Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trước Quốc hội Việt Nam

VNexpress - Thứ sáu, 6/11/2015 | 10:48 GMT+7
Hai bên sẽ tiếp tục kiểm soát bất đồng, vượt qua trở ngại để đưa quan hệ phát triển lành mạnh, thực chất, vững chắc hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới', Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đáp từ nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sáng 6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
chu-tich-trung-quoc-phat-bieu-truoc-quoc-hoi-viet-nam
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Quốc hội sáng 6/11. Ảnh: Giang Huy.
Khoảng 10h20, cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội xếp thành hai hàng, vẫy cờ khi lãnh đạo hai nước bước vào tòa nhà.
Sau cuộc hội kiến với Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, ông Tập bước vào hội trường và có bài phát biểu dài 20 phút bằng tiếng Trung trước các đại biểu.
Trao đổi với báo chí ngay sau đó, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, bài phát biểu của ông Tập đề cập tình hữu nghị tốt đẹp, lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc, được nhân dân hai nước tiếp tục gìn giữ, phát triển, ngày càng thắt chặt hơn nữa.
Ông Tập cũng viện dẫn nhiều bài thơ, câu thơ nói về tình cảm láng giềng. Ông nhấn mạnh đến câu nói của người Trung  Quốc: "Người thân thì mong người thân tốt, láng giềng thì mong láng giềng tốt". Và lý giải, đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm, nhưng hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước thông qua hiệp thương hữu nghị và hòa bình, kiểm soát và xử lý bất đồng một cách thỏa đáng, đề phòng quan hệ trệch hướng. Khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết.
Kết thúc bài nói, ông Tập tươi cười bắt tay các đại biểu và nghe lời đáp từ của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng, Việt Nam và Trung Quốc "sẽ tiếp tục kiểm soát bất đồng, vượt qua các trở ngại để đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, phát triển thực chất, ổn định, vững chắc hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới".
"Bộ Chính trị đã thông qua đề cương, kế hoạch đón tiếp ông Tập Cận Bình với mục tiêu, yêu cầu trọng thị và đàm phán, thảo luận thẳng thắn đi đến được nhận thức chung nhằm mục đích phát triển quan hệ hai nước", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho hay trước lễ đón.
Theo ông Hùng, "nội dung cơ bản của chuyến thăm đã được xác định trong hội đàm giữa hai người lãnh đạo cao nhất của hai nước. Tinh thần chung là củng cố thêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai bên".
chu-tich-trung-quoc-phat-bieu-truoc-quoc-hoi-viet-nam-1
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Giang Huy.
Người đứng đầu Quốc hội thông tin một số nét cơ bản thông qua hội đàm.
Thứ nhất, tình hữu nghị Việt - Trung có ý nghĩa rất quan trọng, có tầm chiến lược chi phối, giải quyết các mối quan hệ khác giữa hai nước, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam, Trung Quốc vì hòa bình, hữu nghị ở khu vực, thế giới.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các lĩnh vực. Coi trọng chất lượng hợp tác, bàn giải quyết một cách thỏa đáng quan hệ hợp tác kinh tế có chất lượng, thực chất vì lợi ích, quan hệ hai nước.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi ý kiến của cấp cao, của Quốc hội, Chính phủ, ngoại giao nhân dân vì mục đích chiến lược.
Thứ tư, kiểm soát những vấn đề bất đồng, tồn tại trong quan điểm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Hai bên đã nhất trí phải giải quyết vấn đề trên biển hòa bình, ổn định vì sự phát triển, trong đó, thông qua hiệp thương, đàm phán để tìm giải pháp cơ bản, lâu dài, tốt nhất cho quan hệ hai nước. Giải quyết vấn đề trên biển hòa bình, đàm phám hiệp thương, bình đẳng giữa hai nước. Đó là con đường tốt nhất để đi đến thống nhất, giải quyết vấn đề bất đồng.
Lãnh đạo hai nước đã khẳng định, trong quá trình hiệp thương, đàm phán, thỏa thuận tích cực chủ trương phải giữ ổn định, không làm phức tạp thêm tình hình để đảm bảo cho quan hệ tin cậy, thực sự, thực chất.
Ông Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du Việt Nam hôm 5/11 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 
Đặt chân xuống Nội Bài, ông gửi đi thông điệp Trung Quốc "nguyện cùng Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau". Việt Nam đón tiếp ông Tập theo nghi thức cấp nhà nước với 21 phát đại bác.
Trong cuộc hội đàm chiều cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước cần kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình trong khu vực.
Trung Quốc cũng nêu ra 4 đề xuất hợp tác thời gian tới khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai bên tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược; thúc đẩy hợp tác thiết thực về kinh tế; tăng cường hợp tác biên giới và kiểm soát tốt bất đồng trên biển; tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.
Bên cạnh bài phát biểu trước Quốc hội, ông Tập cũng gặp gỡ thanh niên, trí thức hai nước trước khi kết thúc chuyến thăm vào chiều 6/11.
chu-tich-trung-quoc-phat-bieu-truoc-quoc-hoi-viet-nam-2
Bài phát biểu đầu tiên của ông Tập trước Quốc hội Việt Nam dài 20 phút, gấp đôi thời lượng so với dự kiến trước đó. Ảnh: Giang Huy.

Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc thứ hai từng phát biểu tại Quốc hội Việt Nam, sau ông Hồ Cẩm Đào.
Trung Quốc và Việt Nam năm nay kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng quan hệ song phương mặc dù có khó khăn, lúc thăng trầm, nhưng hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính.
Ông Tập Cận Bình sinh năm 1953, có bằng Tiến sĩ Luật và Kỹ sư hóa học. Hồi tháng 12/2011, ông Tập đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam với tư cách phó chủ tịch nước Trung Quốc.
Nhóm phóng viên

3 nhận xét:

  1. Nguyễn Ngọc Hùng15:46 6/11/15

    Bàn tin Thời sự VTV1 trưa nay đưa tin rất ngắn gọn về việc TCB phát biểu tại QH. Hình ảnh cho thấy chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không ôm hôn mà chỉ bắt tay rất xã giao với TCB. Khi TCB đi cùng NSH vào hội trường, thấy có những khuôn mặt đại biểu QH khá nghiêm nghị và lạnh nhạt.
    Cũng theo bản tin này, trước đó, TCB và NPT đến cuộc tiếp xúc hằng năm giữa thanh niên 2 nước Việt- Trung đang diễn ra tại HN. Âm thanh cho thấy đám thanh niên 2 nước hát bài "VN Trung Hoa" bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung.
    "Gặp gỡ hữu nghị" chả nhẽ không hát bài "VN- TH"? Chứ thực ra lời bài ca này không còn phù hợp với những diễn biến thực tế của mối quan hệ VN- TH từ 1979 đến nay nữa.

    Trả lờiXóa








  2. Những bất đồng giữa 2 bên đã rất rõ ràng, hành động của TQ rất là trắng trợn, vậy mà lời lẽ trên các diễn đàn vẫn cứ mập mờ, phía ta không ( giám ) đề cập thẳng thắn, rõ ràng. Những khái niệm như giữ gìn hòa bình trên biển Đông phải chăng là VN không được chống lại các hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của VN trên biển Đông, hay như giữ gìn đại cục là đại cục nào, không được trệch hướng ( lời TCB )là hướng nào? Phải chăng đó là hướng tiến tới sự lệ thuộc hoàn toàn vào TQ. Tôi không tin là có hướng nào khác, không tin TQ sẽ không tìm mọi cách chiếm trọn biển Đông như TCB đã tuyên bố ở Mĩ và Ah gần đây. Và một khi TQ đã chiếm trọn biển Đông thì VN có còn tồn tại độc lập được không. Tôi mong LĐ cũng như mọi người dân hãy nhìn thẳng vào sự thật nghiệt ngã đó. Đừng mơ hồ nữa.



    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Ngọc Hùng10:22 7/11/15

    Nhân việc TCB nhắc tới lời bài hát "VN- TH núi liền núi, sông liền sông", tôi thực lòng thấy ca khúc này cùa nhạc sĩ Phạm Tuyên rất hay, rất "đúng" vào thời điểm ông sáng tác. Bài hát rất 'có hồn", bởi chính Phạm Tuyên là thày dạy nhạc cho chùng tôi tại Khu học xá Nam Ninh hồi đầu năm 1957, khi khối cấp 1 chúng tôi chuyển xuống Nam Ninh, còn cấp 2 thì về nước.
    Tuy nhiên, từ tháng 2/1979 đến nay thì lời ca của bài hát đã không còn phù hợp nữa rồi. Nay nghe hát bài này, thấy nó "xạo" quá. Bởi thế, tôi vô phép nhạc sĩ Phạm Tuyên để sửa lại ca từ của bài hát này như sau: VN TH núi liền núi, sông liền sông/ KHÔNG CÙNG BỂN ĐÔNG/ MỐI TÌNH LÁNG GIỀNG MẤY PHEN ĐỤC TRONG/ Bên sông tắm cùng một dòng/ Tôi nhìn sang đấy, anh NHÒM SANG ĐÂY/ SỚM TỐI ANH TOAN TÍNH CHUYỆN ÁM MỜ/ A... a.../TÔI THIỆN CHÍ, ANH KHÔNG THỰC LÒNG/ LỜI HAY KHÔNG TÀY LÒNG NGƯỜI NHAM HIỂM/ A... a../NHÂN DÂN TÔI NGĂN TAY ANH BÀNH TRƯỚNG THÊM TRÊN BIỂN ĐÔNG.
    Lời ca này tôi đã định trình bày trong hội trường phía nam hồi tháng 8 vừa qua. Nhưng dịp ấy để "Kỷ niệm 70 năm Dân chủ Cộng hòa" nên bây giờ mới bộc bạch.
    Có gì không phải, mong các cụ lượng thứ.

    Trả lờiXóa