Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

024 . THẾ LONG - TÁC PHẨM CHỌN IN

KỂ CHUYỆN THIẾU SINH QUÂN 
CỤC TỔ CHỨC TCCT
 ( Hoàng Thế Long )

Đường lên Việt Bắc

Đoàn chúng tôi là con các cán bộ Quân giới Liên khu 3-4. Cuối năm 1952 các bạn tập trung tại nhà tôi ở Thanh Hóa để cùng đi lên Việt Bắc, chuẩn bị đi học ở Trung Quốc.
Khoảng độ 4 – 5 ngày thì các bạn tập trung đủ, có những người từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra. Điều may mắn nhất với đoàn chúng tôi là được các chú / các anh kết hợp chuyến công tác từ Khu 4 lên Cục Quân giới trên Việt Bắc chở bằng xe đạp đi, không phải đi bộ.
Đường đi từ Khu 4 lên Việt Bắc là đường phía Tây Thanh Hóa, Ninh Bình ngược lên Hòa Bình, qua sông Đà sang Phú Thọ, một đêm nằm đò ngược dòng Lô rồi sang đất Tuyên Quang, tiếp tục ngược Thái Nguyên lên cục Quân giới, tập trung thêm mấy bạn ở đó từ trước.

Do được “cơ giới hóa” nên đi khá nhanh. Mỗi chú / anh chở một đứa, thừa một đứa nên có xe phải chở một đứa đằng trước, một đứa đằng sau. Hành lý chẳng có gì nhiều, chủ yếu là lương thực. Bọn tôi đi ngày, đêm nghỉ. Nấu lấy ăn. Thỉnh thoảng qua những trọng điểm bị máy bay Pháp quần phải vứt xe chạy bán sống bán chết như đoạn qua dốc Cun. Máy bay Mỹ sau này có hỏa lực mạnh, nhưng một-hai chiếc B-26 của Pháp lúc ấy bay thấp "sát ngọn cây" lia những tràng đại liên 12 ly 7 nghe rợn người. Nó đi rồi mà tìm lại nhau cho đủ cũng khá lâu và căng thẳng. May là nguyên vẹn cả. Khi đến đoạn gần Đoan Hùng còn thấy xác xe quân sự Pháp bị bắn hỏng nằm bên vệ đường. Tại cục Quân giới chúng tôi chia tay với các chú / các anh đã đưa chúng tôi đii.
Tấm ảnh chụp cả đoàn trên đường đi khi quay lại các chú mới lấy được và đưa cho gia đình tôi. Sau khi rời Quế Lâm về nhà tôi mới thấy ảnh này. Đây có lẽ là một trong số những bức ảnh của một hội toàn là dân LSQL được chụp sớm nhất.

Sinh hoạt hàng ngày
Mấy hôm sau, từ địa điểm đóng quân của cục Quân giới, chúng tôi – lúc này đông hơn – hành quân đến nơi tập trung ở gần Quán Vuông. Trại lúc ấy còn vắng, chưa đến một trung đội. Cơ sở trại chỉ có một lán nhỏ cho nữ và một nhà ăn làm sát ngay cạnh suối. Đây là trại tạm thời. Bọn tôi được chia về các tiểu đội theo lớp tuổi. Số đến trước chúng tôi đa phần là “vệ út” – những chiến sỹ liên lạc, văn công … ở các đơn vị về đi học.
Các bạn này rất tháo vát và biết rất nhiều chuyện, đàn hát giỏi. Anh Thế Hùng là nhân vật như vậy. Trong các bài trước về chuyên mục “Chuyện bây giờ mới kể”, Quang Trung và tôi đã kể nhiều mẩu chuyện về những ngày ở TSQ CTC TCCT.
Ban ngày sinh hoạt trong trại, tối ra ngủ nhà dân – nhà sàn đồng bào Tày. Hồi ấy rét, có việc gì ban đêm cần thiết cứ việc vạch dát sàn ra mà giải quyết tại chỗ (xuống lưng trâu). Sau này có những lần đi thăm Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình) ngủ ở nhà sàn chẳng còn thấy thú vị gì nữa ! Những lần lên thăm lại chỗ ở ngày xưa, thấy nhà đồng bào chung quanh đấy đều là nhà một tầng kiểu miền xuôi, thỉnh thoảng lắm mới có một nếp nhà sàn. Có lẽ những nhà sàn ấy được chở về xuôi nhiều rồi cũng nên.
Đời sống ở Việt Bắc kham khổ nhiều hơn so với Khu 4. Thiếu thốn nhiều thứ nhưng vui. Đầu tháng 3-1953, sau buổi tối làm lễ truy điệu I.V.Stalin ít hôm chúng tôi chuyển trại vào sâu hơn trong rừng. Chung quanh khu vực trại có nhiều cơ quan của Quân đội. Ngay bên kia suối đối diện với trại chúng tôi là cục Địch vận. Cơ quan của Tổng cục Chính trị cũng không xa.
Thỉnh thoảng lại có một tốp vài bạn đến tập trung. Quân số ngày càng đông, lúc này là một đại đội đầy đủ có 3 trung đội. Trung đội 1 là nữ, đóng trong cùng, gần chỗ làm việc của các cán bộ và trạm xá.

Phụ trách đơn vị là anh Điểu, phụ trách trạm xá – anh Vân, y tá, phụ trách đời sống văn hóa – anh Đỗ Minh (tác giả “Ca ngợi đảng Lao Động VN”).
Sinh hoạt theo lối bán quân sự. Hàng ngày tập điều lệnh, thể thao, văn nghệ, thỉnh thoảng có báo động giả. Lấy củi, đi vác gạo ngoài kho gạo Quán Vuông, xuống giúp nhà bếp (vác nước, nhặt rau, rửa bát…) là những việc mỗi tháng 1-2 lần, còn vác nước bằng ống bương về cho tiểu đội, vệ sinh…là việc hàng ngày. Chiều tối sinh hoạt tổ 3 người.

Tôi bị "quy" địa chủ
Đời sống vật chất và tinh thần là tốt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cơ quan chủ quản là TCCT rất quan tâm. Ăn đủ no. Mặc thì vào thời gian cuối được phát quân phục mầu cỏ úa, dép lốp, mũ lưỡi trai. Loại trang phục đặc biệt nhỏ này chắc bên Quân nhu phải chuẩn bị trước, thé nên số đến sau như bạn Trác, T.Hoàn...không có. Hôm hành quân xuống cầu Gia Bẩy tập trung được chở đi bằng xe tái "Molotova". Bác Nguyễn Chí Thanh – Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị khi ấy rất quan tâm. Ngày 1 – 6 bác đã cưỡi ngựa đến thăm trường và cho chúng tôi liên hoan một bữa to. Bạn Sỹ Hùng – một “vệ út” là chiến sỹ thi đua toàn quân được đơn vị cử đi học, đã “trộm” ngựa của tướng quân cưỡi chơi. Kẻ "phạm thượng" đáng phải bị phạt nhưng khi ra về tướng quân cũng chỉ cười.

Các Anh hùng Quân đội La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên thỉnh thoảng đến thăm nói chuyện với đơn vị. Trường Thiêu sinh quân Việt Nam đã giải thể từ 1950 nên có lẽ đây là nơi duy nhất tập trung số “vệ út” đi học, còn đa phần là con em cán bộ quân đội, sau này có cả “con nuôi” đơn vị bộ đội nữa – đó là trường hợp 2 bạn được bộ đội vào giải phóng Tây Bắc cứu được từ trong rừng. Bài hát “Em bé Mường La” chúng tôi được nghe chị Ngọc Tú (nguyên là văn công) ở trung đội 1 hát nhiều lần rồi cũng thuộc. Mãi sau này mới thấy 2 nhân vật trong ca khúc - lúc này đã biết tên là Lò Văn Muôn và Lò Văn Yêu - về làm đồng đội.

Anh Đỗ Minh dẫn dắt về văn nghệ nên cuộc sống vui tươi. Thỉnh thoảng được sang TCCT xem phim. Buổi đi xem phim như đi hội. Bọn tôi xuống nhà bếp dập nứa bó thành bó đuốc. Khi đi trời còn sáng, nhưng khi về phải đốt nối tiếp nhau 2 – 3 bó đuốc mới về đến trại. Hội trường bên TCCT chỉ là cây lợp lá nhưng rất to và hôm nào cũng xem phim trong hội trường. Thường thì xem loại phim 16 ly chiếu 1 máy (khoảng 30 phút lại phải dừng để thay cuốn phim), nhưng có hôm xem phim 35 ly chiếu 2 máy liên tục. Đó là điều rất sang trong hoàn cảnh khi ấy, vì kỹ thuật chiếu.phim như thế vẫn còn đến thời gian gần đây.Trước lúc xem phim còn được gặp gỡ chuyện trò với anh Cầu, chị Chiên khi ấy đang ở TCCT. Lúc ra về, cảnh đoàn người đốt đuốc nối nhau đi trong rừng già hết sức ấn tượng mà dù cho có đi du lịch miền núi ngày nay bạn cũng không bao giờ có thể được chiêm ngưỡng. Qua hai con suối, đoàn người đi chậm lại, ánh đuốc bập bùng soi trên mặt nước với tiếng xèo xèo của tàn lửa rơi xuống suối. Những cuốn phim như "Việt Nam kháng chiến", “Công phá Bá Linh”, “Bạch mao nữ”, “Acmêny phồn thịnh” “Anh voi húc cây đa”… được xem từ những ngày ấy. Khi xem phim “Bạch mao nữ” về, tôi bị các bạn “quy” là địa chủ Hoàng Thế Nhân. Lúc ấy với tinh thần căm thù giai cấp bóc lột, bị trêu thế tôi ức lăm, liền xông vào uýnh liền. Kết cục là vật nhau lăn tròn trên đất lấm lem cả hai. Cái tên húy này còn theo tôi mãi suốt những năm đi học. Cho đến gần đây đến nhà cụ Minh Ngọc, cụ cũng chào bằng tên húy: “Chào địa chủ Hoàng Thế Nhân!”, rồi cụ còn phán thêm: “Làm cho Hỷ Nhi có bầu đấy nhá!”. Bây giờ thì chẳng ngán nữa, tôi tếu táo trả lời: “Giá mà được thế!”. Cái nick name trên blog này có nguồn gốc là như vậy.

Một đêm không yên tĩnh
Mấy lán trại của chúng tôi nhìn xuống một con đường dốc thoai thoải ở trung tâm. Trại nữ trung đội 1 ở sâu nhất. Xuống hết con đường là một bãi phẳng, nơi sinh hoạt chung. Nhà ăn ở bên phải bãi này. Cách một quãng đường nữa thì đến suối. Bờ suối bên trại chúng tôi thoai thoải, nơi bọn tôi tắm và nấu sôi quần áo cho hết rận. Con trai tắm ngay đấy, con gái có bãi kín đáo riêng được các bụi cây che khuất ở phía trên. Bên kia suối đi lên một quãng là cục Địch vận. Ở đó có nhiều người nước ngoài nguyên là lính trong quân đội Pháp, do phản chiến nên về với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Họ là người Pháp, người Nhật, người Đức… công tác trong Cục. Họ đều có tên Việt Nam . Họ đã có công đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp, được tặng thưởng, mang quân hàm QĐNDVN, trong đó có bác Chiến Sỹ người Đức có con cũng trong hội LSQL với chúng ta.

Một đêm không trăng yên ắng, bọn tôi đang ngủ say thì giật mình nghe tiếng tiếng la ở lán trung đội nữ rồi tiếng chân chạy rầm rập trên con đường trung tâm ra phía suối. Sau đó chỉ nghe tiếng tiếng ồn phía trên nhà nữ và nhà cán bộ. Lệnh là bọn tôi ở tại chỗ và đi ngủ tiếp.

Sáng hôm sau mọi chuyện mới được nghe kể lại. Chuyện là thế này: có một “ông Tây” tên là Lê Huyên ở bên cục Địch vận mò sang lán trung đội 1, sờ phải một chị nào đấy rồi chị này hét lên làm náo động toàn trại. Anh Đài cầm dao đuổi theo, đến suối thì chém trượt vào vai kẻ xâm nhập, nhưng không bắt được. Phía bên cục Đich vận tổ chức truy tìm ngay trong từng chiếc màn mọi người đang nằm thì có một người bị ướt và có vết chém. Kẻ xâm nhập này bị bắt ngay.

Trong kháng chiến những chuyện quan hệ nam nữ rất nghiêm. Sáng hôm sau chúng tôi thấy người này bị trói và có một anh bộ đội trẻ mang súng áp giải đi. Mấy bạn nữ còn bốc bùn dưới ruộng ném theo. Số phận của người này sau đó thế nào chúng tôi không biết. Lúc ấy có người nói thế nào cũng phải ra tòa án binh. Sau này đọc “Vạn lý trường chinh” thấy có nhân vật Lý Đức, người Đức do Quốc tế Cộng sản cử sang, cũng có những chuyện về sinh hoạt như vậy, lại cũng đã lớn cả rồi, thì thấy chuyện đó không có gì quá nghiêm trọng như quan niệm ngày trước.

Cái mả hủi

Lấy gạo, lấy củi là công việc vui. Gạo thì lấy ở kho gạo Quán Vuông. Đơn vị có một con ngựa thải vẫn đi thồ gạo. Nhưng ngựa mang không đủ. Một số được phân công đi lấy gạo. Đi lấy gạo là chuyến dã ngoại vui. Buộc hai ống quần lại mà đựng. Mang được bao nhiêu thì xúc bấy nhiêu, anh thủ kho biết tụi này nên cũng chẳng chẳng đòi giấy tờ, chẳng cân kẹo gì.

Lúc về lại còn vừa đi vừa nghich. Chia 2 bên đánh trận giả. Cũng phục kích ven đường, bên suối. Bên thua bị bắt làm tù binh phải vác gạo cho bên thắng một quãng đường. Có điều lạ là dạo ấy toàn uống nước suối mà cũng chẳng sao. Một lần về thăm lại chổ ở khi xưa, đi quá Quán Vuông 2 km thì có một chiếc cầu hỏng, ôtô không sang được, phải đi bộ. Đường khi trước nhỏ như đường mòn, âm u lại quanh co, bây giờ to và thẳng, thế mà đi bộ mãi mỏi cả chân. Hôm ấy T.Nguyên bảo tôi là trước cũng đường này, vai mang gạo, vừa đi vừa nghịch mà không thấy xa như  bây giờ.

Lấy củi là những chuyến đi chơi trong rừng thú vị. Rừng khi ấy rậm, nhiều củi. Cây khô chết trong rừng nhiều, chặt từng đoạn vác về, không hết thì cứ để đấy lần sau lên vác. Nứa khô trong các bụi cũng nhiều, chỉ việc bẻ cũng gẫy. Một loáng là bó xong bó củi. Thời gian còn lại là rong chơi, kiếm được quả rừng gì xơi được thì xơi. Một hôm mấy đứa nhìn thấy một buồng chuối rừng chín. Tìm được dâu da rừng là tôt, gặp cây chuối rừng chín thì tuyệt. Cây chuối rừng thì cao mà mình thì thấp. Chuối rừng không ai chặt hoa nên đoạn dưới của buồng có cái cuống dài lòng thòng, mấy nải chín ngon lành ở trên cùng. May là cạnh cây chuối lại có một mô đất nhô lên cao, đứng lên đấy nhẩy lên tóm lấy cái cuống buồng chuối mà kéo xuống. Một bữa cải thiện sang trọng.

Về đến trại kể lại chuyện ấy. Mọi người mới bảo bụi chuối ở đấy thiếu gì người biết, còn được quả đến nay là vì nó mọc bên cái mả hủi, đứa nào đến đấy thế nào cũng bị lây. Lo quá. Cả lũ tham dự vào vụ chuối rừng hôm ấy kéo nhau ra bờ suối tìm mỗi dứa một hòn đá kỳ, kỳ cọ chân tay đến đỏ lựng lên mới về. Nỗi lo bị hủi mãi rồi cũng lắng dần xuống.

Khi sang Quế Lâm có một chuyện lại nhắc tôi nhớ vụ chuối rừng. Người trong ảnh chụp lúc đi lên Việt Bắc (bài lần trước) thứ 5 trái sang là Vũ Dương Quân bị bệnh phong được bác sỹ Đặng Hải Đường gửi đi một trại phong ở Trung Quốc (trường hợp duy nhất ở QL). Mấy hôm phát hiện bệnh Quân nằm cách ly ngoài trạm xá "Côn Đảo", bạn bè không ai dám đến thăm. Tôi không nhớ Quân có tham gia vụ chuối rừng trước đây không, nhưng việc Quân đi - như đi "trại tập trung" và chắc không có ngày về - làm tôi rất buồn. Tôi với Quân ở với nhau mấy năm ở Nghệ An, cả ba và mợ Quân đều sớm nằm lại trên đất Thanh Chương, Nghệ An trước lúc đi TSQ.

Khi ra công tác rồi, tôi lần mò tìm mãi mới gặp được Quân và biết tin như sau: Quân đi chữa bệnh mấy năm thì khỏi, học hết sơ trung (c.2) rồi cao trung (c.3), học xong đại học ròi về nước công tác ở ngành than. Quân không liên hệ với ai là bạn cũ Quế Lâm. Học hành bên ấy lâu nên tiếng Trung Quốc rất giỏi. Đi công tác sang Trung Quốc “như đi chợ”. Có vợ và 2 con. Hạnh phúc. Một cái kết có hậu.


2 nhận xét:

  1. Chuyện bạn Thế Long kể dài và tình tiết rất li kì. Phải khẳng định là bạn có chí nhớ tốt thật. Bạn xa gia đình sớm nhưng được ở tập thể lâu hơn chúng toou!

    Trả lờiXóa
  2. Cụ có thể sưả giùm 1 chi tiết: Anh Nguyễn chí Thanh( đúng cách hồi đó chúng ta gọi và cụ NCT tự xưng với chúng ta)là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị chứ không phải tổng cục trưởng.

    Trả lờiXóa