Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

06. MINH GƯƠNG - TÁC PHẨM CHỌN IN SÁCH

Những kỷ niệm không bao giờ phai mờ !
                                                                                       ( Minh Gương )


Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ bên sông Luộc. Làng tôi giống như một ốc đảo giữa biển lúa vàng vào những vụ mùa. Một biển vàng sóng sánh trong gió, thoang thoảng mùi thơm của tám xoan, di hương, nếp cái hoa vàng. Những ngày mùa người lớn rất bận rộn từ sáng sớm đến tối mịt, còn bọn trẻ con lại vô cùng thích thú. Chúng tôi theo mọi người ra đồng, chạy nhảy lung tung khắp mọi ruộng lúa để vồ các chú muỗm đem nướng ăn. Có lúc cùng nhau tập gặt lúa, khênh những lượm lúa lên bờ.
Buổi tối hàng ngày cả nhà tụ tập ngoài sân ăn cơm với cá bống kho, rạm béo ngậy, tôm rảo kho hoặc các món rươi ( tùy thời vụ) với rau muống luộc chấm mắm chắt rất ngon.

Từ năm 1937 bố tôi đi hoạt động thoát ly, mọi việc trong nhà và nuôi dạy con cái mẹ phải lo. Mẹ tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chịu khó làm mọi việc. Tôi nhớ những lần được theo mẹ đi chợ.Vào phiên chợ Tết, mẹ cho tôi mua những đồ chơi mà mình thích. Khi nào mẹ đi chợ một mình, bà lại mua bánh đa kê, khoai sọ, sắn luộc, bánh nếp về cho anh em tôi.
Không có trường làng, anh em tôi phải học gia sư cùng với các anh chị em họ. Ngày ấy chúng tôi thường dùng lá chuối làm giấy nháp. Tôi không có em gái nên thường theo anh đi chơi bi, đánh đáo, trèo leo bắt chim v.v…
Buổi sáng và tối hàng ngày, ông bà nội bắt chúng tôi đến nhà thờ đọc kinh (ông bà tôi theo Thiên Chúa giáo), tới bây giờ tôi vẫn nhớ cảm giác đau đầu gối vì phải quỳ trong nhà thờ quá lâu. Những tiếng chuông nhà thờ như một giai điệu đẹp của quê hương ngân nga mãi trong tôi. Nhưng cuộc sống êm ả ấy không còn nữa! Bọn giặc Pháp đã kéo quân về làng bên xây đồn bốt.Trước đây thỉnh thoảng chúng tôi còn được gặp mặt bố, nhưng từ khi giặc đến, bố không về được nữa. Lúc nào bọn lính đi càn, mẹ tôi trốn xuống hầm bí mật (bà là đảng viên hoạt động trong lòng địch), còn anh em tôi đi theo bà con hàng xóm đến chỗ tập trung.

Năm tôi 10 tuổi được đón ra Ninh Bình ở gần cơ quan của bố. cuối năm 1950 tôi và anh trai vào nội trú ở trại con em cán bộ khu 3 tại Thanh Hóa.
Năm 1953 Mai Đắc Tâm, Phạm Phu, Lương Thúy Bình cùng với tôi học lớp 4 trường cấp I Tứ Dân Nông Cống Thanh Hóa.
Năm lớp 5 tôi học ở trường Lam Sơn mấy tháng thì nhận được giấy gọi đi học Trung Quốc. Mai Tâm, Thanh Mai, Phạm Phu, Uông…cùng đi trong đoàn 8, chúng tôi xuất phát từ Nho Quan-Ninh Bình.
Thời gian ấy máy bay của Pháp thường hoạt động ban ngày, các đoàn đều đi ban đêm. Chúng tôi rất mệt và buồn ngủ nên giữa đường phải nghỉ để uống sữa. Có một chú dẫn đường thường kể chuyện cho chúng tôi nghe. Tôi còn nhớ trong một đêm trăng sáng, chú đã dậy chúng tôi một bài hát về trung thu:
“Trăng lên cao,
Đêm nay trăng tròn tròn,
Khắp đất nước có trăng và muôn sao.
Trăng hỡi trăng,
Trăng biết bác Hồ miền nào?
Trăng nhắn dùm
Các cháu nhớ Bác nhiều ghê!”


Chúng tôi hát theo quên cả mệt và chặng đường dường như ngắn hơn mọi ngày. Cứ thế “suốt ngày dài lại đêm thâu” nghỉ rồi đi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Mục Nam Quan.

Từ Bằng Tường tôi nhìn mọi thứ đều thấy thật lạ lùng mới mẻ. Tôi đứng lặng ngắm mạng lưới điện chằng chịt rồi những bóng đèn treo ngược phát sáng, những đoàn tầu ra vào ga và những chiếc ô tô chạy trên đường…
Chúng tôi dừng chân tại Cửu Giang Trước khi lên Lư Sơn (Giang Tây). Lư Sơn ở trên núi cao, cảnh sắc nơi đây thật tyệt vơi! Lần đầu tiên được ở nhà cao tầng, vào phòng ngủ thấy giường nào cũng có chăn gối bọc vải hoa và đệm trải ga đẹp quá, tôi sững sờ, vui sướng.
Thế rồi mùa đông tới, tuyết rơi như những bông hoa nhỏ trải khắp mặt đất, bám vào các ô cửa kính như một tấm rèm bằng ren hoa trắng muốt. Chúng tôi rủ nhau nếm thử xem mùi vị của tuyết như thế nào. Trong những ngày đông giá lạnh, hoa thược dược vẫn khoe sắc thắm tươi trước cửa nhà nữ.
Ở Lư Sơn một thời gian, chúng tôi về Quế Lâm. Dạo ấy nhà trường không cho thân lẻ với nhau, nhưng Lệ Thủy, Tuyết Minh và tôi yêu quý nhau. Một buổi tối chúng tôi ra giữa sân vận động bốc đất ăn thề và đặt tên Lệ Thủy là Hương, Tuyết Minh là Hoa, Tôi là Hồng, từ đó chúng tôi bí mật hẹn gặp nhau dưới gốc cây Trắc Bách Diệp hoặc Trúc Đào gần cổng trường. Thật là những buổi tối thú vị!
Sau này tôi, Nữ Hiếu nhận nhau là chị em, gọi nhau là Phân tử và Nguyên Tử. Khi học lớp 5C tôi ngồi cạnh Thanh Bình, bạn ấy thích mùi cao su nên cái tẩy nào cũng bẻ nát ra. Ở phòng ngủ tôi nằm cạnh Thanh Mai cùng tầng trên, buổi trưa không ngủ được, chúng tôi bắc ống tay áo sang nhau, ghé mồm vào đấy nói chuyện, thế mà mọi người chẳng hề hay biết gì cả. Có hôm hai đứa còn giả vờ đi vệ sinh, chuồn ra ngoài ngắm những ngọn núi cao quanh trường và tán chuyện vãn.
Tôi với Bái rồi với Thanh Mai hay mượn nhạc để sáng tác lời cho những bài hát chúng tôi thích. Hôm cả lớp uống thuốc tẩy giun phải nhịn ăn, tôi lại cùng Thanh Mai đặt lời mới vào bài hát, ngồi hát mãi với nhau để quên đói.
Nghĩ lại thật buồn cười, nhưng là những kỷ niệm không thể nào quên vì nó gắn bó với thời thiếu niên vô tư, sung sướng nhất trong đời tôi.
                                                                                                                                                    (Minh Gương)

1 nhận xét:

  1. Đến bây giờ thì em thật sự hiểu vì sao các anh chị lại thân nhau và...làm thơ hay đến như vậy!
    Chúc mừng chị MG đã có bài hay nộp cho BBT...!

    Trả lờiXóa