Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

46. THẾ LONG - BÀI CHỌN IN SÁCH ( Bài 2)


Saturday March 1, 2008 - 05:33pm (ICT)

Dấu vết khảo cổ
                                 Diachuoansai


Lời BĐH Tháng 8 năm 2003, trong cuộc Hội thảo về Trường TNVN LS.QL.NN nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Trường, Uỷ viên BCT TW Đảng Trần Đình Hoan, trong tham luận của mình đã đánh giá : “ Trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, và chúng ta có quyền tự hào coi đó là một mô hình giáo dục tốt cần phải được nghiên cứu học tập”. Chúng ta hiểu, đây không chỉ là cảm nghĩ của “bạn Hoan lớp 4 trường ta ”, mà là đúc kết của nhiều CQ có trách nhiệm được gửi gắm vào lời phát biểu chính thức của Trưởng Ban Tổ chức TW Đảng – đơn vị chính đã thành lập và quản lý Trường TNVN LS.QL theo chỉ thị của Bác Hồ . Giờ đây sau hơn 1 nửa thế kỷ, Thày trò cùng trưởng thành và cùng có độ lùi để tự nhìn lại mình bằng con mắt tỉnh táo hơn.. BĐH xin giới thiệu sau đây bài viết của Bloger Diachuoansai ( Thế Long ) và coi như là 1 “đề dẫn” cho cuộc “hội thảo bỏ túi” trên Blog của K5 . Rất mong cácThày Cô, các bạn đóng góp ý kiến kể cả “phản biện” .


Tôi đi tìm những dấu vết này không phải trong lòng đất, mà ở chính … trong tôi.
Cái từ “dấu vết” là do con tôi đặt ra để chỉ những cung cách, thói quen của tôi từ thời xa xưa Thiếu sinh quân và Quế Lâm để lại.

Mấy chục năm mà là xa xưa? Lịch sử trái đất thì phải tính bằng nhiều triệu năm, nhân loại – ngàn năm, còn đời người ngắn ngủi, tôi đã sắp vào tuổi “xưa nay hiếm” và cũng có thể về với các cụ Văn Vũ, Tiến Nguyên…bất cứ lúc nào, thì thời ấy cũng đã xa xưa lắm rồi.
Các nhà khảo cổ tìm những dấu vết còn lại để mô tả thời kỳ mà cá thể đó đã sống. Các chuyên gia tìm những dấu vết là triệu chứng trong quá khứ để chẩn đoán hồi cứu cho xác ướp trong mộ cổ. Tôi cũng đi tìm những dấu vết trong tôi (chưa phải xác ướp) để hiểu hơn thời kỳ mà tôi đã trải qua. Có thể gọi là khảo cổ hay chẩn đoán hồi cứu, gì cũng được.
Nét đặc trưng của thời kỳ đó đã được các bạn tôi mô tả trong nhiều hồi ký mà tôi tóm tắt bằng mấy chữ sau đây: “Trong sáng một chữ TÂM, sâu nặng một chữ TÌNH”. Dù tôi có viết thêm gì chăng nữa thì cũng loanh quanh để minh hoạ hai chữ ấy. Hơn nữa chúng tôi sinh ra từ một lò, đúc cùng bằng một khuôn. Tôi soi vào các bạn tôi thì tôi thấy chính mình trong họ, và cũng tin chắc rằng mình mang nhiều nét của các cá thể khác – các bạn tôi. Thế nên khảo sát những dấu vết thời gian ở một cá thể cũng có thể suy ra đặc trưng của cả cộng đồng.
Dấu vết thứ nhất: Tính chu đáo. Cuộc sông xa nhà trong điều kiện ở Thiếu sinh quân đã tạo nên tác phong cẩn thận từ trong những việc nhỏ. Đã có mấy lần gia đình tôi đi picnic, đi du lịch nước ngoài theo kiểu tự tổ chức có đủ cả vợ chồng , con trai, con dâu, các cháu. Mỗi người tự chuẩn bị hành lý và quản lý lấy hành lý của mình mỗi khi lên xuống tầu xe, qua cửa khẩu…, kể cả thằng cháu 10 tuổi cũng phải kéo một chiếc va ly con của nó. Thường thì mọi người cứ hay bị quên cái này, cái kia. Mỗi khi cần cái gì mà không có thì chúng nó hỏi tôi là y như rằng có ngay. Rồi một lần cần đến kim chỉ, mọi người không có. Con dâu tôi nói thử hỏi bố xem sao. Tôi đưa ra ngay. Mẹ con nó nhìn nhau, rồi nói “Mẹ con mình đoảng quá!”. Còn con trai tôi thì nói “Dấu vết Thiếu sinh quân ấy mà!”. Tôi thích cái từ “dấu vết” này. Đã bao nhiêu năm nay tôi vẫn xếp giường, xếp chăn như cách mà ngày mới đến Lư Sơn các cô đã dạy cho, còn bao nhiêu thói quen khác nữa từ thời ấy. Dấu vết Lư Sơn - Quế Lâm ấy mà!
Dấu vết thứ hai: Tính tháo vát. Khi mà mọi thứ đều có sẵn và phân công lao động tốt thì những dấu vết ấy không thể hiện, nhưng khi ra khỏi nhà hoặc có tình huống đột xuất, thì dấu vết tháo vát lại cứu nguy. Khi tôi xử lý một tình huống nào trong cuộc đi chơi, con trai tôi lại trêu là “dấu vết Thiếu sinh quân”.
Dấu vết thứ ba: Có một nền (background) toàn diện. Trong chúng tôi, mỗi người phát triển riêng từng mặt khác nhau, nhưng ở mỗi người, không chỉ có kiến thức văn hoá, mà còn nhiều thứ khác. Có những môn học chính khoá như thể dục, khiêu vũ, nhạc, hoạ.Tôi vẫn nhớ cách xướng âm và ký âm những bài đơn giản do thầy Nhân dạy, luật xa gần và pha mầu theo họ mầu do thầy Lợi dạy, và còn nhiều điều khác nữa là dấu vết do sự đào tạo và học hỏi lẫn nhau - những tài lẻ - từ những ngày ấy.
Dấu vết thứ tư: Thích sống thành “bầy đàn”. Có những loài động vật chỉ tồn tại được cùng bầy đàn: nhiều loài chim, nhất là những loài chim di cư, ngựa vằn, trâu rừng ở Châu Phi, hải cẩu, cá trích…Chúng tôi cũng vậy. Vì sống xa người thân, lại bị cô lập khỏi xã hội bên ngoài bằng bốn bức tường, nên mỗi cá nhân gắn bó với cộng đòng là điều tất nhiên. Thói quen ấy vẫn tiếp diễn cho đến bây giờ - một tập tính lâu năm không thể bỏ của “bầy đàn” này (ai còn hoài nghi xin cứ vào blog lsql thì hiểu).
Dấu vết thứ năm: Tính năng động kém. Dáu vết “gà công nghiêp” có trong suốt chặng đường đi học và công tác. Mọi chuyện đều được người khác “lập trình” cho, kể cả để làm những việc ngớ ngẩn. Năm 1964, chúng tôi đã được “Ăngka” tổ chức thành một đoàn để kéo về Moskva tham gia biểu tình (?!). May mà ngăn chặn lại được. Khi mà những đièu kiện bên ngoài thay đổi thì cũng là lúc … muộn quá rồi.
Dấu vết thứ sáu: Khả năng”miễn dịch” kém với các căn bệnh xã hội. Được nuôi dưỡng trong điều kiên “vô trùng”, không tạo ra được những “kháng thể” bảo vệ cần thiết nên sức đề kháng kém, dễ nhiễm các bệnh hiểm nghèo khó chữa, phải “điều trị” khó khăn. Từ cuộc sống vô tư, trong sáng ở Lư Sơn - Quế Lâm - Nam Ninh, một số về Chu Văn An thì lại là một “Quế Lâm – Nam Ninh” thu nhỏ, bước ra cuộc đời với đủ mọi thử thách không kịp thích nghi. Có những lần bị shock vì chưa quen, chưa gặp bao giờ. Thời kỳ “Quế Lâm”, chúng ta gần như đồng nhất, nhưng thời kỳ “Hậu Quế Lâm” của chúng ta diễn ra ở mỗi người một kiểu, khó khăn cũng nhiều, nhưng bản lĩnh Quế Lâm đã giúp ta vượt qua tất cả.

Bạn Quang Trung có bài thơ “Trường chúng mình” nói về cái “thời ấy”. Bài thơ có tính khái quát (kiểu như “Mẹ đào hầm”). Tôi thích bài thơ này đến mức chỉ đọc vài lần là thuộc lòng. Tên bài thơ tưởng là nói về trường, nhưng chỉ có 4/40 câu tả cảnh trường, còn lại thì về chúng mình. Ở thời điểm hiện nay nhìn lại, trong bài thơ có đến 4 chỗ chẳng ngờ, hay đâu…nói đến cuộc đời sau này - thời kỳ “Hậu Quế Lâm” - khác xa những gì ta biết lúc ấy. Khi ấy do không có thực tế nên phân biệt thiện - ác của ta là rõ ràng trắng - đen kiểu truyện cổ tích. Ra cuộc đời ta mới biết nhiều khi đen trắng lẫn lộn, trong cái trắng có đen và trong cái đen có trắng, thậm chí không cần phân biệt, đen trắng gì cũng tốt, miễn là… Tôi đã phải trả giá để hiểu được điều này. Đó chính là cái dấu vết thứ sáu trong tôi.

Tôi trở lại trường cũ Quế Lâm như những người Islam hành hương về thánh địa Mecca. Trong 4 ngày ở Quế Lâm, tôi đã hai lần trở lại trường. Một lần cùng với các bạn, một lần đi một mình, lang thang mọi chỗ cố tìm lại những ký ức xưa. Thành phố Quế Lâm lúc đó đang xây dựng lại. Những công trình có kiến trúc đơn điệu, xấu xí kiểu “GOST” mà tôi thấy suốt từ Đông Berlin đến Vladivostok, từ Bắc Kinh đến các chung cư Kim Liên, Nguyên Công Trứ… ở Hà Nôi, đang được đập đi. Tôi đứng nhìn người ta tháo dỡ rạp chiếu phim “Giải Phóng” trên đường Giải Phóng, nơi có kỷ niệm một thời. Những gì là “vật thể” làm lại thì nhanh, còn những gì “phi vật thể” trong tôi không dễ gì thay đổi. Chính vì thế còn lại những dấu vết đến hôm nay.
Kết thúc chuyến đào bới khảo cổ này, tôi muốn mượn hai câu cuối của bài thơ “Trường chúng mình” mà tôi tâm đắc: “Thôi, cứ để yên trong lồng ngực / Mãi một yêu thương, một dại khờ”.
                                                                                                                     DIACHUOANSAI

-------------------------------------------------------------------------------
Bài nay đăng trên Blog LSQL phiên bản Yahoo!360Plus từ March 1, 2008 )

5 nhận xét:

  1. Bài viết có tính khái quat khá cao và cũng thể hiện cách nhìn riêng của tác giả, đọc lại thấy nên đưa vào sách.

    Trả lờiXóa
  2. "DẤU VẾT KHẢO CỔ" của cụ Diachuoansai-Hoàng Thế Long chắc chắn không phải là "đề tài" mà Nhà khảo cổ PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Một nhà Khảo cổ thứ thiệt, rất nổi tiếng (cũng là bạn K5) đã nghiên cứu.
    Nhưng với "Dân Cu Lờ" thì "những dấu vết" của "Thời Quế Lâm" mà "Nhà Khảo cổ kiêm PHƯƠT gia" họ Hoàng đã "tổng kết" ở trên là hết sức bổ ích, chính xác và sâu sắc.
    Tất nhiên có thể chưa thật đầy đủ. Nhưng ở mức độ khác nhau, ai cũng có thể tìm thấy "đấu vết của mình" trong đó.
    Xem "tài liệu Khảo cổ" này, tôi thấy nhẹ nhàng, thích thú chứ không nặng nề, ghê sợ như những tác phầm khảo cổ toàn ... đầu lâu, xác ướp...
    Tôi thấy bài này BBT nên đưa vào SÁCH.

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý sẽ chọn đưa vào tuyển Blog K5 ! Đề nghị cụ 3B thông tin sớm cho cụ Diachu để cụ ấy chỉnh sửa ( nếu cần).

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16:09 21/7/13

    Bài viết rất tuyệt, và đặc biệt kết bằng câu thơ" “Thôi, cứ để yên trong lồng ngực / Mãi một yêu thương, một dại khờ”. Câu thơ này còn hay ở ba chữ cuối "Một dại khờ". Bài viết tuyệt hay ở nửa "một yêu thương" nhưng lại bỏ trống mất "dại khờ". Giá mà có ai viết được cái "dại khờ" của chúng mình nhỉ ? Sự dại khờ thành thật của lứa chúng mình cũng phản ánh cái dại khờ của cả một thế hệ. Nói ra được cái dại khờ một cách dũng cảm ,có lẽ sẽ giúp ích cho con cháu chúng ta nhiều lắm. Cảm ơn tác giả bài viết và tác giả bài thơ.
    (lúc nãy viết comment này nhầm vào bài thông báo lịch họp QL, phải xóa đi viết lại vào đây)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra cái nửa " Dại khờ" chúng ta đều biết nó "nằm ở đâu" và "khai quật" nó lên cũng không khó ( Trái lại còn thú vị nữa đằng khác). Công trình này mà có bàn tay của cụ thì còn gì bằng !

      Xóa