Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

"ĐỊNH HƯỚNG QUYẾT LIỆT" (phần chót)

 BĐH- Ngoại trừ phần trích dẫn Huy Đức chưa được kiểm chứng, còn những dẫn chứng của tác giả đều có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên bài viết này chỉ phản ánh quan điềm của tác giả . Mời xem tiếp phần cuối :

1.    5.  Kết luận
Trên đây chỉ là một số dẫn chứng tiêu biểu vì tác giả không muốn làm độc giả quá hoa mắt vì những chỉ dụ “quyết liệt” đã được thủ tướng ban hành. Tóm lại, có thể thấy rằng thủ tướng Dũng đã “quyết liệt” trong rất nhiều lĩnh vực nhưng bất hạnh thay cho thủ tướng và người dân Việt Nam là hầu như lĩnh vực nào mà được thủ tướng “quyết liệt” điều hành và chỉ đạo thì lĩnh vực đó chỉ có càng ngày càng tệ đi. Quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng thì tăng trưởng ngày càng đi xuống. Quyết liệt kiềm chế lạm phát thì lạm phát ngày càng tăng lên đến mức cao thứ nhì thế giới trong năm 2011. Quyết liệt kiềm chế tham nhũng thì tham nhũng và đi kèm với nó nạn chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền ngày càng lan rộng và ăn sâu vào nền kinh tế, vào thể chế, vào toàn bộ xã hội. Quyết liệt điều hành đám con cưng tập đoàn thì đám con cưng ngày càng ăn tàn phá hại, nợ đầm nợ đìa…

Có thể có người cho là từ “quyết liệt” với thủ tướng Dũng đã trở thành “sáo ngữ”, nói quen miệng nên đụng đâu nói đó. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Việc thủ tướng Dũng liên tục dùng từ này thể hiện rõ tư duy của ông về cách điều hành nền kinh tế nói riêng và điều hành nhà nước nói chung. Thủ tướng cho rằng có thể dùng ý muốn, ý chí chủ quan của mình để can thiệp vào sự vận hành khách quan của nền kinh tế và bắt nền kinh tế đi theo ý muốn chủ quan của mình. Điều này là hết sức nguy hiểm. Khi một quốc gia chấp nhận nền kinh tế thị trường tức là cũng phải chấp nhận rằng, về cơ bản thị trường thông minh hơn trí khôn chủ quan của con người. Kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm qua cho thấy, dù có nhiều khiếm khuyết thì thị trường vẫn là cơ chế kinh tế tốt nhất để tạo ra của cải và sự phồn vinh cho xã hội. Một nhà nước khôn ngoan là nhà nước xây dựng một cơ chế thị trường minh bạch, dựa trên cơ chế cạnh tranh để cho các chủ thể trong nền kinh tế tự vận hành và nhà nước chỉ là người tham gia chỉnh sửa những khuyết tật của thị trường như hiện tượng ngoại ứng, độc quyền hay thiếu hụt hàng hóa công. Nếu cứ cố gắng dùng các công cụ hành chính can thiệp mạnh và hướng các nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế đi theo ý muốn chủ quan của mình thì gần như không tránh khỏi thất bại cay đắng.
Thực tiễn nền kinh tế Việt Nam trong vài năm qua đã cho thấy điều đó rất rõ. Chính vì thủ tướng Dũng đã muốn các tập đoàn con cưng của mình nhanh chóng “sánh vai” với các tập đoàn lớn trên thế giới nên đã “quyết liệt” dồn quá nhiều nguồn lực khan hiếm cho những cái cối xay tiền như Vinashin, Vinalines, EVN, TKV[i]… Đáng lẽ phải chống lạm phát bằng cách minh bạch hóa chi phí của các tập đoàn nhà nước, tạo cơ chế để bắt buộc các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường thì lại can thiệp thô bạo bằng các mệnh lệnh hành chính như chỉ thị không được tăng giá điện, giá than… làm thị trường ngày càng trở nên méo mó và cuối cùng khi không kìm được giá nữa thì phải tăng đột ngột ở biên độ cao làm cho nền kinh tế phải chịu các cú sốc không đáng có.
Việc liên tục dùng từ “quyết liệt” ở tần suất cao cũng cho thấy tính cách của thủ tướng Dũng là chỉ thích làm việc theo suy nghĩ chủ quan của mình, không muốn nghe những lời can gián hay nói trái của cấp dưới. Điều này thể hiện quá rõ qua việc thủ tướng giải thể Ban nghiên cứu của Thủ tướng ngay khi mới nhậm chức hay ký Quyết định 97/2009/QĐ-TTg thu hẹp đáng kể quyền phản biện của các tổ chức. Bản thân Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW là một viện nghiên cứu của chính phủ nhưng khi phê phán chính phủ nhiều quá cũng bị thủ tướng nhắc nhở:
Người đứng đầu Chính phủ đề xuất Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”. (Vietnamnet, 8/12/2011)
Một quốc gia mà người lãnh đạo cao nhất không muốn nghe những lời nói trái của trí thức, chỉ thích nghe tâng bốc, nịnh bợ mình thành “thủ tướng xuất sắc nhất châu Á”, chỉ thích làm theo ý muốn chủ quan của mình thì làm sao quốc gia đó có thể phát triển trong một môi trường quốc tế cạnh tranh ở mức độ rất cao như hiện nay? Nguy hiểm hơn nữa là tư duy điều hành này của thủ tướng Dũng vẫn không có gì thay đổi dù thủ tướng đã phải chịu sức ép mà xin lỗi trước Quốc hội vào cuối năm 2012. Cứ nhìn những chỉ đạo trong thời gian gần đây của thủ tướng thì vẫn đầy những từ “quyết liệt”. Ngạn ngữ phương Tây có câu rất hay là: “You cannot teach an old dog new tricks” nghĩa là “Bạn không thể dạy trò mới cho một con chó già” rất đúng trong trường hợp này. Như vậy đã có thể nhìn thấy trước tương lai của Việt Nam trong những năm tới, nếu thủ tướng Dũng còn nắm quyền rồi.
Như đã nói ở trên, việc thủ tướng Dũng ở đâu, lĩnh vực nào cũng dùng từ “quyết liệt” cũng đã góp phần tạo nên một trào lưu ăn theo nói leo ở các quan chức thấp hơn. Bây giờ mở bất cứ văn bản nào của các bộ ngành, cơ quan hành chính mọi cấp, trong diễn đàn của hội đồng nhân dân, Quốc hội… đi đâu cũng thấy từ “quyết liệt”. Một người có IQ ở mức bình thường cũng thừa hiểu rằng với mức lương chính thức ở mức chưa đủ sống như hiện nay, muốn các viên chức nhà nước làm việc ở mức “bình thường” cũng đã khó chứ đừng nói là bắt họ “quyết liệt”. Từ “quyết liệt” may lắm chỉ phù hợp trong những tình huống khẩn cấp như chống bão lớn, cứu đói trên diện rộng… Dùng từ “quyết liệt” quá nhiều trong khi ai cũng biết là chả thể “quyết liệt” nổi chính là làm cho xã hội trở nên quen với thói dối trá, lãnh đạo thì thêm quen với việc hô hào suông những lời rỗng tuếch, thùng rỗng kêu to, mồm miệng đỡ chân tay.
Tóm lại, nếu thủ tướng Dũng và bộ máy dưới quyền vẫn tiếp tục giữ tư duy điều hành nền kinh tế theo kiểu “quyết liệt” như từ giữa năm 2006 tới nay thì thủ tướng càng Quyết, nền kinh tế sẽ càng Liệt hay nói đúng hơn là thủ tướng và bộ máy của mình đang Quyết (tâm) làm đất nước Liệt đi như thực tế đang diễn ra.

________________________________________
[i] Cùng với Phó thủ tướng lúc đó là ông Sinh Hùng đã ký văn bản ép các ngân hàng cho Vinashin vay 10.000 tỷ (Vneconomy, 25/9/2008) thì thủ tướng Dũng cũng chỉ đạo ngân hàng cho Tập đoàn điện lực EVN vay 10.000 tỷ để làm vốn lưu động (Tuổi trẻ, 6/9/2011)
----------------------------------------------------------
Nguồn : Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập

3 nhận xét:

  1. Xin phép thanh minh. Mới đọc phần 1, tôi đã tương ngay cái còm , không dè lại trùng với kiểu chẻ chữ của tác giả, không phải cố tình vi phạm bản quyền của ổng.
    Đọc cả 3 phần, lại xin góp thêm ý này
    - Ông TT còn một từ yêu thích nữa cũng được dùng thường xuyên khi đón khách Qtế : nâng quan hệ VN +....lên "tàm cao mới". Lúc nào và với ai cũng tầm cao mới, một khái niệm trừu tượng mang tính văn học nhiều hơn .
    - Người ta chỉ nên quyết liệt làm việc gì đó khi đã tỉnh táo phân tích mọi khía cạnh thuận lợi khó khăn, được mất, mức hiệu quả v.v của nó. Trong hoạt động kinh tế lại càng cần thận trọng hơn ngàn lần. Phàm con người ta khi đã không giỏi, lại chủ quan, ít lắng nghe thì càng quyết liệt, càng dễ sai lầm, giống như cố húc đầu vào đá vậy .

    Trả lờiXóa
  2. Còn ông chuyện trị " Nuôi con gì trồng cây gì" là ai ? Muốn biết xin cứ điện hỏi cụ Tú Riềng là có ngay câu trả lời chính xác ! Thời còn Bác Hồ, các nhà báo đều thuộc lòng câu chuyện Bác phê phán 1 bài viết dùng từ " vô cùng ", Đại khái như " Bà con vô cùng sung sướng được đón tiếp đồng chí bí thư tỉnh ủy về thăm HTX ..." . Cụ bảo cái gì cũng "vô cùng", có thật là vô cùng không ? Thế đến cái "vô cùng thật" thì các chú dùng từ gì ?
    Dùng từ theo kiểu lên gân, quen miệng , lặp đi ;lặp lại là người kiến thức hẹp, lười suy nghĩ nhưng lại " mítxtơ oai " ! Chết thật ! Nếu đúng TT của chúng ta mà như thế này thì ...chết thật ! chết thật !!!

    Trả lờiXóa
  3. Cứ kèm một cú " quyết liệt" là tiếp liền " hệ quả" hệ lụy mà nhân dân và xã hội phải hứng chịu: khó khăn hơn, nghèo hơn ; phải tính toán chi li cho cuộc sống như bị mất cắp hàng ngày. Chỉ bổ cho các dây nhóm lợi ích, mỗi mánh quyết là lại vớ bẫm ( từ cá mập đến tép riu). Tôi chỉ thấy quyết liệt tận phá rừng đào bới múc tận hết khoáng sản sản vật đặc sản và tội ác là cướp phá đất nông nghiệp xóa bỏ khẩu hiệu" người cày có ruộng" từng khơi cảm hứng cho nông dân theo Đảng theo cách mạng . Tôi chả thấy ai thử thống kê cái tăng GDP mà họ khoe thì mấy phần người dân được hưởng còn bao trăm phầm trăm ních vào túi tham của đồng bọn trong các cạ( nhóm lợi íc). Chúng vơ vét cũng quyết liệt lắm chứ.

    Trả lờiXóa