Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

48. ĐINH CÔNG KỲ - BÀI CHỌN IN SÁCH (Bài 2&3)



(Bài 2.)“CHỨC” LỚP TRƯỞNG 
              VÀ NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP 
VỀ CÁC ANH CHỊ GIÁO VIÊN Ở QUẾ LÂM.
                                                                       
                                                                                           Đinh Công Kỳ
  Tôi nhớ vào mùa thu 1954, các bạn ở Lư Sơn xuống, còn  một số chúng tôi ( Huy Túc, Tài Đức, Đinh Kim Lân, Nguyệt Nga, Thúy Kim, Dục Tú….) trước ở QL xuống KHX, rồi lại quay lên QL. Chúng ta tập hợp thành lớp 5.
         Lớp 5A trước đó do Tiến Nguyên làm lớp trưởng. Cũng vào thời gian đó ở trường bắt đầu tổ chức Đoàn Thanh niên Lao Động. Tiến Nguyên sang làm bí thư Thanh niên. Lớp 5A cần một lớp trưởng.
         Chức lớp trưởng thì chẳng có gì đáng nói, nhưng cách thức giáo dục một con người, khơi dậy thiện chí và lòng yêu quý đồng đội của các anh chị giáo viên thì làm tôi nhớ mãi.
         Lúc bấy giờ tôi là một học sinh thuộc loại ba gai. Vì có sức khỏe nên dường như tôi là anh đầu xỏ trong tốp học sinh ba gai.

         Chủ nhiệm 5A là anh Tuấn. Sau này tôi mới nghĩ lại : Việc chọn một học sinh chăm ngoan để làm lớp trưởng thì rất dễ dàng. Nhưng trong lớp có một số bạn ba gai, cần có một người có thể vừa “nói chuyện” được với các bạn chăm ngoan vừa có thể “nói chuyện“ được với các bạn ba gai. Đã một vài lần anh Tuấn gặp tôi bảo tôi làm lớp trưởng. Tôi ngang ngạnh từ chối, tôi vẫn là một thằng  ba gai mà. .
       Một hôm, không biết các bạn đi đâu vắng hết, chỉ còn tôi ở nhà, đang lúi húi làm việc gì đó. Anh Tuấn bước vào, anh cũng không nói gì với tôi, anh đi qua đi lại, đứng xem tờ báo tường rồi bước ra cửa sổ lơ đãng nhìn xuống sân. Rồi bỗng anh ngâm nga một bài thơ, anh ngâm đi ngâm lại, rất tâm đắc, tha thiềt,  như đang tâm sự với chính mình.  …tôi lắng nghe,  và rất ngạc nhiên vì đó chính lại là bài thơ tôi viết trên báo tường. Tôi bỗng cảm thấy sung sướng,  tự hào và…yêu anh Tuấn vô cùng.  Tôi cảm thấy như anh Tuấn rất yêu quý mình, rất hiểu mình và rất tin tưởng mình.
     Một hai hôm sau, anh Tuấn gọi tôi vào phòng, anh đặt lại vấn đề tôi làm lớp trưởng,  tôi bỗng bối rối, cảm thấy thật khó nói, không thể nào ương bướng với một người yêu quý mình, thân thiện với mình như vậy. Tôi không biết nói gì, mồm lí nhí: Em thấy khó quá sợ không làm được. .. Anh từ tốn: Em nhanh nhẹn, mạnh mẽ, rất có bản lĩnh, nhất định em làm được, nếu có khó thì anh sẽ giúp em.   Và từ một học sinh ba gai tôi bỗng trở thành lớp trưởng. Các bạn ba gai đầu tiên có vẻ cười tôi nhưng rồi các bạn có lẽ …cũng nể và ngại đụng độ nên tất cả đều vui vẻ. Chính vì vậy, cho đến nay một số bạn gặp tôi vẫn nhắc lại việc này và nói đùa là anh Tuấn đã lấy độc trị độc.
     Tôi còn nhớ có một lần đi tắm sông. Sông Ly ở đoạn đó có một kè đá chắn nước ngang sông và có một guồng lấy nước ngày đêm quay đều. Bình thường nước thấp hơn mặt kè, nước chỉ chảy qua guồng nước. Hôm đó nước lớn, ngập mặt kè, hạ lưu kè nước chảy xiết. Bạn Bang Ngạn đi trên kè bị trượt chân và  trôi xuống hạ lưu. Bang Ngạn bơi giỏi, bạn ấy cứ nhằm thẳng hướng kè mà bơi vào, nhưng nước chảy quá xiết, không sao vào được, càng bơi nước càng đẩy xuống xa. Chúng tôi đứng trên kè nhìn không biết làm cách nào. Thấy Bang Ngạn bắt đầu hoang mang và đuối sức, anh Tuấn đã nhảy xuống, bảo Bang Ngạn bám vào cổ rồi anh lựa dòng nước đưa Bang Ngạn vào bờ. Tôi nhớ mãi hình ảnh dũng cảm và mưu trí của anh Tuấn đã không quản nguy hiểm cứu được Bang Ngạn giữa dòng nước chảy xiết.
      Sang lớp 6A, chị Quế làm chủ nhiệm. Chị Quế là người chị hiền từ và tận tâm dạy dỗ chăm sóc chúng ta. Trong thâm tâm chúng tôi, chúng tôi vừa coi chị như một cô giáo vừa coi chị là người chị hiền trong gia đình. Tôi vẫn làm lớp trưởng. Có một lần trong lúc trang trí bàn thờ tổ quốc vào dịp tết. Tôi và một bạn trong lớp nói qua nói lại, cái máu ba gai của tôi nổi lên, tôi giơ thẳng tay tát bạn ấy một cái. Ngay lập tức sau đó tôi rất hối hận, tìm ra một chỗ vắng người và đứng khóc dấm dứt. Toàn bộ việc này đến tai chị Quế. Tôi biết là chị đã biết, và chắc sẽ gọi tôi lên cho một trận. Mấy hôm ấy tôi rất ngại gặp chi.  Mỗi khi đối diện là tôi lại tìm cách tránh mặt. Chắc chắn là chị biết rõ tư tưởng của tôi.  Chi không nói gì. Vẫn cư xử với tôi bình thường. Mấy ngày sau, nhân một lần gặp chị để nhận công việc của lớp, nói chuyện xong, tôi lý nhí nói với chị: Hôm trước em có lỗi...Vừa nói đến đấy chị ngắt lời tôi : Chị biết rồi, và chị biết là em đã rất ân hận về việc này.  … Chỉ một câu như vậy thôi nhưng đối với tôi bằng cả một bài thuyết giáo dài dòng. Chỉ một câu thôi nhưng tôi biết là chị vẫn tin tôi, vẫn tin ở khả năng tự nhận biết và điều chỉnh của mình. Nói rộng ra, đối với người có lương tâm, nhất là với người đàn ông, khi người đó có lỗi và đã biết lỗi thì hãy để tự người đó suy nghĩ và điều chỉnh. Càng nói dài dòng càng làm cho vấn đề trở nên căng thẳng hơn
         Sau này, sau khi đã nghỉ hưu, trong thời gian làm việc tại một công ty của Đài Loan ở TPHCM, phụ trách hành chính, nhân sự, tôi đã gặp một trường hợp: Một cô nhân viên người Hoa làm thủ kho, cô là người hiểu biết, làm việc rất chăm chỉ và hiệu quả nhưng cô có một cố tật là luôn luôn đi muộn, mỗi ngày chỉ đi muộn 5-10 phút thôi, song ở một công ty nước ngoài thì việc đó không thể chấp  nhận được. Ông tổng giám đốc phải viết một bức thư cảnh cáo và giao cho tôi trực tiếp gặp đương sự để đưa bức thư và xét trừ tiền thưởng cuối năm của cô ta. Tôi cầm bức thư và gọi cô thủ kho lên gặp ở văn phòng công ty, trong tay tôi là một bảng thống kê rất đầy đủ những ngày mà cô đi muộn.  Vừa bước vào phòng,  cô thủ kho nói ngay:  Cháu có lỗi  hay đi muộn, cháu rất xấu hổ… Tôi nhớ lại cách làm việc của chị Quế trước đây, với một người hiểu biết và đã biết lỗi của mình thì không nên nói gì nhiều. Tôi mời cô thủ kho ngồi. Đưa bức thư của ông TGĐ rồi nói rất ngắn gọn:  Cháu đã biết lỗi, cháu phải cố sửa, đáng lẽ hôm nay chú công bố trừ tiền thưởng của cháu, nhưng chú tin là cháu sẽ sửa được. Sau đó tôi hỏi thăm tình hình gia đình con cái của cô như một người bạn.
       Từ đó và suốt 5-6 tháng cuối năm cô không đi muộn một lần nào nữa. Có hôm cô vừa bấm xong thẻ thì chuông reo. Cô len lén nhìn tôi đầy vẻ bối rối. Một buổi sáng cuối năm, ngay sau ngày phát thưởng, cô đi rất sớm, bước nhanh qua chỗ tôi rồi dúi vào tay tôi một cái phong bì. Tôi giật mình, nếu trong này là tiền thì tôi sẽ phải lập tức lập biên bản và tôi cũng có liên quan. Ở công ty nước ngoài người ta nghiêm cấm việc này.  Tôi giở phong bì ra, may thay đó chỉ là một mảnh giấy nhỏ viết vắn tắt: “ Con được thưởng loại A, con cảm ơn bố rất nhiều. Tết này con sẽ mua cho các con con mấy món đồ thẫt đẹp và nói là ông ngoại Kỳ cho cháu”. Tôi cười một mình và nhớ lại hình ảnh chị Quế ngày nào.
         Sang lớp 7a, anh Qúy làm chủ nhiệm. Anh Quý là một nhà giáo giỏi, tận tụy, hiểu sâu tâm lý của học sinh. Về cá tính, anh là một người giầu nghị lực, kiên trì phấn đấu đến mức khắc khổ.  Ngoài công việc giảng dạy, tôi nhớ mãi những đêm nghe kể chuyện, anh Quý cầm trên tay một quyển sách dày cộm, đó là tác phẩm “ Những người khốn khổ” bằng tiếng Pháp. Anh vừa nhìn vào sách vừa  thao thao bất tuyệt  kể lại bằng tiếng Việt. Lúc đó có lẽ anh Quý cũng chỉ độ 25-26 tuổi.  Không biết làm cách nào và thời gian nào anh đã đạt đến trình độ thông thạo ngoại ngữ như vậy. 50 năm qua, nhiều bạn chúng ta đã đi học ở nước ngoài hoặc sống ở nước ngoài hàng chục năm, không biết có ai có thể làm được việc tương tự như vậy?. Bản thân tôi đã sống ở Treung Quốc gần 12 năm. Có một thời gian, khi làm việc với anh Minh Đức, để sớm có sách và để tận dụng thời gian của cả người dịch và người đánh máy. Chúng tôi cũng đã dịch theo kiểu nhìn sách và dịch vào băng ghi âm rồi có người đọc băng ghi âm đánh máy lại. Thú thực cứ  vài ba câu tôi lại phải tắt máy, cho dừng lại để có thời gian xem sách. Không thể làm theo cách kể chuyện như anh Quý được. Những lúc như vậy tôi cứ ước ao giá mình được như anh Quý 50 năm trước đây. 
         Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường LSQL, tôi xin ghi lại một phần rất nhỏ trong rất nhiều những kỷ niệm tốt đẹp về các anh chị giáo viên của chúng ta.


 (Bài 3) MÀY CÒN NỢ TAO 100 ĐIỂM KHĂNG


Hồi ấy, ở Quế Lâm, bọn con trai chúng tôi rất thích đánh khăng. Cứ hết giờ tự học mà trời nắng ráo là chúng tôi ra sân chơi khăng. Tôi hay chơi với thằng Hưng. Hưng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thường thì Hưng luôn thắng tôi. Ngay trước ngày về Khu học xá chúng tôi cũng chia tay nhau bằng một ván khăng. Tôi lại thua 100 điểm. Hưng giao hẹn:
-         Mày còn nợ tao 100 điểm. Vể KHX chơi tiếp nhé.
-         Được ! và tao sẽ thắng.  
   Bẵng đi gần 10 năm sau, chuyến tàu hỏa liên vận về cách Hà Nội khoảng 40 km thì nhận được tin đường ray bị máy bay Mỹ đánh hỏng, phải chuyển sang đi bằng ô tô. Khi mọi người lục tục tay xách nách mang xuống xe ở trường Bách Khoa thì tôi bỗng nhân ra Hưng. Hưng cũng hét to:
- Kỳ !
Chúng tôi bắt tay nhau. Hưng xởi lởi:
- Mày ăn cơm Tàu có khác, béo thế.
Tôi nhìn Hưng, bây giờ Hưng đã là một chàng trai vạm vỡ, trắng trẻo, trí thức. Hưng vẫn luôn vui vẻ:
-         Mày còn nợ tao 100 điểm khăng, hôm nào mình tìm chỗ chơi nhé!
-         Không có vấn đề và tao sẽ thắng mày. 
   Lại gần 10 năm nữa trôi qua. Tôi đi công tác Nam Hà và trở về bằng tàu hỏa. Khi vừa xuống ga Hàng Cỏ, trong ánh sáng mờ mờ của đèn ga, tôi thấy một đoàn bộ đội đi vào, ba lô nặng trĩu, quần áo Tô Châu mồ hôi nhễ nhại. Đang bước trên ga bỗng có người gọi tôi:
-         Kỳ !
   Tôi quay sang, nhận ra Hưng, nó đen đủi, rắn chắc. Hưng ào tơi ôm tôi, chiếc mũ cối trên đầu nó suýt nữa thì rơi xuống. Tôi hỏi Hưng:
-         Mày đi đâu thế?
Hưng trả lời gọn lỏn:
-   Đi giết người. Rồi nó lại vô tư nói tiếp: - Mày còn nợ tao 100 điểm khăng, khi nào vào Nam chơi tiếp nhé.
-         Nhất định rồi và tao sẽ thắng.
     Những người cuối cùng của đơn vị đã bước đến gần toa tàu, đồng chí chỉ huy đơn vị nhắc nhở: - Đồng chí Hưng về hàng ngũ. Hưng vội vã quay đi.                            
                                                ***
  Tôi xuống xe, xách cặp lên thang máy đến lầu 9 một tòa cao ốc ở trung tâm Sài Gòn. Vừa bước ra khỏi thang đã nhận ra Hưng. Hưng cũng như tôi trong bộ comple đen, cà vạt nổi bật. Tôi reo lên: Hưng ! Hưng chậm rãi bước đến, mái tóc hoa râm nhưng trông người thật đường bệ, đĩnh đạc. Chúng tôi lại ôm nhau. Tôi hỏi:
       - Bây giờ mày làm gì? Hưng móc cặp đưa tôi một tấm danh thiếp, chưa kịp xem Hưng đã nói:
-         Trưa nay mày có rảnh không, chúng mình đi ăn cơm?
  Tôi phải xin lỗi vì trưa nay tiếp khách nước ngoài. Giọng Hưng bỗng hơi khác, dường như cố cho thật vui vẻ, nhưng mắt thì hơi buồn:
-         Mày còn nợ tao 100 điểm khăng, hôm nào kiếm chỗ chơi nhé.
-         OK  và tao sẽ thắng mày.
Hưng nhìn đồng hồ rồi vội vã bước đi. 
                                                 ***
    Tôi nằm bệnh viện Thống Nhất đã 3 hôm nay, chiều nay sau khi ăn cơm và làm thuốc, tôi xuống sân ngồi hóng gió. Bỗng thấy một người quen, là Hưng. Chúng tôi ngồi sát nhau, tôi hỏi:
-         Mày nằm viện lâu chưa?
-         Hai tuần rồi…
      Cả đời chúng tôi chẳng bao giờ được chuyện trò thảnh thơi như lúc này. Chúng tôi kể cho nhau nghe quãng đời sau Quế Lâm. Rồi bỗng Hưng đưa mắt nhìn quanh khu vườn hoa :
-         Chỗ này đánh khăng được đấy chứ ?
Tôi đồng cảm. Chắc là Hưng thật lòng nghĩ như vậy.
Hưng hỏi tôi:
-         Hồi ở Quế Lâm mày học lớp mấy?
  Tôi trả lời và thấy hơi ngượng, vì cho đến nay tôi cũng không biết Hưng ở lớp nào.
     Hai hôm sau, Hưng điện thoại cho tôi:
-         Báo tin vui cho mày, tao đang làm thủ tục xuất viện, mày sang chơi đi.
   Trước khi ghé sang, tôi qua phòng bác sỹ trưởng khoa hỏi han và biết được tình hình của Hưng.
  Xe nhà Hưng đến đón, có cả vợ con và vài đứa cháu. Tôi tiễn ra tận cổng. Hưng quay lại:
-         Hôm nào đến nhà tao chơi khăng nha, mày còn nợ tao 100 điểm, không được xù đâu nhé. 
  Tôi gật đầu và cố không để cho dòng nước mắt chảy ra. Tôi biết lần sau đến gặp Hưng sẽ phải mang một vòng hoa và tôi đành mãi nợ Hưng 100 điểm khăng.
--------------------------------------------------------
Nguồn : dinhcongky.blogspot.com

3 nhận xét:

  1. Chuyện những cách dạy dỗ của thày cô giáo chúng ta đã thấm vào bạn và được thể hiện đến lúc trưởng thành làm tôi vô cùng xúc động. Trong tận cùng ý nghĩa của những kỷ niệm đó là tính nhân văn thật cao cả. Đấy chính là nguyên nhân sâu xa nhất để chúng ta yêu quý đến mức tôn thờ trường cũ của mình ! Xin cảm ơn bạn !

    Trả lờiXóa
  2. "Một trăm đểm khăng" đúng là một chuyện ngắn thật hay. Chẳng ai sắp đặt được cả, chỉ có TRỜI thôi Công Kỳ ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh14:02 2/8/13

    Tôi nghĩ rằng , khi cuốn " Ngược dòng ký ức " ra mắt bạn đọc, chắc nhắn sẽ có rất nhiều người vừa đọc vừa rưng rưng nước mắt ,vừa cảm phục , yêu quí những thầy giáo cô giáo và những con người như tác giả Kỳ Gai cùng nhiều bạn một thời K5 của chúng ta. Tôi cứ đinh ninh , cuốn sách sẽ là tài sản tinh thần vô giá không những chỉ của mấy người bạn già sống bằng những kỷ niệm xa lắc xa lơ...

    Trả lờiXóa