Tiếng nước ta
(Viết cho cháu gái Lucy Vũ Minh Tú sinh ra và định cư ở Australia )
Vũ Hồng Quang
Ông già rồi không nhớ được tiếng Anh
Cháu còn bé dễ quên tiếng Việt
Chắc sau này vốn từ cạn hết
Cháu chào ông : Hello !
Tiếng nước mình : ông, bà, chú , bác, thày, cô
Rôì : cháu, con, anh, chi, em ... bao nhiêu cách gọi
Cháu cứ I, You tiếng Anh mà nói
Ông lắc đầu
chắc buồn lắm cháu ơi !
Bao lời ru bà hát bên nôi
Có cánh cò bay qua cửa phủ
Có sáo sậu, sáo đen là em tu hú
Trên cánh đồng và dặng vải ven sông
Đất nước mình nhà hẹp người đông
Những con đường còn đầy bụi rác
Bát cơm ăn nhiều rau ít thịt
Chị nhường em khúc cá kho tương
À ơi ….
“ Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi chợ kẻo tan chợ chiều …”
Cháu sẽ lớn khôn và biết thật nhiều
Ừ, có thể là Doctor hoặc cao hơn thế
Họ sẽ gọi cháu là gì cháu nhỉ ?
À, Ms Lucy !
Cháu sẽ quên những ngày xưa
Có con cò bay vào gíâc mơ Cái Ngủ
Tiếng nước ta không đủ
Làm sao ngày giỗ gọi ông về …?
Vũ Hồng Quang
(Sydney tháng 24/3/2009)
-------------------------------------------
Vũ Hồng Quang là bút danh của Vũ Quang Trung
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “TIẾNG NƯỚC TA”
CỦA TÁC GIẢ VŨ HỒNG QUANG
Đỗ Long
Thơ do Vũ Hồng Quang sáng tác không nhiều, nhưng xúc tích và được nhiều người thích thú đọc. “Tiếng nước ta” là một bài thơ như thế. Với 28 dòng ngắn ngủi, nhưng anh đã đề cập được 3 khía cạnh của ngôn ngữ chào hỏi, của giá trị cộng đồng và văn hoá tâm linh của người Việt chúng ta.
Trước hết ta cần thừa nhận một điều rằng đại từ nhân xưng của tiếng Việt phong phú và đa dạng lắm: ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba không chỉ giới hạn ở 3 từ như tiếng nước ngoài, mà là ông, bà, chú, bác, cô, dì, ngài, đại ca, tiểu đệ… Những danh từ này làm chức năng ở cả 3 ngôi như vừa nói trên. Tuỳ thuộc vào vị thế, uy thế trong gia đình và ngoài xã hội, vào trạng thái và quan hệ xúc cảm, vào tình huống giao tiếp mà người nói, người nghe chọn từ này hay từ khác sao cho thích hợp để vừa dễ nghe, dễ nói, vừa lễ độ, tinh tế, khiêm nhường. Khi đón ông nội cháu chỉ có thể: “Hello”, “I”, “You” như tiếng Anh vừa được học và vì chưa thuộc nhiều từ tiếng Việt đã làm ông buồn quá, nhất là lúc ông vừa từ quê sang thăm cháu với một tâm thế khác hẳn điều ông đang chờ đợi lúc ấy.
Thứ nữa: lời chào của người Việt thường kèm theo một từ nào đó để hỏi. Chẳng hạn: “Ông đi đường xa, sang đây với cháu, ông mệt lắm không ông?” hoặc “Đêm qua ông ngủ ngon không?”, “Ông đã ăn sáng chưa?”, “Đi máy bay ông có say không?”… Như thế vừa là chào lại vừa là hỏi” (Thực tế hiển nhiên này nhiều lúc lại bị lên án là tò mò, thóc mách vào những chuyện riêng tư!). Mặt khác, không phải trong đầu cháu không nghĩ được những câu hỏi vừa viết trên đây, mà vì vốn từ tiếng Việt quá ít và văn hoá chào hỏi, tiếp xúc cháu chưa được học khiến cả ông, cả cháu đều buồn là điều dễ hiểu! Nếu cháu hỏi thêm cả những từ nũng nịu, thơ ngây, hồn nhiên như tâm hồn trẻ thì chắc ông sẽ vui hơn nhiều và càng thêm yêu, thêm thương đứa cháu nội đang sống xa ông.
Từ lúc ông và cháu gặp nhau ở sân bay có thể ông vẫn buồn. Đêm đầu tiên chắc ông khó ngủ, không phải lạ nhà, lạ giường chiếu, lạ gối chăn, mà có thể ông băn khoăn và thao thức trước nhiều câu ông tự hỏi: Liệu có bao giờ ở nơi xa xứ cháu của ông được nghe những bài hát ru của bà, của mẹ vừa dìu dặt, đằm thắm, yêu thương…, vừa dễ đưa cháu mau vào giấc ngủ? Liệu những con cò, con vạc, những bồ các, chim ri, những “môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm”… vốn gần gũi, thân thuộc có hằn sâu trong tâm hồn trắng trong của trẻ? Được học tập tại Mỹ, Anh, Pháp, Úc - các nước phát triển, sớm đề cao văn hoá cá nhân, quá nhấn mạnh tính độc lập, tính tự chủ của cá tính con người, liệu con cháu chúng ta, tuy vốn cố gắng học tập, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, có quên chăng tình cảm “chị ngã em nâng, bầu thương lấy bí” không?
Tiếp tục dòng thơ của cả bài thơ, Vũ Hồng Quang viết mấy câu cuối cũng có vẻ buồn. “Buồn” thuộc phạm trù “cái bi” trong mỹ học. Song từ buồn vẫn thúc giục người ta không bi luỵ, mà trái lại còn thể hiện lòng nhân đạo, tình thương yêu quý trọng con người ở cấp độ cao đẹp hơn. Anh kết: “Tiếng nước ta không đủ/Làm sao ngày giỗ gọi ông về…?” Thực ra nói đến ngày giỗ không phải chỉ nói về cái chết, mà là sự tri ân đối với cha mẹ, ông bà... Dù một nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới S.Phrơt có bàn về “bản năng hướng đến cái chết”, nhưng không có nghĩa đó là dấu chấm hết của mỗi đời người. Dấu chấm hết ấy chỉ xảy ra về mặt thể xác, chứ tâm hồn, tâm linh sẽ còn sống mãi. Người ta đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho mình không chết, mà vẫn sống trong cộng đồng và những người thân. Các tôn giáo xưa nay, như đã biết, đều bàn, đều thuyết về sự vĩnh hằng của tâm linh, về các nghi lễ trong tang ma.... Ta thường chứng kiến những việc làm của các cụ cao niên: viết hồi ký, thảo di chúc, hiệu đính lại gia phả, xây dựng lại nghĩa trang gia đình, chuẩn bị trước phần mộ, sống thật sự tu thân tích đức rồi siêu thoát ở bên kia bầu trời… tất cả đều có mục đích là duy trì và kéo dài sự sống - sự sống của tâm linh và đó cũng là biểu hiện của bản năng hướng về cõi chết. Không phải ngày tháng nào trong năm, mà chính là ngày giỗ những người thân, khi linh hồn các vị ấy sẽ sống lại từ dung nhan, diện mạo, tiếng nói, nét cười đến nếp nghĩ, nếp cảm, từ dáng đi đứng, dáng ngồi đến khẩu vị… đều hiển hiện trong con mắt, trong đầu của những người thân đang sống. Và con cháu và người thân sẽ hành xử như những người đã chết, làm sao để cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn, thúc đảy nhanh hơn sự phát triển của chính mình, của xã hội xung quanh. Chết sẽ không là chết. Chết là sống trong thành tựu khoa học kỹ thuật, trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong tất cả những gì mà con người để lại cho hậu thế.
Thông điệp của Vũ Hồng Quang, như đã nói, là muốn gửi cho tất cả mọi người: Không được quên ngôn ngữ dân tộc, không được quên văn hoá từ lời chào hỏi đến lễ thức tập tục từ lúc mới sinh ra cho đến khi từ biệt thế giới này. Bởi lẽ bất cứ cái gì đã, đang và sẽ tồn tại đều có hạt nhân duy lý và hợp lý của nó, dù muốn hay không, ta nên và phải chấp nhận./.
HN, Ngày 25/6/2013
Đỗ Long
Cám ơn lời bình rất tuyệt diệu của Đỗ Long.
Trả lờiXóaMình bây giờ cũng ở hoàn cảnh tương tự, hai cháu ngoại học ở Vancouver , hai cháu ngoại nưa cũng sinh ra bên ấy.
Bài thơ của Hồng Quang nói rất đúng tâm trạng và sự băn khoăn của mình. Mình bắt bọn chúng phải sử dụng tiếng Việt bằng cach chuyện trò và chat thưỡng xuyên với chúng qua internet. May thay đến giờ chúng vẫn rành tiếng Việt. Duy có cháu đích tôn giờ này quên sạch tiếng Việt rồi. Thôi thì cũng là cái giá phải trả cho sự hội nhập quôc tế và mình cũng nghĩ đến cả mặt tích cực nữa.
Mong gặp các bạn vào diph Hội Trường.
Hôm nọ bố cháu Lucy ( cháu đang học Lớp 1 ở Sydney) than: càng ngày cháu càng để rơi rụng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình. Bố mẹ hàng ngày đi làm ( từ thứ 2 đến thứ 6) 2 chị em cháu đi học. Ở trường toàn nói tiếng Anh. Về nhà bố mẹ bắt nói tiềng Việt cũng chỉ được một số từ nhất định. Vằng bố mẹ 2 chị em cứ thoải mái xổ tiếng Anh !!!. Tranh thủ lúc nghỉ mẹ cháu đọc truyện "ngày xửa ngảy xưa" cho Lucy nghe. Cháu cười khanh khách hỏi mẹ ( Bằng tiếng Anh):"Mẹ ơi tiếng gì mà nghe lạ thế !" . Bó tay ! Cháu Cu Tý ( Ryan) 3 tuổi, tất nhiên là biết ít tiếng Việt hơn chị. Cả 2 chị em hễ cứ vắng bố mẹ là "chơi" toàn tiếng Ăng lê ! Rất lười ( cả sợ nữa) nói tiếng Việt! Bố mẹ các cháu đang dự kiến mỗi năm, khi nghỉ hè, nhất định phải cho các con về Việt Nam 1-2 tháng để học lại tiếng Việt và hòa nhập với nếp sống Việt, ít nhất là trong giao tiếp một thời gian.
Xóa