Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

TT Thổ Nhĩ Kỳ - Ông là ai ?

 ( Nguyễn Ngọc Hùng )

“BẢN LĨNH” ERDOGAN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayieb Erdogan đang gây bão trên truyền thông toàn cầu khi đối đầu trực diện với “người đàn ông của năm 2015” Vadimir Putin.

Từ dân nghèo thành thủ tướng:
Erdogan là lãnh tụ nổi trội của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm đầu của thế kỷ XXI này. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) do ông làm lãnh tụ đã giành được vị thế cầm quyền suốt từ năm 2002 đến nay, để tạo một khung cảnh cho Erdogan thể hiện bản lĩnh và tham vọng của mình.
Sinh năm 1954 trong gia cảnh nghèo khó ở một tỉnh miền đông bắc đất nước, Erdogan chỉ được học trường dòng Hồi giáo. Nhưng sau đó, gia đình chuyển về thành phố Istanbul và Erdogan tốt nghiệp đại học kinh tế tại đây. Ông sớm có chí hướng chính trị và đã gia nhập các đảng mang bản sắc Hồi giáo từ cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, có khuynh hướng chống lại thế lực quân nhân vốn có truyền thống khống chế chính trương Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sự nghiệp của Erdogan chỉ bắt đầu bừng lên khi ông trúng cử thị trưởng Istanbul- thành phố lớn nhất nước, vào năm 1994. Mặc dù có công rất lớn phát triển kinh tế- xã hội của Istanbul, nhưng ông bị các đối thủ chính trị tấn công quyết liệt vì khuynh hướng Hồi giáo của mình. Thậm chí, năm 1998, Erdogan còn bị tù và cấm hoạt động chính trị vì tội “kích động tư tưởng Hồi giáo”. Năm 2001, Erdogan tham gia thành lập đảng AKP, với tuyên bố hùng hồn “tránh xa xu hướng tôn giáo, trung thành với nền cộng hoà mà Mustafa Kamal- (thường được gọi là Ataturk) đã sáng lập năm 1923”. Erdogan tuyên bố mục tiêu của đảng mới này là xây dựng “một nhà nước TNK văn minh, hiện đại, hùng mạnh trong khuôn khổ các giá trị Hồi giáo mà 99% người TNK yêu nước tin tưởng”.
Chỉ một năm sau, AKP giành được vị thế cầm quyền, rồi Erdogan trở thành thủ tướng và là người thực sự nắm quyền điều hành đất nước suốt từ đó đến nay.

“Người hùng” của Hồi giáo Trung Đông:
Thành công ngoạn mục trong việc canh tân nền kinh tế đất nước, đưa TNK vào nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất thế giới (G20), để nước này trở thành một cường quốc ở Tiểu Á và Trung Đông nói chung, TNK của thời Erdogan được thế giới Hồi giáo trong khu vực này coi như một tấm gương đáng ngưỡng mộ và noi theo. Từ khởi điểm như vậy, Erdogan quyết định đặt ưu tiên cho mục tiêu trở thành lá cờ đầu của Hồi giáo khu vực, hơn là tìm mọi cách để gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Để đạt được mục tiêu này, phải trở về với những người láng giềng Arab- Hồi giáo. Hành động đầu tiên là “gây chuyện” với Israel hồi 2010 bằng cách cử mấy chuyến tàu vượt vòng vây của Israel nhắm đưa hàng cứu trợ nhân đạo tới cho người Palestin ở Gaza đang bị nhà nước Do Thái phong tỏa thảm khốc. Bằng hành động này, TNK khẳng định mình là bạn chí cốt của Palesstin, của người Arab, bất chấp “quan hệ chiến lươc” với Israel xấu đi chưa từng thấy. Quyết sách chuyển hướng của Erdogan gặp “thiên thời, địa lợi nhân hòa” khi bùng phát phong trào “Mùa xuân Arab” từ đầu năm 2011. Erdogan lập tức ủng hộ mạnh mẽ các cuộc nổi dậy phản kháng và lật đổ tại Ai Cập, Libya rồi Syria. TNK cùng với Qatar là hai quốc gia duy nhất trong khu vực tham gia cùng lực lượng NATO dùng không quân để áp đặt “vùng cấm bay” tại Libya, khiến chế độ Qaddafi phải sụp đổ hồi cuối năm 2011. Rồi chính quyền Erdogan tiếp tay mạnh mẽ cho Phong trào Anh Em Hồi giáo tại Ai Cập, để năm 2012, một lãnh tụ của phong trào này- Mohammed Morsy có thể trở thành tổng thống của quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất thế giới Arab. Cũng thời gian ấy, đảng Nahda (AEHG) trở thành cầm quyền tại Tunisia. Các nhóm AEHG chiếm thế thượng phong trong cuộc tranh chấp quyền lực ở Libya, Maroc, Yemen... Vị thế của chính quyền Erdogan nổi như cồn trong thế giới Arab! Khi ấy, để có thể ứng xử phù hợp với các biến động của “mùa xuân Arab”, mà trong đó, yếu tố AEHG đang là trung tâm, tổng thống Mỹ Barack Obama và ngoại trưởng Hillary Clinton còn phải vời Erdogan làm “quân sư” về Hồi giáo.
Nhưng thế đang lên như diều gặp gió của TNK- Erdogan ở Trung Đông- Bắc Phi bị khựng lại từ khi Morsy bị phế truất tại Ai Cập giữa năm 2013. AEHG thoái trào thảm hại, bị Ai Cập và đa số quốc gia Arab vùng Vịnh tẩy chay. Tham vọng của Erdogan về một vị thế “ngọn cờ tiêu biểu” cho những người Hồi giáo- Arab coi như chấm hết!

“Độc tài mới”
Đảng AKP thực hiện nhất quán một đường lối nội trị nhằm xóa bỏ truyền thống uy quyền của giới quân nhân ở TNK suốt từ thời Ataturk đến 2013. Erdogan dựa vào nền tảng xã hội 90% dân số theo Hồi giáo, để khôi phục những giá trị truyền thống của tôn giáo này, mà vốn bị chế độ thế tục- quân nhân cấm đoán từ nhiều thập niên trước. Phu nhân của thủ tướng Erdogan là người đàn bà đầu tiên dám trùm khăn hijab đến giảng đường đại học. Rồi ra luật bãi bỏ cấm hijab tại các công sở, trường học... Erdogan còn có một quyết sách tầm cỡ nữa là hòa giải với đảng Công nhân Kurd (PKK) để đảng này từ bỏ đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền. Nhờ những quyết sách độc đáo như vậy, mà uy tín quần chúng của AKP ngày một lan rộng và đảng này giành được đa số tuyệt đối trong quốc hội để có thể độc quyền cai trị đất nước. Erdogan nắm lấy cơ hội để thực hiện tham vọng  của mình bằng những quyết sách gây bão cả về đối ngoại và đối nội. Giới quân nhân bất bình, chưa kịp hành động thì hàng chục tướng lĩnh uy vũ một thời đã bị vào tù hoặc cho nghỉ hưu. Giới tư pháp vốn quen truyền thống “tam quyền phân lập”, cùng một số tướng lĩnh an ninh mở cuộc tấn công vào chóp bu của chính quyền Erdogan bằng vụ “đại án tham nhũng” hồi cuối năm 2013, trong đó 4 bộ trưởng và cả con trưởng của thủ tướng Erdogan cũng vào vòng “nghi phạm”. Nhưng Erdogan đã lật ngược thế cờ ngoạn mục vào đầu năm 2014. Một loạt thẩm phán cao cấp và cả giám đốc cơ quan điều tra thành phố Istanbul đang từ vị thế bắt tội phạm bỗng trở thành tội phạm! Nhiều người đứng đầu giới truyền thông lớn tiếng tố cáo Erdogan là “độc tài mới” cũng bị thanh trừng...
Mới đây nhất, Erdogan đã thành công ngoạn mục khi có một quyết định mạo hiểm là tổ chức bầu cử sớm vào ngày 01/11 vừa qua. Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tháng 6, đảng AKP đã bị mất vị thế độc tôn cầm quyền khi chỉ đạt 40% số ghế trong quốc hội. Trong thời gian luật định, AKP không thể vận động được sự hợp tác của ba đảng đối lập cùng có chân trong quốc hội để lập chính phủ mới. TNK đứng trước nguy cơ xuất hiện “khoảng trống chính phủ” trong hoàn cảnh cuộc nội chiến tại Syria diễn biến phức tạp, IS lần đầu tiên tổ chức liền vài cuộc khủng bố nhắm vào TNK. Cánh vũ trang của PKK cũng tái hoạt động trở lại. Erdogan nhận định rẳng chính hoạt động của khủng bố và bạo lực lại là yếu tố khiến người TNK sẵn sàng lựa chọn ổn định và một chính quyền cứng rắn, hơn là một nền dân chủ đầy rủi ro. Phán đoán này của Erdogan đã đúng khi bầu cử sớm đem lại cho AKP hơn 50% số ghế trong quốc hội, đủ để đảng này một mình thành lập chính phủ.
Chả ai lật được Erdogan vào lúc này, mặc dù đảng của ông ta (AKP) bị mất đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử lại vào đầu tháng 11 mới đây.
Một Erdogan như thế, có lẽ không đến nỗi quá kém cỏi về “bản lĩnh” trong cuộc đối đầu với người hùng Putin!
28/11/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG

5 nhận xét:

  1. Hai nhà "độc tài" gặp nhau...xem ai "bản lĩnh" hơn ai?
    Xin cám ơn tác giả và LS-QL đã đưa tin và phân tích rất hay về TT TNK này ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Nhờ bài viết kịp thời, súc tích này mình hiểu thêm được nhân vật Edogan là ai và tình hình chính trị - kinh tế của TNK, cũng giải đáp được một thắc mắc lâu nay là vì sao TNK lại được liệt vào danh sách cường quốc KT trong tương lai ( cùng với Brasin ). Xin nêu một thắc mắc: Chính quyền Edogan và ch/quyền quân sự trước đó ai tiến bộ hơn ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng15:43 30/11/15

      Rất khó nói bởi mỗi người có thể đánh giá "tiến bộ" theo hướng khác nhau. Tôi xin trả lời theo cách khách quan nhất: Chính quân quân sự theo chủ thuyết thế tục, không cho phép HG lan tràn. Cấm trùm khăn HG tại công sở và đại hoc... Chính quyển quân sự thân Mỹ và phương Tây, chống "phe XHCN" thời chiến tranh lanh. Chính quyền quân sự cũng "đảm bảo" nền dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng hễ bầu cử ra chính quyền nào mà không được các tướng lĩnh ưng ý, thì đảo chính lật đổ luôn.
      Chính quyền Erdogan có xu hướng HG. Khôi phục "quyền dân sự" của HG trong xã hội. Cũng tôn trọng "dân chủ" kiểu phương Tây, cụ thể nhất là chấp nhận kết quả tổng tuyển cử dân chủ, đa đảng. Nhưng Erdogan "khôn khéo và cương quyết" lèo lái bầu cử dân chủ để đảm bảo thắng lợi cho đảng AKP ông ta.
      Khó mà nói ai "tiến bộ" hơn ai. Nhưng nếu Erdogan không quá thiên về khôi phục HG, không vì HG mà "chơi" cả với thánh chiến và khủng bố al-Qa'eda, thì chắc tôi thích Erdogan hơn phe quân sự.
      Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị.
      NNH

      Xóa
  3. Những tư liệu về tiểu sử và sự nghiệp chính trị của TT Thổ do bạn NNH cung cấp rất đáng tham khảo.. Tuy nhiên, chủ đề chính mà bà con Làng ta muốn hiểu rõ hơn lại nằm ở khía cạnh khác: Vì sao Edogan lại dám cả gan khiêu khích, thậm chí đối đầu với Nga của Putin? Phải chăng ông ta muốn lấy lòng NATO để được gia nhập nay mai? hay vì 3 tỷ đôla viện trợ vừa mới được EU hứa cho? hay vì một lý do gì khác nữa? Một nước cờ sai chăng khi Nga và Thổ đang là đối tác kinh tế quan trọng của nhau ( Thương mại hai chiều lên đến 100 tỷ đô v.v.). Tôi thì quan tâm nhiều hơn tới bài học cần rút ra từ những cuộc xung đột quân sự "đột xuất có chủ đích " của một bên chống lại bên kia tương tự vụ máy bay Nga bị Thổ bắn rơi tại một ranh giới trên không rất mơ hồ. Vừa qua, tại một vùng biển cũng mô hồ về ranh giới tại BĐ, tàu chiến TQ đã chĩa súng vào tàu vận tải của VN. Nếu ta dùng tàu tuần duyên có vũ trang, và tàu TQ nhận được mật lệnh gây sự trước, bắn vào ta rồi vu cáo ầm lên, khi đó điều gì sẽ xẩy ra? Các vị lờ đờ liệu có tính trước được cách xử lý tình huống này không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng11:06 1/12/15

      Cụ Kivi đặt ra những dấu hỏi rất thiết thực. Tôi xin có vài ý kiến thế này: 1/ TNK đã là thành viên NATO rồi, chỉ xin gia nhập EU thôi. 2/ Việc bắn rơi SU 24 "không phải ngẫu nhiên", như tôi đã có bài thưa với cả Làng rồi. Đây chỉ là TNK cáu lên thì đap trả thôi, bởi Nga ném bom triệt hạ đồng minh của TNK ở Syria- lực lượng Turkmen. 3/ Nga không thể không đáp trả hành động "ngỗ ngược" này của TNK. Nga lại lợi dụng vụ này để tăng cường quá mức lực lượng quân sự tới Syria, mà người ta cho là "dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà". Tên lửa S400 của Nga kéo đến, Mỹ tuyên bố ngưng ném bom IS ở Syria vì "sợ tên lửa Nga". Thế là IS được lợi. 4/ Mỹ, phương Tây và Arab "mặc kệ Nga". Để Nga một mình đánh nhau với quân đối lập Syria, với IS và sẽ "đụng" cả Iran nữa, vì Iran không muốn Nga độc chiếm Syria sau khi Iran hao tiền, tốn máu suốt mấy năm qua rồi.
      Còn chuyện ở BĐ của Ta, thì tôi cũng chỉ "lơ mơ" thôi. Nhưng tôi ngại cái sự "hèn quá mức" hơn là cái sự nóng nảy mà vướng đòn khiêu khích của "ông bạn 16 chữ vàng".

      Xóa