Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

013. ĐINH VĂN ĐẶNG (GIANG) - TÁC PHẨM CHỌN IN SÁCH

QUÊN SAO ĐƯỢC NHỮNG KỶ NIỆM XƯA
Đinh văn Đặng (Giang)
    Việt trì  12/6/2013

Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chưa kết thúc,đời sống còn đang rất khó khăn thiếu thốn, tôi vừa làm kiếm sống, vừa học, thì tháng 5 năm 1953 khi tôi đang học lớp 5 (lớp đầu cấp II) ở khu rừng sơ tán của trường Hùng Vương tỉnh Phú Thọ, được anh trai là sĩ quan QĐND VN báo tin cho biết là tôi được sang Trung Quốc ăn học. Tôi mừng vui khôn xiết . Thế rồi ít ngày sau tôi được đưa đến một xã miền núi thuộc huyện Hạ Hoà tỉnh Phú thọ là nơi tập kết của 25 con em cán bộ trung cao cấp của sư đoàn 312. Tôi , Lê đông Hải( con sư trưởng Lê trọng Tấn lúc ấy), Nguyễn quang Hoàn ( con trung đoàn trưởng Nguyễn quang Tuần thời đó) là những  bạn đồng lứa tuổi, cùng học một trường, một lớp. và thuộc loại lớn của đoàn . Ở đây mấy tháng, chúng tôi được các anh cán bộ và anh nuôi của sư đoàn chăm sóc tận tuỵ, có anh Tô Vân là hoạ sĩ vừa dạy chúng tôi học vẽ, học hát, lại cả đàn nữa thật là thích thú. Đó là kỷ niệm đầu tiên.

   Sau khi đoàn đủ 25 người , chúng tôi được đưa đến địa điểm mới là khu nhà lá to trong rừng nguyên sinh rậm rạp tỉnh Tuyên quang . Ở đây chúng tôi được gặp thêm các bạn thuộc các đoàn khác và được phát quần áo thiếu sinh quân gọn gàng, màu xanh nhạt cỏ úa. Khi khối đoàn được khoảng một trăm người, chúng tôi tiếp tục đi bộ qua các khu rừng Thái nguyên, Bắc cạn . Cứ mỗi lần qua các dòng sông nhỏ, suối đá nước nông trong veo chảy xiết, tôi, Đông Hải, Quang Hoàn lại ghé lưng cõng các em nhỏ lớp 1,2,vỡ lòng qua sông và khi nghỉ ngơi được tắm những dòng nước trong mát đó thật thích thú.
   Tới hang Bắc sơn chúng tôi trèo leo trong động và ăn nghỉ tại các nhà sàn của đòng bào Tày Thổ có cái gì đó là lạ và mát mẻ của núi rừng Việt bắc. Rồi một đêm chúng tôi được thông báo chuẩn bị sẵn sàng. Khi đoàn xe tải Môlôtôva đến ,tất cả lập tức lên xe. Xe chạy suốt đêm đến cửa ải Nam quan. Sau đó được  đưa đến  Bằng tường thành phố bên kia biên giới Trung quốc.Hôm sau đoàn đi tàu lên Cửu giang thủ phủ của tỉnh Giang tây miền trung Trung quốc.Khi ấy đến đâu cũng được các bạn Trung quốc đón tiếp  nồng nhiệt . Đang ở nước ta nghèo khó, ở nhà thường chỉ có cơm độn,rau xanh, muối vừng, đến khi được ngồi vào các bàn tròn có tới 20 món thức ăn ngon, thật không thể tưởng tượng được và ăn sao cho hết .
   Sáng hôm sau từ thành phố Cửu giang chúng tôi đi xe ca mất hơn nửa ngày leo núi mới lên đến Lư Sơn - thành phố nghỉ mát nổi tiếng của Trung quốc trên đỉnh núi cao thuộc tỉnh Giang tây.. Từ đây nhìn xuống thấy rõ sông Trường giang và  nhánh sông Dương tử chảy ngoằn ngoèo giữa các triền núi, vùng đồng bằng rồi tiến ra biển Hoa đông rộng lớn. Khác với Đà lạt-TP trên núi đất đỏ , còn Lư sơn là TP trên các sườn  núi đá .Tại khu trưòng ở TP Lư sơn tôi còn  nhớ như in toà nhà ở 6 tầng của các  bạn nam trên sườn núi và cầu qua dòng suối đá sang nhà 3 tầng màu gạch nâu của các bạn nữ ở bên một sườn núi bên cạnh.
   Lư sơn gắn với tôi biết bao kỷ niệm , thật khó mà quên được. Tôi bắt đầu bằng kỷ niệm thứ nhất:


ĐÁNH LỪA THÀY CÔ
   Lư sơn- nơi cây hạt dẻ mọc ở khắp các khe đá trên sườn núi , tuy cây chỉ cao khoảng hai , ba mét thôi, nhưng cành sum xoe, quả sai chi chít. Một hôm tôi và Đông Hải rủ nhau đi lấy hạt dẻ, thế rồi buổi trưa không ngủ, buông màn lấy chăn gối làm giả người nằm lù lù trong giường, để thầy cô đi kiểm tra tưởng trò đang ngủ.Tới rừng hạt dẻ sau trường, chúng tôi bẻ những cành quả già, rồi lấy đá ghè cho tách vỏ gai sắc nhọn, lấy các hạt to băng đốt ngón chân cái ,đút túi , ăn dần. Nếu có điều kiện rang lên thì mùi thơm hấp dẫn tuyệt vời. Rất may là mấy lần đều chót lọt.
 

TUYẾT PHỦ ĐẾN CỔ
   Rãnh nước dọc bên đường phía nhà thư viện trên sườn núi đá, nên người ta phải đào rộng và sâu như giao thông hào mới thoát  kịp nước mỗi khi mưa to. Vào một đêm tuyết rơi dày đăc, gió thổi phủ kín rãnh. Sáng hôm sau trên đường đến nhà ăn, tôi cùng các bạn giàn hàng ngang lội tuyết dày tới mười, hai mươi phân . Tôi đi ngoài cùng, bỗng sụp một cái tụt xuống rãnh, tuyết phủ đến tận cổ,các bạn kêu lên:” thằng Đặng nó tụt rồi chúng mày ơi “. Thế là tôi được các bàn tay súm lại kéo lên . Thật là kỷ niệm khó quên . Mấy ai mà đã được tuyết phủ đến cổ phải không các bạn .
 

NHŨ BĂNG
   Khi tuyết tan dần, các cành lá trên những cây thông quanh trường nhủ xuống hàng trăm , hàng ngàn thanh nhũ băng dài nhọn to bằng ngón tay, nhiều cái dài tới hơn một mét . Tôi cùng các bạn bẻ các thanh nhũ làm kiếm, rồi quất mạnh vào nhau gãy vụn ra như những mẩu thuỷ tinh trong suốt .Nhưng rồi đâu có đau, bởi vì mỗi người mặc trong cùng là quần áo len, rồi quần áo bông ngắn, rồi áo bông dài, còn trên đầu thì đội chiếc mũ lông dày cộp .
 

NHẢY DÙ
   Sau khi xem phim “Chiến công anh tình báo “ của Liên xô thời thế chiến thứ hai, thấy thiếu tá Pêtôp nhảy dù xuống vùng địch chiếm . Hôm sau Trần quang Hải lớp 1 túm bốn góc tấm ny lon làm dù nhảy từ cửa sổ gác tư xuống, may mà gió mạnh tạt mắc vào cửa sổ gác hai; thoát chết , thật là hú vía trước  con mắt nhiều người. Sự việc làm xôn xao cả trường lúc ấy. Tuổi thơ là thế đấy !
Ở Quế lâm tôi cũng có nhiều kỷ niệm khó quên:
 

CHỮA CHÁY
   Mùa đông ở Quế lâm mỗi lớp học có một chậu lò sưởi than ở cuối lớp . Các lớp học ở tàng 2 đều có sàn bằng gỗ thông sơn màu nâu. Một hôm trong giờ nghỉ giải lao, mọi người ra ngoài, một cục than lò nổ lép bép bắn ra gây cháy sàn gỗ thông ở lớp 5 tầng hai . Lập tức mấy bạn trai súm lại câu” vòi rồng” sịt cho mấy tia …, thế là “ đám cháy” chưa kịp bùng phát to đã bị dập tắt . Thật là phương pháp chữa cháy có một không hai trên đời với đội cứu hoả là các thiếu nhi. Nhân đây tôi lại nhớ đến tượng “Chú bé tè” ở giữa thủ đô nước Bỉ. Theo truyền thuyết cũng chính vì dòng nước đó mà chú đâ cứu được thành phố khỏi bị hoả hoạn . Thế là chú đã được đúc tượng và khắp các cửa hàng tôi đến đều thấy trưng bày tượng bé tè đủ các màu sắc trông rất hay.
 

CẢNH TRƯỜNG QUẾ LÂM
   Năm1955, một hôm thày Lợị bảo “Hôm nay vẽ cảnh, các em tuỳ ý ra ngoài muốn vẽ gì thì vẽ”. Thế là tôi cùng mấy bạn trèo lên sườn núi đá Thất tinh sau trường, nhìn xuống toàn cảnh trường,thấy rõ các ngôi nhà ngói đỏ, cây xanh, hồ nước và những sân chơi giữa các khu nhà, thật là một bức tranh thuỷ mạc tuyệt vời . Tôi  liền rê bút chì lên tờ giấy trắng vẽ cảnh khu  trường , rồi hôm sau  nộp bài . Ít ngày  sau, thày Lợi chấm và cho điểm tối đa 5 điểm ( ở Trung quốc điểm cao nhất là 5). Tôi mừng quá và nay còn nhớ như in trong óc cảnh trường Quế lâm lúc ấy .
 

ĐÓN BÁC HỒ
   Lần Bác Hồ đi thăm Liên xô về “ vào gần giữa năm 1955 thì phải “, trường Quế lâm mỗi lớp được cử một học sinh đi đón Bác ở sân bay Nam ninh .Tôi được các bạn 6c cử đi đón Bác , vì có thành tích học tập và rèn luyện tốt, tính thì củ mỉ cù mì,( bây giờ thì hết cù mì rồi ).Nhưng không may đến Nam ninh thì thời tiết xấu, máy bay không hạ cánh được, phải bay thẳng Hà nội . Thế là đoàn chúng tôi ai nấy đều tưng hửng, tiếc ngẩn người ra, song tôi có một cái may là tình cờ gặp lại người anh ruột mới được sang Trung quốc học ở ngay giữa sân trường Khu học xá Nam ninh .
   

 Khi ra công tác , tôi may mắn ba lần được gặp Bác Hồ :
  

 Tốt nghiệp Đại học Nga ngữ Bắc kinh, năm 1959 tôi về nước, mới đầu công tác ở Bộ Nông lâm và Bộ Nông trường. Bốn năm đầu tôi làm phiên dịch cho các đoàn chuyên gia Mông cổ và Liên xô ở Bộ Nông trường. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác Hồ trong buổi Bác tiếp đoàn chuyên gia và công nhân Mông cổ đầu năm 1960 tại phòng họp Phủ chủ tịch .Rất tiếc là ảnh chụp chung cả đoàn với Bác ở sân vườn Chủ tịch phủ, tôi không bảo quản tốt vì không ép platic , nay nhiều chỗ quá mờ và bợt trắng không phục hồi được . Lần thứ hai được găp Bác tại tiệc đứng, do Chính phủ Việt nam chiêu đãi chuyên gia các nước XHCN dịp kỷ niệm 15 năm ngày quốc khánh 2-9 tại Vườn hoa khách sạn Ba đình .Lần thứ ba là được đón Bác và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông tới dự buổi chiêu đãi của Sứ quán Mông cổ tổ chức nhân ngày quốc khánh nước họ 11 tháng 7  tại khách sạn Ba đình.  Bác và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông tới chúc mừng và thăm hỏi chốc lát rồi lại phải đi luôn . Tôi không sao quên được hình ảnh thật bình dân, thân mật của Bác - một vị lãnh tụ mà toàn dân ta và cả thế giới ngưỡng mộ . Đó là những kỷ niệm của thời trai trẻ không thể nào quên, nhất là mỗi khi có dịp được gặp lại các bạn cũng Lớp, cùng Trường . Đấy cũng là nguồn động viên khiến tôi sống thêm tươi trẻ , thêm yêu đời trong khi mái đầu đã hai thứ tóc !
   

CÂY CỔ THỤ, CẦU TRỜI.
     Thành phố Lư sơn có vườn bách thú ,có rừng nguyên sinh. Một hôm Nhà trường tổ chức đi tham quan khu rừng này. Hẳn các bạn còn nhớ ở đó có cây cổ thụ ngàn  năm  khổng lồ,cao  mấy chục mét tôi không nhớ. Chỉ nhớ là hôm ấy tôi và 7 bạn nữa dang rộng tay bao quanh mới kín được vòng quanh gốc của nó. Các bạn còn nhớ thác nước và Cầu trời không ? Tôi còn nhớ rất rõ . Cầu trời có hai mỏm đá lớn thiên tạo bằng phẳng , khá rộng ,dài hàng chục mét từ 2 bên sườn núi nhô ra giữa khe vực núi xanh sâu thăm thẳm ,nhìn xuống phải chóng mặt.Nhưng  hai mỏm của nó không chạm nhau mà còn cách nhau tới sáu bấy mét ,nên chỉ có Tôn ngộ Không mới qua được. Giữa khe núi đá rộng này là dòng sông bạc và thác nước. Thật là thiên cảnh hùng vĩ hiếm có. Hôm ấy bạn nào không đi tham quan ,thì thật đáng tiếc.
  

  ĐỜI TƯ
    Về đời tư của tôi không có gì đặc biệt .Tôi sinh năm 1939-năm con mèo .Tên khi học cùng các bạn là Đinh văn Đặng,sau ra công tác đổi thành Đinh Quang Giang. Quá trình công tác ít may mắn, nên không được như một số bạn trong chúng ta, song cũng không có gì phải hổ thẹn với bản thân và mọi người.
     Năm 1955 học trường Bắc Kinh Nga ngữ Học viện, năm 1959 tốt nghiệp đại học Nga văn về nước, bốn năm đầu công tác ở Bộ Nông lâm , rồi Bộ Nông trường. Năm 1963 tôi xây dựng gia đình và sang công tác ở Bộ Tài chính, học thêm Đại học tại chức Tài chính khoá 1 tốt nghiệp và công tác ở Viện nghiên cứu khoa học tài chính làm trưởng phòng Thông tin khoa học, kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu thụ Bộ và uỷ viên chấp hành công đoàn Bộ phụ trách đời sống. Năm 1985 về tỉnh Phú thọ cho gần nhà làm trưởng phòng  Ngân sách trực thuộc Thường trực Tỉnh uỷ hưởng lương như trưởng Ban,  rồi lên chuyên viên 5 cao cấp của tỉnh và nghỉ hưu năm 1991,do tỉnh uỷ thay đổi cơ cấu tổ chức . Bà xã tôi là trưởng phòng Công ty Vật tư tổng hợp ở tỉnh đã nghỉ hưu. Tôi có hai con (1 gái đầu và 1 trai) . Bốn con trai ,gái, dâu , rể đều tốt nghiệp đại học và  công tác cũng thành đạt tại các cơ quan ,xí nghiệp . Năm đứa cháu ( 3 ngoại,2 nội) đều học tập tốt,cháu đầu đã tốt nghiệp Đại học . Sinh hoạt đại gia đình tương đối tốt và ổn định .
    Thú vui của tôi hiện nay là chiếc máy vi tính. Lập Blog trên mạng để giao lưu với các bạn .Thỉnh thoảng đi du lịch, tôi thường giúp con cháu họ hàng bạn bè quay phim chụp ảnh, rồi xử lý, lồng ghép, cắt nối, làm đĩa video tặng và lưu giữ vừa để giải trí,vừa để nghiên cứu nâng cao trình độ tin học và vận hành bộ não để khỏi sớm bị lão hoá.
   Trên đây là mấy dòng để chúng ta cùng ôn lại những kỷ niệm thời ấu thơ.


-----------------------------------------
Đại gia đình bạn Đinh văn Đặng ( Giang)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét