Ủy ban.
Thành phần Đoàn đại biểu
gồm: Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội; Phan Hồng
Giang, TSKH ngành nghiên cứu văn học, Hà Nội; Lê Công Giàu, nguyên Phó
Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM – TPHCM, TPHCM; Chu Hảo, nguyên Thứ
trưởng Bộ KH & CN, Hà Nội; Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng
Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hà Nội; Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ
nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Hà Nội (vắng mặt đột xuất); Tương
Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà
Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính
phủ, Hà Nội; Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH &
KTVN, Hà Nội; Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội (Trưởng đoàn); Huỳnh
Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TPHCM; Nguyên
Ngọc, Nhà văn, Hội An; Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội; Nguyễn
Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục & Thanh
thiếu niên-Nhi đồng Quốc hội, Hà Nội; Nguyễn Trung, nguyên thành viên
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội; Tô Nhuận Vỹ, Nhà văn,
Huế.
Trước đó, Đoàn đã thông báo mời một số báo chí tới tham dự, đưa tin.
Tiếp Đoàn có ông Lê Minh Thông,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo
sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và một số cán bộ trong Văn phòng Ủy ban
sửa đổi Hiến pháp.
Phóng viên các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, VietnamNet đều có mặt.
Sau đây là một số hình ảnh và nội dung phát biểu:
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Trưởng đoàn, ký vào văn bản gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 |
Ông Lê Minh Thông:
Thay mặt cho Ban biên tập, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng các bác đến
Văn phòng của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để thăm và trao đổi công tác. Tôi
xin giới thiệu tôi là Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Quốc hội, Phó trưởng ban thường trực Ban biên tập Ủy ban sửa đổi Hiến
pháp. Xin được thay mặt Ban biên tập một lần nữa xin được kính chào các
bác, chúc các bác sức khỏe (vỗ tay). Và thay mặt Ban biên tập, chúng tôi
xin được rất hân hạnh lắng nghe ý kiến các bác. Làm việc với các bác
hôm nay có tôi và các đồng chí chuyên viên của Văn phòng Ủy ban sửa đổi
Hiến pháp.
Ông Chu Hảo: Có lẽ anh Thông cho phép tôi được giới thiệu các thành viên trong đoàn (Nội dung như ở trên). Sau đây chúng tôi xin được mời Trưởng đoàn của chúng tôi phát biểu.
TS Chu Hảo (K6) và các ông Nguyễn Đình Lộc , Nguyễn Trung |
Ông Nguyễn Đình Lộc: Thực ra tôi và các anh bên Quốc hội cũng rất là quen, vì tôi … (cười)
… Nhưng có lẽ theo tôi là chúng ta nên bình thường hóa cái quan hệ này
đi, xem đây là một sinh hoạt rất bình thường, sinh hoạt dân chủ. Nhưng
mà dù sao thì tôi cũng phải có vài lời cho rõ:
Kính gửi Ủy Ban Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992. Chúng tôi những công dân có tên trong danh sách 16 người
kèm theo đại diện cho 72 người đã trực tiếp ký tên vào “Kiến nghị sửa
đổi Hiến pháp 1992” và hàng ngàn người khác đã tham gia ký tên tiếp. Hôm
nay đến địa điểm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân tại 37 Hùng
Vương để trao Bản Kiến nghị cho quý Ủy Ban.
Việc chuẩn bị cho Bản kiến nghị
đã được thực hiện một cách công phu lấy ý kiến nhiều chuyên gia pháp
luật, các vị nhân sĩ nguyên là lãnh đạo Quốc hội, Đảng, Chính phủ, các
nhân sĩ tri thức đã từng tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến sâu
sắc để sửa lỗi Hiến pháp trong những năm qua. 72 người đã đi đến nhất
trí về ký tên ban đầu vào Bản Kiến nghị thể hiện ý thức trách nhiệm của
mình đối với vận nước. Ngày 22 tháng 01 năm 2013, chúng tôi đã chính
thức công bố toàn văn Bản Kiến nghị và Dự thảo trên trang mạng boxit để
lấy ý kiến đóng góp của mọi người dân khắp trong và ngoài nước. Có hơn
2000 chữ ký nhất trí với nội dung Bản Kiến nghị, ngoài ra còn rất nhiều ý
kiến đóng góp chân tình, có giá trị của người dân. Với mong muốn đem
trí tuệ của mình, kiến thức tập thể, ý nguyện đông đảo người dân tới
người có trách nhiệm nhất góp phần cho Bản Hiến pháp mới thực sự của
dân, do dân, vì dân, những người tham gia xây dựng Bản Kiến nghị thống
nhất cử một số đại diện đảm bảo Kiến nghị này trực tiếp gửi tới Ủy Ban
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngoài bản Kiến nghị này, có tài liệu tham
khảo là Bản Dự thảo Hiến pháp năm 2013 làm rõ các nội dung rất mới mẻ
trong đó. Cũng để tăng cường hơn nữa ý kiến đóng góp của người dân, mong
Ủy ban Dự thảo cho công bố với báo chí tóm tắt tinh thần Bản Kiến nghị
này của chúng tôi. Đấy là tôi nói vắn tắt. (Ông Nguyễn Đình Lộc trao bản Kiến nghị cho ông Lê Minh Thông. Vỗ tay).
Ông Lê Minh Thông:
Trước hết là thay mặt cho Ban biên tập, tôi xin được nhận Bản Kiến nghị
của các bác. Và trách nhiệm của Ban biên tập là chúng tôi sẽ báo cáo
với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp về Kiến nghị của các bác, còn việc lắng
nghe cái ý kiến kiến nghị như thế nào thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban
Sửa đổi Hiến pháp. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay các
đồng chí trong Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp. Xin được cám ơn các bác! Các
bác còn có ý kiến gì nữa không ạ?
Ông Nguyễn Đình Lộc:
Tôi thì … tôi nghĩ những buổi như thế này thì cũng nên là ngồi lâu lâu
tí chăng? Chúng ta tạo cái sinh hoạt dân chủ trong … của đất nước. Nên
xem đây là sinh hoạt dân chủ, vì chúng tôi với tất cả thành tâm mà đến
đây, không có một ý đồ nào khác. Và chắc các anh tiếp chúng tôi cũng vì …
đây là những người thành tâm đến với chúng ta. Nhưng mà … là sự ban
đầu. Mọi sư ban đầu bao giờ cũng có cái bỡ ngỡ của nó. Nhưng mà ,trước
lạ sau quen, tôi nghĩ rằng dần dần rồi chúng ta tạo ra cái không khí dân
chủ, để mọi tiếng nói dân chủ đều có thể bọc bạch ra được. Cho nên tôi
nghĩ là … anh Trung xem có ý kiến gì thêm nói thêm nữa ? …
Ông Nguyễn Trung:
Trước hết tôi rất hoan nghênh việc đồng chí đã đại diện cho Ủy ban sửa
đổi Hiến pháp tiếp chúng tôi và tiếp nhận chính thức Bản Kiến nghị của
chúng tôi và đồng thời tiếp nhận luôn cả cái Hiến pháp mẫu để tham khảo.
Cho tôi xin nói một vài suy nghĩ
thế này. Hiến pháp là một việc cực kỳ hệ trọng, quyết định vận mệnh của
một quốc gia, nó lại là một văn bản thiêng liêng nhất, tối cao nhất đối
với cả nước. Cho nên tôi nghĩ rằng cái việc lần này tiến hành sửa đổi
Hiến pháp là một cái sinh hoạt chính trị cực kỳ quan trọng của đất nước.
Xin cho phép tôi nói thế này, một cách rất thẳng thắn: hiện nay phải
nói rằng dư luận trong nước đã rất sôi nổi xung quanh vấn đề này. Rất
không may là tự nhiên nó hình thành ra hai cái loại, xưa nay vẫn có một
cái danh từ tôi không biết ai đặt cho, một bên là dư luận của báo chí
“lề phải”, một bên là dư luận của báo chí “lề trái”. Tôi nghĩ rằng là
cái sự phân chia như vậy nó rất không nên và tôi nghĩ rằng về phía nhà
nước là những người đang trực tiếp được dân ủy nhiệm tiến hành những cái
việc như thế này nên làm sao có một cái thống nhất hay là một cái trao
đổi giữa các báo chí, giữa các luồng dư luận khác nhau để mà đừng có cái
chuyện lề trái, lề phải nữa. Lề trái hay lề phải, nhưng mà vấn đề Hiến
pháp là Hiến pháp của cả nước. Cho nên việc đầu tiên tôi xin đề nghị nên
có một cái cách gì đó làm sao để mà có một cái thực sự một cái diễn đàn
của nhân dân bàn về những vấn đề vận mệnh của đất nước. Đó là ý kiến
thứ nhất.
Ý kiến thứ hai tôi cũng thấy
rằng, tiếc rằng cho đến nay tất cả những báo chí chính thống của chúng
ta hầu như là đứng ngoài cuộc. Và thậm chí là có những cái gì mà đưa lên
thì lại đưa lên một chiều thôi. Còn rất nhiều cái ý kiến khác thì tôi
thấy rằng là hầu như là vắng bóng, tôi nghĩ rằng là bây giờ nên giao
nhiệm vụ cho các báo chí chính thống đang được nhà nước ủy nhiệm vai trò
báo chí làm sao cũng phải sưu tầm những cái tiếng nói xây dựng chung
quanh cái chuyện sửa đổi Hiến pháp này để thực sự nó trở thành một vấn
đề thảo luận, chứ đừng để cho cái việc xây dựng Hiến pháp nó chỉ là một
bên nói, một bên không nghe hoặc ngược lại. Thì như thế là nó không thể
nào hình thành được một cái diễn đàn mà nhất là vấn đề xây dựng Hiến
pháp bây giờ lại là vấn đề hết sức hệ trọng đối với đất nước.
Ý thứ ba cho phép tôi nói thế
này, sự thực ra tình hình đất nước của chúng ta hiện nay đang có rất
nhiều vấn đề vừa là những cái thách thức cực kỳ lớn, rất nguy hiểm nhưng
mà đồng thời cũng là những cơ hội rất lớn. Cho nên tôi nghĩ rằng, việc
sửa đổi Hiến pháp lần này hoặc là cái việc viết lại, viết Hiến pháp mới
nó là cái cơ hội vô cùng lớn. Có thể từ cái chỗ này chúng ta tạo ra được
một cái sức mạnh của dân tộc, cái ý chí của dân tộc để mà giải quyết
những các thách thức đất nước bây giờ đang phải đối mặt cũng như là để
giải quyết những các nhiệm vụ bây giờ đất nước phải làm.
Cho nên bây giờ chúng tôi rất
thiết tha đề nghị với Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp quan tâm đến chuyện này
và lưu ý đến những các đề nghị của chúng tôi. Nhất là chúng tôi thiết
tha đề nghị nên có một diễn đàn công khai, cởi mở. Một cái diễn đàn này
mà tôi nghĩ rằng là hoàn toàn trong tầm tay tổ chức chứ không phải là có
vấn đề gì trừ phi là chúng ta sợ cái sự thảo luận công khai thì chúng
ta không dám làm. Còn nếu chúng ta thật sự vì quan tâm đến vận mệnh của
đất nước, thực sự là vì muốn cần phát huy cái ý chí của nhân dân, thực
sự cần một cái sự đồng tâm nhất trí rất cao độ, nó gần như là một cái
dạng Diên Hồng mới cho một thời điểm vô cùng quan trọng của đất nước,
thì tôi đề nghị một cái diễn đàn như vậy. Dân tộc này hoàn toàn đủ
trưởng thành để mà có một cái diễn đàn như vậy. Tôi không nghĩ rằng
chúng ta làm được một cái diễn đàn như thế, những cái người nào xấu,
những cái người nào mà muốn lật đổ cái đất nước Việt Nam này có thể có
chân trong cái diễn đàn đó được. Đấy là một cái đề nghị rất thiết tha
của chúng tôi. Xin hết.
Ông Lê Công Giàu:
Tôi xin có ý kiến! Mấy hôm nay trong TP HCM cũng có một số cuộc họp,
Câu lạc bộ Hưu trí, rồi vân vân … Một số anh em ngồi lại với nhau cũng
có trao đổi về vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Có một điều mà anh em đề nghị
tôi rất là cấp bách đó là vấn đề kéo dài thời gian góp ý. Vì hiện nay
quy định là 3 tháng mà “tháng giêng là tháng ăn chơi”, hết một tháng
rồi. Mà ngay cái việc triển khai xuống cho đến tận tay người dân đến giờ
này vẫn chưa có nhiều cái thông tin. Ngay Bản Dự thảo thì cũng chỉ mới
đưa xuống một vài nơi. Cho nên tôi đề nghị cái này là … cái này là rất
cấp bách: đề nghị gia hạn thời gian cho góp ý Hiến pháp, mà chúng tôi đề
nghị, trong cái bản đề nghị chung này chúng tôi cũng đã có rồi đấy, rất
nhiều anh em nhắc đi nhắc lại là nếu có dịp thì anh phải nói đề nghị Ủy
ban Soạn thảo Hiến pháp rồi trình ra cho cấp có thẩm quyền kéo dài cái
này ra 1 năm thì mới đủ thời gian để anh em và dân chúng góp ý. Chứ đâu
phải Hiến pháp là ai cũng có thể móc từ bụng ra nói được ngay mà phải
trao đổi thảo luận và phải có thời gian để mà suy nghĩ, nghiên cứu. Thì
tôi xin đề nghị là nhấn mạnh cái điểm thời gian là 3 tháng, mà trừ tháng
tết là còn có 2 tháng rất là gấp. Không thể nào là một cái Hiến pháp mà
có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa mới thay đổi mà lại chỉ có thể làm
trong 2 tháng thì có lẽ đối với chúng ta ai cũng thấy cái điều đó nó quá
cấp bách, rất là khó thực hiện. Và nếu như thế là sẽ làm qua loa, làm
cho nó có hình thức thôi chứ không thể nào nó có chiều sâu được. Tôi xin
hết.
Ông Phạm Duy Hiển:
Tôi xin có một ý kiến, ngắn thôi. Chúng tôi ở đây cũng nhiều lần là
cũng được các ban của Quốc hội mời đến để mà tham vấn về chuyện này
chuyện khác, lần này thì không được mời nhưng mà chúng tôi tự động có
cái ý kiến gửi. Tôi chỉ rất mong là làm thế nào những ý kiến này được
phản hồi, mà tốt nhất là được phản hồi trong một cái cuộc ngồi lại giữa
những người Sửa đổi Hiến pháp và những người lãnh đạo Quốc hội cùng đối
thoại với chúng tôi để xem chúng tôi sai ở chỗ nào. Rất mong!
Ông Nguyễn Đình Lộc:
Tôi xin phát biểu thêm một ý kiến. Hôm nay chúng ta nói đến Hiến pháp
mà Hiến pháp thì chúng ta biết được về mặt lý luận chúng ta xác định rõ,
mà ngay Tư sản cũng đã xác định rõ là luật cơ bản. Vừa rồi tôi cũng đột
nhiên được đọc một tác phẩm về Mác, chính ông Mác cũng nói: Hiến pháp
là luật cơ bản … Cái chữ “cơ bản” của ông ấy rõ lắm. Nhưng mà hiểu như
thế nào được đầy đủ các từ đó, rồi tính đến cái việc vận dụng vào xã hội
ta như thế nào? Thì có một điều mà tôi băn khoăn như thế này:
Thật ra, nhân dân đã quan tâm đến
Hiến pháp chưa? Bao nhiêu người quan tâm? Người nông dân ai nghĩ đến
Hiến pháp? Cho nên làm thế nào những cái dịp như chúng ta tổ chức lấy ý
kiến hiện nay phải là một cái cơ hội để làm thế nào để tuyên truyền thật
rộng rãi đến những kiến thức rất là cơ bản nhưng cũng là tối thiểu có
thể đến được đối với người nông dân. Không thì người dân vẫn cứ dửng
dưng mà mình thấy hơi lo, hơi lo là vì cơ bản như thế mà mình xem thường
thì tức là tai họa rồi. Thật ra đấy là một sự lãng phí rất lớn trong
quá trình phát triển cái nền văn bản pháp luật, nền văn bản Hiến pháp.
Đấy là một sự lãng phí rất lớn. Nhưng mà vì tình hình nó như thế cho nên
chúng ta có vẻ như là chấp nhận nó và xem đó như là một việc bình
thường trong sinh hoạt của chúng ta. Cho nên rõ ràng đó là một tai họa.
Vì vậy những dịp như chúng ta đang thực hiện hiện nay, thì phải thấy
rằng đây là một thời cơ, cơ hội rất lớn cho chúng ta và các cơ quan có
trách nhiệm, mà tôi nghĩ rằng là chính Quốc hội của chúng ta chứ không
phải ai khác, phải là cơ quan đi đầu trong việc như vậy. Vì vậy tôi thấy
rằng là nếu mà Quốc hội chúng ta lại lặng lẽ như thế này như hiện nay ý
thì thực ra cũng là đáng tiếc. Nên như thế là một sự lãng phí rất lớn
vì loài người đã đi đến cái Hiến pháp hàng 2, 3 thế kỷ nay rồi. Thế mà
bây giờ chúng ta cứ lẽo đẽo chạy theo mà chạy không kịp chứ không phải
chạy đuổi. Thường thường anh đi sau phải nhanh hơn anh đi trước thì thực
tế bây giờ chúng ta lại lẽo đẽo đi sau. Và vì vậy mà cái kiến thức Hiến
pháp rất cơ bản đó, hết sức thiêng liêng đó, hết sức quý giá đó, hết
sức giá trị đó lại thật ra treo lơ lửng, ai cũng nhìn thấy được nhưng
không ai thấy nó phải làm gì cả.
Cho nên tôi nghĩ rằng là không
biết làm thế nào đây, phải chăng vừa rồi như anh Trung nêu ý kiến, phải
chăng là phải biến những cái dịp này tổ chức nhiều hội thảo và tìm ra
những cái ý kiến nó mạnh mẽ đối với nhau, để tìm ra cái… Và tôi nghĩ
rằng anh em phải nói rằng là phía Nam mạnh hơn ở chỗ này, vì miền Bắc
chúng ta có một thời gian dài là theo Hiến pháp Sô viết, mà Hiến pháp Sô
viết là Hiến pháp Stalin, mà Hiến pháp Stalin, Hiến pháp Lênin là nói
chuyên chính thôi. Bây giờ thì không khí khác hẳn. Nói đến Hiến pháp thì
không thể nói đến chuyên chính. Đương nhiên đó là công cụ quan trọng
nhưng mà nó chủ yếu không phải để chuyên chính, để mà thay đổi xã hội,
để mà phát triển xã hội. Nhưng mà bây giờ ý kiến ấy chúng ta nói được
với nhau, thuyết phục không đơn giản. Cho nên … không biết là … Có anh
Thông chủ trì thế này là may quá, cho nên nêu vấn đề này để rồi làm thế
nào để tri thức Hiến pháp, văn hóa Hiến pháp nó lan rộng trong nhân dân
như là làn sóng. Tôi nghĩ là rằng là một thuận lợi rất cơ bản, nếu bỏ
qua là một sự lãng phí, đáng trách và đáng phê phán.
Ông Tương Lai: Tôi
thì cũng có dịp theo dõi và biết được anh Thông cũng đã có phát biểu
trên diễn đàn Quốc hội, trên báo chí. Thế nó có một cái tình cờ thế này,
ở trong đoàn hôm nay đi là có 3 người, trước hết là có anh Lộc, nguyên
Bộ trưởng Tư pháp, trưởng Ủy ban mà do Quốc hội và Bộ Khoa học công nghệ
thành lập gọi là Ủy ban … gì nhỉ … duyệt về thảo luận Hiến pháp do anh
Lộc làm trưởng ban (ông Lộc: cũ rồi) và anh Vũ Đức Khiển và tôi
cũng có dịp được tham gia vào trong … Tôi nghĩ cách đây cũng 5 năm rồi
anh Lộc ạ, và hôm ấy ông Lộc có một cái kết luận tôi nhớ mãi sau đó ông
Nguyễn Khánh cũng là thành viên của Ban ấy cũng nhấn mạnh là các anh lưu
ý ý anh Lộc là cái đề tài mà Bộ Khoa học công nghệ trao hồi ấy cho cái
viện của anh Đường, sau này là anh Thảo phụ trách đấy, là lập một cái đề
tài cấp nhà nước về sửa đổi Hiến pháp. Mà phải thành đề tài cấp nhà
nước và làm trong mấy năm, một cái chi phí khá lớn, cái số tiền bỏ ra
khá lớn nhưng mà vấn đề là làm thế nào để qua cái này nâng cao hiểu biết
về pháp luật, về dân trí. Bởi vì muốn nói thực thi dân chủ mà dân,
trình độ dân không am hiểu về luật pháp, không có tinh thần thượng tôn
luật pháp thì rất khó để mà thực thi dân chủ.
Từ bấy đến nay thì vô hình chung
hôm nay cả 3 thành viên đó có mặt trong đoàn đến đây để mà đưa cái kiến
nghị ra. Thì chúng tôi nghĩ như thế này, tại sao chúng tôi làm cái việc
kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và trong một thời gian vắn tập trung cao độ
trí tuệ của một nhóm người. Bên cạnh cái kiến nghị là đưa ra một cái dự
thảo Hiến pháp mới dựa trên những cái thành tựu mà như là anh Lộc đã
trình bày, vượt qua cái thời kỳ, cái tư duy của Stalinit, Maoit về
chuyên chính vô sản. Và đã gọi là chuyên chính vô sản thì không thể có
một cái Hiến pháp là công cụ của dân để mà kiểm soát nhà nước.
Thực chất Hiến pháp là Bộ luật cơ
bản để mà ai kiểm soát ai, là dân kiểm sát cái quyền lực, để dân trao
quyền mà không bị mất quyền. Đó là cái bi kịch lớn nhất của loài người
từ xưa đến nay mà đến bây giờ vẫn chưa vượt qua được. Nhưng mà dù sao
những thành tựu của văn minh nó cũng đã bước những cái bước tiến để nó
đạt tới cái chỗ là dân qua công cụ của pháp luật mà trước hết là qua
Hiến pháp – cái đạo luật cơ bản mà anh Nguyễn Đình Lộc vừa nói để mà
kiểm soát quyền lực của nhà nước, để nhà nước không phải muốn làm gì thì
làm mà nhà nước chỉ làm được những cái việc mà luật pháp cho phép, còn
dân thì được làm tất cả những việc gì mà luật pháp không cấm. Và như vậy
thì không thể có khái niệm về chuyên chính vô sản được, cho nên cái đó
phải loại trừ ra khỏi đời sống tinh thần của đất nước thì mới có thể bàn
tới chuyện Hiến pháp. Chừng nào còn giữ cái tư duy ấy, chừng ấy không
thể có Hiến pháp và mọi cái sự sửa đổi vụn vặt đều trở nên vô nghĩa. Cái
tinh thần ấy chính là tinh thần chúng tôi đưa ra trong Kiến nghị về sửa
đổi Hiến pháp. Và đó cũng là tinh thần mà trí tuệ dồn vào để đưa ra như
là một tài liệu tham khảo về Hiến pháp sắp tới của một nước Việt Nam
dân chủ.
Chúng ta đã bao nhiêu núi xương
sông máu đổ ra để giành được độc lập, nhưng mà có độc lập mà không có tự
do, không có dân chủ, không có hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa
gì. Điều này thì nó trở thành câu nói cửa miệng của mọi người rồi. Nhưng
mà trên thực tế chúng ta mới có độc lập nhưng mà chúng ta chưa có dân
chủ, chưa có tự do. Trên thực tế cho đến hiện nay là nông dân, bà con
Dương Nội vẫn đang ngồi biểu tình và trên những cái video mà phi chính
thức đó, ngoài luồng đó thì vẫn thấy là dân… Mặc dầu là trong những cái
diễn văn thì chưa bao giờ những cái từ “vì dân”, “phục vụ dân”, “gần
dân” nó lại nhiều như bây giờ. Và dân nói là gần dân, phục vụ dân và
đừng thụi dân như người ta đang thụi dân trên, ngay cả vấn đề đối với bà
con Dương Nội, bà con Văn Giang. Cho nên cái Hiến pháp này tôi đề nghị,
nhân ở đây thì đề nghị là các vị ở trong cái … tiếp nhận ý kiến sửa đổi
Hiến pháp làm sao để lắng nghe cho được cái tiếng nói của dân. Và trong
tiếng nói của dân thì có tiếng nói của cái nhóm trí thức mà chúng tôi
đã kiến nghị, thì chúng tôi xin có ý kiến thêm là như vậy.
Ông Nguyễn Đình Lộc:
Thôi như thế có lẽ cũng là … Mở đầu tôi nghĩ cũng là tốt rồi. Mong có
thể được gặp lại. Và thay mặt cho các đồng chí anh em ở đây xin được cám
ơn đồng chí Thông và tất cả anh em ở Ủy ban đã giành thời gian ưu tiên
cho chúng tôi trong những ngày bận rộn này của các anh để tiếp chúng
tôi, tuy cũng không được dài lắm nhưng cũng đậm đà rồi đấy. Tin xin chia
tay, cám ơn.
Ông Lê Minh Thông:
Một lần nữa tôi xin thay mặt cho Ban biên tập chúng tôi xin cám ơn các
bác đã bố trí thời gian đến trực tiếp gặp Ban biên tập và chúng tôi sẽ
chuyển Kiến nghị của các bác đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét
các Kiến nghị của các bác. Tết Nguyên đán sắp tới, xin thay mặt Ban biên
tập chúc sức khỏe các bác, chúc cho một Năm mới các bác và gia đình dồi
dào sức khỏe và đón Mùa Xuân hết sức an lành. Xin tạm biệt các bác. (Vỗ tay).
Ông Nguyễn Đình Lộc bắt tay ông Lê Minh Thông
Hàng thứ nhất, từ trái: Hồ Uy
Liêm, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Lộc, Huỳnh
Tấn Mẫm, Tương Lai, Nguyễn Minh Thuyết, Tô Nhuận Vỹ.
Hàng thứ hai, từ trái: Lê Công Giàu, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Duy Hiển, Hoàng Xuân Phú, Phan Hồng Giang. (Ảnh: Lê Kiên).
Theo ABS
Một đoàn đại biểu với các nhà trí thức nổi tiếng và nhất là đã từng là thành viên trong Nội các chính phủ mới mãn nhiệm cho thấy tính "chính ngôn" , rất đáng tin cậy . Đây không phải là những thành phần bất mãn, càng không phải "thế lực phản động", mà họ là những người có TÂM và có TẦM muốn đóng góp vào sự trấn hưng dân tộc qua việc sửa đổi căn bản Hiến Pháp đã lỗi thời. Đọc tường thuât , nghe từng lời phát biểu của các vị thấy "sáng" nhiều vấn đề. Mình đúng là anh " i tờ ít" bao năm chỉ hót tiếng hót của loài ...vẹt mà thôi !
Trả lờiXóaTôi đọc bài tường thuật này và cũng đã đọc bài của Cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam bàn về việc sửa hiến pháp. Cảm giác chung của tôi là mọi việc cũng sẽ diễn ra như đã diễn ra. Lý do là vì trong đoàn đại biểu hầu hết đều là các vị NGUYÊN rất to. Đặc biệt là có cả nguyên trưởng ban dự thảo hiến pháp 1992. Tức là, chính các vị ấy khi đương chức đã là những người tích cực nhất cho ra sản phẩm là các bản hiến pháp trước đây ( Trừ hiến pháp 1946, khi đó các vị ấy còn ít tuổi, chưa có đóng góp gì ). Xét về mặt logic, có thể 20 năm sau các vị hiện nay đang chủ trì sửa đổi hiến pháp cũng sẽ tổ chức một đoàn như đoàn của các vị NGUYÊN ..., ngược lại nếu các vị hiện nay là NGUYÊN mà trẻ lại 20 tuổi thì các vị ấy cũng sẽ làm công việc như các vị tại chức hiện nay đang làm. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong đoàn không có các vị đương chức, đó mới là những người đang làm ra lịch sử, và ( như một vị trong đoàn đã phát hiện) tại sao báo chí lề phải rất yên ắng trước những nội dung cụ thể v/v sửa HP mà người dân đang trăn trở.
Trả lờiXóaTrước hết tôi khâm phục việc làm đầy trách nhiệm với DÂN với NƯỚC của 16 vị trên (Và cả rất nhiều người khác nữa)trong việc Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp.
Trả lờiXóaDân Làng ta trong đó có tôi đã đọc nhiều bài viết, đã trực tiếp chuyện trò, trao đổi ý kiến với 1 số người trong 16 vị trên.
Nhận thấy đó là ý kiến rất cơ bản, rất sâu sắc , trí tuệ, mạnh bạo và thẳng thắn.
Tôi cũng rất tâm đắc với cách đặt vấn đề và câu hỏi của cụ KyGai. Cụ "hỏi chơi" thôi. Tôi biết cụ đã có câu trả lời và Cụ muốn nói điều gì nhưng không tiện nói ra.
Nhiều người đã tìm nguyên nhân "Tại sao". Và cho rằng có nhiều lý do, nhưng cái chính là: "ăn cây nào rào cây ấy" thôi mà Cụ. Còn có người còn nói thêm là HÈN v.v...
Tôi nghĩ nên "Khép lại quá khứ" (với bất kỳ ai).
Nay những người có TÂM, thật lòng, làm được điều tốt , điều đúng; lại là những người có trí tuệ uyên thâm, nhiệt thành đóng góp những ý kiến "rất nặng kí" thì thật khâm phục và học tập. (cho dù trước kia không dám nói, mà giả thử đã "dám...", thì "đi teo" rồi, nay còn đâu mà nói nữa!.)
Cụ congky dinh thân mến ! Nói thực, trước đây tôi cũng nghĩ như cụ : Mấy cha còn đương chức đương quyền ăn lộc Đảng, Chính phủ không dám hé răng phê phán 1 lời, bây giờ hưu hắt rồi có nói ai nghe ! Hay là "đánh bóng thương hiệu", hay là dỗi hơi ? Hay bất mãn ghen ăn tức ở ??? Nhưng nay tôi nghĩ khác. Tôi khâm phục họ trong đó có những người bạn chúng ta , chẳng hạn như Chu Hảo , Hồ Uy Liêm...và những nhân vật tên tuổi hoàn toàn ta không thể nghi ngờ động cơ xấu ở họ như Nhà văn Nguyên Ngọc, ông Nguyễn Đình Lộc , bà Phạm Chi Lan, GS Nguyễn Minh Thuyết ...(Xin chỉ kể vài tên trong số những người khởi xướng chuyện này ). Bây giờ tôi tin là họ có TÂM và có TẦM thật sự vì dân vì nước. Động cơ của họ là trong sáng. Họ hơn chúng ta là họ dám công khai nói lên chính kiến của mình khi họ tin rằng họ không vụ lợi .Chúng ta hay ngụy biện mà nói rằng ta nói bây giờ ai nghe ! Việc quốc gia đại sự đã có Đàng và Nhà nước lo . Tôi nghĩ đấy là tư duy "sổ hưu " kiểu Đại tá Trần Đăng Thanh hù dọa. Tất nhiên tôi nhân tôi là thằng hèn ( ít nhất hèn hơn bạn Chu Hảo, bạn Hồ Uy Liên của chúng ta ). Nhưng tôi đọc họ để tôi tự khai sáng tôi và tôi hoan nghênh thái đố dấn thân của họ vì nghĩa lớn. Ít nhất là như thế đã. Còn có đẩy được ngọn Thái Sơn sang vị trí khác không lại là chuyện khác. Nhưng thưa cụ " Xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều " . Vài lời trao đổi. Chúc cụ vui vẻ đón Xuân mới .
Trả lờiXóaCác quầng lửa như thế này và các đốm lửa khác cứ nhiều lên và bừng sáng ,sáng hẳn cho bầu trời sáng soi mặt đất tỏ tường, dân ta nhìn rõ cuộc sống của mình. Cảm ơn lsql đã đưa đề tài Hiến Pháp rất kịp thời và hoàn toàn không khô khan. Cái Tết sắp đến có sức sống hơn.
Trả lờiXóaNhư các cụ Làng ta đã phán, rất nên coi việc sửa đổi HP lần này như một cuộc vận động chính trị vô cùng quan trọng của nhân dân ta, không phân biệt già trẻ gái trai, dân tộc tôn giáo, thành phần ,địa vị XH v.v. Đành rằng ta đã già, nhiều người, trong đó có tôi lại là phó thường dân chẳng ai biết đến nhưng vẫn cảm thấy muốn góp chút gió hiu hiu để thành cơn bão lớn thổi bay mọi lực cản bước tiến của dân tộc. Cá nhân tôi cho răng VN không nên " đổi đời " nhờ bạo lực , hoặc nhẹ hơn là những cuộc CM màu thông qua biểu tình xuống đường, gây bạo loạn v.v.Chúng ta cần và có thể chuyển đổi trong hòa bình ổn định thông qua việc thay đổi HP, dù là từng bước hay triệt để ngay từ đầu . Xin nhắc lại, tôi không muốn chỉ sửa đổi tý chút mà xây dựng HP mới. Đó cũng chính là chủ ý cũa các vị trí thức tham gia cuộc gặp này cùng với việc công bố dự thảo HP 2 khác về cơ bản so với HP đem ra lấy ý kiến.
Trả lờiXóaRiêng các vị có danh trên đây,dù nguyên hay đương chức ,tôi vẫn thật sự khâm phục vì đã vượt qua nỗi sợ ít nhất 3 lần. Lần đầu là tập hợp nhau lại ( bí mật tụ tập đông người ) để bàn bạc , thống nhất những v/đ cơ bản. Lần hai : đem ra công khai văn bản dự thảo HP 2 khác hẳn so với bản chính thống. Đây là một bước tiến lớn về tư duy và về trách nhiệm ; bởi lẽ rất nhiều người chỉ giỏi phê phán ,thậm chí chửi bới văng tục v.v. nhưng không đưa ra được kiến nghị cụ thể nào. Bản dự thảo HP2 tuy còn một số nội dung cần thêm bớt nhưng là đóng góp rất lớn ,có thể tạo ra bước ngoặt cho đất nước. Và lần ba : tổ chức cuộc gặp để trực tiếp đưa kiến nghị tức chính thức hóa bản dự thảo HP 2 , không còn nằm trong bóng râm thậm thụt của lề trái . Bấy nhiêu đã là quí lắm.
Tôi khâm phục và học hỏi được nhiều nhận thức đáng ra phải có phải biết với tư cách công dân. Trong 72 vị ký đầu vào bản kiến nghị có nhiều anh từng là học sinh Trường thiếu nhi VN ta đúng là các trí thức đúng nghĩa. Dù hiện đã nghỉ hưu và họ ghi danh trên chữ ký là Nguyên các chức danh từng nắm ( không ghi hết) điều đó chứng tỏ cho ta biết không thể xếp họ vào hàng thế lực thù địch phản động như nhiều kẻ điêu toa hại nguười để tâng công. Tôi có phần ngạc nhiên cụ Công kỲ nhà ta cũng lại tham gia bới móc cái hiện tai NGuyên của các vị đáng kính trên cụ Kỳ mong muốn gì ở vụ này nhỉ?
Trả lờiXóaBản dự thảo Hiến pháp do các trí thức trên chuyển cho Ban dự thảo HP cho dù chưa hoàn chỉnh,nhưng thể hiện ý dân mong muốn có một bàn Hiến Pháp bảo vệ tự do,dân chủ thực sự của nhân dân (lâu nay bị lợi dụng). Bản dự thảo này rất khó được Hệ thống chính trị Toàn Trị(do Đảng CS lãnh đạo) hiện nay của Việt Nam chấp nhận.Riêng việc không có mục về ĐCS VN đã là một thay đỗi rất lớn về tư tưởng.
Trả lờiXóaRiêng tôi nội dung dự thảo này rất gần với Bản Hiến pháp 1946 của Việt Nam dân chủ công hòa .
Theo tôi Hiến pháp mới vẫn không có gì mới.Chưa ai muốn làm một cuộc cách mạng về tư tưởng,lý luận xây dựng đất nước Việt Nam phát triển bền vững.
Các quan chức (nắm quyền sinh,quyền sát) còn bảo thủ lắm,bảo vệ quyền lợi của chính họ.KC