Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

ĐÔI DÒNG SAU CHUYẾN “THĂM” VN CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH

( Nguyễn Ngọc Hùng )

Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm đặc biệt đến VN trong 2 ngày 05 và 06/11/2015.
Nói đặc biệt bởi dường như TCB là người đầu tiên thăm VN trên cương vị đứng đầu ĐCS TQ (?). Cũng “đặc biệt” bởi chuyến thăm diễn ra trong hoàn cảnh quan hệ giữa hai nước đang “trục trặc” nghiêm trọng nhất kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ hồi 1991 đến nay.
Qua các hoạt động và phát biểu của TCB trong 2 ngày qua, có thể thấy ông này thể hiện một thái độ “hòa dịu” rõ rệt, với những lời nói nặng tính khơi dậy tình cảm Trung Việt trong giai đoạn “môi hở răng lạnh”, “do chủ tịch Mao Trạch Đông và chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng”... TCB cũng nhiều lần nhắc lại “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà phía VN hầu như cố tình muốn quên đi. TCB thường nhấn mạnh “tính tương đồng” giữa TQ với VN về chế độ chính trị, về “mục tiêu XHCN”... để “nhắc nhở” VN đặt “lợi ích đại cục” lên trên những “xích mích không tránh khỏi giữa anh em trong nhà”...
Vì sao TCB đến VN trong hoàn cảnh hiện nay và thể hiện những lời lẽ “hòa dịu” cùng những hành động “thân thiện” như vậy?
Trước hết, TQ cảm nhận rõ sự bất bình của VN trước những hành động mang tính xâm lấn trắng trợn của TQ tại Biển Đông từ tháng 4/2014 đến nay. Sự bất bình ấy chẳng những thể hiện qua các tuyên bố “có chừng mực” của VN, mà còn được chứng minh bằng những hành động cụ thể khi VN đẩy nhanh những hoạt động hội nhập sâu vào với thế giới mà TQ hiểu là để “tạo thế cân bằng với TQ”. Việc VN quyết tâm gia nhập TPP mới đây là một bước đi rất quyết liệt mà TQ hoàn toàn không hài lòng. Đây là lần đầu tiên VN gia nhập một định chế quốc tế do Mỹ “chủ trì” mà TQ không có “chân” trong đó. Trước đây, khi muốn gia nhập các định chế quốc tế, VN thường phải “chờ” TQ “vào” trước, rồi VN mới “tiếp bước theo sau”. Nay TPP không kết nạp TQ, mà VN lại gia nhập cho bằng được, mặc dù “mặt bằng” kinh tế- xã hội của VN rất cách biệt so với 11 quốc gia còn lại sáng lập TPP.
Những diễn biến trên đây về phía VN lại diễn ra ngay trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 12, đúng thời điểm “chuyển giao thế hệ” lãnh đạo cao nhất của Đảng, vì phần lớn các vị “chóp bu” đương chức đều đã mãn 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Nếu TQ không tiếp cận VN vào lúc này, thì có nguy cơ “đẩy” VN càng xa TQ và hoàn toàn bất lợi cho chiến lược của TQ ở khu vực và trên toàn cầu.
Hai là: TCB hi vọng nhân dịp này dùng những “lời lẽ đường mật” cùng “miếng mồi” viện trợ, cho vay ưu đãi khá hấp dẫn để xoa dịu sự bất mãn trong giới lãnh đạo VN; mong giảm thiểu khả năng “đẩy” VN càng xa TQ. Cũng bằng “chiến thuật” này, thể hiện qua bộ mặt lúc nào cũng tủm tỉm cười, TCB mong tiếp sức cho những người “gần gũi TQ” trong giới lãnh đạo VN có chỗ dựa để biện hộ cho “lập trường” của họ bảo vệ “tình hữu nghị không gì thay thế được” với TQ!
Nhưng có thể thấy rất rõ TCB hoàn toàn nhấn mạnh những “giá trị viển vông”, coi đó là “lợi ích đại cục” để “gắn chặt” quan hệ VN với TQ. Đó là “chế độ chính trị tương đồng”, “cùng chung mục tiêu XHCN”, “truyền thống cách mạng vừa là đồng chí, vừa là anh em”, quan hệ “láng giềng môi hở răng lạnh”, “tình hữu nghị do chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công gây dựng”, phương châm “16 chữ vàng” và “4 tốt”... Đồng thời, TCB cố tình giảm rất nhẹ tính tiêu cực của những hoạt động mang tính lấn chiếm mà TQ đã thực hiện ráo riết suốt từ tháng 4/2015 đến nay, khi coi đó chỉ là “bất đồng giữa anh em trong nhà”. Từ đó, TCB kêu gọi đặt “lợi ích đại cục” lên trên những “bất đồng trong nhà”, để ngầm “khuyên” VN đừng phản đối TQ lấn tới ở Biển Đông, đừng “ngả theo Mỹ”...
Truyền thông chính thống của VN mấy ngày qua khá dè dặt khi đưa tin về hoạt động của TCB. Thái độ của lãnh đạo cấp cao VN khi tiếp TCB cũng “có chừng mực” hơn so với kiểu vồ vập thường thấy trước đây. Nhưng cũng đã có những “đánh giá tích cực” ban đầu về những lời lẽ của TCB. Ông Bùi Hồng Phúc- cựu phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung nói với báo Lao Động rằng “chủ tịch TCB đã có những phát biểu rất tôn trọng chúng ta”... Tôi cho đây là những đánh giá vội vàng, thiếu khách quan và không chính xác!
Trong trường hợp này, câu “đừng nghe TCB nói, hãy chờ xem TCB làm” cũng chưa thật chính xác. Bởi TCB đã thực sự “làm” ở Biển Đông từ tháng 4/2014 đến nay rồi. Trước và trong chuyến thăm VN vừa qua, TQ không hề có động thái nhỏ nào xuống thang tại Biển Đông. Tôi không tin là sau chuyến đi này của TCB, TQ sẽ giảm bớt, chứ đừng nói là từ bỏ, những hoạt động lấn chiếm tại Biển Đông.
Duy trì hòa bình, tránh khiêu khích và bị khiêu khích, có sách lược đa dạng phù hợp nhất trong ứng xử vời TQ là điều cần làm. Nhưng ứng xử thế nào cũng trên căn bản nhận thức rõ thực chất tham vọng bá quyền bành trướng của giới cầm quyền TQ. Lợi ích của Tổ quốc và Dân tộc trên hết. Không có “đại cục” viển vông nào cả!
Tp Hồ Chí Minh, ngày 07/11/2015


5 nhận xét:

  1. Tôi vừa từ Quảng Châu về ,sau chuyến công tác của Hội Việt-Trung hữu nghị tp HCM. Cảm giác sau chuyến đi nặng nề vì tự tôi cảm nhận được những diều chỉ đọc trên báo ,Trung Quôc phát triển rất nhanh trong 30 năm qua,song cái giá về mội trường rất đáng lo ngại,Tất cá các bạn TQ tôi gặp đều chia sẽ như vậy.
    Trong hai năm lại đây Việt Nam chúng ta đã ,đang ,sẽ có những áp lực cần phải tự thay đổi để phát triển.Giới lãnh đại TQ thực sự e ngại những thay đổi đó.Theo tôi đó là lý do TCB có chuyến thăm VN này. Với tôi những gì TCB phát biểu tại VN không phải là điều mới , chúng phải nhửng đều chúng ta tin và hy vọng ,mà là điều TQ bắt buộc phải nói để thế giới biết về chính sách của TQ dối với VN ,với các nước láng giềng. Tôi chú ý lần này cả hai bên Việt-Trung đều nêu vấn đề Biển Động một cách công khai hơn trước công luận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Ngọc Hùng16:31 7/11/15

      Vấn đề là những điều TCB nói tại VN chỉ toàn những giá trị viển vông, lừa phỉnh. Hôm nay, tại Singapore, TCB đã lại công khai khẳng định Biển Đông là của TQ. Cái mà TCB gọi là "mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa anh em trong nhà" là như vậy đấy.

      Xóa
  2. Tập không thể nói gì khác hơn những điều đã nói vừa qua. Việt Nam cũng không thể làm gì khác hơn được. Đó là thế trận trải qua lịch sử đã cài răng lược và nhau mà TQ nắm thế chủ động. Lãnh đạo Việt Nam thà mất lòng dân hơn làm mất lòng Tập. Vì đã dính chàm quá rồi, đi đêm lâu quá rồi, giờ tỉnh ngộ (giả dụ thế) thì cũng khó rút ra. Trong luật bất thành văn của hệ thống Mafia ngầm hay Mafia nổi (Độc tài , toàn trị) một khi đã bước vào thì không ra được, ra là chết. Cách duy nhất là đập bỏ hệ thống mafia chính thức. Ai đập ? Sự phát triển không kìm hãm được của âm bính chính là quả bom làm Mafia nổ tung, lịch sử xưa nay đã chứng minh như vậy! Còn khoa học cũng chứng minh những lực có chiều khác nhau trong một hệ thống cuối cùng làm cho hệ thống đó sụp đổ, không tránh được.
    Vấn đề là sau khi hệ thống mafia này nổ tung thì hệ thống nào sẽ ra đời, không khéo lại một Mafia khác với bố già khác !

    Trả lờiXóa
  3. Rất đồng tình với những phân tích chí lý của bạn NNH. Tôi chỉ xin bàn thêm vài điều cùng các cu. Nếu cần môt hình ảnh khái quát về TCB tại VN vừa qua, tôi sẽ dùng câu ngạn ngữ" Sói đội lốt cừu". Bằng thủ đoạn gây ảo giác về một TQ yêu hòa bình,tôn trọng VN, quí tình hữu nghi truyền thống trên cơ sở cùng hệ tư tưởng, cùng mục tiêu XHCN v.,Họ Tập dường như đã đánh lừa được một số vị lờ đờ của ta. NHững gì cần diễn thì họ Tâp đã diễn hết rồi ,rất tròn vai.. Câu hỏi cần đặt ra lúc này là: Ai trong số lãnh đạo VN tin vào ho Tập, và TQ nói chung? Theo dõi thái độ và nội dung phát biểu của 4 ông tứ tru,, tôi rất thất vọng với ông Tổng. Ông ta có vẻ cảm động thật, mừng rỡ thật vì đã khôi phục được tình đ/c quan hệ hữu nghị cùng lý tưởng với TQ v.v. Trong các diễn văn, hội đàm,ông ta đưa ra toàn những lời có cánh sáo rỗng,không hề dám thẳng thắn đặt v/đ BĐ như CT Sang. .Về cái tuyên bố chung, có thể nhận thấy lơi thé luôn thuộc về TQ. Trong đó cần đặc biệt lưu ý tới các dự án làm đường cao tốc chọc thẳng vào Thủ đô HN, đi xuyên từ Bắc vào Nam, những công trình đầu tư tại các yếu địa v.v.Có cảm giác TQ sắp tới sẽ chọc sâu hơn vào đất liền VN,cả hai hướng chiến lược Tây Bắc ( Vân Nam ) và Đông Bắc ( Quảng Tây) .Tôi chỉ sơ những kẻ theo Tầu sẽ lợi dụng cơ hội này rước giặc vào nhà. Đó chính là những nguy cơ mà người dân VN cần cảnh giác theo dõi, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời..

    Trả lờiXóa