Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Y thức hệ và lợi ích quốc gia. Bên nào trọng, bên nào khinh ?

Cát Linh, phóng viên RFA
2015-08-04

Trong buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Little Sài Gòn, thủ phủ của người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ, ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận được câu hỏi rằng liệu nước Mỹ sẽ có chính sách gì để thay đổi hệ thống chính trị, chính quyền tại Việt Nam? Câu trả lời của ông là: “Điều này không phải là chính sách của nước Mỹ.”
Ý thức hệ
Trong  cuộc họp với báo giới Hà Nội về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhắc lại rằng nước Mỹ không có chính sách muốn can thiệp và thay đổi hệ thống chính trị của bất cứ quốc gia nào.
Lời phát biểu của ông Đại sứ diễn ra sau chuyến đi được cho là lịch sử của người đứng đầu Đảng Cộng sản nhà nước Việt Nam và lời hứa đến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama.
Tiếp theo ngay sau đó là chuyến viếng thăm của phu nhân phó tổng thống Hoa kỳ Joe Biden và sắp đến, là chuyến đi của ngoại trưởng ngoại giao John Kerry và bà Thẩm phán Toà tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg trong tháng Tám.
Tất cả những chuyến đi hữu nghị này diễn ra trong thời điểm đánh dấu 20 năm bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao quốc tế, đã có rất nhiều chuyến công du giữa một quốc gia lấy chủ nghĩa cộng sản làm thể chế chính trị và đường hướng phát triển, với một đất nước tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng, với Việt Nam, một quốc gia từng là cựu thù với Hoa Kỳ, đã và đang chọn con đường chủ nghĩa Marx làm nền tảng xây dựng đất nước từ 40 năm qua thì không những là “lịch sử” theo tính chất của sự việc, mà điều này còn được cho là một “sự thay đổi.”
Đặc biệt là sự thay đổi này trong bối cảnh hiện tại về tình hình biển Đông và những hành động gây hấn khác của người láng giềng Trung Quốc. Giáo sư Tạ Văn Tài, giảng dạy môn Luật quốc tế tại Đại học Havard xác nhận về ‘sự thay đổi’ này:
“Tôi thấy rõ ràng là nước Việt Nam, chính phủ Việt Nam và Đảng Việt Nam muốn xích lại gần Mỹ. Cái đó không thể phủ nhận là không có. Vì sao vụ giàn khoan, cả nước Việt Nam rất bực tức, không có ai dám công khai thân Trung Quốc. Vì thế trong chính trị bộ, đã có 4,5,6 người sang Mỹ trước ông Trọng.”
Quyền lợi quốc gia
Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có khẳng định hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam Hoa Kỳ, phù hợp với lợi ích của nhân dân của hai nước, của khu vực và trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh trong lời phát biểu rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có sự khác biệt, tuy nhiên không nói rõ đó là khác biệt gì.

“ Điểm khác biệt giữa hai đất nước là thực tế khách quan, là tất yếu cho 1 thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm lựa chọn con đường phát triển của riêng mình.”
Trong bài phóng sự “Phong trào dân chủ đứng giữa Đảng Cộng sản và nước Mỹ” của Kính Hoà, Đài Á Châu Tự Do có nêu lên ý kiến của học giả về quan hệ quốc tế Vũ Hồng Lâm rằng: “Hiện nay Hoa Kỳ cần Việt Nam trong bước đi chiến lược của họ cho nên họ có thể làm ngơ trước những vi phạm tự do và nhân quyền tại Việt Nam.” Thế nhưng vị học giả này cũng hy vọng ở một tầm mức nào đó, sẽ có những cải cách chính sách, và quan hệ Việt Mỹ ấm hơn sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Washington.
Cũng nói về thái độ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, giáo sư Tạ Văn Tài nhận định ở góc độ chuyên môn:
“Khi nước Mỹ công nhận ngoại giao một nước thì không có chủ trương lật đổ chế độ đó nữa đâu.”
Lời của giáo sư Tạ Văn Tài dựa theo điều khoản của luật pháp Mỹ nêu rõ trong Neutrality Acts, đạo luật thông qua bởi Quốc hội Mỹ năm 1930s, đó là không lật đổ chế độ nào mà họ đã có sự bang giao.
Có nghĩa rằng, từ khi Mỹ tuyên bố ban giao với Việt Nam năm 1995 thì đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, lật đổ hoặc thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam.
Nói về những ý kiến của cộng đồng người Việt hải ngoại nhiều năm qua về việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, giáo sư Tài khẳng định:
 “Đấy là vấn đề nội bộ giữa cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và ở trong nước. Nước Mỹ không có nhiệm vụ, không muốn công khai chủ trương thay đổi. Hiện nay vẫn là Đảng cầm quyền theo nghĩa dân chủ mà họ hiểu.”
Cũng có quan điểm như thế, học giả Vũ Hồng Lâm nói theo một góc độ khác:
“Cái chuyện tự do dân chủ nhân quyền là chuyện muôn thuở đối với ngoại giao của nước Mỹ. Vì chính quyền Mỹ còn phải nói đến tiếng nói của nhân dân. Thứ hai nữa là bản ngã của nước Mỹ, hay Việt Nam dùng từ là bản sắc của nước Mỹ là người đấu tranh cho tự do, nhân quyền thì cái đó không thể nào mất đi được. Cho nên luôn luôn vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nằm trong nghị sự làm việc giữa Mỹ và Việt Nam.”
Thế nhưng, bên cạnh đó, thực hiện theo điều luật của Neutrality Acts không có nghĩa rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến tình trạng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Một chứng minh cụ thể rằng đã có những cuộc gặp gỡ giữa Quốc hội Hoa Kỳ và các nhà đấu tranh dân chủ trong nước.
Trong đó, sự kiện nổi bật nhất là Tổng thống Barrack Obama đã đón tiếp tù nhân chính trị Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại phòng Bầu dục, trước chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Vì thế vẫn có tiếp tục những áp lực hay đối thoại, ít nhất là đối thoại về cải tổ nhân quyền. Điều đó vẫn xảy ra và tiếp tục xảy ra.”
Xin mượn nhận định của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do để nói lên tầm quan trọng của một ý thức hệ và quyền lợi quốc gia, ông nói rằng mặc dù Hoa Kỳ luôn thể hiện đường lối cân bằng trong việc chống Trung Quốc, và xem biển Đông là ưu tiên số 1, dân chủ nhân quyền là quan tâm thứ 2, nhưng về lâu dài, mối quan hệ với Hoa Kỳ vẫn chắc chắn sẽ tốt hơn cho vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

7 nhận xét:

  1. Nhờ anh Calathau post tin này:
    Ai không thể xem TV thì có thể xem phim "NHƯNG NGƯỜI LÀM CMT8 Ở HÀ NỘI" qua đường link để xem trực tuyến trên VTV2 Online, đúng 8g (giờ VN):
    http://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv2.htm
    Chỉ cần click vào nút Play là xem được, kể cả ở cơ quan hoặc xa tận hải ngoại!
    Các sáng thứ năm đến chủ nhật (13/8 - 16/8), VTV2 tiếp tục phát các tập 3-6.

    Trả lờiXóa
  2. Việc thay đổi vế ý tức hệ tại Việt Nam phải xuất phát từ thực trạng yêu cầu phát triển cũa dân tộc,của đất nước . Ngày hôm nay khi nói đến chủ nghĩa Mác-Lenin đại đa số người Việt Nam thấy không còn phù hợp với sự phát triển của dân tộc khi chúng ta hòa mình vào sự phát triển của cộng đồng thế giới. Đó chính là áp lực lớn nhất để dẫn tới việc từ bỏ hệ tư tưởng không còn thích hơp cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Với cá nhân tôi,hiện nay sự phát triển cùa dân tộc Việt Nam là quan trọng nhất.

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi, đối với Mỹ, tất cả chỉ cần gói gọn trong một vấn đề: Lợi ích quốc gia. Sau đại chiến thứ 2, vì lỡi ích quốc gia Mỹ ra sức chống lại sự phát triển và ảnh hưởng của CNCS, mà cụ thể là sự bành trướng của phe XHCN. Nhưng sau đó, không phải do công của Mỹ mà là do bản chất không tưởng biểu hiện là sự kém hiệu quả trong phát triển của các nước XHCN nên hệ thống XHCN đã tan rã. Từ góc độ lợi ích quốc gia, Mỹ không còn mối lo về hệ tư tưởng XHCN nữa,
    Ngày nay Mỹ và VN quan hệ ngày càng khăng khít, vì lợi ích quốc gia đã gặp nhau trong vấn đề biển Đông, hay nói rộng hơn là vấn đề xuay trục về Châu Á-TBD. Trong tính toán của người Mỹ đã từ lâu không nặng khái niệm ý thức hệ ( ít nhất là từ 1972 ).
    Chỉ có VN ( như ông Lý Quang Diệu nói) cứ sa lầy trong cái bong bóng ý thức hệ nên đã chậm trễ và gặp không ít gian nan trong phát triển đất nước và quan hệ quốc tế.
    Mới cách đây vài năm có người còn cho rằng, dựa vào TQ thì mất nước, còn dựa vào Mỹ thì mất Đảng, TT Obama tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng là câu trả lời cho v/đ này. Bây giờ chắc là Mỹ rất mong cho Đảng CS VN ổn định và vũng mạnh. Và như vậy Đảng CSVN mạnh hay yếu là do chính nội bộ Đảng mà thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Những phân tích của Cụ KG và bạn KC rất thuyết phục, chỉ mong sao những nhà lãnh đạo nước ta cũng có tư duy như vậy để dân tộc được nhờ.. Tôi xin tâm sự điều này. Là người được" nhồi" cho mớ lý luận ML từ hồi LX đang còn thịnh , mới cách đây dăm năm, nghe nói VN phải "từ bỏ hẳn hệ tư tưởng CS",tôi đã cảm thấy hơi bị sốc! Thế mới biết sự bảo thủ chẳng từ một ai. Nhưng dần dần,tôi cũng ngộ ra nhiều điều và đi đến nhất trí với các cụ làng ta: đã đến lúc phải mạnh dạn thoát khỏi CN ML. Xin chia sẻ thêm dăm ba câu. Thực ra,xét đến cùng, bất kỳ hệ tư tưởng nào, học thuyết nào cũng chỉ là phương tiện để một dân tộc đạt mục tiêu cao nhất cuả mình trên con đường phát triển,tuyệt đối không phải là cái đích buộc phải đến. Lâu nay ta cứ nhầm lẫn giữa công cụ ,phương tiện với mục tiêu nên cứ tụng mãi câu:" XD thành công CNXH ", Nhưng CNXH,CNCS không phải là một thực thể vật chất, mà chỉ là hệ thống những khái niệm trừu tượng,,những dự báo, mơ ước,lý tưởng v.v.vây thì xây cái gì? Chỉ có lợi ích dân tộc là hiện hữu mà thôi. Hơn nữa, hệ thống lý luận CS chỉ phù hợp với thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Khi đã có chính quyền rồi thì hệ thống ấy bộc lộ nhiều sai lầm chết người, không thể khắc phục, kể cả những dân tộc văn minh hơn ta, đã đi quãng đường 70 năm thử nghiệm đủ kiểu đủ cách như LX!. Càng duy trì lâu, hệ thống lý luận ML càng đi vào ngõ cụt và trở thành thứ vũ khí độc hại cản trở dân tộc đi lên. Vậy tại sao cứ phải ôm lấy mãi? Đành rằng trong hệ thống lý luận ấy cũng có những yếu tố tiến bộ, có thể vận dụng; thí dụ "phép biện chứng duy vật",v.v. nhưng xét toàn thể thì có thể bỏ đi được rồi. Các cụ nhẩy!

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn Ngọc Hùng16:24 13/8/15

    Tán thành ý kiến của Kivi: "Lý luận CS chỉ phù hợp với giai đoạn đấu tranh giành chính quyền". Nhưng phải nói thêm: Đấu tranh giành chính quyền tại các xã hội đầy rẫy áp bức bất công và nghèo đói. Trong giai đoạn ấy và xã hội ấy, lý luận CS đã tạo ra "cái bánh vẽ" về một xã hội quá tốt đẹp "sẽ giành về cho giai cấp vô sản", để thúc đẩy những người nghèo khổ, khi ấy rất đông đảo trong xã hội, để họ liều mình xông lên lật đổ chế độ cầm quyền.
    Đến khi giành được chính quyền rồi, thì những người cách mạng trở thành kẻ cầm quyền. Thế là họ đi vào vết xe đổ của "giai cấp thống trị". Họ lại tạo ra áp bức bất công và nghèo đói. Họ lại bị "giai cấp vô sản"- những người bị đẩy vào bần hàn- thù hận và chống lại. Lý luận CS còn có một chân lý tuyệt đối đúng: "Có áp bức thì có đấu tranh, có nghèo đói thì có cách mạng". Vụ Đoàn Văn Vươn ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình đấy.
    Bởi thế, khi giành được chính quyền rồi, thì cứ nghiên cứu các mộ hình TBCN thành công sẵn có (Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Singapor...), xem mô hình nào phù hợp nhất với hoàn cảnh nước ta mà theo. Vừa nhẹ người, vừa nhanh chóng phát triển!
    Nhưng nói thế thôi. Thế hệ lãnh đạo bây giờ còn rất ít người thực sự ảo tưởng vào "lí tưởng CS". Đa số họ chỉ bám lấy cái "sự trung thành với lí tưởng" ấy, để biến ĐCS thành công cụ cho mục đích tư lợi của họ mà thôi!
    Biết tỏng thế....

    Trả lờiXóa
  6. Sự thay đổi tư duy của các vỵ có lời bình trên chính là sự thay đổi tư duy của đại đa số người dân Việt.Tôi mừng vì sự thay đổi đó.Sự thay đổi tư duy của nhân dân sẽ là áp lực ,buộc những người có trách nhệm với đất nước phải thay đỗi tư duy đối với Hệ Tư Tưởng. Qua trình đó dù là tất yếu song trong thực tế với hệ thống chính trị đang tồn tại ở Việt Nam sẽ không thể diễn ra nhanh chóng ,chúng ta buộc phải chờ ...

    Trả lờiXóa
  7. (Mõ ký gửi ) Hôm qua nhân gặp mặt một số bạn học cũ cùng Khoa ở đại học THHN ( Khóa 6,7) . Các cụ đều là lớp trí thức XHCN thứ thiệt được đào tạo bài bản, tuy nay nghỉ hưu nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm ưu tư trước tình hình đất nước, như dân Làng ta. Các bạn ấy rất đồng ý với quan điểm trên và cho rằng đây là sự diễn biến tư tưởng một cách hòa bình và phù hợp với sự phát triển tư duy của Nhân loại . Họ khen Blog Làng ta đúng là "Nhân văn-Trí tuệ ".

    Trả lờiXóa