Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

028.NGUYÊN HÂN- BÀI CHỌN IN SÁCH.

Hành hương về ATK
                                                             

                                                                  Ghi chépNguyên Hân 

           Như những năm trước, nay cũng vào tháng 12 , lần thứ 4 đoàn cựu thiếu sinh quân Cục Tổ Chức Tổng Cục Chính Trị về thăm lại chốn xưa ; 40 đồng đội cũ cả nam và nữ đi trên một  chuyến xe rộng rãi , xe chạy qua nhiều địa phương mà tên gọi gợi bao kỉ niệm kháng chiến : Giang Tiên, Bờ Đậu, Phố Đu, Phố Ngữ, Quán Vuông . Lại gặp rừng cọ  xanh non mạnh khoẻ, gặp những đồi chè mới trồng và nhiều loài cây cỏ quen thuộc ngày nào. Thật nhớ khi thấy lại những bụi lau xám  đang mùa trổ mầu tím như là hoa ( bất giác nhớ câu Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son ). Đến uỷ ban xã Định Biên lần này thấy có điểm mới : một ngôi đình gỗ tốt, mái lợp lá quen thuộc được nhà nước dựng lên trên nền cũ, hệt đình làng Quặng xưa, nơi bác Võ Nguyên Giáp tuyên bố quyết định của Đảng thành lập Việt Nam Giải Phóng Quân sau khi 2 đội quân tiền thân (  Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân và Cứu Quốc Quân ) hội sư ở bãi rừng Thàn Mát sau đình làng. Chúng tôi đã gặp gỡ liên
hoan với cán bộ đảng , chính quyền và đoàn thể tại nhà văn hoá xã mới được Tổng Cục Chính Trị xây tặng ; 3 năm trước Thiếu Sinh Quân ta cũng đã mua, chở lên tặng xã toàn bộ ghế Xuân Hoà để làm việc (nay vẫn còn tốt ). Chúng tôi đã lội suối vác mấy bao sách giáo  khoa cho các cháu.  Lại đã chở hẳn  một xe  quần áo cũ  lên cho đồng bào;chủ tịch xã sau khi cám ơn việc này đã thẳng thắn  đề nghị  các bác nếu có thể cứ gửi tiếp áo ấm vì trên này còn thiếu lắm. Lại được nghe lại tiếng hát  của chị Ngọc Tú, người trung đội trưởng nữ năm xưa. Một cựu chiến binh trẻ cũng hát  góp một bài về bộ đội cụ Hồ. Mọi người ríu rít chụp ảnh, quay phim và trồng cây lưu niệm tại sân đình rồi kéo nhau sang Bản Vệ - nơi các trung đội Thiếu Sinh Quân đã đóng cho đến tháng 8 năm 1953 . Người leo lên đồi phía sau lán các trung đội nam, người  đi xuống tận suối tìm tảng đá to giữa dòng nước mà khi xưa ta thường ra tắm giặt và vác các ống mương nước về cho nhà bếp . Chỗ sân bóng chuyền trước nhà ăn nay đã có 1 gia đình làm làm vườn . Nhớ nơi đây , từng là nơi toàn đại đội tập hợp, nơi xem phim và nhớ nhất là chuyến anh Thanh(1)  đến thăm đã đứng ở đây nói chuyện rồi  sau 1 tuần đã gửi cho đàn em nhỏ quân phục mới , dép mới lại kèm cả mũ vải theo nguyện vọng của các em.  Còn nhớ 1 kỷ niệm nhỏ là trong lúc anh Thanh cùng anh Điểu đang đi thăm các lán TSQ thi bạn Sỹ Hùng đã dám tháo ngựa của  Chủ nhiệm Tổng cục phóng đi chơi ! Thế mà khi phi ngựa về  anh Thanh cũng chẳng qưở trách gì. Lạ lùng là sao nay cảnh quan đồi núi và dòng suối cũ lại nhỏ bé hơn xưa nhiều thế! Suối vẫn trong mát nhưng đã hẹp và cạn nhiều. Còn đồi núi thì chẳng hùng vĩ như xưa. Lại càng nôn nao nhớ “Rừng che bộ đội , rừng vây quân thù” . Phải rồi, rừng xưa đã che kín các mái lán tránh máy bay địch và toả mát cho ta cả mùa hè. Rừng là nơi ta dễ vào kiếm củi hàng tuần về nộp nhà bếp. Nơi ta lấy những cuộn dây mây dài về làm dây phơi và kết thành lưới bóng. Nơi ta chọn các khúc bương , mai  để làm máng đựng thức ăn. Môi trường  đất và rừng bị suy thoái nhanh quá , rõ quá!

        Năm nay ban liên lạc lên chương trình phong phú hơn : Sau Định Biên ( nơi các cơ quan Bộ Tổng đóng ) đoàn đi tiếp lên Đìềm Mặc , Phú Đình –nơi Bác Hồ  đã ở…. Nhà tưởng niệm Bác do Hà Nội xây dựng trên đỉnh đèo De dưới chân núi Hồng cùng bảo tàng ATK tạo nên cảnh sắc thật hoành tráng. Chúng tôi làm lễ dâng hương cúng Bác và đã trồng 2 cây bồ đề lưu niệm ( Bạn Văn Dũng cất công tìm được 3 cây bồ đề từ gốc cây mà Bác đã mang ở Ấn Độ về để trồng ở Đinh Biên và Đền Thờ Bác ) . Mấy cháu gái “ Cần Tày“ hướng dẫn chúng tôi làm lễ dâng hương trang nghiêm thành kính và đã kể chuyện rất sống động  về Bác trong những năm kháng chiến tại  ATK-thủ đô gió ngàn .

  Sau đêm nghỉ ở thành phố Thái Nguyên , sáng sau đoàn đi lại tuyến đường của năm xưa các trung đội thi đua hành quân những đêm dài vừa buồn ngủ vừa khát nước , bạn lớn kèm bạn bé đi suốt từ  Định Biên, Quán Vuông, cầu Gia Bảy lên Bắc Sơn để nhập với các đoàn ở các Bộ và các Liên Khu . Cầu Gia Bảy nay rộng chứ không phải bò qua như ngày xưa ; đường Bắc Sơn, Đình Cả, Võ Nhai, La Hiên, Thái Nguyên đã hơn “Đường ta rộng thênh thang 8 thước”,  càng to hơn vệt đường mà ta đã hành quân qua năm nào . Trên xe bạn Trương Trác và vài bạn khác đã cất giọng rất khoẻ hát nhiều bài ca nhưng nhiều cảm xúc nhất có lẽ là bài Bắc Sơn của Văn Cao . Vẫn những dãy núi đá vôi xanh tím ngắt , vẫn bóng nhà sàn thấp thoáng, nhưng không còn sắc áo chàm , không còn trâu bò buộc dưới sàn nhà. Mọi người háo hức trèo lên hang đá rộng có nguồn suối trong lành và mát lạnh. Có một số bạn khoẻ leo lên tận hang lớn trên núi cao . Vùng  Bắc sơn –Võ Nhai này là chiến khu ghi dấu  hoạt động khởi nghĩa và chiến đấu của Cứu quốc quân năm xưa ( Bác  Cáp từng tham gia)
       Chuyến hành hương về ATK năm nay vắng bóng mấy bạn từng về những lần trước,  nay không về được nữa: Tiến Nguyên, Quang Huỳnh  và cũng có thêm những gương mặt lần đầu  góp mặt, đấy là các bạn Huỳnh  Quang Bùi từ Tp Hồ chí Minh và bạn Lê Đức Lý từ Tp Vinh, có bạn Trịnh Đông A mới trở về từ Mascơva ,lại còn phải kể đến hai bạn Nghiêm Dục Tú và Vũ HuyTúc thuộc lớp TSQ. TCCT năm 1951 (cũng từng đóng ở Định Biên).  Ai đã từng ở Việt bắc-ATK  những năm kháng chiến cũng thường mong được có lần trở lại,với Đoàn TSQ  mỗi chuyến  hành hương  đều là vất vả  cho Ban liên lạc- tổ chức, nhất là lần này chương trình có không gian  rộng hơn nên cần  phải ghi nhận công sức của các bạn  lo hậu cần là: Lệ Thuỷ, Tuyết Minh, bạn Hương ( phu nhân Đào Hùng), lo thức ăn đầy đủ và  ngon miệng, còn nước uống thì đã được công ty Quế Lâm biếu tặng. Thời gian không đủ để có thể đến thăm nhiều nơi cần thăm và đáng thăm, thôi đành hẹn chờ lần sau vậy.
        Đặt chân về nơi sống đẹp những ngày đầu rời  xa  vòng tay mẹ cha (cũng có bạn từng là “vệ nhóc” “ chú em liên lạc”), bắt đầu được Đảng , Quân đội nuôi nấng dậy dỗ trong một tập thể biết bao bạn tốt từ muôn phương đất nước tụ về thủ đô gió ngàn, trong lòng  dậy lên biết bao nỗi  bồi hồi  nhớ lại và suy nghĩ  . Thời gian được sống ở Thiếu sinh quân  Cục Tổ chức  TCCT không lâu, bạn đến sớm nhất cũng chưa được 1 năm, nhưng  quãng tháng ngày ngắn ngủi đó đã dạy ta thật nhiều: tính tổ chức , kỷ luật chính quy của quân đội, lối sống tự lập tháo vát trong tinh thần tập thể đoàn  kết giúp đỡ nhau và khẳng định đường đi tiếp bước Cha , Chú và đàn anh. Những  điều đó rât quí trong hành trang của  chúng ta những năm tháng sau này. Đúng là “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”. Tôi cứ ngắm mãi mấy bó  hoa rừng cùng bó bông lau tím rất khoẻ các bạn nữ hái mang về Hà nội  mà nghĩ miên man. Những câu thơ hứa hẹn lạc quan trong bài Việt Bắc  cho đến nay vẫn còn đó nguyên một ray rứt một món nợ, không chỉ  dành riêng cho một ai. Cuộc sống trong các bản xưa vẫn còn thiếu thốn nhiều quá.  Rừng Việt Bắc yêu dấu ngày nào in dấu chân ta biết bao giờ  sẽ lại xanh tốt  hùng vĩ với cây cối trăm loại  tầng tầng lớp lớp và chim muông sống động. Với những dòng suối uốn lượn, nước trong  mát  quanh năm, những cọn quay múc nước suối và nhịp chày giã gạo cần mẫn ngày đêm.
         Chắc bạn nào cũng tự nhủ sẽ còn trở lại Việt Bắc , trở lại ATK, tuổi thơ tuổi trẻ của chúng ta., vùng đất thiêng của dân tộc.


                                                                    Nguyên Hân
-------------------------------------------
1.    Chú thích : "Anh Thanh”  là cách TSQ thời đó gọi thân mật đồng chí Nguyễn Chí Thanh Chủ nhiệm TCCT  .

6 nhận xét:

  1. Tôi thích bài ghi chép này của Nguyên Hân . Trước cụ đã có 1 bài viết về những kỷ niệm thời TSQ Cục TC.TCCT . Đấy là những mẩu chuyện vui, tếu táo mang phong cách "vệ nhóc". ( Nhưng phải nói thật, không để lại ấn tượng gì nhiều so với bài cùng chủ đề của cụ Diachu). Nguyên Hân đã thành thương hiệu (hay nổi tiếng cùng được), là người nhớ rất nhiều chuyện cũ, cùng lại là người biết rất nhiều chuyện đương thời. Và nói hăng, nói dài, nói như hùng biện là không ai bằng cụ ! Cái hấp dẫn làm cho người nghe "khoái" chính là ở tính cách này. Nhưng cụ Hân lại rất ít viết dài. Mà gần đây nhiều người đọc vốn thích cụ đâm ra ...thất vọng. Vì cụ chỉ còm, mà còm cũng ngắn, đôi khi câu cú phá cách . Nói như thế nào viết như thế ! Nhưng ở bài viết này Nguyên Hân đã trở lại đúng với phong cách của Nguyên Hân. Thực ra kể lại 1 chuyến đi mà nhiều người biết rồi rất dễ khiến người đọc nhàm chán. Nhưng ở đây người đọc không nhàm chán bởi vì những liên tưởng của tác giả đã kéo người ta trở về với quá khứ tuổi thơ gian khổ nhưng hào hùng, thiếu thốn vật chất nhưng giầu có tình người . Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn hiện ra trước mắt và trong sâu thẳm trái tim lứa tuổi chúng ta như một khúc tình ca lại như một khúc tráng ca . Điều hấp dẫn nữa là trong cách thể hiện, Nguyên Hân vẫn giữ được cái phong cách của mình : Những đoạn văn dài, thậm chí rất dài , chẳng khác gì lúc chàng ngồi cạch ta trong quán bia mà ...thao thao bất tuyệt ! Tôi khoái Nguyên Hân và mong cụ cứ đà này phát huy cho "bản hợp xướng" (Blog) Làng ta thêm phong phú âm sắc !

    Trả lờiXóa
  2. Bài này chỉ thiếu ngày tháng, tức là thời gian xẩy ra sự kiện này. Mình đã hỏi Nguyên Hân nhưng không nhớ và không biết đã ghi vào đâu. Xin tác giả điền thêm vào nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Như những năm trước, nay cũng vào tháng 12 , lần thứ 4 đoàn cựu thiếu sinh quân Cục Tổ Chức Tổng Cục Chính Trị về thăm lại chốn xưa ". Nhất trí với nhận xét của Nguyệt Ánh và đề nghị tác giả sửa lại câu mở đầu hơi "bí hiểm "này !

      Xóa
  3. NH viết bài này cũng tạm đủ, tất nhiên những chuyện vặt thì người trong cuộc mới nói hết được, nhưng người trong cuộc lại không muốn viết. Lâu nay TSQ xẹp quá, chẳng thấy tổ chức về lại CHỐN XƯA nữa . Chán thật. Nhớ núi rừng VB nơi chúng ta đã có những ngày vui, buồn, vất vả, lao động, lấy củi, vác gạo... sinh hoạt tập thể đầu đời. Mong các bạn TSQ lớp 5 hãy viết tiếp để lớp dưới con đọc. Hy vọng ban liên lạc TSQ một ngày gần đây sẽ tổ chức về cội nguồn kẻo càng già càng khó. Kính chào !

    Trả lờiXóa
  4. Trong những chuyến trở về chốn xưa tôi có mặt đều từ chuyến thứ hai và cùng nhau xác định qua thông tin của các bậc cha chú từng ở cơ quan Bộ tổng lại gặp được các cụ địa phương từng biết lớp TSQ ta xưa ở những chỗ đất nào và thực địa. Chuyện tôi ghi chép là về chuyến đi được BLL chuẩn bị chu đáo và đi được nhiều nhất đó là vào 16 /12/2007.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thật sự ngạc nhiên thấy cụ Nguyên Hân "đổi tính đổi nết".
    Thường cụ hay "nói dài" (khi liên hoan, quên cả ăn); chứ không mấy khi "viết dài" như thế này. Cụ Calathau đã nhận xét đầy đủ. Chỉ xin nói thêm là đọc bài này tôi thấy thích vì vẫn nhận ra rõ nét cách viết của Ng.Hân dù ngắn hay dài.

    Trả lờiXóa