Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

04. NGỌC TRÂM - TÁC PHẨM ĐÃ RÚT CHỌN IN .

(Bài này tác giả đã rút để thay bằng bài viết số 012 )

CHA MẸ TÔI VỚI MÙA THU CÁCH MẠNG 
( Ngọc Trâm)
( Đăng Blog ngày: 18-08-2008 )

BĐH- Nhà văn Nguyễn Đình Lạp, thân phụ của bạn Ngọc Trâm vốn người Phố Bạch Mai, Hà Nội . Ông sinh năm 1913 và mất năm 1952 tại 1 quân y viện ở Thanh Hóa lúc cô con gái đầu lòng Ngọc Trâm mới 11 tuổi. Bài viết cảm động dưới đây của Ngọc Trâm là trích giới thiệu cuốn hồi kí do Mẹ bạn viết có tên Làm vợ một nhà văn , NXB QĐND ấn hành năm 1998.
Xin thắp 1 nén nhang kính viếng hương hồn Bác Nguyễn Đình Lạp . Thưa Bác, với niềm tự hào vô hạn, chúng con suốt đời ghi nhớ công ơn  thế hệ Cha Mẹ đã  góp phần làm nên CM Tháng Tám Mùa thu 1945.  Bác đã và sẽ sống mãi  trong niềm tự hào đầy thương tiếc của Nguyễn Ngọc Trâm, Nguyễn Đình Mạnh và tất cả chúng cháu - những người bạn LSQL thân thiết của con gái Bác !
  (QuangTrung viết)


Các sự kiện trong ngày cách mạng Tháng Tám hay nhiều chuyện khác về Cha Mẹ tôi, tôi không biết rõ vì  lúc ấy quá nhỏ. Cho nên những điều bài viết này trình bày là dựa vào cuốn hồi kí của Mẹ tôi Làm vợ một nhà văn, NXB Quân đội ND, 1998.

Các sự kiện trong ngày cách mạng Tháng Tám hay nhiều chuyện khác về Cha Mẹ tôi, tôi không biết rõ vì  lúc ấy quá nhỏ. Cho nên những điều bài viết này trình bày là dựa vào cuốn hồi kí của Mẹ tôi Làm vợ một nhà văn, NXB Quân đội ND, 1998.
Cha tôi là Nguyễn Đình Lạp (1913-1952) viết báo viết văn từ năm 1933, ông sống trong căn nhà các cụ để lại ở 152-154 Bạch Mai, Hà Nội. Cha mẹ tôi gặp nhau vào khoảng năm 1938, 1939 khi bà mới 17 tuổi. Mẹ tôi, Nguyễn Thị Liên (1922-2001) cũng người phố Bạch Mai nhưng từ nhỏ đã ở với gia đình ông chú ruột hiếm muộn ở Hải Phòng. Thỉnh thoảng bà về HN thăm gia đình và cha tôi chú ý tới bà, ông đã nhờ người họ hàng giới thiệu chính thức làm quen với gia đình. Tình yêu của họ diễn ra rất đẹp và lãng mạn như bao đôi lứa thanh niên thời bấy giờ. Cha tôi đã từng “vô tình” gặp mẹ tôi trên tàu hỏa, và tiễn bà từ Hà Nội về Hải Phòng, suốt đường ông đã đứng sát ô cửa kính vỡ để chắn gió cho bà. Sau này mẹ tôi giở Nhật kí cha tôi ngày hôm đó thì thấy câu: '…Anh nguyện sẽ che gió cho em trọn đời!'
Tuy nhiên ông bà ngoại tôi chê cha tôi nghèo vì chỉ viết văn viết báo, sợ con gái khổ. Còn mẹ tôi không thay đổi ý định và cố thuyết phục: 'Bố ạ, anh con không muốn làm công chức mà yêu nghề viết văn, viết báo từ lâu… Tuy không có đồng lương hàng tháng, nhưng với bàn tay và khối óc chúng con sẽ sống đàng hoàng.'
Ông bà cưới nhau năm 1940. Mẹ sinh tôi năm 1941, cũng là năm cha tôi cho ra quyển tiểu thuyết đầu tay,- Ngoại ô. Và năm 1943 quyển Ngõ hẻm ra đời trùng với năm sinh em trai tôi,- Nguyễn Đình Mạnh.
Yêu nhau thì như vậy nhưng sau ngày cưới mẹ tôi lại không hạnh phúc. Về nhà chồng mẹ tôi ra sức dọn dẹp, thu xếp lại căn nhà cho ấm cúng, đẹp mắt. Hai câu thơ mà cha tôi viết tặng 'Yêu nhau quý nhất khi mong đợi, Một phút dài hơn một kiếp người' được bà thêu và lồng vào khung kính treo trong phòng ngủ. Hăm hở, hết lòng để xây tổ ấm nhưng mẹ tôi lại phải chứng kiến những điều khác hẳn.
Bà đã viết: “…lạ làm sao khi bạn bè không đến thì anh lại hay đi vắng, không chỉ ban ngày mà cả ban đêm… Không phải chỉ một đêm, hai đêm, mà rất nhiều đêm như vậy. Vắng anh, tôi không sao ngủ được, cho đến khi gần sáng, tiếng người bán hàng rong hoặc người làm ca đêm rậm rịch trên phố thì tôi mới thiếp đi…” “Đã bao nhiêu đêm tôi đếm từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ để tự dằn vặt mình với bao câu hỏi, anh đi đâu, làm gì, sao có thể để ta nằm một mình chờ đợi? Tưởng tượng lúc này anh đang ôm một cô vũ nữ, tim tôi thót lại… Không, anh không yêu ai ngoài tôi đâu, tôi tin như vậy, tôi vẫn tin như vậy.” Rồi đoạn khác: “…Tôi chua xót nhận ra rằng tình yêu của tôi và tình thương đối với đứa con sắp ra đời vẫn không đủ sưởi ấm chồng tôi. Ngày ngày anh càng trở nên khó hiểu. Khi nào tôi căn vặn quá, tất cả lí lẽ của anh chỉ là, ‘một nhà văn lúc này không thể chỉ biết vợ con. Vì là nhà văn nên anh phải đi vào ngóc ngách cuộc sống!’” Chịu đựng mãi dần dần mẹ tôi liên hệ tới những thiên phóng sự nhiều kì trên các báo của cha tôi: “Chợ phiên đưa tới đâu?” “Thanh niên trụy lạc”, “Những vụ án tình”… và bà bắt đầu lờ mờ nhận biết về công việc và những nỗi day dứt của chồng. 

Bà kể tiếp về nạn đói cuối năm 1944-1945, không khí bức bối, ngột ngạt trong xã hội lúc bấy giờ: “...chồng tôi đột nhiên đi biến đâu nửa tháng… Rồi bỗng một buổi sáng, tiếng người reo hò tấp nập, cờ đỏ sao vàng bay rợp đường. Chồng tôi cũng về. Đó là ngày 19 tháng 8, ngày lịch sử của dân tộc ta.”
“Rõ ràng từ hôm đó, chồng tôi vui vẻ hơn, và cũng bận rộn hơn. Anh vào Hội văn hóa cứu quốc có trụ sở tại địa điểm của Hội Khai trí Tiến đức trước đây… Năm 1946 chồng tôi tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế ở miền Trung, anh viết được hai thiên phóng sự Cảnh Dương chiến đấu và Thôn Lệ Sơn.” Sau ngày cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến hơn một tháng chồng tôi mới về Hà Nội. Đang lúc không biết đưa gia đình đi đâu, thì anh Đặng Thai Mai (lúc đó là chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa) điện ra mời các văn nghệ sĩ vào Khu Bốn để thành lập Trại văn hóa kháng chiến. Và nhóm chúng tôi gồm các gia đình anh Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Mạnh Phú Tư, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc… đi trên đò dọc ròng rã nhiều ngày, qua khu Ba vào Thanh Hóa. Một hôm, vừa qua bến Gián thì máy bay đuổi theo mấy chiếc thuyền. Mọi người chạy lên bờ ẩn vào ruộng ngô. Bà viết: “Tôi cõng cháu Mạnh, tay dắt chị nó. Nhưng đi một đoạn thì con bé giằng tay tôi ra ngồi bệt xuống bãi ngô để chờ bố. Nó vừa khóc vừa giục bố còn ở dưới thuyền: ‘Cha ơi, cha nhanh lên!...’ Khi mọi chuyện đã yên yên tôi mắng con: ‘Hôm nay Trâm không ngoan, không nghe lời mẹ đấy nhé!’ Con bé ấm ức nói nhỏ: ‘Nhưng mà cha con ngã xuống sông, một mình ở dưới sông!...’ Các bác thấy vậy xúm vào dàn hòa, rồi khen: ‘Con bé này của ông bà về sau có hiếu lắm đây!”
Đến Thanh Hóa cả đoàn văn nghệ sĩ được bố trí về làng Quần Tín (huyện Thọ Xuân), ở nhờ bà con nông dân. Gia đình bà Bờn nhường cả gian nhà trên cho chúng tôi. Vào đây một thời gian, chồng tôi tham gia giảng dạy lớp Văn hóa kháng chiến, đồng thời là Trưởng ban văn nghệ của bộ đội Liên Khu Bốn. Lớp Văn hóa kháng chiến tổ chức được ba khóa, đào tạo được nhiều cây bút trẻ. Chồng tôi chuyên giảng về Phóng sự với giáo trình tự anh xây dựng. Còn Ban văn nghệ quân đội Liên Khu Bốn thì đã cho ra các tập san Lúa xanh và Mười chín.
Thời gian này các bà vợ chúng tôi phải lo kinh tế gia đình để các anh yên tâm làm việc. Lúc đầu tôi đến trại Hữu Vy học quay xa, khi đã thạo tôi nhận bông mang về, quay thành sợi rồi đến giả, nhận tiền công. Công việc này làm suốt ngày mà tiền công ít ỏi. Các chị bạn đã tìm cách giúp đỡ, giao cho tôi một ít hàng khô, ngày phiên chợ gánh ra bán. Việc này thu nhập khá hơn, nhưng trước khi ra chợ tôi phải tập gánh đến một tuần. Tối nào bà Bờn cũng mang quang gánh ra, xếp vào đấy mấy viên gạch rồi dạy tôi cách đi, cách trở vai… Sau những ngày đau vai, đau chân, mỏi gối,… cuối cùng bà Bờn tuyên bố: ‘mai chị gánh hàng ra chợ được rồi!’
Tuy phải lo nhiều về cuộc số nhưng chồng tôi vẫn tìm cách để tôi được tham gia dự thính lớp “văn hóa kháng chiến khóa III” cùng với Thanh Hương, Tú Nam, Cẩm Thạnh,… “…Giai đoạn này mặc dù vật chất thiếu thốn nhưng chúng tôi rất hạnh phúc. Chồng tôi khỏe ra, trong nhật kí anh có viết: ‘Cách mạng và kháng chiến đã đem đến cho chúng ta cuộc sống mới, nhờ đó và tình vợ chồng càng thắm thiết hơn’.”
Rồi một lần anh Tố Hữu về Khu Bốn thăm Trại văn hóa kháng chiến, có rẽ vào gia đình tôi. Biết tình hình chúng tôi anh khuyên: 'Chị nên tham gia công tác xã hội, làm công tác vận động phụ nữ'. Và điều anh dặn sớm được chúng tôi thực hiện: Hội Liên hiệp phụ nữ Khu Bốn về đóng ở làng Quần Tín. Chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, hội trưởng đã khuyến khích tôi tham gia tiểu ban văn hóa của Hội. Từ khi tham gia công tác phụ nữ con người tôi đã thay đổi dần, từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói, thái độ tiếp xúc đến khả năng vận động chị em nông thôn. Tôi thường xuyên vác ba lô đi về cơ sở, ăn ngủ cùng chị em, khi cần cũng lội ruộng cấy gặt cùng bà con.
Lúc này chúng tôi gặp phải một khó khăn lớn là để các con ở đâu, mang đi theo thì nay đây mai đó chúng không có lớp học ổn định, còn gửi bà Bờn thì rất khó cho người ta. Cuối cùng các chị trong Hội xin cho các cháu vào Dục anh viện, trại nuôi con em bộ đội, thương binh, liệt sĩ của Tỉnh. Chồng tôi được tin này thì đồng ý ngay, anh rất muốn tôi có điều kiện làm việc, tiến bộ. Gần một tháng sau khi gửi con vào trại, tôi có dịp đi công tác rẽ qua, hai đứa trẻ sung sướng lắm, mặc dù chúng đen hơn, xanh hơn. Ngần ngừ một lúc, con Trâm kể: ‘Em Mạnh vẫn đái dầm mẹ ạ, các cô phạt phải ăn cơm nhạt, không cho ăn thức ăn để em chừa đi, có lần con cho em thức ăn bị cô mắng. Rồi con đã nghĩ ra một cách. Con nhờ bà Huỳnh (bà cấp dưỡng) mua hộ một túi cá khô, sắp đến giờ ăn bà cho con vào bếp nướng nhờ một con cá, rồi tìm đúng đĩa cơm của em con vùi xuống dưới. Chuyện này là bí mật của hai chị em và bà Huỳnh’. Chị kể xong thằng Mạnh cười tít mắt, nó còn quá nhỏ, mới 6 tuổi đầu. Những lần sau, rồi lần nào cũng có sự cố. Lúc thì con Trâm bị chó cắn, lúc thì thằng Mạnh bị ghẻ khắp người… Tôi xót các con và nản quá định đón chúng về. Nghe tôi kể mọi chuyện chồng tôi vẫn kiên quyết: ‘Cả nước đang kháng chiến, các con mình cũng phải chịu đựng như con cái bao cán bộ chiến sĩ khác thôi em ạ. Anh tin là chúng sẽ quen, sẽ trưởng thành, sẽ tự lực dần lên…’

  Từ năm 1951 chồng tôi được biệt phái sang công tác ở Mặt trận văn nghệ Hà Nội, anh ít về hơn.
Tết năm 1952,- cái tết thứ sáu xa Hà Nội, gia đình tôi được xum họp vui vẻ, các con đã lớn nhiều. “Thế rồi chỉ sau tết khoảng hai tháng, vào một chiều có chú liên lạc đến tìm tôi: ‘Chị có phải chị Lạp không? Chị ơi, anh…’ Nhìn vẻ mặt và cách nói của chú, tôi vội cắt ngang bảo các con đi lên lớp học. Chỉ còn hai người chú mới nói tiếp: ‘anh đã mê man bất tỉnh rồi chị ạ…’ Thật không thể ngờ được. Tôi vội chào các cô trong trại, dặn hai con là mẹ đi công tác gấp, rồi vơ vội cái ba lô lên đường. Tôi đi liền một mạch đến tối. Đêm cuối tháng trời đen như mực, đường vắng tanh, không làng mạc, không bóng người. Tôi vẫn đi băng băng mong cho chóng gặp anh. Quá nửa đêm tôi đã qua được sông Mã, tôi vẫn đi như chạy, miệng thầm gọi: 'Anh ơi, chờ em với. Em đến đây!'
 “Quân y viện nằm sâu trong rừng. Tôi bước tới chỗ bác thường trực mà chân tay run rẩy, lo âu, hồi hộp nhưng vẫn hy vọng. Rồi bác thường trực từ từ hạ đôi kính nhìn tôi đăm đăm: ‘Anh ấy chết rồi, từ 8 giờ sáng hôm qua.’ Tôi ngã khuỵu xuống chỗ bác ngồi. Rồi có ai đó dìu tôi đi đến chỗ anh. Tôi như một cái máy. Người ta nhấc lá cờ phủ trên quan tài, cho tôi gặp chồng lần cuối. Tôi nắm chặt tay anh, xoa nắn đôi bàn chân anh và ngắm nhìn khuôn mặt anh. Rồi toàn thân tôi như tê liệt, cứ đứng trơ trơ. Đến lúc tiếng đóng ván, đóng đinh chan chát xói buốt đã làm tôi tỉnh ra…” “Từ mộ trở về tôi nằm lịm đầu óc trống rỗng, tôi không tin vào những việc đã xảy ra. Mấy hôm nay chị bạn ở Cơ quan chồng luôn ở bên tôi, chị dỗ dành, an ủi cố làm cho tôi nguôi ngoai. Đang lan man, chìm vào nỗi đau… bỗng nghe chị nhắc đến các con… Tôi giật mình, đúng rồi, các con bây giờ ra sao, tôi phải về với các con. Em phải về với con anh ạ! Tôi cắm mấy cành hoa rừng trên mộ anh, chào anh rồi ôm chặt chiếc ba lô của anh, cắm cúi đi một mạch về Trại trẻ.”
“Các chị trong Trại ra đón tôi, thông cảm. Lúc đó đã muộn, các cháu đều đi ngủ. Thằng Mạnh đang ngủ say. Tôi sốt ruột vén màn giường con gái, con bé vẫn thức. Thấy tôi nó chồm dậy hỏi: ‘Mẹ ơi, cha con làm sao rồi?’ Tôi làm ra vẻ bình thường: ‘À, hôm nay cha đã…’ Nó ôm choàng lấy tôi: ‘Cha chết rồi phải không?’ Rồi nức nở khóc. Tôi ôm chặt lấy con: nó linh cảm được hay hồn anh đã về báo cho con biết? Các chị trong trại cho hay, mấy ngày tôi đi vắng, con Trâm cứ ỉu xìu chẳng nói chẳng rằng. Tội nghiệp các con tôi!”

Năm 1953, tôi được sang Trung Quốc học, nhưng trước khi đi không được gặp mẹ, vì mẹ tôi đang dự lớp chỉnh huấn. Bà làm việc ở Phụ nữ Thanh Hóa đến tận năm 1965 thì chuyển ra Hà Nội, làm việc ở Phòng tuyên truyền Bộ Nội thương. Em Mạnh thiệt thòi hơn chị vì không được đi nước ngoài nhưng cũng đã là cán bộ giảng dạy Trường đại học Nông Nghiệp, có học hàm PGS TS. Chị em tôi đều có gia đình riêng nhưng mẹ tôi không ở với ai, bà vẫn ở căn hộ tập thể của Cơ quan để đi làm cho gần. Sau giải phóng miền Nam , mẹ tôi cũng gặp lại nhiều bạn bè cũ ở Sài gòn. Một hôm, mẹ dặn tôi đến nấu cơm để mẹ mời bạn Việt Kiều. Cô Yến và cô Phương chỉ yêu cầu tôi nấu canh cua rau rút, đậu rán và cà pháo. Chuyện trò giữa bạn bè thời con gái rất vui. Bỗng tôi nghe cô Yến nói: ‘Sao Liên không đánh móng chân mà để thế kia?’ Mẹ tôi chỉ nói: ‘mình không thấy cần, đấy là các bạn không biết mình đã từng gánh lúa, lội ruộng nữa…’ Nhìn các cô sang trọng, đầy đủ tôi thấy thương mẹ quá; mẹ tôi trước đây là đẹp nhất trong tốp bạn!
Các cô về rồi tôi lên giường nằm ôm lưng mẹ hỏi: ‘Gặp mọi người thế này mẹ có thấy buồn, thấy tiếc không?’ Mẹ tôi hơi ngạc nhiên, sau hiểu ra: ‘Không, mẹ không tiếc gì cả. Mẹ hạnh phúc vì có cha con, yên tâm tự hào vì các con. Cha con đã chọn một con đường đúng nên bây giờ mẹ mới là một phụ nữ được giải phóng, một cán bộ vững vàng và có ích cho xã hội… Nếu tiếc, mẹ chỉ tiếc cha con đi sớm quá, các con bị thiệt thòi…’ Rồi mẹ vuốt tóc, vuốt vai tôi nói nhẹ: ‘Thôi nào, nín đi con!’ Mẹ vẫn phải dỗ tôi, suốt đời mẹ dỗ dành tôi ! ( Hết )




1 nhận xét:

  1. Bạn Ngọc Trâm có thể chọn 1 tác phẩm khác viết về chính bản thân mình . ( Tuổi thơ tôi ). Hoặc về tình thày trò, tình bạn học ....

    Trả lờiXóa