Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

021. HOÀNG CÔNG LÝ - TÁC PHẨM CHỌN IN SÁCH

  TỰ TRUYỆN

                       TIA CHỚP CỦA SỐ PHẬN
                                                                        Hoàng Công Lý
                                       (Vụ trường - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaixia)

Tôi sinh ngày 16 tháng 10 năm 1941 tại một nhà hộ sinh trên phố Quán Sứ Hà Nội. Cha mẹ tôi đều là người gốc Huế. Năm 1933 cha tôi, Hoàng Như Tiếp, tốt nghiệp khóa đầu tiên tại khoa Kiến trúc của trường Mỹ thuật Đông Dương, ông đưa gia đình ra Hà Nội sinh sống. Ra trường ông mở xưởng vẽ tư nhân cộng tác với kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cuộc sống của gia đình tôi lúc đó rất khá giả, tôi được một vú em chăm sóc. Năm 1946, khi tôi lên 5 tuổi thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Là một trí thức, cha tôi đã nghe theo lời Bác gọi đưa cả gia đình ra kháng chiến. Gia đình tôi định cư ở huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Những năm từ 1947 tới 1952 tôi sống cùng mẹ, chị, em gái tại đó, tôi phụ giúp mẹ tăng gia, cuốc đất trồng khoai, cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng tạm đủ ăn. Tôi vẫn được cắp sách tới trừơng làng, học đến hết lớp 4. Bố tôi làm việc tại An toàn khu (ATK), chính ông là người đã thiết kế khu hội trường và nhà ở cho các đại biểu cả nước về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc, công trình này được Bác Hồ giao phó, khi hoàn thành Bác đã rất ngợi khen và cha tôi được đặc cách mời tham dự Đại hội.

Cuối năm 1953, một hôm bất ngờ cha tôi ghé về thăm nhà và nói với mẹ tôi là Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn một số con em cán bộ cách mạng và trí thức theo kháng chiến gửi sang bên Trung Quốc để học tập sau này làm việc cho đất nước khi kháng chiến thắng lợi. Cha tôi muốn cho người chị gái hơn tôi một tuổi đi, nhưng cả mẹ và chị đều không muốn con gái phải xa mẹ, thế là tôi được chọn thay. Một tuần sau đó một chú cán bộ tên là Lễ đưa xe đạp đến đèo tôi lên ATK. Khi chia tay mẹ, chị và hai em tôi đã buồn đến rơi nước mắt và không muốn xa gia đình. Tôi theo chú ghé qua khu ATK nhưng không gặp cha tôi, ở đó một ngày rồi hai chú cháu lên đường qua Thái Nguyên lên Lạng Sơn. Đường đi đầy khó khăn trắc trở, chú Lễ thật vất vả còn tôi thì ngồi ê cả mông, cuối cùng cũng đến được trạm liên lạc ở ngay sát biên giới. Tôi ở đó vài hôm rồi cùng một nhóm các bạn khác đi bộ qua biên giới Mục Nam Quan rồi lên xe ô tô đi tiếp. Khi qua biên giới tôi cũng không biết, lúc đó chỉ nhặt được vỏ bao thuốc lá "Đại tiền môn" thì biết là đã sang đất Trung Quốc. Từ Bằng Tường tôi lên xe ô tô mui bịt kín lên Nam Ninh rồi đi xe lửa lên Quế Lâm. Tới ga Quế Lâm bọn tôi lại phải chui vào xe tải GMC bịt kín chạy về trường rồi sau đó thế nào tôi không còn nhớ nữa, chỉ thấy mệt và buồn. Lúc tôi đến trường thì đã có nhiều bạn rồi không biết là các bạn đó mới từ trong nước sang Quế Lâm hay là từ Lư Sơn chuyển về. Tôi được phân vào lớp 5A, khi chụp ảnh 3 người, tôi đứng giữa, hai bên là bạn Hồng Sĩ và Tiến Nguyên (bức ảnh này đã bị thất lạc khi tôi đi sơ tán trong thời gian Mỹ ném bom Hà Nội), thật đáng buồn là hai người bạn đó có rất nhiều kỉ niệm với tôi lại đều đã vội vàng ra đi. Ở trường Quế Lâm tôi thuộc loại trò ngoan, không nghịch ngợm, tính hơi nhát và ngô nghê chẳng biết gì ngoài chuyện học hành. Tôi cũng như nhiều bạn nam rất thích ra chơi và tắm ở sông Ly, nước sông rất xanh, thi thoảng lại thấy một chiếc thuyền lướt nhẹ, trên thuyền có những chú chim sếu chuyên mổ bắt cá cho chủ thuyền. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái món cháo trắng ăn với calathau mỗi buổi sáng, hễ có dịp đến Trung Quốc là tôi lại mua một ít calathau đem về ăn và gửi tặng các bạn cùng lớp thời Quế Lâm. Kỉ niệm tôi còn nhớ mãi đó là buổi tiễn cô Quế về Nam Ninh tại nhà ga Quế Lâm, kỉ niệm đó tôi đã ghi lại trong bài viết về cô giáo thân yêu của lớp 5 chúng mình. Những tháng năm đó để lại nhiều dấu ấn cho cuộc đời mỗi chúng ta sau này. Tôi coi đó như là một "tia chớp của số phận" mình vậy, chuỗi ngày tháng của tuổi thơ ấy là những bước đi chập chững đầu đời tạo nên tính cách con người tôi trong suốt cuộc đời sau này.

Sau khi trở về nước năm 1957, tôi và nhiều bạn khác theo học cấp ba tại trường Chu Văn An. Sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, năm 1961 tôi theo học lớp tiếng Trung ở trường Ngoại ngữ Gia Lâm, tháng 9 năm 1961 thì sang học tại khoa ngữ văn trường Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, cùng học với Ngọc Trâm. Học với nhau một thời gian thì bạn Trâm bị ốm phải trở về nước, ngày bạn ấy chia tay chúng tôi còn mang hoa đến tặng. Sau 5 năm dùi mài sách vở, học chuyên về Hán ngữ và văn học Trung Quốc tôi cứ đinh ninh sẽ về công tác ở Viện Ngôn ngữ chỗ bạn Trâm, nhưng không ngờ tháng 11 năm 1966 tôi được Đại sứ Trần Tử Bình chọn làm phiên dịch cho Sứ quán. Thế là tôi trở thành nhân viên ngoại giao và bắt đầu cuộc đời đi sứ liên miên, làm cán bộ phiên dịch rồi chuyến sang cán bộ nghiên cứu. Năm 1992 tôi được đề bạt làm Vụ trưởng vụ Trung Quốc của Bộ Ngoại giao, sau đổi thành Vụ Đông Bắc Á. Tôi giữ chức vụ này suốt chục năm sau đó cho tới khi nghỉ hưu năm 2007. Trong 40 năm làm nghề ngoai giao tôi đã 3 lần đi sứ Bắc kinh, làm Tùy viên, rồi Bí thư thứ 3, lần sau cùng ở Trung Quốc là Tham tán Công sứ (1988 - 1990). Năm 1996 tôi được Nhà nước cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Malaisia trong 4 năm, đến năm 2003 khi làm Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á thì tôi lại được cử sang Đài Loan làm Chủ nhiệm văn phòng Kinh tế Văn hóa của VN ở Đài Bắc. Năm 1971 tôi lập gia đình, điều hơi bất ngờ là vợ tôi, Nguyễn Hồng Liên, lại có anh trai là Nguyễn Ngọc Tiến học sinh lớp 3A Quế Lâm, Anh đã hi sinh cùng mấy người bạn nữa đều là học sinh Quế Lâm khối 3, khi đó anh là phi công lái máy bay trực thăng tham gia chiến đấu chống máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội năm 1967.

Hơn 40 năm theo nghiệp ngoại giao, tôi gần như tập trung toàn bộ sinh lực vào công việc theo dõi, nghiên cứu về đất nước Trung Quốc - người láng giềng khổng lồ ở phía bắc, đất nước mà thuở ấu thơ tôi đã từng sống, ăn học, lớn lên rồi làm việc nhiều năm tại đó, tôi cũng là người trực tiếp tham gia vào việc xử lý mối quan hệ Việt Nam – Trung Hoa đầy thăng trầm. Tôi đã đến nhiều nước trên thế giới từ Âu sang Á, từ Nga đến Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc vẫn là nơi tôi có nhiều duyên nợ nhất. Tôi đã sống ở đó trong những thời kỳ quan hệ hai nước tốt đẹp nhất, cảm nhận rõ tấm lòng hào hiệp của người dân Trung Quốc, mặc dù cuộc sống còn khó khăn vẫn dành một phần cơm áo chi viện cho cuộc chiến chống Mỹ giành độc lập thống nhất của nhân dân Việt Nam. Tôi cũng tận mắt chứng kiến những phong ba bão táp của cuộc "cách mạnh văn hóa" cướp đi sinh mạng hai chục triệu người dân, cuộc đàn áp đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và đã trải qua những tháng ngày căng thẳng khi chính người "đồng chí anh em" này đã đưa 60 vạn quân ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phia bắc của Việt Nam tháng 2-1979.
Cuộc đời tôi đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm. Có lúc tôi được ngồi trên ghế cao bên cạnh nhà Vua của nước láng giềng Malaisia khi được Chủ tịch nước trao cho danh hiệu cao quý là Đai sứ, người đại diện tối cao của nhà nước Việt Nam. Có khi lại đầu tắt mặt tối cùng những đồng nghiệp miệt mài dịch bản tuyên bố của Chính Phủ ta lên án bọn bành trướng phương Bắc đem quuân xâm lấn Việt Nam. Cũng có nhiều dịp tôi được rong chơi thăm thú những thắng cảnh lừng danh của Paris, Tokyo, Washington, nhưng cũng có những đêm dài tôi trằn trọc, âm thầm buồn bã trước nỗi đau của một cô dâu người Việt bị ngược đãi trên hòn đảo Đài Loan khi tôi là người Đại diện của Việt Nam tại đó.
Nhưng trải qua tất cả những thăng trầm, những đảo lộn khó lường trước đó, tôi vẫn bình thản để đến với tuổi già. Nghỉ hưu rồi, như các cụ xưa vẫn nói: "Vô quan nhất thân khinh" (Không còn quan chức, một đời nhẹ tênh). Sau những ngày tháng cần mẫn làm việc, nay đã đến lúc "giải giáp quy điền", tôi luôn cảm nhận được sự thanh thản, và có đôi chút "mãn nguyện" vì mình đã không làm điều gì hổ thẹn với Tổ quốc, với nhân dân. Nay trở về với cuộc sống bình dị tôi cảm thấy thật an lòng. Người xưa đã nói: "Nhân đáo vô cầu, phẩm tự cao" (Con người khi đã tới lúc không còn đòi hỏi gì nữa thì phẩm hạnh sẽ trở nên thanh cao) - quả đúng không sai.
Trong cuộc sống, điều đáng sợ nhất không phải là sợ bị mất của cải, tiền bạc, chức tước mà chính là sợ bị mất lòng tin ở cuộc sống, ở vào tuổi "cổ lai hy" điều này càng có ý nghĩa hơn. Cũng như các bạn khác, vào tuổi già rồi tôi luôn yêu quý, trân trọng cuộc sống hơn, không phải bởi quỹ thời gian mỗi ngày một ít đi mà bởi chính là niềm tin vào cuộc sống.
Như người đời thường nói:
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Đó cũng chính là tâm nguyện của tôi.

Trong những ký ức về cuộc đời mình, tôi luôn nhớ về một thời thơ ấu, nhớ về mái trường Thiếu nhi VN Quế Lâm. Đó là những ngày tháng đẹp, trong sáng của tuổi thơ, của tình bạn thắm đẫm những tình cảm thân thiết vô tư. Bây giờ mỗi khi nghĩ về những kỉ niệm đó, nhớ về mái trường xưa ấy tôi như thấy ở đâu đó:
Những hình bóng bạn bè thuở ấy
Sao không bao giờ nhạt phai?
Tình bạn thân thiết hồn nhiên ấy theo chúng tôi đi suốt những năm tháng của cuộc đời, làm sao lại nhạt phai được chứ, sẽ chẳng bao giờ nhạt phai đâu.

Thời gian cứ lặng lẽ qua đi, tôi như đang bồng bềnh trôi trong khúc cuối của dòng sông cuộc đời. Giờ đây trong cuộc sống bình thản này:

"Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
cùng với anh em tìm đến mọi người…"

Tôi sẽ mãi như thế và cùng với các bạn một thời Quế Lâm của mình, chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau, cùng nhau hát ca để luôn thấy:
"… Tiếng cười rộn rã bay".
                                                         Tháng 6 năm 2013
---------------------------------------

         

1 nhận xét:

  1. Bạn Công Lý thân mến ! Bài viết của bạn đoạn nhắc đến Quế Lâm vẫn khiến người đọc xúc động, dù rằng chúng ta , ai cũng từng trải qua. Bạn có thể tham khảo bài cũ như TM gợi ý, nhưng quyết định là ở tác giả .

    Xin bạn xem lại chi tiết, chúng ta từ KHXNN về HN măm 1957 và số đông vào học Chu văn An, lớp 8 chứ không phải lớp 10 . Bạn chú ý sửa một vài danh từ riêng không viết hoa ( như chữ hán, đông na á ). Các danh từ riêng chỉ địa phương như Thái nguyên , Tuyên quang cũng cần viết hoa cả chữ Nguyên và Quang . Những lỗi này tất nhiên sẽ có bạn Đăng Tín và cô em Thu Giang dò lại để chỉnh sửa, thế nhưng từng tác giả tự sửa thì sẽ đỡ vất vả cho bạn Tín và em Giang hơn . Thân mến ( Calathau )

    Trả lờiXóa