Khối Trí thức (Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TP HCM) góp ý sửa đổi Hiến pháp
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Bản Tổng hợp góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992
của Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến TP HCM (Khối Trí thức)
Căn cứ Nghị Quyết số 38/2012/QH 13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội khóa XIII về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 24 tháng 01 năm 2013 Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh (Khối Trí thức) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Đến dự Hội nghị có khoảng 100 hội viên, trên 30 lượt phát biểu, trong đó 10 phát biểu có văn bản (đính kèm), các ý kiến được tập hợp như sau:
Trước khi phát biểu chúng tôi băn khoăn trước sự kiện trái ngược: Chỉ thị số 22 CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do TBT Nguyễn Phú Trọng ký xác định: “1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và Kết luận Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI”; trong khi đó tại cuộc họp khai mạc Hội nghị toàn quốc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 08-01-2013, ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, phát biểu “[…] tạo điều kiện người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp”.
Như vậy, là có khác nhau: một bên “quán triệt”, một bên “có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến”.
Chúng tôi vì lợi ích của tổ quốc, của nhân dân chọn cách phát biểu như sau:
Một là: Đề nghị đổi tên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thành tên Dự thảo Hiến pháp 2013.
Hai là: Đề nghị thể chế Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và XI về “cải cách kinh tế đồng thời cải cách chính trị”; làm rõ cơ chế mối quan hệ Đảng, Quốc hội và Nhân dân, thể hiện trong Hiến pháp.
Ba là: Nhận xét chung
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có một số tiến bộ so với Hiến pháp 1992 đó là bổ sung về “quyền con người” (Chương II Dự thảo), lập một số cơ quan Hiến định mới: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, thành lập cơ quan Kiểm toán (các điều 120, 121 và 122 Dự thảo); không coi kinh tế nhà nước là chủ đạo (điều 54 Dự thảo). Tuy nhiên Dự thảo vẫn phản ảnh sự áp đặt ý chí, quan niệm cũ về Hiến pháp, quan tâm nhiều đến sự ổn định của chế độ hơn là quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân, có nhiều điều khoản mang tính tuyên ngôn thiếu nội hàm cụ thể.
Bản Dự thảo Hiến pháp chưa thể phản ánh bản chất tự nhiên của một Hiến pháp dân chủ, đó là phản ánh sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân đối với chính quyền theo tinh thần có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực. Kiểm soát bên trong của các nhánh quyền lực bằng các cơ chế kiềm chế, đối trọng của các nhánh lập pháp – hành pháp – tư pháp không thể vượt quá qui định của luật. Kiểm soát bên ngoài là xã hội dân sự mà tiền đề là các quyền tự do dân sự và chính trị: tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do biểu tình…
Hiến pháp phải mang tính chính đáng; tính chính đáng này còn quan trọng hơn cả tính pháp lý. Tính chính đáng này được đo bằng một số tiêu chí chính:
Thứ nhất, Hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của toàn dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để thành lập chính quyền.
Thứ hai, Hiến pháp phải có mục tiêu kiến tạo hạnh phúc, tự do, công bằng, đoàn kết, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng tới sự phát triển bền vững của dân tộc.
Thứ ba, về mặt pháp lý, Hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ thông của thế giới văn minh, phù họp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Bốn là: Góp vào các nội dung cụ thể
Về Lời nói đầu: Nhìn chung là viết ngắn gọn hơn Hiến pháp hiện hành, nhưng vẫn dài dòng; về lịch sử 4.000 năm dựng nước, giữ nước, mở cõi và xây dựng đất nước thì viết quá ngắn (chưa đủ 4 dòng); trong khi nói về lịch sử từ khi có Đảng 1930 đến nay (83 năm), thì viết quá dài (28 dòng). Cách thể hiện như vậy là không cân đối. Vì vậy, chúng tôi đề nghị viết ngắn gọn như nhiều Hiến pháp của các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể có thể viết như sau:
“Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì tự do và độc lập của dân tộc.
Vì một xã hội dân chủ-công bằng-văn minh-pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Chúng tôi nhân dân Việt Nam thông qua Bản Hiến pháp này”.
Về Chương I.
Nguyên tắc chủ quyền nhân dân “nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân”. Lịch sử cho thấy chỉ dưới các chế độ phong kiến, các chế độ chuyên chế mới có việc xác định một dòng họ, một gia tộc, một lực lượng chính trị là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Người dân Việt Nam từ lâu đã có năng lực để vượt qua mọi khó khăn, hy sinh trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc, nhất định có đủ sáng suốt để lựa chọn người có đủ khả năng và đạo đức để lãnh đạo đất nước. Nhân dân Việt Nam phải có quyền tự do lựa chọn ra những người sẽ phục vụ lợi ích của họ và của đất nước, có quyền tự do chọn ra những người xứng đáng với niềm tin và xứng đáng nhận tiền lương mà nhân dân chi trả.
Một chính đảng có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử.
Vì vậy, chúng tôi băn khoăn về việc tồn tại hoặc cách thể hiện của Điều 4, mặc dù có bổ sung; có ý kiến đề nghị bỏ Điều 4; có ý kiến đề nghị giữ như Dự thảo và bổ sung “theo qui định của luật”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 4 này một đoạn “Đối với các vấn đề có liên quan đến sự phát triển, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự tồn vong của dân tộc, Đảng phải được sự đồng thuận của Quốc hội, phải trưng cầu ý dân”. Do đó điều cần thiết là phải biên tập lại làm rõ nội hàm giữa các điều 2, 4 và 74 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thể chế cụ thể qui định của Nghị quyết X và XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách chính trị
Đề nghị sửa đổi cụ thể như sau:
Điều 1.
Lấy lại tên nước là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Đề nghị bỏ tất cả cụm từ “xã hội chủ nghĩa” và cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì nó không có nội hàm cụ thể.
Điều 2
“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Có ý kiến đề nghị bỏ đoạn “mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” thay vào đó là đoạn “mà nền tảng là Đại đoàn kết dân tộc”.
Một số ý kiến đề nghị thực hiện tam quyền phân lập do Montesquieu (1689-1755) đề xuất, hiện đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Nội dung cốt lõi của học thuyết này là phân chia, chế ước, kiểm soát quyền lực nhằm chống lạm quyền của các quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Montesquieu cho rằng: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện nguyên lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật chỉ để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nữa nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp, thì quan tòa sẽ có sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức, hoặc của quan chức, hoặc của quí tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên, thì tất cả sẽ mất hết”.
Điều 4
1. “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
2. “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”
Có ý kiến đề nghị làm rõ: Nói “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, nếu quyết định sai, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến lợi ích của dân tộc, của nhân dân, thì cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền phán xét?
3. “Các tổ chức của Đảng đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Điều 74 “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”
Như thế “quyền lực cao nhất” nằm ở đâu? Ở nhân dân? Ở Quốc hội? Ở Tòa án? Ở Đảng?
Có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các Điều 2 “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, Điều 74 “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Điều 4. “Đảng Cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Thực chất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam bao trùm lên cả ba bộ phận về nhân sự, đường lối chánh sách và cả tổ chức thực hiện. Đó là một điều nghịch lý.
Theo tài liệu “Đại biểu Quốc hội khóa XIII 2011-2016” do Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biên soạn (nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội – 2011) thì trong 13 khóa Quốc hội, chỉ có khóa Quốc hội đầu tiên năm 1946, đại biểu Quốc hội là người có Đảng phái chiếm 57%, trong thời kỳ đó 57% là bao gồm nhiều đảng, phái khác nhau. Nhưng Quốc hội khóa I đã ban hành Hiến pháp 1946: đoàn kết dân tộc, thể hiện được khát vọng của dân tộc là độc lập dân chủ, tự do; lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 8 năm.
Còn 12 khóa tiếp theo, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã cầm quyền, thì đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thấp nhất là 73-75, 40% (khóa IV và V) còn lại là trên 80% có 4 khóa tỷ lệ này là trên 90% (khóa VIII, IX, XII và khóa XIII hiện nay (2011-2016) tỷ lệ này là 91, 60%).
Số đại biểu không là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là các vị chức sắc của các tôn giáo và một số vị nhân sĩ.
Điều 9. Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011, thì “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Chúng ta đều biết lãnh đạo Quốc hội có “Đảng đoàn Quốc hội” và các Ủy ban, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đều có tổ chức Đảng; Trưởng đoàn, Phó đoàn các Đoàn Đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố đều có là các vị lãnh đạo Đảng ở địa phương.
Cách cơ cấu, tổ chức 11 khóa vừa qua và hiện nay của Quốc hội, thì Quốc hội thực chất là hội nghị đảng viên mở rộng bao gồm cán bộ các cấp, các ngành trên phạm vi cả nước với Trung ương, không có “đại biểu thật sự là nhân dân” được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc cử tri cũng được chọn “cử tri chuyên trách” nên Quốc hội không nghe được tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, thể hiện được ý chí thật của toàn thể nhân dân, của cả dân tộc mà chỉ nghe qua phản ảnh ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được “lọc” của “cử tri chuyên trách”, tiếp đến lại được “lọc” một lần nữa là các đại biểu Quốc hội là đảng viên, các “đại biểu kiêm nhiệm”.
Trong khi đó, thì lời văn, câu chữ ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”
(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 88)
Vấn đề đặt ra là làm sao những nội dung hiến định thể hiện ở Điều 74 (“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) và Điều 2 (“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”) có ý nghĩa trên thực tế. Đây cũng là điểm mấu chốt khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó (8 phương hướng) phải đặc biệt chú trọng và giải quyết các mối quan hệ lớn […] giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”
(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 72-73)
Điều 5, Khoản 1, đề nghị bổ sung “có quốc tịch Việt Nam”
Điều 9, Khoản 3, đề nghị bổ sung “tôn trọng”sau chữ nhà nước.
Điều 21, đề nghị bổ sung “được tự do, được mưu cầu hạnh phúc”
Về Chương II Quyền con người-Quyền và nghĩa vụ công dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bổ sung qui định về quyền con người để phù hợp với nội dung các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã hàng chục năm qua là một sự kiện đáng hoan nghênh so với Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, cách thể hiện chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đề nghị các quy phạm qui định về nhân quyền – quyền công dân ví dụ như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, quyền lập hội, quyền biểu tình… phải được qui định một cách rõ ràng. Mặc dù Hiến pháp hiện hành đã qui định “quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật qui định” (Điều 51 Hiến pháp 92; Điều 20 Dự thảo sửa đổi) có nghĩa là qui định về các quyền cơ bản của công dân phải do Quốc hội ban hành, nhưng cũng trong chương này của Hiến pháp hiện hành cũng như Dự thảo có một số chỗ lại ghi “theo qui định của pháp luật”. Cách ghi không thống nhất này đã tạo điều kiện để cho một số người có quyền không tốt lợi dụng ban hành các văn bản dưới luật để cản trở các quyền cơ bản của công dân. Có quyền bị “treo” 67 năm chưa có luật qui định, thậm chí dùng qui định của văn bản dưới luật để ngăn cản như “quyền biểu tình”… Có chỗ qui định “tù mù” như “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16 khoản 2 Dự thảo).
Chúng tôi yêu cầu các qui định trong Hiến pháp về quyền con người phải phù hợp với Công ước quốc tế “Về quyền dân sự và chính trị” mà Việt Nam là thành viên từ năm 1982.
Cụ thể: Điều 16 Dự thảo, đề nghị bỏ đoạn “lợi dụng quyền con người, quyền công dân”. Chữ “lợi dụng” không rõ nghĩa, người cầm quyền có thể sử dụng để ngăn cản người dân thực hiện nhân quyền hoặc quyền công dân.
Điều 25 Khoản 3 Dự thảo, đề nghị bỏ đoạn “hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật”, lý do như nêu trên.
Điều Khoản 3 Dự thảo, đề nghị bỏ đoạn “hoặc lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để vu khống, vu cáo làm ều 31hại người khác”, lý do như nêu trên.
Điều 50 Dự thảo qui định: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế”. Có phân biệt người có thu nhập và người chưa có thu nhập không? Trẻ sơ sinh, vị thành niên, người già cô đơn… thì giải quyết, xử lý thế nào?
Chương III Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường
Về đất đai, Điều 57, chế độ sở hữu về đất đai đã tồn tại lâu đời trên đất nước ta, đó cũng là một trong các động lực để người nông dân tham gia kháng chiến mong được“người cày có ruộng”. Việc sao chép Hiến pháp Liên Xô vào Hiến pháp nước ta từ năm 1980 là điều hoàn toàn xa lạ đối với nhân dân Việt Nam, tạo ra hàng triệu cuộc khiếu kiện trong các năm qua là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm và trên thực tế đã gây nên tình trạng xã hội ngày càng bất ổn. Việc đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với bọn tư nhân gian manh cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặt biệt là nông dân. Đã từ lâu Khối Trí thức đã đề nghị đã là “kinh tế thị trường” thì phải đa sở hữu đất đai.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi bổ sung Điều 57 Dự thảo: “[…] Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng”.
Đề nghị sửa khoản 3 Điều 57 Dự thảo thay từ “thu hồi” bằng “thu mua”; không sử dụng cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Chỉ dùng từ “thu hồi” đất đai đối với bọn tham nhũng và kẻ vi phạm luật đất đai.
Đề nghị bổ sung Điều 56 Dự thảo: “bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”
Đề nghị bổ sung Điều 64 Dự thảo: “gia đình là nền tảng của xã hội và văn hóa Việt Nam, […] gắn bó với gia đình với quê hương, đất nước và với dân tộc”.
Đề nghị bổ sung Điều 66 Dự thảo: “phổ cập giáo dục không phải đóng học phí”.
Chương IV Bảo vệ Tổ quốc
Hiến pháp qui định về thành lập Nhà nước nhằm bảo vệ nhân dân, luôn đặt lợi ích của tổ quốc và nhân dân lên trên hết bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và nhân dân. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên Điều 45 Hiến pháp 92, bỏ phần bổ sung “với Đảng Cộng sản Việt Nam” của Điều 70 Dự thảo. Không thể đặt Đảng đứng trên Tổ quốc, trên nhân dân. Thực hiện đúng theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh quân đội “trung với nước hiếu với dân”; trong tình hình Đảng hiện nay “một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng, thoái hóa biến chất, tham nhũng” (Nghị quyết Trung ương 4), bọn xấu còn cầm quyền có thể sử dụng quân đội để đàn áp nhân dân, bảo vệ lợi ích cho bọn quan tham.
Chương V Quốc hội
Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không là cán bộ, công chức của các cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đề nghị làm rõ nội hàm của thuật ngữ nhà nước. Trong Dự thảo Hiến pháp có hàng trăm chữ nhà nước? Nhà nước là ai? Là Chính phủ, là UBND các cấp hay tổ chức Đảng hay các Đoàn thể? Phải phân biệt rạch ròi từ đó để xác định trách nhiệm, không thể viết tù mù không xác định địa chỉ. Đây cũng chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân của lạm quyền, tham nhũng, thiếu trách nhiệm của bộ máy công quyền hiện nay.
Đề nghị gọi Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án là “tổ chức”, không gọi là “cơ quan”, vì “cơ quan” là tổ chức thống nhất thực hành theo chế độ thủ trưởng còn Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án làm việc theo nguyên tắc tập thể, các thành viên đều bình đẳng, thảo luận và quyết định theo đa số.
Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND không tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội hoặc nếu trúng cử, thì phải từ bỏ chức vụ hành chính đang đảm trách.
Chương VI Chủ tịch nước.
Có ý kiến đề nghị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm luôn Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch nước phải là Tổng Bí thư.
Chương IX Chính quyền địa phương
Về cơ bản viết như luật hiện hành: “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”, “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của HĐND”.
Đề nghị bổ sung các thành phố lớn trực thuộc trung ương thành lập “chính quyền đô thị”.
Có ý kiến đề nghị viết về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nên viết thành hai chương hoặc hai phần riêng biệt tương tự như Quốc hội và Chính phủ. Hội đồng nhân dân có tính độc lập chỉ chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Đề nghị viết lại như sau: “Hội đồng nhân dân là tổ chức đại diện của nhân dân địa phương, đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và luật pháp quốc gia”.
Chương X Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước.
Về Hội đồng Hiến pháp Điều 120 (mới) Dự thảo, đề nghị Hội đồng Hiến pháp có quyền “tài phán”, ra quyết định về tính hợp hiến của văn bản, đình chỉ, bãi bỏ văn bản, quyết định, hành vi vi phạm Hiến pháp; không phải chỉ “kiến nghị”, “yêu cầu” – đó chỉ là nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức “tham mưu”, “giúp việc” tương ứng như qui định hiện hành.
Trên đây là Bản tập hợp các ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại cuộc Hội nghị của CLB kháng chiến TP Hồ Chí Minh – Khối trí thức, ngày 24 tháng 01 năm 2013, tại Trụ sở 114 Nam Kỳ Khởi nghĩa, Quận 1 Tp Hồ Chí Minh
(Kèm theo 10 văn bản góp ý)
Chủ tọa Hội nghị
Lê Văn Oanh
Rất nhiều điều cần sửa, thậm chí cần làm lại HP từ đầu. Chỉ xin lưu ý các cụ một từ dùng sai về cơ bản do người ta cố ý đưa vào để lợi dụng kiếm chác. Đó là điều 57 về đất đai. Dự thảo viết : " sở hữu ...Nhà nước về đất đai được tôn trọng " ! Đã từ lâu, họ cứ cố tình đánh đồng toàn dân với Nhà nước. Nào là ơn Đảng ơn chính phủ, tiền Nhà nước, đất của NN, nào là NN cho, tài sản NN v.v. đó là điều phi lý cực kỳ. Bởi lẽ, dân là ông chủ, còn NN chỉ là người làm thuê được nhân dân trả lương thuê họ làm mọi việc để phục vụ trở lại nhân dân. NN sống bằng tiền dân, do dân nuôi ,dân quyết định thu chi, kế hoạch tiêu pha v.v thông qua cơ quan do mình cử
Trả lờiXóara để giám sát- QH. Như vậy NN không có tiền, không có đất, không sở hữu cài gì ngoài tạm thời sử dụng nhà cửa, phương tiện công vụ do dân cho phép. Sao cứ nói ngược lại để tự cho mình quyền làm cha mẹ dân ? thế mà là CS chân chính, dân chủ hơn thiên hạ hàng triệu hay vạn lần ư ?
Qua phát biểu công khai của 2 vị to thì rõ là các vị ấy dùng từ góp ý có nhẽ nhầm mà phải là dùng học tập quán triệt sự sáng suốt và ngợi ca của mấy vị soạn thảo cái dự thảo duy nhất.
Trả lờiXóaThú thật trước đây tôi cùng đa số người cùng thế hệ không để tâm đến việc sữa đổi các bản Bản Hiến Pháp ,mọi thứ do Đảng quyết định,
Trả lờiXóaLần này tôi cùng rất nhiều người cùng thế hệ, có thể nói toàn thể nhân dân Việt Nam ta quan tâm hơn đến bản Hiến Pháp 2013 sẽ được ra đời này. Lúc này tôi ngộ ra,chúng ta cần có một Hiến Pháp bảo đảm dân chủ ,tư do cho nhân dân,phục vụ cho sự phát triển bình thườngcủa nền kinh tế thị trường non yếu,mà chúng ta đã chọn,đang có...
Bàn dự thảo Hiến pháp tôi được xem viết còn rất lủng củng,nhiều điều mâu thuẫn.Theo tôi Hiến Pháp 1992 không còn thích hợp nữa cho sự phát triền của đất nước ,dân tộc nữa.
Cần kéo dài thới hạn sự đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân xây dựng Hiến Pháp mới,chứ không nên sửa ,bổ sung Hiến pháp 1992 đề biến thành Hiến pháp 2013. KC