Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

01.LỆ THỦY : TÁC PHẨM CHỌN IN SÁCH


Tôi cũng chẳng nhớ  một cách chính xác là trong hoàn cảnh nào và vào năm nào mà tôi, Tuyết Minh, Nữ Hiếu lại nhận nhau là chị em, chỉ còn nhớ hồi học ở Quế Lâm Hiếu là một cô bé rất đáng yêu, mẹ Hiếu viết thư sang, Hiếu hay cho chúng tôi đọc, trong lá thư nào bà cũng nhắc câu “con gái bé bỏng của mẹ”. Tôi được biết hồi còn nhỏ Hiếu bị bệnh lao xương nên chân yếu phải bó bột nhiều năm và phải có sự chăm sóc của mẹ, nên đi xa nhà thế này bà rất lo cho Hiếu. Đọc những lá thư của bà gửi  thấy thương Hiếu, đôi lần bà cũng viết thư cho tôi và Tuyết Minh vì biết chúng tôi thân với Hiếu, nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi kết nghĩa chị em với Hiếu, chăm sóc Hiếu như đứa em gái của mình.
Trong 3 chúng tôi Tuyết Minh nhiều tuổi hơn cả, nhưng Minh và tôi lại đồng hương, hai gia đình quen nhau từ trước nên chúng tôi là bạn, chỉ có cô em Nữ Hiếu là bé bỏng hơn cả nên là em, thế là từ đó chúng tôi coi nhau như chị em, có niềm vui nỗi buồn gì cùng chia sẻ với nhau.
Học hết lớp 7, Trường Quế Lâm cho chúng tôi về Việt Nam thăm gia đình, bố mẹ Hiếu giữ Hiếu ở lại nhà, tôi và Tuyết Minh về Nam Ninh học lớp 8. Tuy nhận nhau là chị em như vậy, vẫn còn có chút e ngại, đôi khi giấu giếm tình cảm của mình.
Năm 1958 trở về Việt nam, chúng tôi mỗi đứa một nơi, tôi và Nữ Hiếu ở Hà Nội, nhưng hai trường khác nhau, tôi học trường Chu Văn An, Hiếu học trường Trưng Vương, còn Minh về Phú Thọ học trường Hùng Vương.
Học xong Phổ thông, tôi và Minh được gọi đi học Nga văn để đi Liên Xô học Đại học, Hiếu không đi vì nhà đã có chị đi rồi, một lần nữa chúng tôi lại xa nhau. Sang Liên Xô tôi học ở Mascova, Minh học ở Leningrat, chúng tôi luôn viết thư cho nhau, nhưng thời đó thư từ khó khăn lắm, cứ sau 15 ngày gửi đi mới nhân được, như vậy cả tháng sau mới có phản hồi.
Sau khi tốt nghiệp đại học tôi về Hà nội làm việc tại Xí Nghiệp Bánh kẹo Hải Châu, thỉnh thoảng tôi đến thăm gia đình Hiếu. Tôi không kể về Tuyết Minh vì chúng tôi là bạn thân, hai gia đình đều coi chúng tôi là con rồi, hơn nữa Tuyết Minh công tác tại Hải Phòng ít có điều kiện gần gũi chăm sóc nhau. Ở đây tôi chỉ kể riêng về cô em Nữ Hiiếu:
Điều làm tôi nhớ nhất là khi tôi sắp lấy chồng, tôi đến thưa chuyện với mẹ Hiếu (bố Hiếu thường đi làm về muộn lắm, có khi lại đi công tác xa nữa), bà hỏi tôi: "con có cần gì mẹ giúp không? Có cần vải may chăn không? có cần bánh kẹo không?”. Tôi ngập ngừng chưa dám trả lời, bà nói luôn : “Thôi để mẹ mua cho mấy thứ”. Thế là bà vào cửa hàng Giao Tế mua ngay cho tôi một chiếc vỏ chăn rất đẹp. Chắc là bà biết tôi làm ở Xí Nghiệp Bánh Kẹo nên không mua bánh kẹo nữa.  
Chúng ta ai cũng nhớ cái năm 1967 ấy khó khăn lắm, để chuẩn bị cho một đám cưới cái gì cũng phải tem phiếu. Muốn may môt cái vỏ chăn phaỉ tốn 10 mét vải, trong khi đó cán bộ chỉ được phát phiếu có 5 mét mỗi năm thôi. Tôi không quên được hình ảnh của bà, một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình quý phái giầu có như thế mà lại chu đáo, chăm chút các con tỷ mỉ đến vậy, kể cả con nuôi nữa. Bà lúc nào cũng dịu dàng cởi mở khiến tôi chẳng e dè gì cả, hay tâm sự với bà như với mẹ mình. Thật tiếc khi bà mất, tôi đang ở xa không về tiễn đưa bà tới nơi an nghỉ cuối cùng được. Tôi thấy ái ngại, cứ hẹn với Hiếu là khi nào đi thăm mộ mẹ nhớ cho chị đi cùng mà mãi chưa thực hiện được!
Đấy là nói về tình cảm của các bậc cha mẹ, còn chúng tôi thì sao? Hiếu là một người chu đáo giống như mẹ. Gia đình tôi có việc gì liên quan đến bác sỹ là Hiếu có mặt. Nhớ khi mẹ chồng tôi bị tai biến, nghe tôi gọi, Hiếu đến ngay, mặc dầu hôm đó trời mưa to gió lớn. Kể cả hôm bà mẹ hai của tôi mất, tôi cũng gọi cho Hiếu nhờ đưa bà vào nhà lạnh của bệnh viện 108 là Hiếu thực hiện ngay. Đến khi tôi bị co thắt động mạch vành phải đi nong, Hiếu liền bảo với cháu Lân Hiếu (con trai của Hiếu) phải kiểm tra cho tôi thật cẩn thận. Khi có quyết định mổ thì đúng dịp cháu Hiếu sắp phải đi công tác nước ngoài, Hiếu còn nói: ”Con  hoãn hoặc đổi lại để chữa cho bác cẩn thận, chẳng may có gì xảy ra, mẹ không biết nói thế nào với bác trai và các anh chị bên nhà đâu!”. Câu nói đó của Hiếu, mỗi khi tôi kể lại với bạn bè là nước mắt lại ứa ra! Cảm động vì Hiếu coi tôi như người chị ruột thịt của mình. Vừa rồi tôi bị đi mổ nạo gai khớp gối, Hiếu đưa cho tôi một chiếc nạng, sau đó lại đưa chiếc thứ hai. Tôi định đi mua đôi khác để trả cho Hiếu, Hiếu nói ngay: "Chị cứ dùng đi em không dùng đến nữa, mua làm gì! Khi nào em cần sẽ mua sau cũng được”. Chồng tôi và các con tôi rất tôn trọng tình cảm đó nên hội Quế Lâm đến nhà, mọi người đều rất nhiệt tình.
Không phải chỉ riêng đối với tôi Hiếu ân cần như vậy mà với tất cả chúng ta, bất cứ ai cần sự giúp đỡ đều được Hiếu sẵn sàng như Phạm Quốc Anh ở khối 6, Đỗ thế Hùng ở khối 3 và nhiều bạn khác nữa.
Tôi kể câu chuyện này ra để chúng ta cùng tự hào về những người bạn Quế Lâm đã đem những tình cảm chân thành của bản thân mình truyền sang cho các thành viên trong gia đình, khiến những người đó cũng yêu quý chúng ta như người thân.
Còn gì vui sướng hơn chúng ta là một đại gia đình không thể thiếu nhau!
Lệ Thủy           

2 nhận xét:

  1. BĐH bắt đầu đăng bài viết ( Văn - Thơ) của các tác giả trong chuyên mục : TÁC PHẨM IN SÁCH để các tác giả chỉnh sửa, bổ sung , trước khi Nhón Biên tập tiến hành kiểm tra về chính tả và kỹ thuật .
    Chúng tôi kêu gọi các bạn nhiệt tình hưởng ứng 1 cách thiết thục nhất để sách có thể ra mắt vào đúng ngày Hội Trường kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.
    ( Phân công cụ thể trong Nhóm Biên tập sẽ được thông báo trên trang chính Blog ).

    Trả lờiXóa
  2. Xin góp thêm chuyện nhân Lệ Thủy kể sự chu đáo của Nữ Hiếu với bạn bè. Hôm đó tôi đang ăn cơm chiều thì có người đến gọi cửa kêu vào viện ngay để thăm anh TháiZũng hấp hối có nhu cầu gặp thân nhân và bạn bè, tôi bỏ bữa nhảy ngay vào 108 ; ở hành lang phòng cấp cứu tôi nhớ co9s mặt Bác gái Nguyễn Chánh và em gái anh Chí Trực ( gia đình bác gọi Zũng là con nuôi). Gặp Hiếu mới biết rằng buổi chiều ấy Hiếu trực Viện đến khoa ấy phát hiện bệnh binh sắp chuyển sang tử sỹ( khoa không muốn xử lý thêm rách việc) Hiếu nhận ra là bạn và yêu cầu khoa phải đưa ngay lên phòng cấp cứu và đích thân cùng chuyển bệnh nhân. May mắn thay nhờ trời phù hộ nên nhờ vậy Thái Zũng đã qua khỏi.Sau đó trong cuộc gặp mặt TSQ Thái Dũng đã kể lại" cái ơn" của Hiếu thật cảm động. Lại lần vào khoảng 67 thì phải tôi vào viện thăm Văn Thuận bị Mỹ bắn rơi phải nhẩy dù bị gẫy tay( rất hay xảy ra) chứ không chết dù thằng Mỹ còn bắn bồi theo dù Thuận khoe với tôi là nó được BS Hiếu thường đến thăm hỏi nhiệt tình lắm. Kể lể vậy song tôi muôn phát biểu thêm về cái sự tận tình của Hiếu không chỉ là biểu hiện của y đức mà đã thành một nét tính cách Nữ Hiếu khiến chúng ta ai mà chẳng nhớ.

    Trả lờiXóa