ĐỂ TUỔI GIÀ MÃI XANH
Phạm Nhật Vựng
BBT- Thực ra anh bạn Phạm Nhật Vựng từ thời Lớp 5 LSQL đã là 1 cậu học sinh “ngoan hiền”, khác hẳn nhóm Bá Hoàng, Cát Hổ , Bang Ngạn, Nguyên Hân, Trương Trác …Cái vẻ ngoài trầm lặng ít nói của Nhật Vựng làm chúng ta lầm tưởng
Nhật Vựng sống “an phận thủ thường”, trung bình chủ nghĩa ! Trong những lần hội, họp Khối Lớp, Nhật Vựng thường ngồi phía sau, góc khuất .
Với trang phục chỉnh tề , dáng vẻ công chức mẫn cán, cộng thêm mái tóc bạc trắng như cước , Nhật Vựng bị không ít bạn gái nhận xét là “lạnh lùng” (?) Thậm chí cuộc Hội Lớp Tiên Sa mới đây còn có “người đẹp K5” rỉ tai cụ Nguyên Hân , hỏi : cụ ông đẹp lão kia là ai ấy nhỉ ?!
Sau lúc bế mạc Hội Lớp vừa rồi Nhật Vựng điện ngay cho Phó Mõ Trung Hải, trao đổi về ý định tham gia viết Hồi ký trên Blog và in sách . Chắc chắn Nhật Vựng sẽ có bài trong Tiểu mục “ Tuổi thơ tôi” để trả lời tất cả các cụ nào còn “ lơ tơ mơ” về anh bạn Phạm Nhật Vựng cựu HS 5B Lư Sơn-Quế Lâm dục tài học hiệu …
Còn từ ngày nghỉ hưu đến nay Phạm Nhật Vựng sống ra sao ? Bài viết sau đây của giả gửi về BĐH Blog từ thôn Đọ, Mỹ Hào ( Hưng Yên) sẽ giúp chúng ta hiểu hơn, thân thiết hơn và quý trọng bạn hơn !
Ngày 22 tháng 11 năm 1993, tôi nhận quyết định nghỉ hưu trở về quê cũ thôn Đọ xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên để sinh sống. Gặp lại mấy người bạn già tâm đầu ý hợp, chúng tôi rủ nhau lập hội chơi cây cảnh.
Thế là sự nghiệp chơi cây cảnh của tôi bắt đầu từ đó đến nay,
Mới đầu tôi xắn quần, cầm xà beng đi khắp bờ ao, bờ chuôm, bờ sông, xó vườn đào gốc cây về trồng. Khắp nơi trong thôn, trong xã và huyện, chỗ nào tôi cũng có mặt. Bất cứ cây gì trông thấy già và cổ là đào mang về vườn trồng lại: lộc vừng, duối, ổi, dâm bụt, chè dại, giành giành, sói, sếu, đa, đề mang về để đầy sân, đầy vườn. Cây mang về sống cũng nhiều mà chết cũng lắm. Tôi có làm bài thơ “Đào gốc cây về làm cây cảnh” như sau:
Ai ơi có biết đào cây
Mồ hôi thấm áo ướt đầy mình không
Mắt hoa ê ẩm lưng còng
Thế mà khấp khởi trong lòng mừng vui
Bạc vàng châu báu đầy rồi
Đem về trân trọng ta ngồi ngắm xem
Ai ơi cứ thử một phen
Đào cây làm cảnh mải quên tuổi già.
Tôi đào được một gốc cây lộc vừng thật to. Tôi mua một cái chậu to và đẹp đưa cây lên và bày giữa sân. Nhân sự kiện đó tôi có làm bài thơ: Đổi ngôi
Lộc vừng ngồi ở bờ ao
Uống sương đón gió ai nào biết đâu
Trải qua một cuộc bể dâu
Từ bờ ao nhỏ lên cầu vinh quang
Giữa sân ngồi ngự đoàng hoàng
Gốc cây to bự sánh ngang đất trời
Dây hoa khoe sắc đỏ tươi
Phúc lộc mang đến người người cầu mong
Kiên trì, nhẫn nại, miệt mài đào cây, trồng cây, cắt cây, tỉa cây, tưới cây với lòng ham mê vô hạn, kéo dài trong nhiều năm. Việc này được thể hiện trong một bài thơ của tôi dưới đây: Say sưa
Mười năm cần mẫn đào cây
Như kiến tha mãi cũng đầy vườn xưa
Nhọc nhằn nào kể sớm trưa
Vun vầy sắp núi nắng mưa một mình
Sợi dây duyên nợ ba sinh
Với cây với núi nặng tình sắt son
Còn trời, còn nước, còn non
Cây cây, núi núi anh còn say sưa.
Những gốc cây đào về trồng ngày càng nhiều, càng đẹp, tôi dần dần bán đi. Tích cóp tiền để nuôi con ăn học đại học, mua máy vi tính, mua xe máy cho con. Và tôi bán toàn bộ vườn cây để làm một cái nhà vườn 100 mét vuông. Kết quả này được thể hiện ở bài thơ sau:
Ở đời có chí thì nên
Câu ca xưa mãi vẫn bền trong tim
Sắt kia mài mãi nên kim
Cát kia đãi mãi cùng tìm vàng tươi
Chơi cây cũng thế ai ơi
Cứ chơi chơi mãi cuộc đời sẽ hên.
Cây đi đào về đã bán hết, cây hoang ở bờ ao, bờ chuôm, só vường cũng đã đào hết và nếu có thì cũng không ai cho nữa vì mọi người đã hiểu giá trị của nó. Bây giờ tôi phải tính cách khác. Phải xác định cây chủ của vườn và phải tự tay tiến hành trồng từ nhỏ. Cuối cùng tôi xác định cây Sanh là cây chủ của vườn và bắt tay đánh luống gieo hạt, trồng cây con từ cái tăm trở lên. Lần trồng cây này còn khó khăn hơn là đi đào gốc cây về trồng nhiều . Vì cần thời gian dài để cây lớn và phải uốn cây, cắt cây lặp đi lặp lại nhiều lần. Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó rồi hơn mười năm nữa đã trôi qua và bây giờ tôi lại có vườn cây đẹp. Tôi mua đá về và cho các cây xanh ôm đá thật sinh động. Cảnh đó được thể hiện trong bài thơ “Vườn cảnh”
Vui sao cây cảnh vườn ta
Trăm cây trăm gốc thật là đẹp xinh
Lộc vừng hoa đỏ lung linh
Gốc kia mốc mác hữu tình cổ xưa
Sanh già chẳng sợ nắng mưa
Rễ cây quấn quýt sớm trưa vui vầy
Đa đề chăm sóc hàng ngày
Duối đây quả chín vàng cây vào hè
Râm ra rộn tiếng ong ve
Lưa thưa hàng trúc hàng tre soi mình
Vườn ta phong cảnh hữu tình
Khi xem hoa nở, khi rình trăng lên
Tuổi cao chí khí càng bền
Cùng cây với cảnh đẹp yên tấm lòng.
Tóm lại khi về hưu, mỗi người phải tự tìm cho mình công việc và nguồn vui thích hợp.Với tôi, trồng cây cảnh là nguồn vui và công việc thích hợp nhất
Về hưu ta lại trồng cây
Dựng hòn non bộ xếp đầy vườn ta
Niềm vui tràn ngập tuổi già
Ngắm cây nhìn núi đi ra đi vào
Tâm hồn tinh khiết thanh cao
Trường thọ tự đến vui nào vui hơn
16.12.2012
Phạm Nhật Vựng
(Thôn Đọ, Mỹ Hào, Hưng Yên )
Bài viết của PNV, chỉ là chuyện của một ông già về hưu trồng cây cảnh. Nhưng khi bạn gửi cho tôi để đưa vào tập "Ngược dòng ký ức", tôi thấy hay và rất phù hợp (dù trong bài hình như chẳng có gì "liên quan đến LS-QL". Nhưng chỉ cần biết đây là chuyện "người thật việc thật" do bạn PNV tự kể chuyện của mình. Tự nhiên khi đọc chúng ta sẽ có dịp "ngược dòng ký ức" để nhớ lại anh bạn QL Phạm Nhật Vựng với bao nhiêu kỷ niệm ... (mà cụ Calathau có phác lại vài nét ở trên).
Trả lờiXóaQuê ngoại của tôi cũng chính là quê Vựng, bạn khá gần gũi với anh chị em chúng tôi. Vựng là một anh bạn hiền lành, hay giúp người... và khá thành đạt (đi NCS ở Đức, đã ngồi ghế Vụ trưởng rất sớm,...nhưng rồi cũng lắm thăng trầm. Rất mừng bạn vẫn là PN.Vựng với "chất Quế Lâm",một người bạn tốt của chúng ta và nay là một " Ông già trồng cây cảnh" thành đạt, có tâm hồn rất ... thơ.
Nhân đây xin tặng Nhật Vựng mấy vần:
Ghế cao, ghế thấp... qua rồi!
Chỉ còn đọng lại Tình Người mà thôi.
Về hưu, thanh thản với đời
Một vườn cây cảnh, giữa trời... mênh mông.