Hiệu Tùng Lâm và Tiến Cảnh là những cơ sở nổi tiếng ở Hà Nội, những ai hoạt động ở Hà Nội thời kỳ 1930 – 1945 đều biết tiếng hai hiệu này. (Về sau này : năm 2005 nhà số 11 Hàng Giấy được gắn biển di tích lịch sử cách mạng : “ Hiệu câu đối và trướng Tùng Lâm là cơ sở hoạt động bí mật của TW ĐCSVN thời kỳ 1930 – 1945 . Nhiều đ/c lãnh đạo cao cấp của Đảng đã ở và làm việc tại đây” ).
Toàn quốc kháng chiến bố tôi ở lại bảo vệ thủ đô một thời gian ngắn. Rồi bố tôi đưa gia đình tôi tản cư về quê ở Vĩnh Khúc ( Văn Giang, Hưng Yên). Sau đi lên Tuyên Quang. Mẹ tôi bị máy bay giặc Pháp giết hại ngày 02/04/1947 tại thị xã Tuyên Quang. Hôm đó mẹ tôi, cô Tốn ( vợ bác Trí Uẩn, mẹ của bạn Chiến Thắng - lớp 5B Quế Lâm ) và bác gái Tống Phúc Chiểu cùng chạy tránh bom trong một ngôi nhà, nên cùng bị giết hại bởi 1 quả bom do máy bay Pháp thả xuống. Hôm đó có khoảng 300 người bị giết hại tại thị xã Tuyên Quang. Tang lễ do Cơ quan Chính phủ tổ chức. Mộ của ba bà chôn cạnh nhau, có đánh số. Chiến Thắng ( lớp 5B Quế Lâm của ta) khi đó lớn hơn tôi được cô ruột chỉ dẫn số hiệu mộ của mẹ Thắng, của mẹ tôi và của bác Chiểu gái. Cho nên sau này ( năm 1998 ) Chiến Thắng hướng dẫn tôi và Tống Phúc Chính lên Tuyên Quang nhận lại mộ của mẹ đẻ. Bác Tống Phúc Chiểu trước CM/8 làm quản trị trưởng tờ báo “ Tin tức” ( ban biên tập có bác Trường Chinh , Trần Huy Liệu ,…) trụ sở ở Phùng Hưng Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bác Chiểu đi Nam chiến đấu gửi lại hai anh em Tống Phúc Chính và Tống Phúc Hiệu để bác Trường Chinh nuôi.. Bác Tống Phúc Chiểu ( bác trai ) sau này cũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Khi mẹ tôi hy sinh ( năm 1947 ) tôi mới 5 tuổi, em gái tôi ( Chu Hạnh Phúc ) mới 1 tuổi. Gia đình tôi có chị tên là Nghĩa đi theo giúp việc nhà, đặc biệt là chăm sóc, nuôi nấng em gái tôi. Sau khi mẹ tôi hy sinh, bố tôi từ Phú Thọ sang Tuyên Quang đưa hai anh em tôi đi tản cư khắp nơi như Hiệp Hòa ( Bắc Giang ), Phú Bình ( Thái Nguyên ), rồi cuối cùng về thị xã Thái Nguyên. Sau đó, bố tôi đi công tác bị nhiễm bệnh hiểm nghèo và qua đời ( năm 1950), khi đó tôi 8 tuổi, em gái tôi 4 tuổi. Bác Tiến Cảnh tôi ( bác trai ) lúc đó lên công tác ở cơ quan với bác Trường Chinh ở Bắc Cạn. Năm 1947 giặc Pháp nhảy dù Bắc Cạn. Hầm trú ẩm của bác tôi bị lộ, giặc Pháp bắt được bác tôi, rồi xử bắn bác cùng với 2 đồng chí cảnh vệ. ( Năm 2010 mới tìm thấy mộ bác tôi và 2 đ/c cảnh vệ ). Vì thế sau này anh Chu Mạnh Thọ (con bác Tiến Cảnh tôi ) cũng được bác Trường Chinh có ý kiến cho đi học trường Quế Lâm ( cùng lớp với Trần Đình Hoan, … )
Sau khi cả cha mẹ tôi mất, bác dâu Tiến Cảnh tôi được tin về Thái Nguyên đón hai anh em tôi về nuôi cùng với hai anh chị con bác tôi ( trong đó có anh Chu Mạnh Thọ ). Khi tôi về sống với bác dâu tôi thì lúc đó bác dâu tôi làm quản lý cho bếp ăn của cơ quan Hội Liên Hiệp Thanh niên VN, lúc đó do ông Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch. Lương của bác tôi không đủ nuôi 4 anh chị em tôi, nên bác tôi xin ra khỏi cơ quan với ý định đi buôn bán để nuôi chúng tôi. Nhưng trong hoàn cảnh rất khó khăn, không có vốn liếng, không có bạn bè buôn bán thì chỉ buôn thúng bán mẹt, làm sao sống nổi ? Nhiều lúc bác tôi đi buôn cả tuần, ở nhà không có tiền, không có gạo, bốn anh chị em tôi phải vào rừng hái ổi ăn trừ bữa, nên bị táo bón, phải dùng xà phòng bôi trơn mới đại tiện được. Ít lâu sau, tôi xin bác tôi cho 2 anh em tôi đi làm con nuôi 1 gia đình đồng bào miền núi. Gia đình 2 vợ chồng ấy không có con cái, ở nhà sàn. Hàng ngày tôi đi chăn trâu , và gánh nước từ suối lên bằng 2 ống bương…
Được tin cha mẹ tôi đã mất, rồi sau này bác dâu tôi cũng mất, nên bác Trần Huy Liệu đến tìm 2 anh em tôi ở núi Hồng (Thái Nguyên), đón 2 anh em tôi về nuôi. Tôi ở nhà với Bác Liệu gái , với chị Trần Nguyệt Hồng ( Sau này đi học Internat ở Matscơva) và Trần Thành Công ( sau này đi học ở CHDC Đức ) .Tôi cùng bác Liệu gái và các chị lên đồi cuốc đất trồng sắn. Được mấy tháng thì bác Liệu cử người cần vụ về đón anh em tôi gửi lên trại nhi đồng TW ở Khe Khao ( gần Đầm Hồng, Bản thi - Tuyên quang giáp Bác Kạn) thuộc Liên Hiệp Phụ nữ VN do cô Lê Tụy Phương làm giám đốc trại. Cô Phương là mẹ đẻ của Nguyễn Hoài Niệm ( học Trường Quế Lâm cùng lớp với Vũ Ngọc Phan ) . Cô Phương và Chú Ngọc ( chồng cô Phương) chăm sóc , dạy dỗ anh em tôi như con cái trong nhà, nên cô chú như bố mẹ nuôi của hai anh em tôi. Khi đưa anh em tôi từ nhà Bác Liệu ở Đại từ ( Thái Nguyên) lên Khe Khao thì tôi đi bộ, còn anh cần vụ của bác Liệu gánh em tôi trong cái thúng, bên kia quanh gánh thì đặt hành lý. Đến Đầm Hồng thì ba anh em đi tàu hỏa của ta chạy đêm từ Đầm Hồng đến Bản Thy, rồi mới đi đường núi lên Khe Khao. Tàu hỏa loại nhỏ, chạy than, chỉ có 2 toa, 1 toa hàng, 1 toa khách chỉ chừng 10 người.
Đến năm 1951, tôi đã 9 tuổi , quá tuổi ở trại nhi đồng rồi. Lúc đó bác Aí là phó chủ tịch hội LHPN VN quyết định chuyển tôi sang Nam Ninh (Trung Quốc) học trường cấp một ( Bác Aí trước đây cũng hoạt động ở Hà Nội nên rất biết hiệu Tùng Lâm của bố tôi ). Tôi được đưa từ Khe Khao lên tập trung ở hang Bắc Sơn (là hang nổi tiếng từ thời du kích chống Nhật ). Tôi đến tập trung ở hang Bắc Sơn với anh em Nguyễn Trần Cầu và Nguyễn Trần Kiều ( con bác Đỗ , cũng là cán bộ lão thành trước Cách mạng tháng 8 cũng hoạt động tại Hà Nội). Nguyễn Trần Kiều sau khi sang Quế Lâm được cử đi học internat ở Matscơva.
Năm 1951 , khi sang Trung Quốc tôi đến Tâm Hư ( Nam Ninh ) học lớp 3 do thầy Tầng dạy , rồi lớp 4 do thầy Nghị dạy. Lúc đó chúng tôi ở trong khu đình của một làng, cạnh cổng ra vào còn có nhà để xác ( giữ xác nhiều năm ). Ở trường cấp 1 Tâm Hư tôi học cùng lớp với Lân Cường ( con bác Nguyễn Lân ) , với Nguyễn Lưu ( con bác Nguyễn Xiển ), với Khâm Minh ( con bác Võ Thuần Nho). Đến hè hết lớp 4, chúng tôi được chuyển ra khu nhà 2 tầng mới xây của Khu học xá Nam Ninh ( đầu năm 1954 )
Một thời gian sau, tôi và nhiều bạn được chọn lên Quế Lâm học Trường Thiếu nhi Việt Nam . Học lớp 5A (1954 – 55 ) do thầy Phạm Mạnh Tuấn làm chủ nhiệm. Học lớp 6A (1955 – 56) học kỳ I do thầy Nguyễn Văn Nam làm chủ nhiệm , học kỳ II do cô Nguyễn Ngọc Quế làm chủ nhiệm. Học lớp 7A (1956 – 1957) : do thầy Lý Trần Quý làm chủ nhiệm. Hiện tôi còn giữ lại được cuốn học bạ của 3 năm học trường Quế Lâm, tôi được nhận xét học khá giỏi các môn tự nhiên : Toán, Lý, Hóa,… Cuốn học bạ đó là kỷ niệm có một không hai chỉ riêng tiêu đề của cuốn học bạ cũng là độc đáo :
“ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Đảng Lao động VN
BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG
Trường thiếu nhi VN
HỌC BẠ
HS : Chu Việt Cường
Số đăng bộ : 69”
Sau khi học xong cấp 2 ở Quế Lâm, mùa hè năm ấy tôi cùng các bạn về nghỉ hè ở HN. Tôi về ở nhà bác Trần Huy Liệu ở phố Hàn Thuyên HN. Nghỉ hè xong, thì cùng các bạn sang KHX Nam Ninh học - học kỳ I lớp 8. Năm đó có 1 kỷ niệm đáng nhớ là thầy trò KHX Nam Ninh được đón bác Hồ, sau khi Bác đi nghỉ ở Liên Xô về. Khi Bác ra về tất cả học sinh đều túm tụm bám vào xe của Bác . Tôi cũng đến gần và bám vào xe của Bác ra đến tận cổng.
Học hết học kỳ I lớp 8 thì trường cấp 3 Khu học xá giải thể. Tất cả về nước học cấp 3 ở các trường trong nước. Tôi về sống với gia đình ông cậu họ của tôi ở TP Nam Định, học trường cấp 3 ở Nam Định. Bác Trần Huy Liệu lại xin tiền trợ cấp của tỉnh ủy Nam Định cho tôi ăn học. Mỗi tháng được lĩnh 18 đồng ( 13 đồng tiền ăn, 5 đồng tiêu vặt ).Sau khi học hết lớp 10, thi tốt nghiệp Phổ thông tôi được nhận Giải thưởng của trường và của Tỉnh Đoàn Nam Định. Sau đó tôi được chọn đi học Nga văn ở trường bổ túc ngoại ngữ Gia Lâm ( 1960 – 1961 ). Từ tháng 08/1961 tôi được theo đoàn lưu học sinh đi Liên Xô học Đại học. Tôi về Kiep học trường Đại học Xây dựng Kiep . Cùng học 1 trường với tôi có bạn Ngô Xuân Tuấn ( cùng lớp 5A cũ của ta ).
Tuy nhiên tôi vẫn có ước mong học các ngành khoa học cơ bản. Nên từ năm thứ 2 tôi còn học lớp Toán cơ buổi tối theo chương trình Đại học Tổng hợp Kiep. Và tháng 12/1966 tôi tốt nghiệp ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp của Đại học xây dựng Kiep. Đồng thời tôi cũng nhận bằng tốt nghiệp ngành Toán cơ của Đại học Tổng hợp.
Tết Dương lịch 1967 đến đúng lúc tôi đang đi trên chuyến tàu qua Sibiry lạnh giá của Liên Xô . Về nước năm ấy Miền Bắc đang chống trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên tôi viết đơn xin nhập ngũ.
Vốn có chuyên môn ngành Xây dựng nên tôi được điều về Binh chủng Công binh, công tác tại phòng công trình. Sẵn có kiến thức toán cơ nên tôi thực hiện những tính toán phức tạp chống bom đạn, thiết kế những công trình phòng thủ trọng điểm, trong đó có đường hầm máy bay khẩu độ rộng và các công trình bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh. Rồi tháng 05/1969 tôi thiết kế lăng kính và bục đặt thi hài Bác Hồ phục vụ tang lễ Bác ( tháng 09/1969) . Những kết quã công tác trong thời gian tôi làm việc ở phòng công trình BTL công binh được đánh dấu bằng phần thưởng : Tôi và tập thể một số đồng đội ở phòng Công trình BTL Công binh được nhận 2 giải thưởng : Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học Công nghệ ( năm 2005).
Năm 1970 Cục cán bộ BQP điều tôi về giảng dạy tại Khoa Công trình Đại học kỹ thuật quân sự ( nay là Học viên kỹ thuật quân sự ) . Tôi được cử đi nghiên cứu sinh phó tiến sĩ ( 1973 – 76 ) . Sau khi nhận bằng phó tiến sĩ tôi được điều về Trung tâm Toán Máy tính của BQP. Rồi tháng 12/1986 tôi được cử đi thực tập cao cấp tại Trường kỹ sư hàng không Kiep. Và tháng 01/1990 tôi bảo vệ thành công luân án Tiến sĩ khoa học ( bậc 2 ) tại Chi nhánh Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ở TP Vla – đi – vas – tôc ( Blaguboctok ) .
Về nước tôi tiếp tục công tác tại cơ sở phía Nam của Trung tâm máy tính BQP. Và tôi nhận Học hàm Phó Giáo sư về cơ học năm 1992.
Đến 2008 thì tôi về hưu. Tôi vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) và Cao học ( Thạc sĩ ) tại Viện cơ học và tin học ứng dụng TP Hồ Chí Minh./.
Đọc bài viết của bạn Chu Việt Cường thật cảm động. Từ nhỏ, anh em bạn đã mất bố mẹ, được bạn bè các bác cưu mang. Đến tuổi vào đại học, Chu Cường đã chọn học thêm để lấy 2 bằng tốt nghiệp phù hợp. Bạn đã phấn đấu nhiều và có nhiều thành tích kết quả trong công tác. Đọc bài viết này tôi hiểu bạn hơn, rất cảm thông và khâm phục bạn.
Trả lờiXóaEm cũng được biết A. Cường và H.Phúc từ hồi ở trại nhi đồng Khe Khao, rồi sau gặp lại ở Kieb, Liên xô cũ. Anh Cường học rất giỏi...Trong trí nhớ của em, anh như một người anh trai...
Trả lờiXóaLần anh ra Hà nội vừa qua tiễn biệt bác Ngọc, Em tiếc không gặp được. Mong ngày gặp lại ! Thu Giang ( Song Thu)
Một bài việt thật hay và cảm động. Đọc bài viết của cụ Chu Việt Cường chúng ta lại nhớ lại cả một thời gian lao mà nghĩa tình với rất nhiều những địa danh và tên tuổi rất đỗi quen thuộc với chúng ta một thời ở Việt Bắc và trong hai cuộc kháng chiến.
Trả lờiXóaXin sửa lại một vài chi tiết chính tả sau:
- Hàng thứ 7 từ trên xuống: : chữ "lãnh đạo" không cần viết hoa.
- Hàng thứ 31 : CM/8, xin sửa lại là CMT8.
- Hàng 48: Chữ Bác Kạn, xin sửa lại là Bắc Cạn.