Đi tim nỗi nhớ tuổi thơ
( Thanh Mai )
Đoàn chúng tôi bao gồm đoàn trưởng Hoàng Thế Long, hai đoàn phó Nguyễn Bích Ngân và Vũ Thanh Mai đã hô khẩu hiệu cả hai tháng trời, nhằm ngày lành tháng tốt 22/5/2000, giờ hoàng đạo mới hạ quyết tâm lên đường xuất ngoại du ngoạn theo kiểu “Tây ba lô” sang Quế Lâm thăm trường cũ. Đoàn “Tây ba lô” rất lười đi bộ, toàn đi tàu hỏa và Taxi vì vậy phải tốn kém gấp đôi đi du lịch theo tour. Thế Long không rủ được ai ở chung phòng để chia sẻ kinh phí nên càng tốn kém hơn nhiều.
Trước tiên chúng tôi ở lại Nam Ninh thăm Trường Khu Học Xá, nơi chuyển từ Quế Lâm đến học lớp 8 trước khi về VN. Trường KHX bây giờ thành trường đại học hoành tráng của thành phố Nam Ninh. Bích Ngân đã thu thập được nhiều giống hoa đẹp trong vườn trường mang về gây giống. Hôm sau tiếp tục đi tham quan danh lam thắng cảnh của thành phố Nam Ninh rồi mới lên tàu hỏa tới Quế Lâm.
Hai đoàn phó đều phấn khởi, an tâm khi thấy đoàn trưởng gọi điện liên lạc được với chị Hồ Khải Hoa, nữ y tá xinh đẹp nhất của Trường.
Trưa ngày thứ 1: Tới ga Quế Lâm, chị Hồ Khải Hoa đón về khách sạn ngay trung tâm thành phố. Buổi chiều chúng tôi ra nhà hàng ăn cơm, đi dạo chơi loanh quanh.
Ngày thứ 2: Chị Hồ Khải Hoa mời được y sĩ Khâu Bội Ngọc, y tá Đường và hộ lý Lý Thượng Vân đến khách sạn gặp chúng tôi, lúc đó bác sĩ Đặng Hải Đường sang Australia thăm con nên vắng mặt.
Các chị đưa đi thăm Lưu sứ trưởng vừa mới bị tai biến mạch máu não phải nằm trong bệnh viện Nhân Dân. Lưu sứ trưởng trước đây là đại diện của Đảng, Chính Phủ Trung Quốc phụ trách trường kết hợp với hiệu trưởng là bác Cáp rồi đến cô Phương Hoa. Cố vấn Hứa Đồng Mai, vợ của Lưu sứ trưởng kiêm giáo viên dạy Trung văn đang chăm sóc chồng ở bệnh viện. Chúng tôi hỏi thăm chị Hồ Khải Hoa hoàn cảnh gia đình thày với ý định góp tiền biếu thày, nhưng chị Hoa cho biết gia đình thày cũng khá giả, các con đều ăn nên làm ra, chỉ mua bó hoa tặng thày thôi.
Vào thăm thầy cô đúng lúc thày Lưu đang phải nằm thở oxy. Thấy chúng tôi, học sinh cũ từ Việt Nam sang, thầy vui mừng khôn xiết, cương quyết đòi bác sĩ bỏ ống thở ra để ngồi dậy nói chuyện cho thoải mái. Thày muốn hỏi nhiều, nói nhiều chuyên lắm. Sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của thầy, chúng tôi chỉ trả lời qua loa chứ không dám ngồi lâu, lần lượt đứng dậy nắm chặt tay thày, chúc thày mau chóng bình phục. Ngay lúc ấy, cô Hứa Đồng Mai cùng các chị y tế mời đi chiêu đãi một bữa linh đình trong Restaurant sang trọng.
Cô Hứa Đồng Mai vẫn nhớ Thế Long, một trong những học sinh giỏi tiếng Trung của cô và hỏi thăm tất cả các học sinh K 5. Các chị y tế kể lể về cảnh khổ sở của thời Cách mạng văn hóa Trung Quốc, nhắc đến những kỉ niệm với học sinh Việt Nam. Chị Khâu Bội Ngọc không quên hỏi thăm em lớp bé đã nhận làm con nuôi hiện nay ra sao, nhờ Thế Long bắt liên lạc hộ, mong sớm có ngày mẹ con trùng phùng. Cuộc chuyện trò sôi nổi bằng tiếng Việt lẫn lộn với tiếng Trung và cả bằng tay nữa. Các chị cố vắt óc nhớ được từ tiếng Việt nào là tranh nhau tuôn ra cho bằng hết, bởi lẽ lâu lắm rồi nay mới được nói lại tiếng Việt. Khi nào bí quá phải nhờ Thế Long làm "thông ngôn", lúc này Thế Long mải quay phim mang về cho các bạn xem, chẳng để ý nghe chúng tôi nói gì.
Buổi gặp gỡ thật là rôm rả đầy hưng phấn kéo dài mãi cho tới khi không thể kéo dài hơn được nữa mới dừng.
Ngày thứ 3: Chị Hồ Khải Hoa chỉ đường tỉ mỉ cho chúng tôi thuê Taxi đến Giáp Sơn thăm Quế Lâm Dục Tài Học Hiệu (Trường Thiếu Nhi Việt Nam Quế Lâm).
Muốn vào trường bây giờ phải đi trên chiếc cầu bắc qua hồ, cổng cũ có anh giải phong quân đứng gác đã bị bỏ hoang từ lâu, rêu bám nham nhở trông đến tang thương!
Chúng tôi đi quanh quẩn tìm ra nhà hiệu bộ, cùng nhau lên gác hai vào phòng hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng của trường hiện tại còn trẻ trung, vui vẻ chào chúng tôi. Khi biết đây là học sinh Việt Nam đã từng học tại trường này từ 1953, ông chỉ vào chiếc lò sưởi than đơn sơ nằm trong góc phòng nói là cố ý giữ lại làm kỉ niệm cho học sinh Việt Nam trở về thăm trường còn được nhìn thấy nó. Ánh mắt chúng tôi đều dồn về phía lò sưởi.
Ôi! Chiếc lò sưởi thân yêu đã sưởi ấm chúng tôi trong những ngày mùa đông giá rét thấu xương. Chiếc lò sưởi kia được đặt chính giữa mỗi phòng ngủ để hơi ấm lan toả đều khắp phòng. Biết bao nhiêu chuyện vui buồn xoay quanh lò sưởi đã trôi vào dĩ vãng của tuổi thơ thoắt hiện lên như vừa mới đây thôi!
Ông hiệu trưởng cho biết thêm, cả khu trường cũ nay chia thành bốn trường khác nhau rồi. Chúng tôi cảm ơn và xin phép ông tiếp tục đi thăm các lớp học, thư viện, nhà ăn, nhà ngủ và sục sạo dưới mưa khắp mọi ngóc ngách.
Đặt chân đến đâu, cả ba đều tranh nhau ôn lại những kỉ niệm tới đó với nỗi niềm nuối tiếc không nén nổi.
Trường thân yêu ơi! Ta đã về
Sân vườn xơ xác vắng hoe hoe
Trúc đào hồng thắm đâu chẳng thấy?
Nhà cũ rêu phong... Buồn tái tê!
Phòng học đây rồi! Vội vã vào
Sinh viên đứng vẽ gật đầu chào
Ồ! Nay biến thành phòng học hoạ
Trong lớp học xưa bỗng nao nao
Kỉ niệm trào dâng bao vấn vương
Đi tìm nỗi nhớ dạo quanh trường
Nức nở, sụt sùi Trời thương cảm
Mưa hòa lệ ướt suốt dọc đường
Dãy núi nhấp nhô trong mây mờ
Hàng cây ủ rũ đứng ven hồ
Đào Hoa* hững hờ lờ lững chảy
Bàng hoàng, ngơ ngẩn ngỡ trong mơ!
*Chúng tôi đi thẳng từ Trường ra Ly Giang. Thế Long có ý định nhảy xuống bơi trên dòng sông thuở trước sáng mùa hè nào cũng được bơi, nay thấy nước đục ngầu ngầu đành đứng yên trên bờ. Khi Thế Long nói chuyện với ông già mới biết đấy là Đào Hoa Giang chi nhánh của Ly Giang, chứ không phải là Ly Giang như trong kí ức của chúng ta. Đào Hoa Giang bây giờ mới bé nhỏ làm sao! Chẳng còn trong veo, rộng mênh mông mà lần nào đi bơi các anh chị cũng phải nhắc nhở: "Không được bơi ra xa!".
Ngày thứ 4: Chị Hồ Khải Hoa nhờ con gái làm bên công ty Du Lịch mua vé cùng chúng tôi đi du thuyền lướt trên dòng Ly Giang êm đềm nước xanh biêng biếc, thỏa thích ngắm dãy núi trùng trùng điệp điệp hai bên bờ lấp ló sau làn khói sương nghi ngút.
"Núi Vòi Voi kia kìa, chúng mình đã từng chui vào hang chơi, các cậu còn nhớ không?", rồi núi Phụng Ba, núi Phù Dung, núi Thất Tinh, núi Cửu Mã, núi Tháp, núi Ngưu lang Chức Nữ...hiện ra. Người Quế Lâm luôn tự hào, tôn vinh phong cảnh sơn thủy hữu tình của nơi đây. Bữa trưa được thưởng thức những món đặc sản tôm - cua - cá của sông Ly trên du thuyền. Vài lần du thuyền neo lại cho khách lên bờ tham quan các di tích lịch sử, xem biểu diễn dân gian, vui chơi các trò với thổ dân trên đảo, mua đồ lưu niệm...mãi đến chiều tối mới về tới khách sạn.
Mấy ngày tiếp theo: Chúng tôi tha hồ đi chơi khắp thành phố Quế Lâm. Lang thang trên Quảng trường trung tâm thành phố mới vừa xây dựng xong, chui xuống ngắm siêu thị Hồng Kông xây ngầm bên dưới quảng trường, hàng hóa choáng ngợp, giá cả cứa cổ. Tham quan lại hang động núi Vòi Voi, mua vé xem biểu diễn, la cà mọi nẻo đường, vào ngó nghiêng từng cửa hàng, đi chợ đêm. Thăm cả rạp chiếu bóng Hoà Bình, nơi ngày xưa các lớp đã xếp hàng lũ lượt vào xem phim, nay sắp sửa bị phá tan hoang. Thành phố còn nhiều chỗ ngổn ngang bừa bãi, công nhân hối hả làm đường rộng hơn, xây dựng những công trình mới quy mô hiện đại hơn.
Có một buổi các chị y tế đến xem phim Thế Long đã quay hôm ăn liên hoan. Thỉnh thoảng chị Hoa dắt cậu cháu ngoại khôi ngô bụ bẫm đáo qua thăm hỏi chúng tôi chốc lát.
Hằng ngày kéo nhau ra phố ăn sáng bằng cháo trắng, dầu cháo quẩy với ca la thầu để thưởng thức hương vị thân quen không thể nào quên của những năm tháng sống ở Trường Thiếu Nhi Việt Nam Quế Lâm. Bữa trưa, bữa chiều ăn tại nhà hàng. Tên các món ăn bằng tiếng Trung chẳng ai biết, đành phải ngó sang bàn bên cạnh thấy có món gì mình thích thì bảo người ta mang món ấy. Người phục vụ bê ra những đĩa thức ăn to đùng với một chậu canh có thể gội đầu được. Các bàn khác đều đầy ăm ắp những đĩa thức ăn và chậu canh như vậy cả, họ vừa ăn vừa cười nói oang oang. Người Trung Quốc vốn quen ăn to nói lớn như thế từ lâu rồi! Bữa nào cũng bỏ lại một nửa, tiếc tiền quá, rủ nhau vào quán bình dân ăn cơm suất. Quán này bầy các món thức ăn trong tủ kính, thích món nào cứ việc chỉ vào món ấy là xong, không cần phải nói một tiếng nào!
Mấy cậu xế xe lôi nhìn Thế Long còn phong độ, khí thế còn sung mãn, ấy vậy mà buổi tối nào cũng cặp kè dạo chơi với hai mụ nạ dòng nhan sắc đã tàn phai, liền chạy theo thủ thỉ mời mọc đi "khám phá" của lạ... Thế Long "giả vờ" sợ hãi chỉ Bích Ngân: "Bà xã của tôi đấy!". Chẳng hiểu khi đưa Bích Ngân với tôi về khách sạn rồi, Thế Long có lẻn đi hay không thì chỉ có Trời mới biết!!!
Ngày cuối cùng: Buổi sáng chúng tôi mua sắm nốt, đóng gói sẵn sàng. Buổi chiều đến nhà chị Hồ Khải Hoa ăn cơm chia tay, cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình chu đáo của mẹ con chị để sớm mai lên đường.
Sau những ngày tìm lại được nỗi nhớ của tuổi thơ, đã đến lúc phải rời xa, chúng tôi lên tàu hỏa trở về Hà Nội. Người nào cũng khệ nệ mang theo một túi ca la thầu làm quà cho các bạn Quế Lâm và để dành ăn dần.
Cô Hứa Đồng Mai cùng tất cả các chị y tế ra ga tiễn biệt, trong khóe mắt kẻ đi người ở đều rơm rớm, dùng dằng lưu luyến.
Tạm biệt Quế Lâm!
Tạm biệt nơi đã chứng kiến tuổi thơ êm đềm!
Đoàn tàu đem chúng tôi đi xa dần...
Chuyến du lịch lần này vô cùng mãn nguyện! Chỉ hơi tiếc một chút là ngày vào trường trời mưa rả rích mãi, không thể thực hiện được kế hoạch leo núi phía sau dãy nhà học. Nơi ấy mỗi khi được nghỉ học cả lớp lại cùng nhau mang theo bánh bao, thi nhau trèo qua ngọn núi đá lởm chởm, các bạn gái say sưa hái những bông hoa dại kết thành vòng hoa đội lên đầu, các bạn trai sang thung lũng phía bên kia núi chơi bóng đá hoặc soi đèn pin mò mẫm thám hiểm các hang động tối om om.
Năm 2006, đoàn của Nữ Hiếu sang Quế Lâm cũng gặp cô Hứa Đồng Mai, cô cho biết thầy Lưu đã qua đời từ năm 2004 rồi. Tôi cầu mong cô mãi mãi mạnh khỏe, sống vui vẻ cùng con cháu.
Thanh Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét