Chuyện của Ngọc Trâm
Tôi là Nguyễn Ngọc Trâm, sinh ngày 29/1/1941. Tôi được tập trung đi TQ từ hè năm 1953, theo đoàn Thanh Hóa. Đoàn tôi có Minh Kim, Ngô Bè (Loan), Huyền, Dương Chí Trọng… Đến Việt Bắc đoàn sát nhập với đoàn Hà Nội, ở đó tôi chỉ còn nhớ có chị Bái.
Sang Lư Sơn tôi học lớp 4, và khi về Quế Lâm tôi cùng với Tiến Hoàn, Bích Ngân, Lệ Thủy… được nhấc lên lớp 5, lớp của chúng ta. Về nước tôi tiếp tục học ở Thanh Hóa, ở Chu Văn An, sang học ở Đại học Bắc Kinh; bị ốm về học tiếp ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ra trường, tôi về công tác ở Viện Ngôn ngữ, Uỷ ban Khoa học Xã hội và làm việc liên tục ở đấy đến khi nghỉ hưu 12/2001. Những năm đầu ra công tác tôi đã gặp khó khăn lớn về sức khỏe, thậm chí suýt nữa bị cho về nghỉ theo chế độ mất sức. Nhưng rồi mọi chuyện khá hơn. Tôi đã cố gắng nhiều trong công việc. Và điều mà tôi hài lòng hơn cả trong những năm tháng đó là mình đã rất yêu nghề, đã hết lòng vì công việc và làm việc có hiệu quả. QuyểnTừ điển tiếng Việt của tập thể Phòng Từ điển chúng tôi được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.
Cũng như các bạn, tôi đã có những năm tháng rất đáng nhớ ở Quế Lâm. Hồi đó, tôi là tổ trưởng của tổ nữ bé, gồm Ngọc Trâm, Nguyệt Ánh, Nữ Hiếu, Lệ Tiến, Dục Tú, Yến Nga, Nguyệt Nga, Minh Kim, Thanh Bình. Chúng tôi nghịch ngợm chẳng kém gì các bạn nam. Đã từng có những trận quyết chiến với các bạn nam trong lớp (đứng đầu là Nguyên Hân), đuổi bắt nhau quanh sân vận động, vườn hoa trước cửa Hiệu bộ… Và kết thúc là thủ lĩnh Nguyệt Nga bị bắt trói, bị tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai. Chúng tôi kết luận: thế là chúng mình vẫn thắng. Làm những việc li kì, tình báo cũng là sở thích của chúng tôi. Vào ngày nghỉ, chúng tôi đã lên núi hái hoa rừng, trèo qua cửa sổ phòng anh Quý cắm vào lọ ở bàn. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết anh Quý có đoán ra “thủ phạm” là chúng tôi không, nhưng anh không nói gì, và chúng tôi lấy làm thích thú về “bí mật” đó. Còn nghịch ngợm như vậy nên bọn tôi ít quan tâm tới chuyện “ném thư”, “bỏ thư” trong lớp. Tuy nhiên không hiểu sao tôi được bạn tin nên đã từng chuyển thư, nhận thư hộ.
Ở Quế Lâm là những chuỗi ngày vui, nhưng tôi cũng gặp một chuyện buồn. Hôm đó Phương Dung lớp 4 (Dung và tôi đã cùng học ở Dục anh viện Thanh hóa) khoe mới nhận được thư bố mẹ, biết tin mẹ Trâm đã lấy chồng. Tôi choáng váng không tin. Nhưng mẹ Dung đã viết rõ ràng: “… mẹ đi họp có gặp mẹ và bố dượng của Trâm...” Tôi buồn khóc, tủi thân. Thế là mẹ đã quên cha, đã không còn yêu thương chị em tôi nữa…! Rồi chị Quế gặp tôi. Chị đã dỗ dành giải thích nhiều, chị bảo: “Khi lớn lên em sẽ hiểu mẹ, sẽ biết rằng mẹ bao giờ cũng yêu thương em.” Và đúng là như vậy. Sau này, khi trưởng thành, lúc đã nhiều tuổi, lúc vĩnh biệt mẹ, tôi càng thấm thía một điều: Trên đời này chỉ có mẹ là người yêu thương chị em tôi nhất, mẹ dành cho chúng tôi tất cả, chấp nhận và tha thứ cho chúng tôi tất cả.
Khi học xong lớp 7 chúng ta được về nước thăm gia đình. Trở lại sau đợt nghỉ, tất cả các bạn đều vui, chuyện trò ríu rít. Lệ Tiến cũng kể nhiều chuyện nhưng đặc biệt quan tâm tới tôi hơn. Dần dà bạn ấy kể, về nước lần này bạn mới biết cha đẻ thực của mình. Cha bạn là ông Bùi Hải Thiệu, và tên khai sinh của Tiến là Bùi Lý Lệ Lan. Cha mẹ Lệ Tiến lấy nhau khi hoạt động bên Trung Quốc, rồi ông mất bên đó. Sau này về nước bà xây dựng với ông Trần Lung, lúc đó Lệ Tiến mới 4 tuổi. Tiến lớn lên trong gia đình đầm ấm, chỉ biết bố Trần Lung, mẹ Lệ Minh và mình là Trần Lệ Tiến. Sau khi biết chuyện thực của gia đình mình, tình cảm của Tiến với mẹ, bố Lung và các em không hề thay đổi. Tiến yêu thương, trân trọng và tự hào về bố Lung, hiểu được những điều bố làm đều vì Tiến và chị Lệ Tân của Tiến. Chỉ có trong sâu thẳm, nỗi cô đơn mất cha đôi lúc trào lên, và chúng tôi lại động viên chia sẻ với nhau.
Một lần, khi tập trung họp đoàn viên khối 10 Chu Văn An, Tiến chỉ một bạn gái đứng xa xa và hỏi tôi: “Mày thấy đứa kia thế nào?” “Ồ, xinh quá!- tôi thốt lên. - Không, chính xác là dễ thương, tươi, dịu dàng, mà dáng lại dong dỏng nữa.” Tiến có vẻ bằng lòng: “Đó là Kim Oanh tao mới quen. Tao sẽ hẹn nó mai mình đến chơi nhé!” Nhà Oanh ở trong một ngõ nhỏ phố Thụy Khê. Một căn nhà bé, cũ, đồ đạc sơ sài. Chúng tôi vào chào bà, rồi rủ nhau ra trèo cây ổi, mặc Oanh đang léo nhéo nói gì trong bếp. Thấy tôi ngơ ngác về cảnh nhà, Tiến thì thầm kể: “Oanh ở đây với bà nội. Bố Oanh mất đã lâu, mẹ đi bước nữa, hiện đang ở trên phố. À, còn ông anh ruột của Oanh thì đã lấy vợ và ở chỗ khác. Ảnh các nhân vật này Oanh dán hết trên tường ấy.” Trời, tôi sửng sốt quá, sao lại có chuyện trùng hợp lạ lùng vậy! Không, không hẳn chỉ là sự trùng hợp, đây còn là “tác phẩm” của Tiến, Tiến đã gắn kết ba đứa với nhau bằng tình thương và sự nhạy cảm của mình. Chúng tôi đồng cảm với nhau và nhận nhau là ba chị em từ đó. Tính chị cả Oanh hiền lành, cởi mở, dễ thông cảm với mọi người. Chị cả dễ buồn khóc khi lâu không nhận được thư anh cả (Chu Hảo lớp 6), trách anh cả đi học xa biền biệt, nhưng chị không buồn ủ rũ mà vẫn sống hồn nhiên. Cô út Tiến là người có nhiều sáng kiến nhất cho mọi hoạt động chung. Cô quan tâm và có nhiều thông tin về các bạn khác, luôn nhiệt tình sôi nổi kiểu Quế Lâm. Còn tôi là cô hai, được chị và em khen học giỏi, hay được hỏi ý kiến khi có việc vướng mắc; nhưng với những việc thực tế trong xã hội tôi thấy mình vẫn “tồ tồ”, cũng kiểu Quế Lâm.
Sau khi Dương Nghiệp Chí đi học Trung Quốc về, Chí và Tiến vẫn chưa thể cưới nhau. Lệ Tiến làm việc ở Bộ Công an, được đào tạo và chuẩn bị cho công việc quan trọng và tuyệt mật, đòi hỏi về lí lịch người thân chặt chẽ hơn bình thường rất nhiều. Tiến rất buồn vì đã không dung hòa được công việc và gia đình; cuối cùng bạn ấy quyết định chuyển công tác từ Bộ Công an sang Bộ Lâm nghiệp. Họ cưới nhau năm 1967, sau gần 10 năm yêu nhau.
Ít lâu sau tôi cũng từ sơ tán về Hà Nội tổ chức cưới. Chồng tôi là anh Nguyễn Duy Quỳnh, công tác ở Phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Tổng hợp. Thời chiến tranh, bạn bè người thân li tán cả, điều kiện vật chất thực khó khăn. Tôi đã cặm cụi thêu được đôi vỏ gối trắng, nhưng không tìm đâu mua nổi đôi ruột gối. Biết thế, hôm sau Tiến tháo hai cái ruột gối của mình mang đến: “Của bọn tao đấy…, dùng tạm mấy ngày chứ ai lại cưới xin mà bầy hầy quá!” Tôi xúc động, vừa thương bạn vừa thương mình. Thời xưa của chúng ta là như thế, sống đơn giản thoải mái, hết lòng vì bạn, chẳng có kiêng khem câu nệ gì.
Rồi nửa năm sau tôi phải về Hà Nội khám vì thai sản không bình thường. Biết Tiến vừa sinh cháu trai mà không đến thăm được, tôi phải nhập Viện ngay. Nằm ở Bệnh viện C, ngoài những nỗi đau cơ thể, còn phải chứng kiến bao nỗi đau đớn về tình cảm, về chuyện chồng con, về những bất công mà nhiều phụ nữ nông thôn còn đang phải gánh chịu. Nguyễn Du quả đã rộng lòng biết bao khi ông than hộ chúng tôi: Đau đớn thay phận đàn bà!
Vào một đêm khuya lắm, tôi tỉnh dậy vì nghe tiếng ồn ào trong phòng bệnh. Mấy y tá đang đẩy cáng lướt qua giường tôi. Tiếp đó là những tiếng trao đổi nhỏ: Bệnh nhân Lan… sốt cao…, sau đẻ một tuần… Tiếng nói nhỏ dần, và người ta lại đẩy cáng ra khỏi phòng. Thế rồi tôi tỉnh hẳn. Chả lẽ nào lại thế, …cũng đẻ được một tuần, …còn tên Lan nữa chứ. Không, chắc không phải, Tiến vẫn dùng tên Trần Lệ Tiến cơ mà, còn thiếu gì người đẻ được một tuần! Tôi cố phản bác lại, nhưng linh tính vẫn mạnh hơn, rồi tôi thức đến sáng. Hỏi biết bệnh nhân đêm qua nằm ở phòng cấp cứu, tôi tìm sang. Và tên ghi ở đầu giường rõ rành rành: Bùi Lý Lệ Lan; điều tôi không mong đã tới. Đánh thức Tiến dậy, chúng tôi trò chuyện với nhau. Tiến nói nhiều về thằng bé, chỉ lo sốt thế này mất sữa cho bé bú, lo mọi người chê không biết nuôi con. Tiến còn khoe, khi đưa vợ vào đây Chí lo lắng ủ rũ lắm, Tiến đã phải động viên: “Dương Chí, dũng cảm lên!...” Tiến ngáp nhiều, nhưng cố vươn người nhìn xung quanh, cười: “Tao phải nằm phòng bệnh nặng thế này… khéo không ngoẻo mày ạ!” Tôi biết tính Tiến hay đùa nhưng vẫn gạt đi: “Vớ vẩn, chỉ sốt thôi mà. Mày có mệt không, có đói không?” “Tao chỉ buồn ngủ!” Tiến nói xong mắt đã díp lại. Tôi để bạn ngủ và hứa tí nữa lại sang. Khoảng hơn 10 giờ Oanh tới nháy tôi ra (Oanh làm việc ở Bệnh viện Việt Đức ngay cạnh), tôi chỉ chỗ Tiến cho Oanh và trở về phòng khám. Nửa tiếng sau Oanh hốt hoảng quay lại, nước mắt lưng tròng: “Trâm ơi, tao gọi mãi mà Tiến không dậy. Bác sĩ đã biết, họ đang cấp cứu.” Chúng tôi lại chạy sang, Tiến vẫn không tỉnh. Bác sĩ, y tá đứng đầy phòng. Sau đó Dương Chí, rồi bác Trần Lung tới. Phòng bệnh được dọn để đưa nhiều loại máy móc vào. Bác sĩ ra vào rất đông, lúc thăm khám, lúc hội chẩn. Thời gian cứ nhích dần, và niềm hi vọng của mọi người cũng như tàn lụi dần. Nhìn những bóng áo blu trắng đi lại làm việc tôi đã trông chờ, tôi đặt niềm tin vào họ biết bao: hãy cứu bạn tôi, hãy nghĩ ra cách gì hiệu nghiệm đi! Nhưng phép mầu đã không xảy ra. Khoảng 8 giờ tối, máy móc ngừng chạy và được kéo đi, bác sĩ ra về dần, phòng bệnh trở nên vắng lặng, họ cũng đưa cả Tiến đi mất rồi. Sau khi gặp bác sĩ, bác Lung quay lại an ủi tôi: “Họ đã làm hết sức cháu ạ. Tiến bị nhiễm trùng máu sau khi sinh, nếu phát hiện sớm thì còn có cách. Nhưng trường hợp Tiến đã quá muộn, đã lên não rồi mới vào Viện… Bây giờ bác còn một việc rất khó là nói thế nào với bác gái và các em Tiến đang ở nơi sơ tán đây!”
Lệ Tiến ra đi ở tuổi 27, để lại đứa con thơ mới mấy ngày tuổi, để lại nỗi tiếc thương vô cùng tận cho tất cả chúng ta. Cũng như tôi, chắc nhiều bạn không quên được người bạn gái xinh xắn, nhanh nhẹn và rất chân tình. Với vẻ ngoài lém lỉnh, sôi nổi, hay hài hước, bên trong lại chứa đựng một trái tim vị tha, đôi khi mềm yếu nữa: Tiến rất thích chăm sóc, chiều chuộng người thân, sẵn sàng hi sinh để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho người mình yêu quý.
Tạm dừng ở đây câu chuyện về người bạn của chúng ta, câu chuyện “hậu Quế Lâm”, nhưng lại dính líu nhiều với Quế Lâm.
Hiện chúng ta cùng đang đi trên đoạn sau của cuộc đời. Mỗi người trong chúng ta không phải đều hoàn hảo, trơn tru, cũng như cuộc đời có lúc trong lúc đục. Đến nay tôi đã thích nghi với cuộc sống của người hưu trí. Ở tuổi này, tôi chỉ còn ba điều quan tâm. Thứ nhất là công việc mà mình yêu thích. Đến bây giờ tôi vẫn được làm từ điển, được viết lách về những từ ngữ gặp được trong tiếng Việt, tất nhiên với cường độ và tốc độ khác trước. Thứ hai là cuộc sống và thành đạt của con trai tôi. Và thứ ba là các bạn Quế Lâm. Tôi có nhiều bạn quen biết từ nhiều môi trường sống khác, nhưng bạn Quế Lâm vẫn là nơi chia sẻ niềm vui nỗi buồn nhiều hơn cả. Có chuyện gì bận tâm, lo lắng, hay vui vẻ nữa là tôi tìm gọi ngay và “trút” cho Nguyệt Ánh, Thanh Bình hay Thanh Mai, Nữ Hiếu… , và lòng lại vơi đi, nhẹ nhàng. Mong sao lâu lâu lại gặp nhau, cùng hát và nhớ lại một thời đáng nhớ của chúng ta.
Trả lờiXóaĐây là 1 hồi ký cảm động .Viết chỉn chu . Hay .( Trừ đoạn mở đầu hơi bị "kê khai lí lịch trích ngang ", bạn nên sửa cho mềm đi 1 chút được không ?
Như vậy bạn đã chọn tác phầm này thay cho bài " Cha mẹ tôi và mùa Thu Cách mạng " ? ( Quang Trung )
Mấy trang viết mà bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu tình cảm...Chị Trâm bao giờ cũng chỉn chu như thế! Đáng học tập quá!
Trả lờiXóaBạn Quang Trung ơi, mình chữa vài dòng ở đoạn đầu nhé. Bạn xem có được không?
Trả lờiXóaTôi là Nguyễn Ngọc Trâm, sinh ngày 29/1/1941. Tôi được tập trung đi TQ từ hè năm 1953, theo đoàn Thanh Hóa. Đoàn tôi có Minh Kim, Ngô Bè (Loan), Huyền, Dương Chí Trọng… Đến Việt Bắc đoàn sát nhập với đoàn Hà Nội, và đi thẳng sang Bằng Tường
Sang Lư Sơn tôi học lớp 4, và khi về Quế Lâm một vài đứa chúng được chuyển lên lớp 5, lớp 5A của chúng ta. Chỉ học với nhau 3 năm mà tình bạn của chúng ta gắn bó thật sâu sắc.
Tốt nghiệp đại học, tôi về công tác ở Viện Ngôn ngữ, Uỷ ban Khoa học Xã hội và ...