Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

ĐẠI HÂM

Văn bản 'cấm quay phim CSGT' gây tranh cãi

Cảnh sát giao thông sẽ "kiên quyết đấu tranh làm rõ" bất kỳ ai quay phim, chụp ảnh lực lượng này làm nhiệm vụ. Nếu phát hiện đúng là nhà báo, cảnh sát sẽ thông báo về cơ quan chủ quản...

Đó là một số nội dung trong văn bản mà đại tá Trần Sơn Hà phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) chỉ đạo phòng cảnh sát giao thông các địa phương phải thực hiện trong thời gian vừa qua.
Văn bản, được ký ban hành ngày 26/4 viết: Thời gian gần đây trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đã xuất hiện một số đối tượng vi phạm dùng các mối quan hệ để tác động xin xỏ, thậm chí chửi bới, lăng mạ, chống lại người thực thi công vụ hoặc giả danh phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng CSGT.
van-ban-vi-pham-1377073356.jpg
Văn bản của Cục CSGT đường bộ - đường sắt khiến nhiều người hiểu rằng, nhà báo và người dân muốn quay phim chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ phải xin phép cảnh sát.
Ảnh minh họa: CSGT xử lý xe vi phạm trên đường Xuân Thủy. Ảnh: Bá Đô.
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận đã xảy ra việc một số đối tượng giả danh nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. C67 cho rằng việc này tuy không mới nhưng “phức tạp và khó lường”. 
Văn bản này yêu cầu các đơn vị “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ,.hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ.Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Văn bản trên được ban hành đã gây tranh cãi trong dư luận. Phần lớn người dân cho rằng đây là quy định trái luật. Việc phải xin phép trước khi chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là bất hợp lý vì vi phạm quyền của công dân và hạn chế trong việc phát hiện ra những tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp cho biết, chưa có thời gian đọc văn bản gây tranh cãi nói trên. Nếu văn bản có vấn đề, Cục sẽ lên tiếng và có động thái cụ thể.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề trênluật sư Phạm Thanh Bình (Văn phòng luật Hồng Hà) nhận định, đây là văn bản nội bộ, không phải văn bản pháp quy cho nên không có giá trị áp dụng với các đối tượng khác ngoài lực lượng cảnh sát giao thông. Tuy nhiên qua những nội dung trong văn bản thì có thể khẳng định đây là loại văn bản trái pháp luật,  xâm phạm đến quyền giám sát của công dân, trái Luật báo chí, cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo.
"Ngay các cuộc họp quan trọng của Quốc hội, nhà nước còn truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi, giám sát, nay cảnh sát giao thông làm việc ngoài đường lại sợ bị ghi hình là vô lý, vì vậy vị Cục trưởng cho rằng văn bản này không sai thì chỉ là sự ngụy biện", luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo luật sư Bình, Bộ Công an, Cục Kiểm tra văn bản cần vào cuộc và hủy bỏ ngay văn bản trái pháp luật này để tránh khỏi những phản ứng dữ dội và hiểu lầm từ phía người dân.
Trả lời VnExpress.net, đại tá Trần Sơn Hà, phó Cục trưởng, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, người ký văn bản trên cho biết, đây là văn bản chỉ đạo nghiệp vụ nội bộ chứ không phải văn bản cấm đoán nhân dân chụp ảnh, ghi hình, do vậy người dân có thể chụp ảnh, ghi hình theo quyền của mình và gửi những hình ảnh tiêu cực đó cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Theo ông Hà, ý đồ của văn bản này là để giúp cảnh sát giao thông làm việc tốt hơn, vì thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp giả danh nhà báo gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng cảnh sát giao thông.
Giải thích thêm về văn bản gây hiểu lầm do mình ký, ông Hà  nói, quay phim chụp ảnh là quyền và nghĩa vụ của nhà báo, lực lượng cảnh sát giao thông không được phép can thiệp, tuy nhiên khi phóng viên tiếp xúc, phỏng vấn thì phải được sự đồng ý của cảnh sát giao thông và người được phỏng vấn phải tổng hợp báo cáo cấp trên xin chỉ đạo mới được phép trả lời.
Trước đánh giá của dư luận về việc văn bản trên là trái luật, đi ngược với Hiến pháp năm 1992... ông Hà khẳng định, văn bản trên không có gì là sai, việc nhận xét đánh giá theo chiều hướng như thế nào là việc của dư luận, "quan điểm của Cục thì đây là chỉ đạo nội bộ của ngành nhằm xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông tốt hơn và phòng ngừa các đối tượng giả danh nhà báo như một số vụ vừa qua các báo đã đưa"
                                                                                                           Bá Đô
_________________________________________
Theo vnExpress 

Quy định 'xin phép CSGT mới được chụp ảnh' là sai trái

Theo Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, Công văn 1042 của C67 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. Công dân có quyền quay phim, chụp ảnh CSGT mà không cần ai cho phép.
Việc quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ là
hoạt động hết sức bình thường của mọi công dân. Ảnh: HTD
Ngày 21/8, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có kết luận ban đầu về Công văn số 1042/C67-P3 của Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an).
Theo Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Lê Hồng Sơn, chỉ đạo của công văn này nêu ra hai nhóm hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “hành vi chống đối CSGT” và nhóm hành vi “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm (XLVP) khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ”. Điều này thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.
Theo đó có thể hiểu khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động TTKS, XLLVP buộc phải “được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ. CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định là “được phép” hay chưa để xác định “đúng là nhà báo hay giả danh nhà báo” đã không phù hợp với các quy định hiện hành về quyền của nhà báo (hoặc người dân) khi quay phim, chụp ảnh.
Theo Tiến sĩ Sơn, pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân, phóng viên quay phim, chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ. Về nguyên tắc, cán bộ, chiến sĩ công an khi thi hành nhiệm vụ, công vụ duy trì trật tự an toàn giao thông đường bộ được giao phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Qua rà soát, Cục Kiểm tra VBQPPL chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ nếu không thuộc trường hợp cấm, hạn chế. Như vậy, việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT không phải hành vi bị pháp luật cấm.
“Hơn nữa, cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo”, ông Sơn khẳng định.
Cạnh đó,  công văn 1042 của C67 quy định  “nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”. Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng điều này càng thể hiện rõ hơn việc trao quyền cho CSGT truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng nhà báo” hay “giả danh nhà báo”. Nội dung này cũng giao quyền tập hợp thông tin (hồ sơ) để thông báo cho cơ quan chủ quản là không phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng CSGT khi TTKS, XLVP.
Mặc khác, quay phim hay chụp ảnh CSGT khi đang thực thi công vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
“Đây thực chất là ghi hình người thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường, không cần phải được CSGT hay bất kỳ cá nhân nào có mặt ở nơi công cộng này “cho phép”. Đó là hoạt động giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ hết sức bình thường của mỗi công dân. Nhờ những hoạt động giám sát đó mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý” – Tiến sĩ Sơn nhận định.
Theo phân tích của Cục Kiểm tra VBQPPL,  Luật báo chí hiện hành quy định một trong những nhiệm vụ của báo chí là phát hiện, biểu dương gương tốt, nhân tố mới, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực khác. Nhà báo có quyền khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Khi nhà báo tác nghiệp đúng luật báo chí thì không ai có quyền ngăn cản, truy xét.
Đối với mọi công dân khác (ngoài nhà báo), quay phim, chụp ảnh không phải là hành vi sai trái. Người dân hoàn toàn có quyền thực hiện việc này nếu không thuộc trường hợp pháp luật cấm hoặc hạn chế. Cũng không phải vì người quay phim, chụp ảnh “không phải nhà báo” mà dễ dàng quy kết là “giả danh nhà báo”.
“Việc xác định một công dân quay phim, chụp ảnh là nhà báo hay giả danh nhà báo tại nội dung công văn số 1042 là điều không phù hợp với chức năng, thẩm quyền, của CSGT khi đang TTKS, XLVP”, ông Sơn cho hay.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: Xét về thẩm quyền thì những nội dung liên quan đến việc định “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cũng như việc xác định người quay phim, chụp ảnh là “nhà báo” hay “giả danh nhà báo” tại văn bản 1042 không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo C67.
Từ những phân tích nên trên, Cục Kiểm tra VBQPPL thấy rằng công văn 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý. Việc xử lý văn bản này trước hết thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (C67, Vụ Pháp chế, lãnh đạo Bộ Công an). Trường hợp Bộ Công an không xử lý thì Bộ Tư pháp sẽ thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định của Chính phủ.
                                                                                                 Thanh Lưu
                                                                                               (Theo Tri Thức)

1 nhận xét:

  1. Có vấn đề nên mới sợ bị quay, chụp. Văn bản này thể hiện sự lạm dụng chức quyền, coi thường quyền con người của công dân, coi thường pháp luật ... lại còn ngụy biện! Đọc tức anh ách!

    Trả lờiXóa