Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

50. NGUYỄN NGỌC TIẾN-BẢI CHỌN IN SÁCH

Một thời mãi không quên


                                                                   Nguyễn Ngọc Tiến


Cuối năm 1951, tôi và một số bạn hành quân lên Việt Bắc để tập trung sang nước bạn học tập. Tất cả đều lần đầu tiên xa nhà, xa người thân, duy chỉ có tôi là được bố đi theo cùng. Chúng tôi phải đi bộ, luồn rừng, lội suối theo những lối mòn để tránh máy bay Pháp phát hiện. Vậy mà khi đến Khe Mo vẫn bị dính “thằng B26”, chúng tôi phải chui vào cống ẩn nấp. Sau đó chúng tôi đến hang Bắc Sơn. Đoàn tôi có thêm các bạn  Giáng Vân và Chu Cường... Nghỉ ở hang Bắc Sơn lấy sức rồi  lại tiếp tục hành quân lên Đồng Đăng. Tôi cố gắng tự đi theo các bạn, nhưng có lúc mệt quá bố tôi phải cõng. So với các bạn cùng đoàn có lẽ tôi là người sướng nhất vì có bố đi theo chăm sóc. Thế nhưng vào một đêm đợi tôi ngủ say bố tôi đã "trốn" về và để tôi ở lại. Tôi rất buồn vì không còn bố bên cạnh, nhưng được các anh phụ trách động viên và thấy các bạn vui vẻ hồn nghiên dần dần tôi cũng quen với cuộc sống tập thể. Rồi một đêm đi bộ chân đã mỏi rời rã chúng tôi nghe người lớn thì thào bằng thứ tiếng gì đó rất lạ. Sau này mới biết đấy chính là “Mục Nam Quan”, sát biên giới với Trung Quốc. Chúng tôi được đưa lên xe tải, có ghế ngồi, có mui che và có bộ đội GPQ Trung Quốc bảo vệ đưa thẳng tới thị trấn Bằng Tường , rồi đến Tâm Hư (Khu học xá Nam Ninh). Tôi được phân vào học lớp 3 (thầy Tầng dạy - nhớ là có bạn Mạch). Ít lâu sau tôi lại được chuyển ngay lên Quế Lâm .
Ở Trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm tôi được xếp vào học lớp 4 .( Lớp 4 ở nhà 1 tầng, khu A của “Quế Lâm thị, Dục tài Học hiệu”. Tôi nhớ có bạn Bích lúc ấy kể chuyện dài hay lắm, đến giờ không biết bạn ở đâu? Học trò thì ở đâu cũng tò mò,  nghịch ngợm. Có lần chúng tôi bí mật làm một cuộc thám hiểm trên gác xép hội trường Khu A. Quả nhiên chúng tôi khám phá ra một "kho" giấy tờ , trong đó có những cái túi giấy đựng rất nhiều ảnh có lẽ là con em quan quân Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi cũng đã vào chơi ở các hang sau nhà ăn . Lại nhớ chuyện cậu Hồ Sĩ Tá ( con ông Hồ Viết Thắng) chết đuối dưới hồ khu nhà A được BS Đặng tận tình cứu sống. Sau này về nước Sĩ Tá đã nhận BS Đặng là mẹ nuôi. Quan hệ giữa gia đình đôi bên rất thân tình. Sang lớp 5, lớp 6 (lớp 5B-6B), chúng tôi ở nhà 2 tầng (đầu sân vận động), nhớ nhất là thầy Lại chủ nhiệm lớp, cô Quế dạy văn, thầy Quý dạy văn và hay kể chuyện tiếu lâm, thày Giáp dạy lý, thày Nhân dậy nhạc còn thày Lợi dậy họa. Tôi cũng nhớ các bạn liền kề trong danh bạ: Nguyễn Ngọc Tiến 118, Nguyễn Hữu Tiến 119, Trần Lệ Tiến 120... rất nhớ các bạn: Mộng Ngọc, Duy Khắc, Hữu Hùng, Trương Trác, Đỗ Bảo, Mai Tâm, Nguyên Hân, Dục Tú, Quang Trung, Kim Lân (Lân Sều), Kim Trâm... Đặc biệt là Nguyễn Hữu Tiến (ba gai nhất lớp, thày Lại nhốt vào phòng, quậy phá lung tung), khi ghi nguyện vọng nhóm tâm giao chỉ ghi cùng Ngọc Tiến. Nhớ khi kết nghĩa với lớp C (sau đó đi Nga ngữ gần hết), tôi kết nghĩa với chị Chỉnh và anh Ngọc Thành. Nhớ lắm những lần giao lưu với Trường bạn từ Quế Lâm thị vào Trường ta. Thật vui, thật hữu nghị. Nhớ những dịp 1-6, Bác Mao gửi tặng quà, nào cờ đâm, cờ chọc, bàn bóng đá,nào  bánh kẹo, lại nói là toàn từ Bắc Kinh gửi về. Cảm động quá ! Nhớ sân bóng đá, bóng rổ, câu lạc bộ (hay tranh nhau đồ chơi). Nhớ nhà ăn (tại Khu B - vẫn thường tranh nhau bánh bao đường - bẻ đôi vứt bỏ bánh thịt). Nhớ các lớp nhỏ, bác Uyển phụ trách, khi các lớp lớn (lớp 5 - lớp 6) xuống chơi các em đã đập hết cả cầu chì làm phòng tối om... Nhớ những buổi chạy ra tắm sông Đào Hoa ( Một nhánh của sông Ly) mát lạnh. Dòng sông trong xanh, uốn khúc trôi êm ả giữa những dặng núi như cũng mang nặng tình thương mến của Thày trò, bạn hữu ). Nhớ lắm dốc đá to rộng ở dãy núi sau nhà học 3 tầng. Núi có nhiều bụi trúc, những nơi ấy ngày nghỉ hay leo trèo thám hiểm. ( Sau này có nhiều lần đi tàu hỏa qua ngoài “thị” vẫn nhìn thấy vách đá quen thuộc khiến nao nao trong lòng ....). 
Thời gian học ở trường TNVN Quế Lâm, tôi đã từng có năm là lớp phó, có năm tham gia BCH Đoàn Quả thật  những năm lớp 5, lớp 6 là đáng nhớ nhất. Vì chúng ta được dạy dỗ cả về đức, trí, thể, mỹ. Cả "hồng" cả "chuyên". Cứ 6 tháng lại được bác sĩ Đặng, cô Hoa khám sức khỏe 1 lần. Tôi nhớ khi đi Quế Lâm thị chơi, đã cùng 2 bạn nữa tập đi xe đạp. Ba người hai tiếng sau đều biết đi xe đạp cả. Xe đạp hồi đó quý lắm, được đi xe 1 vòng ở quanh hồ Hiệu bộ thì sướng lắm. Thực ra lúc ấy tôi còn ước mơ mua một chiếc đàn vi-ô-lông nhưng không đạt được vì bị “tính nhầm” tiền. Các bạn Xuân Nùng, Duy Khắc, Trần Lương... mua đàn học đàn rồi chơi hay lắm.
Hết Lớp 7, kết thúc cấp II, sau khi được về nước thăm gia đình chúng ta chuyển từ Quế Lâm xuống KHX Nam Ninh học tiếp cấp III ( Lớp 8), được một học kỳ thì Trường giải thể, học sinh được chuyển về học trong nước. Một số về các tỉnh xa, đa số học tiếp tại các trường ở Hà Nội như Chu Văn An, Việt Đức, Phổ thông III hoặc Nguyễn Gia Thiều ( Gia Lâm). Tôi học Trường Chu Văn An, lớp 8H. Ít lâu sau tôi cùng một số bạn theo tiếng gọi của Đoàn xung phong sang xây dựng và học tập tại Trường “cần công kiệm học” Nguyễn Gia Thiều. Ngoài việc học văn hóa chúng tôi còn vào nhà máy xe lửa Gia Lâm để học nghề (cụ Ngô Gia Khảm lúc đó là Giám đốc). Tối tối đi đẩy xe than từ bến Phà Đen (Thanh Trì) sang Gia Lâm để thêm tiền ăn học. Qua lớp 9, lớp 10, ở Trường Nguyễn Gia Thiều (bạn Xuân Hoài lúc đó cùng học, mà sao cả toán, văn bạn ấy giỏi lắm). Hết lớp 10, vẫn theo tiếng gọi của Đoàn (một lần nữa) chúng tôi lại xung phong thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I (Trâu Quỳ, Gia Lâm) giữa thời kỳ " Nhất Y , Nhì Dược" !
Thừa hưởng sự giáo dục của Thầy cô Trường Quế Lâm, tôi đã học tập và nỗ lực hoàn thành bậc Đại học sau đó được giữ lại giảng dạy ở Trường. Những năm dạy học ở Đại học Nông nghiệp I vừa khó khăn, vừa trưởng thành. Tôi luôn phấn đấu vì tinh thần giáo dưỡng của “Quế Lâm dục tài học hiệu”. Trong thời gian miền Bắc chống trả với chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ, các trường Đại học hoạt động hết sức khó khăn.Là giảng viên của trường Đại học Nông Nghiệp,tôi vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, vừa chỉ đạo sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở khắp các tỉnh miền Bắc. Tôi đã được vào Đảng, là Trưởng Bộ môn, được cử đi nghiên cứu sinh ở châu Âu từ 1968-1972.
Tháng 4/1972, tốt nghiệp với bằng Tiến sĩ nông học, tôi trở về nước trong lúc giặc Mỹ đang leo thang chiến tranh phá hoại hòng biến miền Bắc " trở về thời kỳ đồ đá !", tôi được phân công về Viện nghiên cứu. Tại đây tôi xây dựng bộ môn nghiên cứu đấu tranh sinh học đầu tiên của đất nước.
Năm 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. đất nước thhống nhất và bước sang giai đoạn xậy dựng trong hòa bình, các nhà khoa học nông nghiệp chúng tôi có điều kiện tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học cả ở các tỉnh, thành, trường học miền Nam.

Hơn 20 năm trong nghề nông nghiệp, trưởng thành từ thực tiễn, có chút ít đóng góp nhưng tôi vẫn chưa hài lòng trước thực trang ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đời sống của bà con nông dân nước ta nói chung còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện hoạt động trên một địa bàn rộng lớn, tôi ít có dịp gặp gỡ liên hệ với bạn bè cũ ở Quế Lâm.
Từ năm 1982, tôi chuyển sang Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, ở đây tôi lại có quá trình mới với quãng đời gần 20 năm quản lý khoa học (tại Vụ Khoa học Kỹ thuật địa phương, tại Trung tâm - Viện Nghiên cứu chiến lược khoa học, công nghệ và môi trường của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường).

Hiện nay 2 vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu đủ ăn với thu nhập là 2 lương hưu bậc Vụ, Viện trưởng ! Các con thành đạt cũng đang có cuộc sống hạnh phúc. Cháu đầu là gái, có 2 con trai, con đầu sinh năm 1991. Gia đình cháu có cơ ngơi định cư tại Odessa (Nga). Cháu trai cũng có 2 con , 1 gái, 1 trai, vợ chồng đều qua cử nhân luật, làm việc ở Bộ Khoa học và Công nghệ.
Từ khi chuyển môi trường làm việc - từ nông nghiệp sang quản lý khoa học công nghệ, về trung tâm thành phố, tôi đã có dịp tìm lại được thày cô và nhiều bạn bè cùng trường TNVN (1953-1957) . Không ngờ 40 - 50 năm gặp lại nhau vẫn gợi lại “bấy nhiều năm ấy biết bao nhiều tình” - những người bạn từ thuở nhỏ có một không hai, nhớ mãi. Thật cảm động khi gặp nhau nhìn nhau tóc bạc, râu dài, má hóp, nhiều bạn nghĩ mãi mới nhận ra, nhưng khi đã nhận ra nhau rồi thì ...Ội, vẫn là Mai Tâm, là Hữu Hùng, là Nguyên Hân, là Thế Long, là Nữ Hiếu, là Khoa Phi, là Thiếu Hiệu, là Trung Hải, là Bang Ngạn, là Lệ Thủy... thuở nhỏ đáng yêu đáng quý ấy. Vui sao những ngày hội Lớp lại gặp được các thầy các cô ( Theo cách gọi ngày ấy là các anh các chị giáo viên). Các thày cô tuy tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, nhưng những nét tận tụy, thân quen thì vẫn không thay đổi. Đó là  thầy Lại, cô Quế, thầy Quý, thầy Khôi, thầy Phương, Bác Cáp, thầy Tầng (ở Tâm Hư). Rồi hình ảnh cô Hứa Đồng Mai dậy tiếng Trung, y tá xinh đẹp Hồ Khải Hoa và nhất là nữ BS Đặng tận tuy " Vì học sinh Việt Nam thân yêu " những năm tháng ấy !
Nếu bây giờ có ai hỏi tôi : Cái đáng quý nhất mà tôi có được mấy năm học ở Quế Lâm dục tài học hiệu là gì ? Tôi xin trả lời : Các thày cô và bạn bè đã cho tôi một Ý chí vươn lên trong cuộc sống dù muôn vàn khó khăn, gian khổ. Và tình người nhân hậu thủy chung ....
Cảm ơn Trường, cảm ơn các thầy cô, cảm ơn các bạn. Xin nghiêng mình tưởng nhớ các thày cô và các bạn đã "đi xa" ...

Một số ảnh sinh hoạt Lớp có Ngọc Tiến
( Không in vào sách)
Vợ chồng bạn Nguyễn Ngọc Tiến mời cơm thân mật (2003)
Còn bạn Mai Tâm
Còn bạn Tiến Nguyên
Chụp ảnh kỷ niệm với gia đình bạn Ngọc Tiến sau liên hoan
Cùng du lịch Hạ Long (2007)
Hội viên tích cực của HTCCN

1 nhận xét:

  1. Cũng như bạn T.X.Diễn, Ngọc Tiến không có Blog cá nhân; nhưng Bạn rất nhiệt tình viết bài cho "Sách", cũng như tham gia hoạt động của Lớp, đặc biệt là Hội Cầu Ngà.
    Hôm vừa rồi Ng.Tiến điện thoại bảo sẽ gửi bài viết của bạn qua Email để tôi "chỉnh sửa" rồi "nộp bài" cho BBT. Vì lúc đó tôi đang đi xa HN (mất mạng) nên bảo Ng.Tiến gửi thẳng cho Q.Trung.
    Hôm nay được đọc bài của Bạn viết với lối kể chuyện mộc mạc, giản dị nhưng lôi cuốn với nhiều kỷ niệm thú vị.
    Tôi thấy khi in Sách, BBT cần chỉnh sửa một vài lỗi đánh máy (chính tả, chấm phẩy).

    Trả lờiXóa