Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Nội dung chính bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La…

“Có thể nhận thấy những thách thức và nguy cơ xung đột là không thể xem thường. Mọi người chúng ta đều hiểu, nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột quân sự, nhìn tổng thể thì sẽ không có kẻ thắng người thua – mà tất cả cùng thua”.

Khẳng định tầm quan trọng của yếu tố lòng tin trong quan hệ quốc tế, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng nói: “Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”.



Nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La diễn ra tối 31/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhìn nhận, “cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta”.
Các năm trước, Việt Nam thường cử quan chức cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng tham dự Đối thoại Shangri-La – một trong những diễn đàn an ninh quan trọng nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm nay, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chính thức tham dự và trở thành diễn giả chính.
Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu vào năm 2002, theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS), để đáp ứng nhu cầu thiết thực về một diễn đàn thường niên khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi các bộ trưởng quốc phòng khu vực có thể tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm xây dựng  niềm tin và bồi dưỡng sự hợp tác an ninh trong thực tế.
Năm phiên thảo luận toàn thể tại Đối thoại năm nay sẽ xoay quanh các chủ đề: cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực, bảo vệ lợi ích quốc gia đi đôi với ngăn ngừa xung đột, hiện đại hóa quân sự và minh bạch hóa chiến lược, các xu thế mới trong nền an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và tăng cường hợp tác quốc phòng trong khu vực.
Khẳng định tầm quan trọng của yếu tố lòng tin trong quan hệ quốc tế, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng nói: “Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.
“Cạnh tranh và can dự vốn là điều bình thường trong quá trình hợp tác và phát triển”, Thủ tướng nói. “Nhưng nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Theo Thủ tướng, “những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”.
Thủ tướng lưu ý, lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường.
Do vậy, “để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia – nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương”.
“Tôi tin rằng các nước trong khu vực đều không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta đặc biệt coi trọng vai trò của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và của Hoa Kỳ – một cường quốc Thái Bình Dương. Chúng ta trông đợi và ủng hộ Hoa Kỳ và Trung Quốc khi mà các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung”.
Thủ tướng nêu rõ, ASEAN và Trung Quốc cần đề cao trách nhiệm, cùng nhau củng cố lòng tin chiến lược, trước hết là thực hiện nghiêm túc DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có Bộ quy tắc ứng xử (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ông cũng nhắc lại, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.
Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu như bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông, biển Đông… Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo VNEconomy

3 nhận xét:

  1. Tôi đã đọc bài này và nhận thấy rất hay, nhưng tôi đang hồ nghi: đây có phải sự nhận thức và xuất phat từ cái tâm hay do THƯ KÝ viết (phù hợp với trào lưu nhận thức của Asian).
    Hãy đợi đấy !

    Trả lờiXóa
  2. Đọc nghe thì thấy cũng hay.
    Nhưng quan trọng là "làm", thì như cụ Nhật Lệ đã nói: HÃY ĐỢI ĐẤY.(hồi sau sẽ rõ).

    Trả lờiXóa
  3. Câu ngạn ngữ " Mất lòng tin là mất tất cả" hình như không phải của riêng Việt Nam ta. Điều này đã thanh chân lý phổ quát . Nhưng với một tay láng giêng bản chất nó là cá lớn nuốt cá bé, bản chất là coi VN như chư hầu của họ, bản chất là 1000 năm chỉ thấy dân tộc ta đương đầu với họa phương Bắc. Cái trang sử dân tộc ta ngàn năm chống giặc ngoại xâm - chủ yếu , lâu dài nhất, cho đến nay vẫn còn, chính là với TQ chứ không phải với Mỹ hay với Nga, Nhật, Hàn, Thái v.v... Vậy ta có thể kêu gọi họ để cùng " Xây dựng lòng tin chiến lược" được không ? 16 chữ vàng- 4 Tốt có cả rồi chứ đâu bây giờ mới bắt đầu. Nhưng sự thực họ nói và làm thế nào . Chỉ có con đà điểu chúi đầu xuống cát mới không biết mà thôi ! Lời kêu gọi xây dựng " Lòng tin chiến lược" là hoàn toàn nhân văn và đúng đắn. Đúng cho mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ cho thời điểm ta yếu kém hơn họ ! Vậy ta cứ xây mà họ thì cứ chống thì liệu có đi tới "thắng lợi" không ?
    Dân tộc ta còn có 1 câu ngạn ngữ (nguyên văn chính chủ ) : "Chọn bạn mà chơi " ( Quá hay ). Thế mà ta chọn chơi với tất cả. Không phân biệt đâu là bạn đâu là thù ( dù chỉ trong 1 giai đoạn nhất định ) thì liệu có thực hiện lời dạy của ông cha không ? Bài học về xác định đồng minh của Chủ tịch HCM vẫn còn nóng hổi đó, sao không học nhỉ ? Ta cứ kiên trì đối thoại, kiên trì hòa hoãn nhường nhịn. Cứ kiên trì coi họ là đồng chí cùng hệ tư tưởng thì tất nhiên họ cũng sẽ yên tâm mài dao để kề cổ tống tiền ( Ở đây là Đất đai là biển đảo v.v...) của chúng ta mà thôi !

    Trả lờiXóa