Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

HỒI KỶ CỦA 1 CỰU HS LỚP 1(Phần 1)

HÀNH TRÌNH THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA 
Hồi ký: Nguyễn Ngọc Hùng 
(Cựu HS Lớp 1)

Đôi lời về tác giả 
Bạn Nguyễn Ngọc Hùng Lớp 1
Nguyễn Ngọc Hùng, tác giả thiên hồi ký “Hành trình thăm lại trường xưa” là cựu HS Lớp 1 (1953). Bạn tham gia sinh hoạt với Hội QL MN mới vài ba năm nay nhưng đã gây được nhiều thiện cảm của mọi người. Đó là ngoài sự hòa đồng đậm chất QL còn là vì bạn nhớ và thuộc rất nhiều bài hát thời Dục tài học hiệu và thời KC 9 năm . Trong những lần gặp mặt đông đủ bạn thường xung phong lên “cầm càng” và "làm mồi" cho mọi người cùng hát. Phong cách này rất giống K5 chúng ta !  Hùng thỉnh thoảng có vào Blog lusonquelam “đọc chùa”. Hôm dự Kỷ niệm Trường ta 60 tuổi tôi mời Hùng tham gia viết bài, không ngờ Hùng rút ra tập hồi ký đánh máy vitính sạch sẽ, khoe, đây, tôi có viết hồi ký kể lại chuyện hơn nửa thế kỷ trước chúng ta lên Lư Sơn, về Quế Lâm , rồi xuống Nam Ninh, anh xem thì tôi chuyển qua E-Mail cho anh. Tôi đồng ý và cảm ơn Hùng, mong nhận được sớm. Vào trưa hôm sau tôi mở vi tính vào hộp thư liền thấy Hùng đã gửi đúng như lời hứa. Tôi trả lời anh “đã nhận được” và bắt đầu dán mắt vào màn hình đọc. Thì ra đây là Hồi ký Hùng viết từ cảm hứng sau chuyến hành hương về Trương xưa từ ngày 15-23/8/2008 cùng 1 đoàn gồm 8 bạn đồng môn và thày Toàn, giáo viên Thể dục ! .

Hồi ký chia làm 3 phần ghi theo 3 địa điểm là Lư Sơn, Quế Lâm và KHX Nam Ninh với những tình tiết sống động đưa người đọc trở về miền ký ức xa thẳm biết bao êm đềm. (Xin nhớ, vào thời điểm đến Lư Sơn (11/1953) Hùng mới chỉ là cậu bé 7 tuổi, học Lớp1!)
Thú thật chỉ sau khi đọc Hồi ký của  Nguyễn Ngọc Hùng tôi mới tìm hiểu về anh.
Nguyễn Ngọc Hùng, sinh năm 1946, đến Lư Sơn năm 1953, vào lớp 1.
1954- 1957 học tại Quế Lâm. 1958 học Khu học xá Nam Ninh, rồi về nước mùa hè năm ấy.
- Làm việc tại Bộ Công an từ 1964 đến 1997 nghỉ hưu.
- Học tiếng Arab và nghiên cứu Kinh Qoraan tại Cairo và Baghdad.
- Hiện nay chuyên nghiên cứu về Arab, Hồi giáo và Trung Đông.
                                                                                  ( Calathau Quang Trung Vũ )

BĐH- Đã từng có nhiều đoàn hành hương về thăm lại trường xưa. Một số cụ đã ghi lại bằng những trang hồi ký cảm động. Mỗi người góp một mảng, tổng hợp lại thành bức tranh toàn cảnh chân thực nhất sống động nhất về Trường xưa thân yêu của chúng ta. Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Thành lập Trường xin vui mừng trích giới thiệu hồi ký của bạn cựu HS Lớp1 Nguyễn Ngọc Hùng.


Không hiểu sao, với tôi, Lư Sơn lại sâu đậm hồi ức đến thế?
Có lẽ vì Lư sơn ngày ấy và bây giờ, sau 55 năm trở lại, cảnh vật không thay đổi bao nhiêu, khiến ký ức cứ ùa về như mới xa nhau ngày nào gần lắm.
Khi đến Lư Sơn năm 1953, tôi nhớ là vào mùa thu rồi. Việc đầu tiên là khai tên tuổi và trình độ học để xếp lớp. Tôi thấy nhiều bạn khai sinh năm 1944, thế là tôi cũng nói sinh năm 1944. Quả thực không biết mình sinh năm nào. Đến khi xuống Quế Lâm, tôi nhận được thư nhà, biết là mình sinh năm 1946. Tên nguyên là Nguyễn Ngọc Hùng, nhưng thấy có Đỗ Thế Hùng, nghe hay hay, tôi cũng khai tên là Nguyễn Thế Hùng. Cái tên ấy theo tôi suốt cả thời gian học ở Trung Quốc. Đến khi về nước, năm học 1957- 1958 mới chỉnh lại theo giấy khai sinh gốc. Rồi chuyện học. Tôi thực chưa từng đi học bao giờ. Trước khi đi TQ, tôi ở với mẹ tại Cao Vân, Đại Từ, Thái Nguyên, trong một căn nhà lá đơn độc nép dưới rừng nứa gần đường cái. Mới 7 tuổi, làm gì đã đi học đâu. Chỉ có một anh người Tày nhà gần đấy, đang học lớp 4, dạy cho viết chữ. Tôi còn chưa biết các dòng kẻ trên tờ giấy để làm gì, thế là cứ viết xiên viết xẹo. Chữ viết chưa rành. Chưa hề học làm tính. Vậy mà thấy nhiều bạn khai lớp 2, tôi cũng “lớp 2”. Tuy nhiên, chỉ sau một bài kiểm tra, tôi bị loại ngay xuống lớp 1. Quá may, vì không phải xuống hẳn vỡ lòng! Thế mà đã 55 năm rồi đấy!

Khi xe dừng lại trong thung lũng, chúng tôi nhận ngay ra tòa nhà 6 tầng vẫn y nguyên dáng vẻ bề ngoài của 55 năm trước trên lưng chừng núi. Có khác chăng là dường như rừng cây rậm rạp hơn. Đúng rồi, bởi khi chúng tôi học ở đây, dưới thung lũng còn có một khu đất trống làm sân vận động. Bây giờ, diện tích ấy đã biến thành vườn cây um tùm xen lẫn những bồn hoa rực rỡ. Rừng thông bao quanh tòa nhà dường như cũng ken dày và già dặn hơn xưa.
Có thể hình dung thung lũng trường Lư Sơn xưa như một cái dạ dày dài theo hướng đông- tây. Đường vào duy nhất ở hướng đông. Thung lũng chỉ dài chừng vài trăm mét thì thắt lại ở phía tây, rồi biến lên rừng núi đại ngàn bằng con đường nhỏ. Có lẽ khúc rộng nhất của thung lũng cũng chỉ chừng trăm mét.
Từ lòng thung lũng lên tòa nhà 6 tầng đếm được 82 bậc xi măng. Cứ khoảng 20 bậc lại một chiếu nghỉ rộng rãi, để lấy sức leo tiếp.
Đứng ở chiếu nghỉ trên cùng nhìn xuống khắp thung lũng hẹp, ký ức cứ thế ào về. Đối diện với nhà 6 tầng, hồi ấy nam sinh ngủ ở đó, là khu nhà nữ ở sườn núi bên kia thung lũng. Tôi chưa đến khu nhà nữ lần nào. Nhưng khu nhà ấy liền kề với khu bệnh xá mà tôi đã có dịp lưu lại vì bị sốt cao. Tôi còn nhớ khu nhà ấy cũng ở lưng chừng núi, phải leo lên với nhiều bậc thang, nhưng không cao như nhà 6 tầng bên này. Khu nhà bên ấy không phải chỉ có một tòa kiến trúc, mà gồm một vài kiến trúc ít tầng hơn và nhỏ hơn. Nối các kiến trúc ấy với nhau là dãy hành lang lợp ngói cổ, với những hàng cột sơn son như chốn cung đình. Một dòng suối uốn lượn theo chiều dài của thung lũng, chảy hướng đông- tây. Dòng cuối ấy bám vào chân dãy núi đối diện với khu nhà 6 tầng. Bởi thế, muốn sang khu nhà nữ và bệnh xá thì phải qua một cây cầu đá nhỏ uốn cong.
Từ  khu nhà TT nữ sinh nhìn sang nhà 6 tầng
Cây cầu ấy nay vẫn còn. Vẫn dáng vẻ cổ kính như trước, nhưng dường như hoang sơ hơn, vì đã có một cây cầu mới thay thế. Khu nhà 6 tầng và khu nhà nữ đối diện nhau đôi bên hai sườn núi ở cuối thung lũng- phía tây.
Còn phía cực đông của thung lũng, bên phải con đường độc độc đạo dẫn vào, là “Đại lễ đường”- nơi tổ chức lễ hội của trường, nhưng công năng chính của kiến trúc này hồi ấy là nhà ăn. Cách đây 55 năm, mỗi ngày 3 lần, chúng tôi xếp hàng theo từng lớp đi từ khu nhà 6 tầng đến Đại lễ đường để dùng bữa. Tôi không thể quên những bữa ăn bình thường hằng ngày của chúng tôi hồi ấy cũng như bàn tiệc. 8 đứa một bàn, thịt cá đầy ắp. Cơm và bánh bao nhân thịt để ở các thùng gỗ lớn, tự do lấy bao nhiêu tùy thích. Đã có trường hợp bánh bao bị rút hết nhân, phần bột bị bỏ lại! Nghĩ lại mà ngậm ngùi, bởi thời ấy, người dân TQ vẫn thiếu đói khốn khó lắm.
Còn có một nhóm kiến trúc gồm 3 tòa nhà 2 tầng ở độ cao thấp hơn, cùng phía với tòa nhà 6 tầng và tạo thành một đường liên kết với Đại lễ đường. 3 tòa nhà này lợp ngói cổ với những đường nét kiến trúc mái như đình chùa. Nửa thế kỷ trước đây, tôi không chú ý lắm đến khu vực này, bởi đó là khu nhà hành chính của trường, nơi làm việc của ban giám hiệu và giáo viên.
Hồi chúng tôi học ở Lư Sơn, toàn bộ kiến trúc trong thung lũng này đều thuộc trường chúng tôi. Nay thì các khối kiến trúc hầu như không thêm, không bớt, không thay đổi dáng vẻ bên ngoài. Nhưng công năng của chúng đã thay đổi và không còn thuộc một chủ quản duy nhất nữa.
"Lư Sơn Đại Hạ" (2003)
Tòa nhà 6 tầng và 3 nhà nối với Đại lễ đường nay đã thuộc quản lý của khách sạn Lư Sơn Đại Lầu. Tòa 6 tầng là khách sạn chính. Toàn bộ kiến trúc bên trong đã sửa đổi. Trước đây, khối 4 tầng phía trước của tòa nhà có một khoảng trống lớn như một “giếng trời” hình chữ nhật ở giữa. Mái của khu này bằng kính, khiến lúc nào trong lòng tòa nhà cũng sáng trưng. Các phòng ngủ của học sinh nam bám sát 4 bên tường nhà. Đứng ở lan can của “giếng trời” có thể nhìn thấu từ trên xuống nền tầng 1. Tôi còn nhớ hồi ấy, một lần đại sứ Việt Nam tại TQ- Hoàn Văn Hoan đến thăm trường vào giờ nghỉ trưa. Học sinh đều phải ngủ trưa đúng nội quy. Nhưng chúng tôi nào có thể ngủ được trước “một sự kiện trong đại” cỡ ấy. Thế là đứa nào cũng chăn trùm kín, mắt nhắm nghiền mà vẫn ti hí để nhìn trộm “bác Hoan”. Tôi chưa quên dáng người cao to của vị khách quan trọng bữa ấy, với chiếc áo ban tô màu đen và cả mũ, khăn rất oai vệ.
Nay, toàn bộ bên trong tòa nhà đã biến thành các phòng ốc theo kiểu khách sạn. Có điều là tất cả đều cũ kỹ, khá sập xệ và kém tiện nghi. Gọi là khách sạn 3 sao, nhưng thực tình chỉ đáng một “nhà nghỉ công đoàn” thiếu đầu tư chăm chút.
Tôi vẫn nhận ra đường hầm bê tông bám dọc theo sườn núi bên phải tòa nhà. Đây là “đường ống” dẫn hơi nước từ một lò hơi đặt phía dưới gầm đường bậc thang, lên sưởi ấm cho toàn bộ tòa nhà về mùa đông. Tôi còn nhớ hồi ấy, tuyết không thể đọng lại trên hầm này và chúng tôi thường nằm chơi, sưởi ẩm trên hầm. Nay đường hầm vẫn còn, nhưng chắc đã hỏng và hoàn toàn không sử dụng nữa. Những lỗ thủng khá lớn thấy được bên sườn đường hầm và vẻ xưa cũ, rêu phong của nó như một cái xác già nua không thể gượng dậy.
Ngôi nhà liền kề là Restaurant của khách sạn và 2 tòa tiếp theo dường như là để trưng bày mỹ thuật và hàng lưu niệm. Bên ngoài các tòa nhà này có một số ki- ốt nhỏ bán trang phục, cấp hàm, sao mũ quân đội từ đời Tưởng giới Thạch tới đời Mao Trạch Đông. Có một người tự nhận là giống Tưởng Giới Thạch, mặc áo dài Trung Hoa thời cổ, để du khách chụp hình chung thì phải trả 10 tệ. Thực ra, ông này chỉ có mỗi bộ râu mép và cái đầu “đờ mi” trọc là bắt chước Tưởng Giới Thạch, còn chẳng có nét nào của dung nhan nhân vật đứng đầu Quốc Dân Đảng chống cộng hồi thập niên 40 của thế kỷ trước.
Đại lễ đường nay là Lư Sơn Nhân dân Kịch viện
Đại lễ đường nay vẫn dáng vẻ bên ngoài như thế, nhưng công năng của nó đã đổi thay trọng đại hơn. Nơi đây hiện nay là một bảo tàng của Đảng CS TQ, lưu giữ những kỷ vật của một số đại hội đảng và hội nghị BCH TƯ thời Mao Trạch Đông. Tại tiền sảnh của bảo tàng này, xừng xững một pho tượng Mao vàng rực rỡ. Nghe nói khu nhà nữ trước đây nay cũng là một khách sạn du lịch và thuộc quyền quản lý của nhà bảo tàng này.
Toàn bộ thung lũng là một khu rừng lớn, cây cối mướt xanh. Các khối kiến trúc không phải nhỏ bé nhưng cũng trở nên quá khiêm tốn, e ấp thấp thoáng dưới tán cây rậm rì vút cao. Ban mai, khi mặt trời chưa ló lên khỏi đỉnh núi, tiếng ve đã râm ran rộn ràng, hòa cùng dòng suối rì rào và tiếng thông reo, tạo thành một bản nhạc thiên nhiên hiền hòa, ngất ngây, đầy mê hoặc.
Không gian hùng vĩ ấy, những kiến trúc cổ kính ấy, với một người nửa đời trở lại xiết bao thân thương, trìu mến; man mác ký ức xa xăm; tràn đầy cảm xúc hiện tại. Làm sao có thể không tức cảnh sinh lời, Lư sơn ơi!

Chào Trường Xưa.


Lư Sơn trường của Ta ơi,
Năm nhăm năm mới có lời chào nhau.
Trải qua bao cuộc bể dâu,
Tình người thế núi đậm sâu vững bền.

(Tại KS Lư Sơn Đại Lầu, sáng 20.8.08)

Tham quan và ký ức:
Chương trình tham quan ở Lư Sơn thì nhiều lắm. Với một chương trình như thế, những người trẻ tuổi cũng chưa chắc đủ sức “hưởng” hết được. Vậy mà đoàn chúng tôi chỉ gồm toàn những cựu học sinh tuổi đã vượt quá lục tuần. Thày Toàn, cựu giáo viên thể dục của Quế Lâm, nay đã 76 tuổi. Bởi thế, nhiều điểm đến có trong chương trình đành phải bỏ. Tiếc nhất là không được trở lại khe núi cao mà hồi còn nhỏ chúng tôi đã đến. Từ trên khe núi cao dựng đứng nhìn xuống một đồng bằng mênh mông, có con sông Trường Giang (hay Hoàng Hà?) như một dải lụa mờ ảo và những con tàu như đám lá tre trôi theo dòng nước.

Hồi ấy…
Thung lũng Lư Sơn dường như còn rậm rạp và hoang vu lắm. Nhưng nơi đây cũng đã là một khu vực nghỉ mát cao cấp của giai tầng thượng lưu Trung Hoa. Tòa nhà 6 tầng chúng tôi ở chính là trường quân sự cao cấp của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Bây giờ chúng tôi mới biết gần cửa ngõ của thung lũng còn có nhiều dinh thự, biệt thự sang trọng được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ trước, dành cho các nhân vật chóp bu của chế độ Quốc Dân Đảng; và sau này là “của nhân dân”, nhưng chỉ các lãnh tụ ĐCS và nhà nước Trung Quốc mới có quyền sử dụng. Khu dinh thự của Tưởng Giới Thạch vẫn còn và sau này là Mao Trạch Đông và Giang Thanh sử dụng. Có các biệt thự khác do chế độ mới xây dựng, như biệt thự Chu Đức, biệt thự Trần Nghị v.v… Chứng kiến tận mắt cuộc sống được coi là “vương giả” của các bậc đế vương hồi nửa đầu thế kỷ trước, mới thấy chẳng thấm vào đâu với những tiện nghi thượng đẳng ngày nay.
Tôi còn nhớ hồi học ở Lư Sơn, chúng tôi có lần được đi dã ngoại trên núi. Dường như theo đường nhỏ ở cuối thung lũng hẹp đi lên. Đường lên núi hồi ấy đã được xây dựng cho du khách thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và kỳ thú của Lư Sơn. Con đường bằng những bậc đá, nhỏ, hẹp với lối đi chỉ đủ 2 người né nhau. Lối đi uốn lượn theo sườn núi, len lỏi giữa rừng thông đại ngàn. Thỉnh thoảng lại có các “chiếu nghỉ” là một khu bằng phẳng chỉ chừng trăm mét vuông. Ở đó có một ngôi nhà bát giác, kiến trúc đình chùa, với những cột sơn son, không tường bao và những ghế ngồi đơn giản. Bao quanh nhà nghỉ ấy là một vài bồn hoa luôn rực rỡ sắc màu, có lối đi len lỏi và một vài chuồng thú nhỏ. Đi sâu vào một chút còn có cả rừng hạt dẻ và từng đàn sóc nhảy nhót lao xao…
Cảnh quan hùng vĩ nhất ở Lư Sơn mà chúng tôi đến được lần này là khe núi Cẩm Tú. Quả không hổ thẹn với thanh danh “cẩm tú”! Núi cao, vực sau, khe suối, rừng thông, thác đổ… Thỉnh thoảng những đám mây từ khe núi ào lên phủ kín cả núi rừng. Thiên nhiên thật là hùng vĩ, huyền ảo, kỳ thú và diệu huyền. Lòng người làm sao có thể không xốn xang trước một thiên nhiên mĩ miều đến như vậy!

Vịnh cảnh khe núi Cẩm Tú
Núi non hùng vĩ diệu kỳ,
Long lanh thác nước, xanh rì rừng thông.
Nắng vàng rực rỡ non sông,
Vực sâu, vách đứng, mênh mông đất trời.
Lư Sơn cảnh trí tuyệt vời,
Năm nhăm năm tái ngộ người ta yêu.

(Tại Lư Sơn Đại Lầu tối 21.8.08).

Rời Lư Sơn:
Sáng 22.8 chúng tôi rời Lư Sơn Đại Lầu để mã hồi một mạch về Việt Nam. Ban giám đốc và nhiều nhân viên văn phòng của khách sạn xuống tận nơi xe đón dưới chân đường bậc thang để tiễn đoàn. Sau những lời từ biệt chân thành, những cái bắt tay tình nghĩa; đoàn chúng tôi đồng loạt hướng lên tòa nhà đầy ký ức năm xưa, giơ tay vẫy và nói những lời từ biệt: Tạm biệt Lư Sơn, tạm biệt Lư Sơn!
Đối với chúng tôi, đây có thể là lần cuối cùng trở lại ngôi trường xưa thân yêu này. Giây phút thật là lưu luyến, bịn rịn và xúc động lòng người. Nhiều khóe mắt luống tuổi đã rưng rưng trong giờ phút biệt ly ấy!
Xe xuôi theo con đường ngoằn ngoèo đổ dốc rời xa thung lũng Lư Sơn. Cảnh quan kỳ thú một lần nữa vun vút lùi xa khiến lòng người lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Nhưng cái đẹp tuyệt mĩ của vùng đất này thì không thể không tức cảnh thành thơ:
Vịnh cảnh đường lên Lư Sơn
Đường lên uốn khúc loanh quanh,
Tán cây rợp bóng, rừng xanh ngút ngàn.
Thông già thẳng đứng xếp hàng,
Vi la thấp thoáng, thôn làng khuất xa.
Suối reo hòa tiếng chim ca,
Nửa đời trở lại chan hòa buồn vui.

(Trên đường rời Lư Sơn, sáng 22.8.08).
                         ( Mời xem tiếp Phần 2 : Quế Lâm)
--------------------------------------------------
Tp Hồ Chí Minh, ngày 06.9.2008.
NGUYỄN NGỌC HÙNG

Điện thoại di động: 0903779328
Đia chỉ E.mail: hung51946@yahoo.com
   


8 nhận xét:

  1. Tôi thực sự xúc động, nổi gai gà khi đọc bài này. Quá khâm phục trí nhớ của của bé 7 tuổi. Tôi đặt chân đến Lư sơn trong đoàn đầu tiên vào ngày 25-8-1953. Cũng phải rời Lư Sơn sớm nhất, nhưng không nhớ vào tháng nào. Tôi nhớ ngày đó nhà Nữ là ngôi nhà cao tầng có sân trời hình vuông thông suốt từ trên xuống dưới. Tầng trên cùng là trạm xá, nơi tôi được đưa đến đầu tiên.
    Theo bạn Hùng thì hình như sau này đây là nhà ở nam. Có đúng thế không các bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Kính thưa các anh,các chị K5,tiết lộ thêm một thông tin không còn bí mật nữa,trí nhớ của ông bạn Ngọc Hùng này là trí nhớ của một người từng công tác trong ngành bào vệ an ninh cho Tổ Quốc,Trí nhớ của Hùng vối rất tốt từ thời thiếu niên,song được tôi luyên theo nghề nghiệp thì sâu sắc hơn. Hùng có khả năng hơn hẳn các bạn cùng lứa ,th6e3 hiện cảm xúc về Trường xưa qua các bài viết chất lượng.Khả năng này cũng là do tự rèn luyện khi công tác trong ngành (nói trên)

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là khâm phục trí nhớ của cậu bé Hùng 7 tuổi !!!
    Bạn Nguyệt Ánh như vậy sang sớm nhất . Chúng tôi mãi tháng 11/1953 mới đến Lư Sơn. Như vậy là đoàn Nguyệt Ánh lúc đầu đã ở bên nhà 6 tấng ( Nay là KS mang tên LƯ SƠN ĐẠI HẠ- Không phải Đại lầu . "Hạ" , theo tự điển là " cái nhà lớn" ). Nhà 6 tầng đúng như bạn Hùng kể, ở giữa nhà là cái giếng trời lớn, hình vuông, nhìn suốt từ dưới lên trên. Xung quanh có hàng lan can lưới thép để tránh nguy hiểm. Tháng 8/2003, sau khi dự Hội trường 50 năm ở HN , đoàn MN ra dự đã tổ chức đi LS,QL, KHXNN. K5 có các cụ Minh Ngọc, Duy Khắc và tôi. Chúng tôi cũng bỡ ngỡ khi vào trong nhà 6 tầng thấy họ đã bỏ cái giếng trời, thiết kế lại thành các phòng kín mít cho khách du lịch thuê ( Cỡ 3 sao). Chúng tôi ngủ lại 2 đêm. Thật nhiều cảm xúc ....

    Trả lờiXóa
  4. Gửi các Guilin dage tiếp ảnh về anh Trần Hùng lớp 2:
    http://bantroi5.blogspot.com/2013/08/ai-la-ai-kq.html

    Trả lờiXóa
  5. Các anh các chị có 5 năm ở QL; còn chúng em chỉ có 18 tháng. Nhưng với trẻ con thì QL là TP tuổi thơ và Lyjang là dòng sông tuổi thơ. Chúng em từng bơi vượt Lyjang sang bờ bên kia ăn trộm dưa chuột, khổ qua chín...
    QL đẹp thật!

    Trả lờiXóa
  6. Nếu không có các buổi gặp mặt dân QL và bài này hôm nay thì tôi cũng không biết cái ông hat hay, hát to và nhớ nhiều lời bài hat, trông cũng còn PHONG ĐỘ tên là HÙNG.
    Trông mấy "đứa em" nhỏ QL cũng dễ thương lắm chứ, như Chiến, Quốc... !

    Trả lờiXóa
  7. Tôi cũng thấy như các Bạn nhận xét là bạn Nguyễn Ngọc Hùng có trí nhớ thật tốt. Đáng nể phục trí nhớ của "cậu bé Hùng" 7 tuổi.
    Ngoài ra bài của Bạn viết hay và rất công phu.
    Mong được đón đọc nhiều bài của Bạn trên Blog Làng ta.

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh17:42 8/8/13

    cam on Anh Calathau da chuyen bai viet cua Nguyen Ngoc Hung len Blog cuar K5.
    Cam on tat ca cac anh, ch va cac ban da co loi dong vien tac gia.
    Hi vong con duoc tai ngo cac quy vi o nhung phan tiep theo cua bai viet nay: Ve Que Lam va Nam Ninh.
    Than men.
    Nguyen Ngoc Hung

    Trả lờiXóa